Tôn Tử binh pháp/II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

II

Thiên tác chiến

Tào Công rằng: muốn chiến tất trước phải tính khoản tốn-phí, cốt nhờ lương của bên địch vậy.

Lý Thuyên rằng: trước định kế rồi sau mới sửa đến chiến cụ, vì thế thiên Chiến ở dưới thiên Kết.

Trương-Dự rằng: kế toán đã xong, rồi mới sắm sửa đến xe ngựa, khí giới, lương thảo vân vân, để làm đồ tác chiến, vì thế thiên Chiến ở dưới thiên Kết.


Tôn-Tử nói: phàm cách dụng binh, xe ruổi nghìn bộ, xe da nghìn cỗ, quân mặc áo giáp mười vạn.

Tào Công rằng: xe ruổi là xe nhẹ thắng bốn ngựa. Xe da là xe nặng, nói sự nặng của muôn quân kỵ, mỗi xe thắng bốn ngựa. Quân kỵ 10 người là một tốp, có hai người Dưỡng chủ việc thổi cơm, một người Gia tử coi giữ áo quần, hai người Cứu, giữ việc nuôi ngựa, cả thẩy 5 người. Bộ binh 10 người, có một chiếc xe lớn thắng bò để chở có hai người Dưỡng, chủ việc thổi cơm, một người Gia-tử coi giữ áo quần, cả thẩy 3 người. Quân mặc áo giáp 10 vạn, là nói về số binh lính.

Lý Thuyên rằng: xe ruổi là xe chiến, xe da là xe nhẹ, mặc áo giáp là lính đi bộ. Xe một cỗ thắng bốn con ngựa, lính bộ bẩy mươi người; tính số nghìn cỗ xe, thì quân mặc áo giáp bẩy vạn, ngựa bốn nghìn con. Tôn-tử ước lượng về số cần dùng của quân, lấy mười vạn làm xuất sẽ do đó mà suy ra hàng trăm vạn.


Nghìn dặm mang lương thực đi.

Tào-Công rằng: nói vượt cõi đi xa nghìn dặm.

Lý Thuyên rằng: nói đường sá xa xăm.


Thì khoản phí ở trong ngoài, khoản dùng về tân khách, khoản chi về sơn nhựa, khoản tiêu về xe giáp, mỗi ngày tốn đến nghìn vàng[1] có đủ như thế thì mới thể đem đi được đạo quân 10 vạn.

Tào công rằng: ấy là chưa kể đến những khoản tặng thưởng.

Đỗ Mục rằng: việc quân có những lễ giao thiệp với nước chư hầu, cho nên nói rằng tân khách; xe giáp khí giới phải chữa chạy khâu vá, nói sơn nhựa là kể cái bé nhỏ, nghìn vàng là nói tốn phí nhiều, ấy là khoản tặng thưởng còn tính ngoài đấy.

Vương Tích rằng: Trong là trong nước, ngoài là nơi quân thứ: tân khách như sứ giả của Chư-hầu cùng sự khao thưởng tướng sĩ ở trong quân; sơn nhựa, xe giáp là nói từ cái nhỏ đến cái lớn.


Sự đánh nhau, đánh lâu mới thắng thì nhụt đồ binh, cùn khí mạnh, đánh thành thì sức kiệt.

Đỗ-Mục rằng: cùng bên địch giữ nhau lâu ngày mới thắng thì giáp binh cùn nát, nhuệ khí chùn nhụt, đánh thành thì sức người hao kiệt.

Giả Lâm rằng: chiến tuy thắng người nhưng lâu thì vô lợi, việc binh quý ở toàn thắng, cùn binh, nhụt khí, lính đau ngựa què thì hao hại.


Đem quân phơi dãi lâu thì khoản tiêu dùng trong nước phải không đủ.

Họ Mạnh rằng: dãi quân lâu ngày ở ngoài nghìn dặm thì khoản phí dụng quân quốc, không đủ mà cung cấp.

Trương Dự rằng: ngày tốn nghìn vàng, quân dãi lâu thì kho nước cung làm sao được, như Hán Võ-đế đi chinh phạt mãi không chịu giải binh, đến khi kho nước trống rỗng mới xuống một tờ chiếu nói thảm thiết đó.


Này cùn binh nhụt khí, cạn sức hết tiền, thì Chư-hầu sẽ thừa dịp núng của mình mà khởi lên, tuy người có trí năng cũng chẳng thể giữ trọn vẹn ở sau được.

Đỗ Hựu rằng: tuy bấy giờ có tài dụng binh, cũng chẳng thể ngăn ngừa được cái hậu hoạn.


Cho nên việc binh, nên rằng thà vụng mà chóng, chứ không nên khéo mà lâu.

Đỗ Mục rằng: trong khi công thủ, tuy vụng đường cơ trí, nhưng lấy thần tốc làm trên hết, hễ không có cái nạn dãi quân, tốn của, nhụt binh thì tức là khéo.

Họ Hà rằng: chóng tuy vụng, nhưng không tốn tiền, sức; lâu tuy khéo nhưng e sinh hậu hoạn.


Việc binh kéo dài mà nước lợi, chưa từng có vậy.

Đỗ Hựu rằng: binh là đồ dữ, lâu thì sinh biến, như Trí Bá vây nước Triệu, quá năm không về, rồi bị Tương-tử bắt sống, mình chết nước tan. Cho nên sách Tân Tư truyện nói: Ham chiến tranh, thích việc võ, chưa có ai là chẳng phải diệt.

Lý Thuyên rằng: việc binh như lửa không mau dập đi thì rồi nó tự đốt cháy mình.


Cho nên không biết hết cái hại của sự dùng binh, thì không thể biết hết cái lợi của sự dùng binh.

Nói sự mưu quốc hành quân, không trước lo cái họa nguy vong thì không thể lấy được phần lợi, như Tần-bá thấy cái lợi đánh úp nước Trịnh mà không đoái đến cái thua ở Hào Hàm, Ngô-vương hợm công đánh Tề mà quên mất cái vạ Cô-tô.

Lý Thuyên rằng: Lợi cùng hại nó dựa nhau mà sinh ra, trưóc biết cái hại rồi sau mói biết cái lợi.

Đỗ Mục rằng: Sự hại như nhọc người tốn của, sự lợi như nuốt giặc mở cõi, nếu không nghĩ đến cái lo của mình thì người trong một thuyền đều là địch quốc, còn mong lấy lợi ở bên địch sao được.


Người giỏi dùng binh thì việc phu phen lính tráng không gọi sổ đến hai lần, lương thực không chuyên chở đến ba lần.

Tào-Công rằng: Nói chỉ huy động một lần là đã thắng được, không lại về nước để lấy binh thêm nữa.

Lý Thuyên rằng: Quân ra thì tính xa gần mà chở lương đi, quân về thì chở lương đón, thế là chỉ có hai lần chở chứ không đến ba lần.


Lấy dùng ở trong nước, nhân lương của quân địch, cho nên quân ăn có thể đủ được.

Tào-Công rằng: Binh giáp chiến cụ lấy dùng của trong nước, lương thực thì lấy của bên địch.

Trương Dự rằng: Khí dụng lấy của trong nước vì vật nhẹ dễ đem, lương thực lấy của bên địch vì thóc nặng khó chở. Này nghìn dặm mang lương thì quân có vẻ đói, cho nên nhân lương của bên địch thì sẽ được đủ ăn.


Nước nghèo lương quân thì phải chuyên chở xa chuyên chở xa thì trăm họ nghèo.

Đỗ Mục rằng: Quân tử nói: Thóc đi ba trăm dặm thì nước không có cái súc tích một năm, thóc đi bốn trăm dặm thì nước không có cái súc tích hai năm, thóc đi năm trăm dặm thì dân chúng phải có vẻ đói. Đó là nói thóc nặng mà giá trị nhẹ, không nên chuyên chở, chuyên chở thì nông phu và bò cầy đều phải lỡ việc ở đồng áng, cho nên trăm họ không thể không nghèo.

Giả Lâm rằng: Vận chở xa thì của hao hụt ở đường sá, hư nát vì đài tải, trăm họ phải nghèo.


Gần chỗ quân đóng thì bán được đắt, bán đắt thì trăm họ hết của.

Tào Tháo rằng: Quân đội kéo đi, chỗ nào gần quân thì phải nghèo, vì của bán được đắt, trăm họ Phải rỗng.

Giả Lâm rằng: Quân sĩ tụ ở đâu, vật đều đắt vọt, người ta tham cái lợi phi thường, đem hết tài vật ra để bán, ban đầu tuy được lợi nhiều, nhưng sau thì rỗng hết của cải.


Của hết thì đến khoản khâu dịch cũng lúng túng không thể cung nổi

Trương Dự rằng: Tài lực cạn hết thì đến khoản sưu dịch hàng làng xóm cũng lúng túng không dễ cung được. Hoặc nói rằng: Khâu dịch như chúa Thành Công nước Lỗ đánh thuế khâu-giáp. Trong khi nhà nước túng tiêu, Thành Công bắt dân mỗi hàng khâu phải nộp thứ thuế của hàng điện, trái hẳn với lệ thường. Mỗi khâu có 16 tỉnh (chòm) mỗi điện có 64 tỉnh.


Sức cạn của hết, những kẻ nơi đồng nội đều trống rỗng cửa nhà, trăm họ hao tổn, mười phần mất bẩy.

Tào-Công rằng: Mỗi khâu (xóm) là 16 tỉnh (chòm) Trăm họ của hết mà việc binh không thôi, người ta phải vận-lương vất vả ở ngoài đồng nội. Mười phần mất bẩy là nói về những sự hao hại.

Mai Nghiêu Thần nói: Trăm họ đem tiền lương sức lực cung phụng khoản phí cho quân, vốn liếng mười phần mất bẩy, nhà chúa đem bò ngựa khí giới cung phụng khoản phí cho quân, vốn liếng mười phần mất sáu. Cho nên thuế nặng binh nhàm, trăm họ khổ sở, phụ rộn dân nghèo, quốc gia trống rỗng.


Cho nên viên tướng trí năng, cốt tìm cách ăn của bên địch, ăn của bên địch một chung thì đỡ cho mình được 20 chung, rơm rác một thạch đỡ cho mình được 20 thạch.

Trương Dự rằng: Nghìn dặm mang lương, tốn 20 chung và thạch, mới được 1 chung và thạch đến nơi quân đóng, nếu càng hiểm trở thì chẳng những là thế, cho nên nhà Tần đi đánh Hung-nô, đem 30 chung mà đến nơi chỉ còn 1 thạch.


Giết quân bên địch do ở tức giận vậy.

Lý Thuyên rằng: Giận là cái oai của quân.

Đỗ-Mục rằng: Muôn người không thể cùng giận tất cả, phải do ta khêu gợi mới được.

Giả Lâm rằng: Người mà không giận thì không chịu giết.

Họ Hà rằng: Nước Yên vây thành Tức Mặc của nước Tề, những người Tề về hàng đều bị cắt mũi. người Tề đều tức, càng cố giữ vững. Điền Đan lại buông lời phản gián rằng: « Ta chỉ sợ người Yên đào những mồ mả ở ngoài thành làm nhục đến di-hài của các tiền-nhân, đó là điều đáng lạnh lòng lắm ». Quân Yên nghe vậy bèn đào hết mồ mả, đốt hết hài cốt. Người Tức-Mặc ở trên thành trông thấy đến ứa nước mắt khóc, cùng muốn ra, sự tức giận tăng lên thập bội. Đan biết lính tráng đã có thể dùng được, bèn kéo ra đánh phá được quân Yên.


Hám lợi bên địch do ở của cải vậy.

Đỗ Hựu rằng: Người ta biết rằng thắng được bên địch sẽ có cái lợi được hậu thưởng, thì liều vào gươm mác, xông vào tên đạn, vui lòng mà sấn đánh, đều là nhờ sự quyến dỗ của những món tiền của đền thưởng công lao.

Đỗ Mục rằng: Nói được của cải của bên địch, tất đem thưởng cho quân lính, khiến mọi người đều ham muốn mà cố đánh.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Giết giặc thì khêu quân ta bằng tức giận, cướp thành thì nhử quân ta bằng của cải.


Cho nên cuộc đánh nhau bằng xe, hễ cướp được xe từ 10 cỗ trở lên, sẽ thưởng cho người lính cướp được trước tiên.

Mai Nghiêu Thần rằng: Thưởng khắp thì khó chu, cho nên tưởng thưởng cho một người dễ khuyến-khích hàng trăm người.


Rồi thay đổi cờ xí.

Tào-công rằng: khiến cho cùng mầu cờ với mình.

Trương Dự rằng: biến màu sắc của quân mình, khiến cho cũng giống như địch.


Xe trộn lộn mà cưỡi.

Mai Nghiêu Thần rằng: Xe đem ngồi trẫn trộn, cờ không để nguyên cũ.

Vương-Tích rằng: được xe của bên địch, nên đem xe ta dùng lẫn.


Lính khôn khéo mà nuôi.

Trương Dự rằng: những lính bắt được, tất lấy ân tín mà phù dưỡng, khiến họ thuận theo sự sai dùng của ta.


Thế gọi là thắng kẻ địch để làm mạnh thêm cho mình.

Lý Thuyên rằng: Đời Hậu Hán, vua Quang Võ phá giặc Đồng-mã ở Nam-dương, bắt được binh giặc mấy vạn, đều ghép vào đội ngũ, nhưng lòng người chưa yên ổn, Quang Võ cho ai nấy lại về dinh mình rồi sẽ đi đến mà úy lạo. Họ bảo nhau rằng: Tiêu-vương suy cái lòng đỏ của mình mà đặt vào bụng người, như thế ai là không muốn liều chết để theo ông ấy! Nhân thế quân Hán càng mạnh lên, tức là nghĩa ấy.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Được quân bên giặc thì dùng lấy cái sở trường của họ, nuôi họ bằng ân tín, tất họ sẵn lòng theo để cho mình dùng.


Cho nên việc binh quý ở thắng chứ không quý ở lâu.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Trên đây nói đều là quý ở sự mau chóng, chóng thì của đỡ tốn kém mà dân được nghỉ ngơi.

Họ Hà rằng: Tôn-tử đầu đuôi nói về cái lẽ viện binh dùng lâu, đó là ông đã biết sâu rằng việc binh không nên đem mà dỡn, việc võ không nên đem dùng nhảm.

Trương Dự rằng: Lâu thì quân nản của hết, dễ sinh biến cố, cho nên chỉ quý ở mau thắng chóng về.


Cho nên viên tướng giỏi việc binh, là vị thần tư mệnh của dân mà là người chú sự an nguy của quốc gia vậy.

Tào Công rằng: Tướng giỏi thì nước yên.

Đỗ Mục rằng: Tính mệnh của dân, yên nguy của nước, đều do ở viên tướng.

Vương Tích rằng: Tướng giỏi thì dân giữ được sống mà quốc gia yên; nếu không thì dân bị giết hại mà quốc gia nguy; minh-quân dùng tướng há chẳng nên tinh tường ư?

   




Chú thích

  1. Đời xưa gọi mỗi cân vàng là một vàng hoặc cũng gọi mỗi dật vàng là một vàng. Mỗi dật là 24 lạng, gần nay thì gọi mỗi lạng vàng là một vàng.