Tôn Tử binh pháp/I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

I

Thiên kế

Tào Công rằng: Kế là kén tướng, lượng giặc, áng đất, liệu quân, xa gần hiểm dễ, phải tính ở chỗ miếu-đường vậy.

Đỗ Mục rằng: kế là tính toán. Tính toán cái gì? Tức là năm việc: Đạo, Trời, Đất, Tướng, Pháp ở dưới này vậy. Trên chỗ miếu đường, trước hết đem 5 việc của người và mình mà tính toán hơn kém rồi sau mới định được thắng phụ, thắng phụ đã định rồi sau mới dấy quân, động binh. Cái đạo dùng binh không gì trước được 5 việc cho nên đặt ở thiên đầu.

Vương Tích rằng: Kế nghĩa là tính về chủ tướng, giời đất, pháp lệnh, binh chúng, sĩ tốt, thưởng phạt.

Trương Dự rằng: Quân tử nói kế trước định ở trong rồi sau quân mới ra khỏi cõi, cho nên đạo dùng binh lấy kế làm đầu. Có người nói việc quân cốt ở ra chỗ trận địch rồi tùy nghi mà định liệu, Tào Công lại bảo là tính kế ở chỗ miếu đường là cớ làm sao? nói rằng tướng hiền hay ngay, địch mạnh hay yếu, đất xa hay gần, binh nhiều hay ít thế nào lại chẳng phải tính trước? Đến lúc hai quân gặp nhau, biến động cùng ứng thì ở như viên tướng phải biết định liệu chứ không có thể tính trước được.


Tôn-Tử nói: Binh là việc lớn của nước

Đỗ Mục rằng: Truyện nói: Việc lớn của nước ở tế tự và binh nhung.

Trương Dự nói: Nước yên hay nguy là ở binh cho nên giảng võ luyện binh, thực là việc trước hết.


Cái đất chết sống, cái đạo mất còn, không nên không xét tỏ.

Lý Thuyên rằng: Binh là hung-khí, chết sống mất còn là hệ ở đó, vì thế phải coi trọng, kẻo sợ người ta làm nó một cách khinh thường.

Đỗ Mục rằng: Nước còn hay mất, người chết hay sống, đều bởi ở việc mà ra, cho nên phải tỏ xét.

Giả Lâm nói: Đất cũng như chỗ, tức chỏ vào cái trận địa bầy quân dàn lính, được chỗ lợi thì sống, mất chỗ tiện thì chết, cho nên nói là cái đất chết sống. Đạo là cái đạo liệu cơ thủ thắng, được nó thì còn, mất nó thì mất, cho nên không thể không xét rõ. Kinh thư nói rằng: Có cái đạo còn, giữ cho vững chắc, có cái đạo mất, đẩy cho đổ nhào.

Mai thánh Du rằng: Đất có cái thế sống chết, chiến có cái đạo mất còn. Trương Dụ rằng: Sự chết sống của dân điềm ra ở đây thì sự mất còn của nước trông thấy ở kia. Nhưng chết sống gọi là đất, mất còn gọi là đạo, bởi chết sống do ở cái đất được hay thua, mà mất còn hệ ở cái đạo được hay hỏng, như thế há có thể không thận trọng mà xem xét ư?


Cho nên phải so tính năm việc để tìm lấy cái tình.

Tào Công rằng: Năm việc là năm việc ở dưới đây. Cái tình hình của người và của ta.

Lý Thuyên rằng: tức bảo năm việc dưới đây. So tính xa gần để tìm biết tình hình mà ứng phó với quân địch.

Giả Lâm rằng: So lường kế mưu của người và ta tìm xét tình thực của hai quân, như vậy thì hơn kém khá biết, được thua dễ thấy.


Một rằng đạo

Đỗ Hựu rằng: Đạo là trỏ vào cái đức hóa.

Trương Dự rằng: Đạo là cái ân tín để sai khiến dân.


Hai rằng giời

Đỗ Hựu rằng: Giời là trỏ vào sự che chở.

Trương Dự rằng: Giời là nói trên thuận thời giời.


Ba rằng đất

Đỗ Hựu rằng: Đất là trỏ vào sự từ ái.

Trương Dự rằng: Đất là nói dưới biết lợi đất.


Bốn rằng tướng

Đỗ Hựu rằng: Tướng là trỏ vào sự kinh lược.

Trương Dự rằng: Tướng là nói sự ủy nhiệm người hiền năng.


Năm rằng pháp

Đỗ Hựu rằng: Pháp là trỏ vào sự đặt để.

Đỗ Mục rằng: Ấy gọi là năm việc đó.

Vương Tích rằng: Ấy là năm việc phải so tính đó. Này cái đạo dùng binh, phải cốt nhân hòa làm gốc, thiên thời cùng địa lợi thì là phần giúp thêm. Ba điều ấy đã đủ rồi sau mới bàn việc cất binh. Binh cất tất phải tướng giỏi, tướng giỏi rồi pháp lệnh mới đâu ra đấy. Ấy Tôn Tử xếp đặt cái thứ tự trên này là ý thế đó.

Trương Dự rằng: Tiết chế nghiêm minh. Này tướng cùng pháp ở cuối năm điều, cớ vì phàm cất quân đi đánh kẻ có tội, trên chỗ miếu đường, trước phải xét ân tín hậu hay bạc, sau phải tính thiên thời thuận hay nghịch, thứ rồi xem địa hình hiểm hay dễ, ba điều ấy đã đủ rồi, sau mới sai tướng đi đánh, binh đã ra khỏi cõi thì pháp lệnh phải theo cả ở viên tướng, ấy cái thứ tự như vậy đó.


Đạo là khiến dân đồng ý với người trên.

Trương Dự rằng: lấy ân tín đạo nghĩa mà phủ trị quần chúng thì ba quân một lòng, vui vẻ theo sai dùng của người trên. Kinh Dịch nói: làm vui lòng người để xông vào sự khó, dân quên cả chết.


Cho nên có thể cùng họ chết, có thể cùng họ sống, mà dân không sợ nguy.

Tào Công rằng: tức bảo là lấy giáo lệnh mà dẫn đạo mọi người. Nguy nghĩa là nguy nghi.

Đỗ-Hựu rằng: tức bảo là lấy chính lệnh mà đưa dắt, lấy lễ giáo mà so tầy. Nguy tức là nghi, trên có điều nhân ban ra, dưới sẽ liều mạng mà không tiếc, cho nên có thể cùng ở với nhau trong lúc mất còn mà không sợ sự khuynh nguy, cũng như thành Tấn-dương bị vây, bếp chìm mà còn có cóc[1], người ta không ai có lòng phản bạn ngờ vực gì cả.

Đỗ-Mục rằng: đạo là trỏ vào nhân nghĩa. Lý-Tư hỏi Tuân-Khanh về việc binh, Khanh thưa rằng: kìa nhân nghĩa là để sửa-chuốt chính-trị, chính-trị sửa-chuốt, thì dân thân với người trên, vui với vua chúa, coi khinh sự chết. Tuân-Khanh lại giả nhời vua Hiếu-thành-vương nước Triệu trong mọt cuộc nói chuyện về việc binh rằng: trăm tướng một lòng, ba quân cùng sức Bề tôi đối với vua chúa, người dưới đối với người trên như con thờ cha, anh thờ em, như cánh tay chèo chống cho đầu mắt che chở cho ngực bụng, như thế mới có thể khiến họ cùng trên đồng lòng, chết sống cùng nhịp mà không sợ gì sự nguy nghi.

Giả-Lâm rằng: tướng biết lấy đạo làm lòng cùng vói người chung sự sướng khổ, thì lính tráng phục, tự nhiên đồng lòng với người trên. Khiến cho quân tính mến ta như cha mẹ, coi địch như cừu thù, phi có đạo không thể nào được. Hoàng-thạch-Công nói: phải đạo thì thịnh, lỗi đạo thì mất.


Giời là nói về thời tiết âm dương nóng lạnh.

Tào Công rằng: thuận theo giời làm việc đánh lội, phải nhân theo khí tiết, âm dương bốn mùa cho nên sách Tư-mã-pháp nói: mùa đông mùa hạ không dấy quân, là để tỏ sự thương dân vậy.

Đỗ Hựu rằng: Tức bảo là thuận giời làm việc đánh tội, nhân theo khí tiết cứng mềm của âm-dương bốn mùa. Cho nên sách Tư-mã-pháp nói: Mùa đông, mùa hạ không dấy quân, là để gồm yêu mọi người. Đến như mưa nhỏ gội quân, làm cơ tất có thắng, gió xoáy xô đụng, đường xa mà vô công, mây giống đàn dê, cái điềm tất chạy, khi như hươu sợ, cái thế tất thua, mây hơi ra khỏi lũy, màu đen màu đỏ chàm quân, đều là điềm thất bại, tựa khói mà không phải khói, đó là mây lành, tất thắng, tựa mù mà không phải mù, đó là khóc quân, tất bại. Mới biết sự chiêm nghiệm gió mây, có đã từ lâu.

Lý Thuyên rằng: Ứng giời thuận người, nhân thời chống giặc.


Đất là nói về xa gần, hiểm dễ, rộng hẹp, chết sống.

Tào Công rằng: nói lấy cái hình thế của chín chỗ đất khác nhau, nhân thời liệu định để thu lấy phần lợi. Lời bàn có ở trong thiên Cửu-địa.

Mai Nghiêu thần rằng: Đó là nói sự phải biết cái lợi hại của hình thế. Phàm dụng binh trước hết phải biết hình đất, biết xa gần thì có thể tính được cái kế đường cong đường thẳng, biết hiểm dễ thì có thể tính được cái lợi quân bộ quân kỵ, biết rộng hẹp thì có thể liệu được cái cách dùng ít dùng nhiều, biết chết sống thì có thể hiểu được cái thế nên đánh nên tản.


Tướng là nói về trí, tín, nhân, dũng, nghiêm.

Tào Công rằng: tướng nên có đủ năm đức ấy.

Đỗ Mục rằng: đạo của Tiên-vương lấy nhân làm đầu, bọn của nhà binh, dùng trí làm trước. Bởi trí thì hiểu cơ quyền, biết biến thông, tín thì không nghi ngờ về sự thưởng phạt, nhân thì yêu người mến vật, biết sự cần lao, dũng thì quyết thắng thừa thế không chịu lần lữa, nghiêm thì lấy uy hình mà làm cho ba quân nghiêm túc. Thân Bao-Tư nước Sở sang sứ nước Việt, vua Câu Tiễn nước Việt sắp sang đánh Ngô, nhân hỏi về chiến trận. Thân Bao-Tư thưa rằng: nay chiến trận lấy trí làm đầu, thứ đến nhân, thứ đến dũng. Không trí thì không mất hết được tình dân, không thể lưỡng tính được sự đông vắng ở trong thiên hạ, không nhân thì không thể cùng ba quân chịu chung cái nạn đói khát, vất vả, không dũng thì không thể đoán định được điều ngờ để nẩy ra kế lớn.

Giả Lâm rằng: chuyên dùng trí thì quay quắt, riêng thi nhân thì cố chấp, chỉ thủ tín thì ngu dại, cậy sức mạnh thì bạo hoạnh, lệnh quá nghiêm thì tàn nhẫn. Năm đức ấy gồm đủ mà đều biết đem dùng một cách thích đáng thì có thể làm tướng súy được.

Vương Tích nói: trí thì thấy trước khi việc chưa xẩy mà không hoặc, biết mưu toan mà thông quyền biến; tín thì hiệu lệnh đúng mực; nhân thì tử tế và yêu thương, thu được lòng người; dũng thì hăm hở vì nghĩa mà không sợ, biết quả đoán; nghiêm thì lấy uy nghiêm mà làm cho lòng người không dám trễ nải; năm điều ấy cùng bổ trợ lẫn cho nhau, không thể thiếu được điều nào cả. Cho nên Tào Công nói: làm tướng nên đủ năm đức ấy.


Pháp là nói về khúc chế, quan đạo, chủ dụng.

Tào-Công nói: khúc chế là những thể lệ về bộ khúc, cờ phướn, chiêng trống, quan là trăm quan, đạo là đường lương, chủ dụng là khoản phí dụng của những cánh quân chủ yếu.

Lý Thuyên nói: khúc là bộ khúc, chế là tiết độ, quan là tước thưởng, đạo là đường, chủ là coi giữ, dụng là đồ dùng của quân, đều là những phép thường trong một đạo quân, do viên tướng phải săn sóc đến.

Trương-Dự rằng: khúc là bộ khúc, chế là tiết chế, quan là nói sự chia ra những chức phó tướng, đạo là đường vận tải lương thực, chủ là người coi giữ những đồ dùng của quân, dụng là tính toán những vật phí dụng, sáu điều ấy là cốt yếu của việc dùng binh, cần phải xử trí cho phải phép.


Năm việc ấy chẳng ai là chẳng nghe, hễ biết thì thắng, chẳng biết thì chẳng thắng.

Tào-Công rằng: cùng nghe năm việc ấy, nhưng hễ biết cái lẽ biến của nó thì thắng.

Trương-Dự rằng: trở lên năm việc, người người cùng nghe, những hễ hiểu cho đến cùng cái lẽ biến của nó thì thắng, không thế thì bại.


Cho nên phải so lường để tính toán mà tìm lấy cái tình.

Tào-Công rằng: tìm lấy cái tình tức là cái tình hình được thua.

Vương-Tích rằng: phải biết cho hết. Nói tuy đã biết cả năm việc, nhưng phải đợi bảy điều tính toán dưới này mới hiểu hết được tình hình.

Trương Dự nói: Trên đã bầy năm việc, từ đây trở xuống mới so sánh sự hơn kém của người với mình, để dò tìm cái tình trạng thua được.


Rằng, chủ bên nào hay?

Đỗ Mục rằng: Nói chủ của bên ta và của bên địch ai biết xa kẻ nịnh, gần người hay, dùng người mà không ngờ.

Vương-Tích rằng: cũng như Hàn-Tín nói: Hạng-vương có cái khỏe của kẻ thất phu, có cái nhân của người đàn bà, danh tuy là bá chủ nhưng thực thì mất lòng thiên hạ.


Tướng bên nào giỏi?

Tào Công rằng: Trỏ vào đạo đức trí năng.

Đỗ Mục rằng: Tướng bên nào giỏi tức như trên nói trí, tín, nhân, dũng, nghiêm, chẳng hạn, như Hán Cao Tổ liệu chừng tướng Ngụy là Bá Trực không thể đương được với Hàn-Tín.


Giời đất bên nào được?

Tào Công, Lý Thuyên đều rằng: Giời đất là nói thiên thời và địa lợi.

Đỗ Hựu rằng: Xem chỗ hai quân chiếm cứ, biết bên nào được thiên thời địa lợi.


Pháp lệnh bên nào hành?

Tào Công rằng: Nói đặt ra pháp lệnh, không ai dám phạm, hễ phạm vào thì tất phải giết.

Mai Nghiêu Thần rằng: Lấy pháp để so bằng mọi người, lấy lệnh để duy nhất mọi người.

Trương Dự rằng: Ngụy Giáng giết Dương Can, Nhượng Thư chém Trang Giả, Lã Mông giết người làng, Ngọa Long chém Mã Tốc. Nay xem sự đặt ra không ai dám phạm, phạm vào thì tất giết, bên nào làm được đúng như thế.


Binh lính bên nào mạnh?

Đỗ Mục rằng: Trên dưới hòa đồng, hăng hái đánh trận là mạnh, lính nhiều xe lắm là mạnh.

Trương Dự rằng: Xe bền ngựa tốt, lính khỏe gươm sắc, nghe trống mà mừng, nghe chiêng mà giận, xem bên nào được như thế.


Tướng tá bên nào luyện?

Trương Dự rằng: Cái phép ly hợp tụ tán, cái lệnh ngồi đứng tiến lui, xem bên nào tập luyện thông thạo.


Thưởng phạt bên nào phân minh?

Đỗ Hữu rằng: Thưởng người thiện, phạt người ác, xem bên nào được phân minh. Cho nên Vương Tử nói: Thưởng vô độ thì phí mà không có ân gì, phạt vô độ thì giết cũng chẳng có uy gì.

Đỗ Mục rằng: Thưởng không quá, phạt không lạm.

Trương Dự rằng: Người nên thưởng thì tuy thù oán cũng ghi công, người nên phạt thì tuy cha con cũng bắt lỗi.


Ta do đó mà biết sự thua được.

Tào Công rằng: Đem bảy việc ấy ra so tính, sẽ biết được sự thua được.

Trương Dự rằng: Bảy việc đều hơn thì chưa đánh đã thắng trước, bảy việc đều kém thì chưa đánh đã bại trước, cho nên thắng bại có thể biết sẵn được.


Tính điều lợi để nói đã được nghe theo, bèn làm ra cái thế để giúp ở ngoài.

Tào-Công rằng: ngoài là nói ở bên ngoài phép thường.

Đỗ Mục rằng: tính toán lợi hại là căn bản của việc quân. Lợi hại đã được nghe dùng, rồi sau mới ở ngoài phép thường lại tìm binh thế để giúp đỡ vào việc.

Giả Lâm rằng: tính lợi, nghe mưu, đã biết được tình hình của giặc, ta bèn đặt ra cái thế kỳ quyệt để rung động bên ngoài, hoặc đánh bên cạnh, hoặc rón theo sau để giúp vào trận chính.

Trương Dự rằng: Tôn tử lại bảo: cái lợi mà tôi tính nếu đã nghe theo thì tôi lại sẽ làm thế quân để giúp việc ở ngoài, bởi phép thường việc binh thì có thể nói rõ với người, nhưng thế lợi việc binh thì phải tùy theo tình hình bên địch.


Thế là nhân lợi mà định ra cơ quyền.

Đỗ Mục rằng: từ đây mới nói về cái thế bên ngoài của phép thường. Cái thế không thể thấy trước được; hoặc nhân cái hại của bên địch mà thấy cái lợi của bên ta, hoặc nhân cái lợi của bên địch mà thấy cái hại của bên ta, rồi sau mới có thể định ra cơ quyền để thu lấy phần thắng.

Trương Dự rằng: cái gọi là thế là phải nhân sự lợi của việc mà định ra quyền mưu để thắng bên địch, cho nên không thể nói trước được. Từ đây trở xuống mới lược nói về quyền biến.


Binh là cái đạo dối trá.

Tào-Công rằng: việc binh không có cái hình nhất định, lấy sự dối trá làm đường đi.

Vương Tích rằng: dối trá là để cần thắng được quân địch, còn trị quân thì tất phải dữ điều tín.

Trương Dự rằng: dùng binh tuy gốc ở nhân nghĩa, nhưng muốn chiếm lấy phần thắng thì tất phải dối trá, cho nên kéo giong tung bụi là cái quyệt của Loan Chi, muôn nỏ đều bắn là cái mẹo của Tôn Tẫn, nghìn trâu đều chạy, Điền Đan dùng quyền, túi cát lấp dòng, Hoài âm dùng trá, đó đều là lấy đạo dối trá mà thu phần thắng lợi.


Cho nên giỏi mà tỏ ra không giỏi.

Trương Dự rằng: thực mạnh mà tỏ ra yếu, thực bạo mà tỏ ra nhát, như những việc Lý Mục đánh bại Hung-nô, Tôn Tẫn chém chết Bàng-Quyên.


Dùng mà tỏ ra không dùng.

Lý Thuyên rằng: nói mình thực dùng quân mà lại tỏ ra bên ngoài là yếu kém. Tướng Hán là Trần Hy làm phản, kết liên với quân Hung-nô, Cao tổ sai mười bọn sứ đi thăm, đều nói là nên đánh, sau lại sai Lưu Kính đi, Kính về nói rằng: Hung-nô không nên đánh. Vua hỏi duyên cớ, Kính nói phàm hai nước chống nhau, tất phô phang cái giỏi cái mạnh của mình, nay thần đi thăm, chỉ thấy những người gầy yếu, đó tất là họ giỏi mà tỏ ra không giỏi, thần cho là không nên đánh. Cao tổ tức giận nói: thằng giặc Tề chỉ lấy miệng lưỡi mà được làm quan, nay dám nói càn để làm nhụt chí quân ta. Bèn giam cùm Kính ở Quảng-võ rồi đem 30 vạn quân đến Bạch-đăng. Cao-tổ bị quân Hung-nô vây phải ăn đói trong 7 ngày. Đó là cái nghĩa quân đội tỏ sự yếu kém ra bên ngoài đó.

Đỗ Mục rằng: đó là sự dối trá tàng hình. Này cái hình của mình không nên để quân địch trông thấy. Quân địch thấy hình của mình tất có cái để ứng lại. Truyện nói rằng: chim cắt sắp đánh, tất giấu hình đi, như cái nghĩa Hung-nô phô quân gầy yếu với sứ giả nhà Hán đó.


Gần mà tỏ ra xa, xa mà tỏ ra gần.

Lý Thuyên rằng: Đó là khiến cho quân địch lỡ sự phòng bị. Tướng Hán là Hàn Tín khi đánh bắt Ngụy-vương Báo, ban đầu dàn thuyền định sang đò qua bến Lâm Tấn, kế rồi lén đem quân thả những thùng gỗ xuống nước để sang qua Hạ-Dương đánh úp An-ấp, khiến quân Ngụy không phòng bị kịp. Cảnh-Cam đánh Trương-Bộ cũng đầu tiên đánh vào Lâm-truy. Đó đều là tỏ cái thế xa.


Đem mối lợi mà câu nhử.

Đỗ-Mục rằng: tướng nước Triệu là Lý-Mục thả những súc mục của dân chúng đầy đồng, hễ thấy quân Hung-nô tiến vào thì giả cách thua chạy, bỏ lại hàng mấy nghìn người, chúa Hung-nô nghe vậy cả mừng, kéo đại binh đến. Mục bầy nhiều trận đánh bất kỳ, tả hữu dồn lại, cả phá và giết của Hung-nô đến hơn 10 vạn quân kỵ.

Mai Nghiêu-Thần rằng: kẻ kia tham lợi thì ta lấy của cải câu nhử.


Nhân rối loạn để đánh lấy.

Lý Thuyên rằng: kẻ địch tham lợi tất là phải rối loạn. Chúa Tần là Diêu Hưng đi đánh quân Thốc-Phát, Nhục-Đàn đem hết những trâu dê thả ra ngoài đồng mặc cho người Tần cướp lấy, người Tần được lợi, quân không còn hàng lối gì nữa, Nhục-Đàn ngầm chia 10 cánh quân, đổ ra đánh úp, làm cho quân Tần thua lớn, chém được hơn bẩy nghìn thủ-cấp. Ấy là cái nghĩa nhân rối loạn để đánh lấy đó.

Mai Nghiêu-Thần rằng: kẻ kia rối loạn thì ta thừa dịp mà đánh lấy.


Thấy chắc thì phải phòng.

Đỗ-Mục rằng: trong khi hai quân đối lũy, không cứ bên địch chắc hay lép, cũng thường phải phòng bị luôn.. Đây nói lúc bình thường vô sự, bờ cõi hai bên tiếp giáp nhau, nếu thấy bên kia, chính-trị sửa chuốt, trên dưới yêu nhau, thưởng phạt phân minh, tướng sĩ tinh luyện, thì phải nên phòng bị ngay chứ không đợi đến lúc giao binh, rồi mới phòng bị.

Họ Hà rằng: kẻ địch ta chỉ thấy họ đầy chắc mà chưa thấy cái hình rỗng lép thì phải chứa súc để phòng bị.


Thấy mạnh thì phải tránh.

Đỗ-Hựu rằng: kẻ kia kho vựa đầy chắc, quân lính mạnh mẽ, thì nên lui tránh để chờ khi nào họ rỗng lép, biếng lười, thấy biến rồi sẽ ứng phó.

Đỗ-Mục rằng: nói nên tránh cái sở trường của người ta. Quân địch trong khi binh cường khí mạnh, thì nên lui tránh, đợi khi họ trễ biếng, sẽ nhằm đánh vào chỗ khe hở. Cuối đời nhà Tấn, giặc Lĩnh-nam là Lư-Tuân, Từ Đạo-Phú thừa hư đánh úp thành Kiến-nghiệp, Lưu-Dụ đem quân chống và nói: nếu giặc kéo thẳng đến Tân-đình thì ta phải tránh, bằng họ lui về đỗ ở Sái-châu thì chỉ đến bị bắt mà thôi. Rồi Từ Đạo-Phú, muốn đốt thuyền kéo thẳng lên bộ, nhưng Lư-Tuân cho là không nên, bèn lui đến đỗ ở Sái-châu, rồi bị bại diệt.


Trêu cho họ tức.

Lý-Thuyên rằng: làm tướng hay giận thì quyền tất dễ loạn, đó là tại tính không bền.

Đỗ Mục rằng: viên đại tướng cứng cỏi, nóng nẩy thì nên trêu cho mà tức, khiến cho lòng sôi, chí loạn, không đoái nghĩ gì đến mưu kế đã định.

Mai Nghiêu Thần rằng: kẻ kia hẹp hòi nóng nẩy dễ giận, ta trêu để cho tức tối mà khinh chiến.


Lún cho họ kiêu.

Đỗ Hựu rằng: kẻ kia dấy quân cả nước, tức giận muốn tiến, ta nên tỏ ra bề ngoài thấp lún để cho họ hợm hĩnh, đợi khi họ trễ nải quay về, bấy giờ mới đón mà đánh.

Lý Thuyên rằng: Lễ nhiều mà nói ngọt, chí của kẻ ấy không nhỏ. Thạch Lặc nước Hậu Triệu xưng bầy tôi với Vương-Tuấn, tả hữu muốn đánh, Tuấn nói: Thạch-công đến đây cốt để phụng thờ ta, kẻ nào dám nói đánh sẽ chém. Bèn đặt đại tiệc để thiết đãi. Lặc bèn đem trâu dê mấy vạn con đến, nói là đem đến dâng lễ, kỳ thực là để ngăn lấp các đường ngõ, khiến quân Tuấn không kéo ra được, rồi y vào thành Kế, bắt Tuấn ở trong chỗ công-sảnh chém đi, kiêm tính cả nước Yên. Lún để cho bên kia sinh kiêu tức là nghĩa ấy.


Họ thân cận thì làm cho lìa

Lý-Thuyên rằng: phá vỡ thề ước, làm lìa vua tôi, rồi sau mới đem quân đánh. Ngày xưa nước Tần đánh nước Triệu, tướng Tần là Ứng-Hầu nói phản-gián với Triệu-vương rằng: tôi chỉ sợ Triệu-Quát mà thôi, chứ Liêm-Pha thì dễ dàng lắm. Triệu-vương tưởng thực, bèn dùng Quát thay Pha, nhân thế bị Tần đánh thua, chôn sống quân Triệu đến bốn mươi vạn ở Trường-bình, tức là nghĩa ấy.

Đỗ-Mục rằng: nói bên địch nếu trên dưới yêu nhau, thì nên lấy mối lợi to đút lót để làm ly gián. Trần-Bình nói với Hán-vương rằng: nay những bề tôi thân thiết của Hạng-vương, chẳng qua có bọn Á-phụ, Chung-ly-Muội, Long-Thư, Chu-Ân, mấy người, đại vương nếu thực chịu dùng mấy vạn cân vàng, làm chia lìa vua tôi họ, họ tất từ bên trong giết nhau, Hán nhân thế cất quân sang đánh, thì chắc là diệt được nước Sở. Hán-vương cho làm phải, bèn đem 4 vạn cân vàng giao cho Trần-Bình, sai đi làm phản gián. Hạng-vương quả ngờ Á-phụ, không đánh gấp để hạ Huỳnh-dương, Hán-Vương bèn chạy trốn được.


Đánh chỗ không phòng bị, ra chỗ bất thình lình

Tào Công rằng: đánh lúc họ trễ nải, ra chỗ họ trống trải.

Họ Mạnh rằng: Đánh lúc họ trống trải, chụp lúc họ trễ nải, khiến kẻ đich không biết đâu mà chống cự. Cho nên nói rằng: việc binh lấy vô hình làm giỏi. Thái-công nói: « cử động không gì thần bằng khiến kẻ địch không ngờ, mưu chước không gì hay bằng khiến kẻ địch không biết ».


Đó là những cách để đi đến sự thắng trận của nhà binh, không thể truyền trước được.

Tào-công rằng: Truyền cũng như để hở. Binh không có cái thế nhất định, nước không có cái hình nhất định, sự biến hóa trong khi lâm địch, không thể mà truyền trước được. Cho nên nói rằng: Liệu định ở lòng, xét cơ ở mắt.

Đỗ Mục rằng: Truyền là nói. Đây nói những điều kể ở trên này, đều là những mưu chước dùng binh thủ thắng, vốn không phải là phép tắc nhất định, tất phải thấy hình của quân địch rồi mới có thể thi vi, không nói trước được.

   




Chú thích

  1. Sách Quốc-ngữ chép: Tương-tử chạy đến Tấn-dương, quân Tấn vây mà tháo nước vào thành, tuy bếp chìm mà còn có cóc,dân không có ý làm phản.