Quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ: Khu vực Mekong xứng đáng có được những đối tác tốt
Tuyên bố báo chí
Michael R. Pompeo, Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Ngày 14 tháng 9 năm 2020
Sự khởi động của Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ đã phản ánh tầm quan trọng của khu vực Mekong đối với Hoa Kỳ. Mối quan hệ của chúng tôi với các nước đối tác khu vực Mekong là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như quan hệ đối tác chiến lược của chúng tôi với ASEAN. Với khoản đầu tư ban đầu hơn 150 triệu USD vào các chương trình tại khu vực Mekong, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những hoạt động tích cực trong Sáng kiến Hạ nguồn Sông Mekong, cũng như từ khoản hỗ trợ 3,5 tỷ USD của Hoa Kỳ cho khu vực này trong 11 năm qua.
Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ cam kết vì sự tự chủ, độc lập kinh tế, quản trị tốt và tăng trưởng bền vững của các nước đối tác Mekong. Hoa Kỳ đã dành hơn 52 triệu USD để hỗ trợ công tác phòng chống COVID-19 trong khu vực, tiếp tục phát huy hơn hai mươi năm quan hệ hợp tác Mekong-Hoa Kỳ trong ứng phó với bệnh truyền nhiễm. Về lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, chúng tôi đã hỗ trợ hơn 1 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước ASEAN thông qua Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), và dự kiến đầu tư thêm hàng tỷ USD trong những năm tới.
Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục tăng cường an ninh nguồn nước và công tác của Ủy hội Sông Mekong, bao gồm khoản đầu tư mới dự kiến trị giá 55 triệu USD nhằm hỗ trợ các đối tác Mekong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm buôn bán ma túy và buôn bán người, vũ khí và động thực vật hoang dã. Quan hệ đối tác cũng tăng cường hỗ trợ an ninh năng lượng và phát triển ngành điện lực thông qua sáng kiến Asia EDGE (Tăng cường Phát triển và Tăng trưởng), Đối tác Năng lượng Mekong giữa Nhật Bản – Hoa Kỳ (JUMMP) và Đối tác Năng lượng Chiến lược giữa Nhật Bản – Hoa Kỳ (JUSEP). Với mọi nỗ lực của mình, Hoa Kỳ mong muốn hợp tác chặt chẽ với các đối tác như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ, cũng như những người bạn thân thiết khác ở khu vực Mekong.
Tuy vậy, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, bao gồm những thách thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ngày càng đe dọa môi trường tự nhiên và sự tự chủ kinh tế của khu vực Mekong.
Các quyết định đơn phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc giữ nước ở thượng nguồn đã làm trầm trọng thêm đợt hạn hán lịch sử. Hoa Kỳ sẽ sát cánh với khu vực và Ủy hội Sông Mekong trong việc kêu gọi chia sẻ dữ liệu một cách minh bạch. Chúng tôi khuyến khích các quốc gia trong khu vực Mekong yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc có trách nhiệm cam kết chia sẻ dữ liệu nước của mình. Dữ liệu phải luôn được công khai. Dữ liệu phải được công bố trong suốt năm và bao gồm các dữ liệu về nước và liên quan tới nước, cũng như sử dụng đất, xây dựng và vận hành các đập. Dữ liệu nên được chia sẻ thông qua Ủy hội Sông Mekong, tổ chức phục vụ lợi ích của các quốc gia khu vực Mekong thay vì của Bắc Kinh.
Chúng tôi cũng lo ngại về các khoản nợ liên quan đến cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh doanh mang tính chất lợi dụng và mờ ám của các doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh, như Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc. Chúng tôi cũng lo ngại về sự bùng nổ của nạn buôn bán người, ma túy và động thực vật hoang dã, phần lớn xuất phát từ các tổ chức, công ty và đặc khu kinh tế có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các quốc gia khu vực Mekong đã trải qua một cuộc hành trình đáng kinh ngạc trong vài thập kỷ qua, và họ xứng đáng có được những đối tác tốt. Thông qua Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ, chúng tôi mong muốn quan hệ hợp tác sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới để đảm bảo một khu vực Mekong hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì nó là một tác phẩm của chính quyền liên bang Hoa Kỳ (xem 17 U.S.C. 105).