Sự lộn xộn trong trường tuyển bổ quan lại hành chánh Trung Bắc Kỳ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sự lộn xộn trong trường tuyển bổ quan lại hành chánh Trung Bắc Kỳ  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông tây, Hà Nội, số 156 (19. 3. 1932)

Theo chế độ của triều đình hồi trước, sự tuyển bổ quan lại hành chánh do hai đường: một là do khoa cử xuất thân; một là do lại điển xuất thân. Mà phần đông quan lại hành chánh trong một nước đều là do khoa cử xuất thân hết, cho nên cái đường ấy gọi là "chánh đồ". Còn những người xuất thân từ lại điển mà rồi đến sau cũng làm nên quan lớn là có ít, đường ấy gọi là "tạp lưu".

Bây giờ nhiều người lầm, tưởng rằng thuở xưa hễ đậu cử nhân, phó bảng, tiến sĩ rồi thì ra làm phủ huyện ngay. Không phải. Theo lệ, những người ấy phải có học tập chánh sự trước, hoặc làm hậu bổ ở các tỉnh, hoặc làm hành tẩu, thừa phái ở các bộ đôi ba năm, rồi mới được ra làm phủ huyện.

Duy có ai xuất thân từ lại điển thì khác. Những người này họ thạo việc quan từ lâu rồi, đến khi họ được từ ngạch "lại" mà đổi sang ngạch "quan", thì cứ việc tuần tự thuyên chuyển, chứ không phải học tập gì nữa. Như thế là phải có tài năng xuất sắc và công trạng rõ ràng thì mới được, cho nên hạng ấy vẫn ít có. Người ta đã thấy từ hồi Tự Đức về trước, bao nhiêu ông danh thần hầu hết là xuất thân khoa bảng, còn lại điển thì chỉ có một mình ông Nguyễn Tri Phương.

Thế nào thì thế, chứ tôi cũng phải phục cái cách tuyển bổ quan lại hành chánh như đời bấy giờ là đúng đắn lắm. Vì làm như vậy, thì cái giá quan lại được cao quý lên; đối với dân chúng, trong quan trường có một cái uy thế (prestige) chánh đáng.

Chẳng những quan lại xuất thân lấy chánh đồ làm trọng, mà khi trao phẩm hàm chức tước cho quan lại, triều đình cũng dè dặt từng tí, như là bủn xỉn đối với họ nữa. Cử nhân thì sơ thụ hàm điển tịch (8 - 1), phó bảng thì kiểm thảo (7 - 2), tiến sĩ thì biên tu (6 - 1)[1], mà dầu cho đậu đại khoa đến bậc bảng nhãn, thám hoa đi nữa, cũng chẳng hề sơ thụ cho cái hàm đường quan (tứ phẩm trở lên) bao giờ. Trong sự ngó như bủn xỉn ấy có ý nghĩa lắm đó.

Làm vậy thì cái phẩm hàm chức tước của triều đình mới thành ra của quý khó được; hễ ai đã được thì phải là người xứng đáng. Như vậy rồi đối với dân chúng, các quan mới có giá trị và uy thế mà để làm việc cai trị.

Vả lại, nói về sĩ phong trong nước, thì cũng nhờ đó mà được thuần mỹ thêm ra. Hễ phẩm hàm chức tước đã là của quý khó được, thì kẻ học muốn được nó, phải lo trau dồi tài năng đức hạnh cho xứng đáng để mà được, chứ không mống ra những cái vọng tưởng chạy chọt để dựt lấy cái bài ngà. Chẳng những vậy thôi, cái sĩ đồ đã thanh bạch tôn nghiêm như thế, thì những kẻ tài xuất chúng cũng lấy làm vui lòng đi theo con đường đó; bằng không thì bọn này họ thấy mà sinh chán sinh giận, họ phủi áo đứng dậy đi ra ngoài vòng, rồi nhiều khi họ khuấy rối cuộc trị an mà chơi cũng nên. Coi như hồi đó mà còn có ông Cao Bá Quát dám làm giặc thì đủ biết.

Từ hồi bỏ khoa cử đến giờ, cái đường tuyển bổ quan lại hành chánh phải kể như là mất đi. Chánh phủ mới đặt ra những trường hậu bổ, trường sĩ hoạn, có ý để thay con đường khoa cử xuất thân khi trước; nhưng những cái đó, theo nghiêm cách mà nói, nó là đồ tạm thời, chứ không phải cái chế độ trường cửu. Thế thì chẳng có cái gì là chế độ trường cửu hay sao? Có: trường Cao đẳng Pháp chánh ở Hà Nội.

Trường Pháp chánh ấy lập ra hơn 10 năm nay, mà soát lại thử cái thành tích của nó là thế nào, đổ sổ mà tính thử nhân tài đã ra từ đó là những ai, chỗ đó, tôi tưởng rằng: chưa có mấy ai!

Cái chánh đồ của quan lại ngày xưa đã bỏ đi; những cái chế độ mới, cái tạm thời thì không kể vào đâu; cái trường cửu thì cũng chưa có gì là kết quả tốt, vậy mà trong đường tuyển bổ mới sinh ra lắm sự hãnh cầu.

Trước đây thấy báo đăng tờ thông tư của quan Khâm sứ Trung kỳ như vầy:

"Mới rồi Bản chức đã nghiệm rằng những người Tham tá (Commis) mà xin bổ sang ngạch quan lại bên Nam triều, phần nhiều còn trẻ và những sự học thức về phương diện hành chánh, thường thấy còn khuyết điểm nhiều. Vậy từ nay đến ngày trường sĩ hoạn thành lập, hễ người Tham tá nào muốn đổi sang ngạch quan lại Nam triều thì phải thụ hàm chánh tứ (4 - 1) trong một thời hạn ít là ba năm (theo nghị định ngày 28 Mars 1929), và lại còn phải hạch khảo lược có trúng tuyển mới được..." (Đoạn sau lược bớt)[2]

Đại để chừng 20 năm nay, cái đường chánh, do đó mà đi tới quan, thì bị lấp rồi; nhưng người ta trổ ra không biết bao nhiêu đường tắt khác. Chúng tôi thấy những kẻ được "đối hàm" cũng được bổ quan; những kẻ nguyên có những cái hàm quyên, những cái hàm thưởng cũng được bổ quan. Thơ lại, nhà tơ, thông ngôn, ký lục cũng được ra làm phủ, huyện, rồi cũng trèo lên tới bố án nữa. Đó chẳng qua cái chánh sách vừa tạm, vừa bất đắc dĩ trong khi quá độ.

Nay quan Khâm thấy trong bọn Tham tá còn có khuyết điểm về học thức nhiều. Bẩm phải! Mà chẳng những trong hàng Tham tá mới có khuyết điểm mà thôi đâu, quan lớn!

Quan Khâm bảo phải theo nghị định 8 Mars 1929, tham tá được thụ hàm chánh tứ và học tập chánh sự ba năm. Ấy là ngài lập ra một sự hạn chế để trừ tệ đó. Song theo chúng tôi thì sự thụ hàm chánh tứ ấy cũng còn là quá lạm nữa. Tôi chẳng hiểu cái ông "Commis", có tài tướng gì mà vượt một lượt lên đến đường quan? Tôi chẳng dám dựa vào đâu mà nói được rằng ông "Commis" ngày nay, cái tri thức tài năng về chánh trị của ông là hơn ông cử nhân ngày trước, chứ đừng nói đến tiến sĩ phó bảng nữa! Vậy thì lấy cái gì mà thụ hàm cho ông đến tứ phẩm?

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Đây là theo quan chế cũ (nguyên chú của P.K.).
  2. Đây là ghi chú của Tòa soạn Đông tây.