Sự hiểu lầm của người mình về hội chợ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sự hiểu lầm của người mình về hội chợ  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 16 (31. 12. 1933), trang 1.

Hội chợ, người phương Tây bày ra, có ý coi nó như cuộc đấu xảo, cốt trọng tại sự phô bày thức hàng ra cho nhiều người biết mà không cốt tại sự bán hàng cho chạy.

Hội chợ tức là một cách để cho các nhà công thương làm quảng cáo, chứ không phải là cái “chợ” để mua bán thật.

Quảng cáo trên các báo, trên các tấm bảng cắm dọc đường, chỉ để làm cho người ta biết mình có thức hàng ấy thôi, chứ không thấy mà biết là tốt hay xấu, khéo hay vụng được. Bởi vậy mới bày ra hội chợ, người có hàng nhân dịp ấy đem chưng ra, người đi xem tiện lắm mà  nhận rõ cái tính chất và cái giá trị của thức hàng.

Huống nữa, các vật sản nông công trong các miền nhà quê, hầu hết chưa hề làm quảng cáo, thiên hạ thường không biết đến mà mua. Hội chợ thật là một dịp tốt cho những vật sản ấy phơi mình ra cho công chúng biết.

Nhiều khi một thức vật sản từ trước không ai coi ra chi, mà sau khi đem bày ở hội chợ rồi nó thành ra một món hàng đại tôn cho sự buôn bán. Ấy là như khô dầu (đàng trong gọi là bánh dầu), vỏ dừa, vật sản ở Bình Định, hồi người ta mới biết nó lần đầu.

Cái bản ý của hội chợ là như thế, nó ở bên Tây là như thế. Đến khi nó sang xứ ta, nó còn lạ mày lạ mặt với người mình, người mình hiểu sai cái bản ý ấy đi.

Sự hiểu sai ấy coi trong hội chợ nào cũng thấy, mà nhất là Hội chợ Nam Định vừa rồi, vì nó là hội chợ thuộc về một miền (foire régionale), duy có người Nam chúng ta với nhau mà thôi, cho nên biểu lộ ra rặt là cái tâm lý An Nam!

Phần nhiều người có bày hàng ở Hội chợ Nam Định chỉ chăm một sự bán cho chạy hàng trong mấy hôm ấy. Xem họ nói với nhau thì biết: “Cửa hàng bác thu nhập có khá không? ‒ Năm nay ế lắm!”

Do cái tâm lý định phát tài trong dịp hội chợ, nên họ đã khuân rất nhiều hàng đến đó, cốt để bán chứ không cốt để bày; sau vì hàng ế, tiền thu vào không đủ tổn phí chuyên chở rồi họ mới than van.

Lại cũng vì cớ ấy mà họ phải bán cao giá lên hòng để bù lại sự lỗ lãi. Người ta nói nhiều thức hàng, giá mua ở Hà Nội chừng một đồng bạc, mà ở đó họ nêu giá những một đồng rưỡi, hai đồng. Như thế còn ma nào mua cho họ!

Cái sự không mua ấy không hại cho họ mấy nỗi, mà hại nhất là cái ảnh hưởng xấu họ sẽ chịu về sau. Vả chăng, cái mục đích mình đem hàng bày ở hội chợ là để rao ra hàng mình tốt mà rẻ, nay lại thừa cơ bán đắt, bán gấp giá lên, người mua thấy thế thì thôi, sau còn ai hỏi đến hàng mình?

Té ra hội chợ là dịp cho nhà buôn làm quảng cáo, để được đắt hàng, mà nay thành ra, trái lại, làm một cớ cho cửa hàng về sau vắng khách!

Nhà buôn có ai dại gì mà định làm như thế? Có điều tại hiểu sai cái bản ý hội chợ đi, thành thử ý muốn đi một đường mà hiệu quả đi một đường.

Bây giờ cần nhất là phải hiểu cho đúng cái bản ý của hội chợ là để bày hàng chớ không phải là để bán cho chạy mà phát tài ngay trong mấy ngày đó. Vậy thì nhà buôn nào dự vào hội chợ, cốt làm thế nào cho hàng mình được nhiều người biết; nhất là sự bán trong hội chợ là bán làm quảng cáo, phải bán rẻ được chừng nào hay chừng nấy, không nên bán bội giá lên mà sẽ chịu cái ảnh hưởng xấu về sau.

Cho nên, bất kỳ làm một việc mới gì cũng phải có cái óc mới mới được. Đem cái tư tưởng cũ mà làm công việc mới, thật là một sự rất nguy hiểm!

P. K.