Bước tới nội dung

Quyết định hành chính: Tinh giản quy trình xuất/nhập khẩu đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quyết định hành chính: Tinh giản quy trình xuất/nhập khẩu đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ  (2014) 
của Barack Obama, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Quyết định hành chính số 13659 ngày 19 tháng 2 năm 2014.

QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Tinh giản quy trình xuất/nhập khẩu đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ

Với thẩm quyền tôi được trao trên cương vị Tổng thống theo Hiến pháp và pháp luật của Hoa Kỳ, và nhằm giảm các rào cản về chuỗi cung đối với thương mại song vẫn bảo vệ an ninh Quốc gia, sức khỏe và an toàn công cộng, môi trường và tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, tôi ban hành quyết định như sau:

Điều 1. Chính sách.

Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là Quốc gia có hoạt động thương mại lớn nhất. Thương mại rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của Quốc gia - thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ các công việc tốt trong nước, nâng cao đời sống, và giúp người Mỹ mang lại cho gia đình của họ hàng hóa và dịch vụ giá cả phải chăng. Chính sách của Hoa Kỳ là thúc đẩy thương mại thông qua thực hiện hiệu quả một chương trình nghị sự thương mại thế kỷ 21 đầy tham vọng và thực thi mạnh mẽ các luật của Quốc gia chúng ta liên quan đến thương mại, an ninh, sức khỏe và an toàn công cộng, môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Để hỗ trợ các mục tiêu này, và để đảm bảo rằng Quốc gia chúng ta có vị thế tốt để cạnh tranh trong một nền kinh tế thế giới cởi mở, công bằng và phát triển, Chính phủ Liên bang phải tăng cường nỗ lực để cải thiện công nghệ, chính sách và các biện pháp kiểm soát khác chế tài việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới Quốc gia chúng ta.

Đặc biệt, chúng ta phải tăng cường nỗ lực để hoàn thành việc lập ra cơ sở hạ tầng xử lý thương mại có hiệu suất và hiệu quả về chi phí, như Hệ thống Dữ liệu Thương mại Quốc tế (ITDS), hiện đại hóa và đơn giản hóa cách thức các bộ và cơ quan ngang bộ (gọi chung là cơ quan nhà nước) tương tác với các thương nhân. Chúng ta cũng phải cải thiện môi trường thương mại rộng lớn hơn thông qua việc xây dựng các chính sách và các quy trình điều hành có tính đổi mới nhằm thúc đẩy áp dụng có hiệu quả các biện pháp kiểm soát theo luật, các biện pháp dàn xếp có tính hợp tác với các bên liên quan, và giảm các yêu cầu thủ tục vừa không cần thiết vừa tăng chi phí cho cả phía cơ quan nhà nước lẫn phía ngành nghề kinh doanh đồng thời làm suy yếu khả năng cạnh tranh kinh tế của Quốc gia chúng ta. Với việc thể hiện cam kết của chúng ta đối với sử dụng công nghệ, phối hợp các quy trình của chính phủ, thực hiện các cam kết với quốc tế, và theo đuổi cách tiếp cận sáng tạo để thúc đẩy cơ hội mới cho xúc tiến thương mại trong thế kỷ 21, chúng ta có thể làm gương và liên kết với các nước khác sẵn sàng chấp nhận các chương trình tương tự. Điều này sẽ khuyến khích tuân thủ pháp luật, và trên bình diện rộng hơn, sẽ mang lại một môi trường kinh doanh thịnh vượng hơn, an toàn hơn, an ninh và bền vững hơn cho tất cả các nước.

Điều 2. Phối hợp chính sách.

Việc phối hợp chính sách, hướng dẫn, giải quyết tranh chấp, và đánh giá định kỳ đối với các chức năng và các chương trình được nêu trong Quyết định này sẽ được xác định rõ thông qua quy trình liên ngành nêu trong Chỉ thị Chính sách của Tổng thống số 1 ngày 13 tháng 2 năm 2009 (Tổ chức của Hệ thống Hội đồng An ninh Quốc gia), hoặc bất kỳ văn bản kế tiếp nào.

Điều 3. Hệ thống Dữ liệu Thương mại Quốc tế - ITDS.

ITDS, như được mô tả trong phần 405 của Đạo luật năm 2006 về An ninh và Trách nhiệm Giải trình đối với Tất cả các Cảng ("Đạo luật Cảng AN TOÀN") (Công Luật 109-347), là một năng lực về trao đổi thông tin điện tử, hoặc còn gọi là "một cửa", thông qua đó các doanh nghiệp sẽ truyền dữ liệu theo yêu cầu của cơ quan liên quan về việc nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa. Nhằm tăng cường sự phối hợp liên bang liên quan đến việc phát triển ITDS và mang lại sự minh bạch cần thiết cho các doanh nghiệp, cơ quan, và người sử dụng tiềm năng khác:

(a) Đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, các cơ quan liên quan sẽ phải đạt được các năng lực, thỏa thuận, và các yêu cầu khác để sẵn sàng sử dụng ITDS và các hệ thống hỗ trợ, như Môi trường Thương mại Tự động, là phương tiện chính để nhận từ người sử dụng bộ dữ liệu chuẩn và các tài liệu khác có liên quan (không bao gồm các đơn xin cấp phép, giấy phép, hoặc giấy chứng nhận) cần thiết cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu;
(b) Đến ngày 31 tháng 12 năm 2016, Bộ An ninh Nội địa sẽ xác nhận với Bộ trưởng Tài chính và Ban Giám đốc ITDS (gọi tắt là Ban), có chức năng là Ban Chỉ đạo Liên ngành được thành lập theo Điều 405 của Đạo Luật cảng AN TOÀN, rằng ITDS hoạt động hoàn chỉnh và cho phép người dùng:
(i)    truyền một bộ dữ liệu nhập khẩu và xuất khẩu phù hợp, sẽ được thu nhận, lưu trữ và chia sẻ, thông qua một cửa an toàn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ về thông quan hàng hóa; và
(ii)    chuyển đổi từ các yêu cầu và thủ tục trên giấy sang việc nộp hồ sơ tới và liên lạc với các cơ quan qua đường điện tử nhanh hơn và hiệu quả hơn về mặt chi phí;
(c) Ban sẽ, thông qua tham vấn với các cơ quan tham gia ITDS, nêu ra định nghĩa về bộ dữ liệu chuẩn cần được thu thập, lưu trữ, và chia sẻ trong ITDS và sẽ kiểm điểm định kỳ các yếu tố dữ liệu để cập nhật bộ dữ liệu chuẩn, khi cần thiết;
(d) Ban sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ trưởng Tài chính trong việc giám sát việc thực hiện và tham gia vào ITDS, bao gồm cả việc thiết lập các năng lực và yêu cầu của ITDS gắn với việc thu nhận từ người sử dụng và gửi đến cơ quan liên quan các dữ liệu điện tử chuẩn về nhập khẩu và xuất khẩu, và
(e) Ban sẽ công bố thời gian biểu phác thảo việc phát triển và thiết lập các năng lực bảo đảm của ITDS, cũng như kế hoạch và tiến độ thực hiện của các cơ quan. Các cơ quan có trách nhiệm thực hiện các bước cần thiết để đáp ứng theo thời gian biểu, trong đó có việc hoàn thành kịp thời tất cả các thỏa thuận thích hợp, bao gồm các bản ghi nhớ, và các tài liệu cần thiết khác theo đó thiết lập các thủ tục và hướng dẫn về việc trao đổi an toàn và bảo vệ dữ liệu giữa các cơ quan, và tuỳ trường hợp, với các đơn vị khác của Chính phủ Liên bang.
Điều 4. Thành lập Hội đồng Liên ngành của Hành pháp về Biên giới.
(a) Thành lập Hội đồng Liên ngành của Hành pháp về Biên giới (BIEC), một nhóm công tác liên ngành được chủ trì bởi Bộ trưởng An ninh Nội địa hoặc một quan chức cao cấp được chỉ định của Bộ. BIEC cũng sẽ có một Phó Chủ tịch, được chọn 2 năm một lần trong số các thành viên của BIEC thông qua một quy trình do các thành viên xác định. BIEC sẽ xây dựng các chính sách và các quy trình để tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hải quan, an ninh vận tải, y tế và an toàn, vệ sinh, bảo tồn, thương mại, và kiểm dịch thực vật với các cơ quan quản lý biên giới; và các trách nhiệm nhằm cải thiện cụ thể quy trình chuỗi cung ứng và cải thiện việc xác định các lô hàng bất hợp pháp.
(b) Bộ An ninh Nội địa sẽ cung cấp ngân sách và hỗ trợ hành chính cho BIEC, trong phạm vi pháp luật cho phép.
(c) Ngoài Chủ tịch và Phó Chủ tịch, BIEC bao gồm các đại diện cao cấp được chỉ định từ các cơ quan cấp phép trước khi hàng có thể được nhập khẩu và xuất khẩu, trong đó có Bộ Ngoại giao, Tài chính, Quốc phòng, Nội chính, Nông nghiệp, Thương mại, Y tế và Phúc lợi Con người, Giao thông Vận tải, và An ninh Nội địa, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và các cơ quan khác có lợi ích và thẩm quyền quản lý biên giới, theo quyết định của Chủ tịch và Phó Chủ tịch. BIEC cũng bao gồm các đại diện phù hợp thuộc Văn phòng Điều hành của Tổng thống.
Điều 5. Chức năng của BIEC.

BIEC có trách nhiệm:

(a) xây dựng các nguyên tắc và phương pháp quản lý rủi ro thông thường để áp dụng vào hoạt động của các cơ quan liên quan đến việc xem xét và thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và khuyến khích tuân thủ pháp luật liên quan;
(b) xây dựng các chính sách và các quy trình để phối hợp, cải thiện và tăng tốc việc các cơ quan xem xét dữ liệu thương mại điện tử truyền qua các hệ thống thích hợp và cung cấp sự phản hồi có phối hợp và tinh giản tới người sử dụng nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và hỗ trợ cũng như thúc đẩy việc tuân thủ các luật và điều ước quốc tế, bao gồm (có phối hợp với, và như là các khuyến nghị tới, Ban) các chính sách và các quy trình được thiết kế để hỗ trợ Bộ trưởng Tài chính, tuỳ trường hợp, với các hoạt động liên quan đến ITDS;
(c) xác định các cơ hội để tinh giản các hệ thống Chính phủ Liên bang và giảm chi phí thông qua loại bỏ các năng lực dư thừa hoặc thông qua tăng cường tận dụng các năng lực Môi trường Thương mại Tự động như một phương tiện cải thiện các quy trình quản lý chuỗi cung ứng;
(d) đánh giá, thông qua phối hợp với Ban, nhu cầu kinh doanh, tính khả thi và lợi ích tiềm tàng của việc phát triển hoặc khuyến khích việc khu vực tư nhân phát triển các giao diện dựa trên web áp dụng cho các hệ thống dữ liệu điện tử, bao gồm cả ITDS, dành cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ;
(e) làm việc chặt chẽ với và xem xét các lời khuyên của các ngành nghề và các bên liên quan khác về các cơ hội để cải thiện các quy trình quản lý chuỗi cung ứng, với mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh kinh tế thông qua tăng cường tạo thuận lợi cho thương mại và thực thi;
(f) khuyến khích các nước khác phát triển hệ thống một cửa tương tự để tạo thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu có liên quan, tuỳ trường hợp, trên các hệ thống của chính phủ và với các đối tác kinh doanh; và
(g) đánh giá, thông qua tham vấn với Bộ Tài chính, các cơ hội để tạo thuận lợi cho thanh toán điện tử các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp khi nhập khẩu. Chính phủ Liên bang ủng hộ việc thanh toán điện tử các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp khi nhập khẩu, và hiện đang cho phép thanh toán điện tử qua các hệ thống khác nhau.
Điều 6. Rà soát các quy định.

Để hỗ trợ việc Chính phủ Liên bang nhanh chóng thiết lập ITDS là hệ thống dựa vào việc thu nhận, trao đổi và xử lý dữ liệu điện tử ở quy mô lớn nhất có thể, mọi cơ quan sử dụng ITDS có trách nhiệm:

(a) trong khuôn khổ báo cáo đánh giá hồi cứu phải gửi tới Văn phòng Thông tin và Quy định Pháp lý (OIRA) muộn nhất vào ngày 14 Tháng 7 năm 2014, theo Quyết định Hành chính 13610 ngày 10 tháng 5 năm 2012 (về Xác định và Giảm Gánh nặng từ Các Quy định Pháp lý), trừ khi có chỉ thị khác từ OIRA, phải xác định liệu có bất kỳ quy định nào cần được sửa đổi để đạt được các yêu cầu đặt ra trong Quyết định này không, và
(b) nhanh chóng tiến hành các bước theo quy trình làm luật để thực hiện việc sửa đổi cần thiết đối với quy định được xác định, tuân thủ khoản (a) của điều này.
Điều 7. Báo cáo.
(a) Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định này, các cơ quan có lợi ích hoặc thẩm quyền quản lý biên giới có trách nhiệm báo cáo Ban về việc họ dự kiến sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để phân loại và nhận biết sản phẩm.
(b) Đến ngày 1 tháng 7 năm 2014, và hàng năm sau đó cho đến tháng 7 năm 2016, BIEC, có tham vấn với Ban, phải nộp lên Tổng thống, thông qua Phụ tá Tổng thống về An ninh Nội địa và Chống Khủng bố, một báo cáo về việc thực hiện Điều 5 của Quyết định này.
Điều 8. Điều khoản chung.
(a) Không được suy diễn từ ngữ nào trong Quyết định nhằm làm suy giảm hoặc ảnh hưởng đến:
(i)    thẩm quyền do pháp luật trao cho một bộ, cơ quan, hoặc người đứng đầu của chúng; hoặc
(ii)    các chức năng của Giám đốc Văn phòng Quản trị và Ngân sách liên quan đến các đề nghị ngân sách, hành chính, hoặc lập pháp.
(b) Quyết định này sẽ được thực thi phù hợp với luật pháp, và tùy thuộc vào sự phân bổ ngân sách.
(c) Quyết định này không có ý định, và không tạo ra bất kỳ quyền hoặc lợi ích nào, có tính thực chất hay mang tính thủ tục, có thể thực thi theo pháp luật hoặc bằng vốn chủ sở hữu bởi bất kỳ bên nào chống lại Hoa Kỳ, các bộ, cơ quan, hoặc các đơn vị, cán bộ, nhân viên, hoặc các đặc vụ, hoặc bất kỳ người nào khác.
(d) các cơ quan độc lập được khuyến khích tuân thủ các yêu cầu của Quyết định này.

Chữ ký của Barack Obama

BARACK OBAMA

NHÀ TRẮNG

19/2/2014


 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: