Bước tới nội dung

Tôn Tử binh pháp/III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

III

Thiên Mưu Công

Tào Công rằng: muốn công kích bên địch tất trước phải mưu toan.

Lý Thuyên rằng: hai bên hợp trận gọi là chiến, vây thành gọi là công, cho nên đặt thiên này ở dưới thiên Chiến.

Đỗ Mục rằng: trên chỗ miếu đường tính toán đã xong, những đồ chiến tranh, những khoản lương thực đều đã sắm đủ, bấy giờ mới mưu đến sự đánh, cho nên gọi là mưu công.


Tôn-tử nói: phàm cách dùng binh, lành nước là hạng trên, vỡ nước là hạng kém.

Đỗ Hựu rằng: làm cho nước địch phải đến đầu hàng là hạng trên, lấy binh đánh phá là hạng kém.

Lý Thuyên rằng: đó là nói không ưa giết gióc, Hàn Tín bắt Ngụy-vương Báo, bắt Hạ Duyệt, chém Thành-An-quân đó là để vỡ nước; đến khi dùng kế của Quảng-võ-quân, phía bắc lấy nước Yên, sai bọn sứ-giả đem một bức thư, khiến nước Yên theo gió mà lướt, đó là giữ lành nước.

Giả-Lâm rằng: giữ lành nước địch mà nước mình cũng lành, đó là hơn nhất.


Lành quân là hạng trên, vỡ quân là hạng kém.

Tào-Công, Đỗ-Mục rằng: sách Tư-mã-pháp nói: 1 vạn 2 nghìn 5 trăm người là một quân.

Họ Hà rằng: chiêu hàng được những thành ấp, khiến cho không vỡ quân của ta.


Lành lữ là hạng trên, vỡ lữ là hạng kém.

Tào-Công rằng: 5 trăm người là một lữ.


Lành tốt là hạng trên, vỡ tốt là hạng kém.

Tào-Công rằng: dưới một lữ đến 1 trăm người là một tốt.

Đỗ-Hựu rằng: dưới một hiệu đến 1 trăm người là một tốt.

Lý-Thuyên rằng: trăm người trở lên là một tốt.


Lành ngũ là hạng trên, vỡ ngũ là hạng kém.

Tào-Công rằng: dưới trăm người xuống đến 5 người là một ngũ.

Lý-Thuyên rằng: trăm người trở xuống là ngũ.

Đỗ-Mục rằng: 5 người là ngũ.

Vương-Tích rằng: nước, quân, tốt, ngũ, không cứ nhớn nhỏ, hễ giữ được lành thì uy đức đứng vào bậc hơn, để cho vỡ thì uy đức đứng vào bậc kém.

Họ Hà rằng: từ quân đến ngũ đều theo thứ tự trên dưới mà nói, khuyên nên dùng kế sách mà lấy là hay hơn nhất, chẳng những một quân, đến một ngũ cũng nên giữ toàn.

Trương Dự rằng: phép nhà Chu cứ 12.500 người là một quân, 500 người là một lữ, 100 người là một tốt, 5 người là một ngũ. Từ quân đến ngũ, đều lấy không đánh mà thắng được là hơn.


Ấy cho nên trăm trận đánh trăm trận được, không phải là người giỏi trong những người giỏi.

Trần Hạo rằng: vì đánh nhau tất phải giết người.

Giả Lâm rằng: binh oai xa dậy, khiến cho người ta đến hàng phục, ấy là bậc trên; dùng mưu dối trá, phá phách bên địch, tàn nhân hại vật, rồi sau mới được, lại là hạng kém.

Mai Nghiêu Thần rằng: đây tỏ ra ghét sự giết gióc tàn hại.


Không đánh mà làm khuất phục được quân của người, ấy là người giỏi ở trong những người giỏi.

Tào Công rằng: chưa đánh mà quân địch đã tự khuất phục.

Trần Hạo rằng: như Hàn-Tín dùng kế của Lý Tả Xa, đưa một mảnh thư không đánh mà hạ được thành Yên đó.

Họ Hà rằng: đời Hậu Hán, Vương Bá đánh Chu Kiên, Tô Mậu, đánh nhau xong đã về dinh, giặc lại hợp lại để khiêu chiến. Bá đóng bền không ra, đương khao quân và hát sướng. Mậu bắn như mưa vào trong dinh, tin vào chén rượu ở trước mặt Bá. Bá vẫn ngồi im không nhúc nhích. Viên Quan-lại nói: « Quân Mậu đã vỡ, nay đánh thì dễ lắm ». Bá nói: « Mậu là quân khách từ xa đến đây, lương thực không đủ, cho nên khiêu chiến để cầu may lấy sự thắng nhất thời. Nay nên đóng trại nghỉ binh, ấy tức bảo là không đánh mà làm khuất phục được quân người, là người giỏi ở trong những người giỏi đó ». Mậu bèn phải kéo quân lui.


Cho nên dùng binh hạng nhất thì đánh mưu.

Tào Công rằng: bên địch mới định mưu, đánh ngay dễ dàng.

Đỗ Hựu rằng: bên địch mới nghĩ mưu, muốn cất quân sang, mình đánh chèn ngay, ấy là hơn nhất. Cho nên Thái-công nói: « Giỏi trừ nạn thì trừ từ lúc chưa sinh, giỏi thắng địch thì thắng ngay lúc vô hình ».

Lý Thuyên rằng: nói đánh từ lúc mới mưu tính. Đời Hậu Hán, Khấu Tuân vây Cao Tuấn. Tuấn sai mưu-thần là Hoàng-phủ-Văn đến thăm Tuân, nói năng ương bướng, Tuân chém đi rồi báo cáo với Tuấn rằng: « Quân sứ vô lễ nên ta đã chém rồi; muốn hàng thì hàng ngay, bằng không cứ mà giữ bền ». Tuấn lập tức mở thành ra hàng. Các tướng hỏi Tuân rằng: dám hỏi sao giết sứ giả mà lại làm cho thành phải hàng? Tuân nói: « Hoàng-phủ-Văn là người tâm phúc của Tuấn, y đứng chủ mưu, để thì Văn đắc kế, giết thì Tuấn mất mật, ấy tức là bảo dùng binh hạng nhất thì đánh mưu đó ». Các tướng nói: « Vậy thì chúng tôi không thể biết được ».

Trương Dự rằng: bên địch mới nẩy ra cái mưu, ta đã làm cho thất kế mà phải khuất phục, như Án-tử làm tắt ngòi của Phạm Chiêu đó. Có người bảo đánh mưu nghĩa là dùng mưu mà đánh người, nói lấy mưu kỳ chước lạ mà thủ thắng bằng cách không phải đánh nhau, như thế là cách dùng binh hay hơn nhất.


Hạng thứ thi đánh giao.

Tào-Công rằng: giao là sắp hợp lại.

Họ Mạnh rằng: giao kết với nước mạnh, khiến kẻ địch không dám mưu tính đến mình.

Lý Thuyên rằng: đánh lúc mới giao như Tô Tần hẹn với sáu nước không nhờ nhà Tần, Tần phải đóng cửa quan 15 năm, không dám nhòm ngó đến cõi đất đàng đông nữa.

Đỗ Mục rằng: không phải chỉ sắp hợp mà thôi, hợp rồi cũng có thể đánh được. Như Trương-Nghi dâng sáu trăm dặm đất Tần cho Sở Hoài-vương, xin tuyệt giao với nước Tề, Tùy Hà giết sứ-giả nước Sở ở trước chỗ Kình Bố ngồi để tuyệt tình với Hạng Võ, Tào Công chụm đầu ngưạ nói chuyện với Hàn Toại để làm cho Mã Siêu ngờ, Cao Dương sai Tiêu Thâm-Minh xin hòa với Lương để làm cho Hầu Cảnh ngờ, rồi sau hắn vây hãm Đài-Thành, phương thuật biến hóa không phải chỉ có một con đường nhất định.

Vương Tích rằng: bảo nếu chưa thể làm tắt hẳn được mưu kẻ địch thì nên hỏi đến sự ngoại giao của họ, làm cho phải giải tán ra, họ có giao thân thì việc to sức mạnh, họ không có giao thân thì việc nhỏ sức yếu.

Họ Hà rằng: Đỗ Mục nói bốn việc trên này xét ra chỉ là cái nghĩa họ thân cận thì làm cho lìa. Gọi là đánh giao nghĩa là quân ngoài muốn giao hợp lại với kẻ địch, mình đặt nghi binh để làm cho sợ hãi khiến tới lui không được, phải đến quy phục với ta, khi nước láng giềng của kẻ địch đã thành kẻ viện trợ của ta, tự nhiên kẻ địch phải thành ra trơ trọi yếu ớt.

Trương Dự rằng: khi binh sắp giao, chiến sắp hợp (chụm lại để đánh) thì đánh ngay. Truyện nói rằng: trước người thì có thể đoạt được lòng người. bảo khi hai quân sắp gặp nhau thì mình đánh trước, như là Tôn Thúc-Ngao đánh bại quân Tấn, Trù-nhân-Bộc đánh vỡ họ Hoa đó. Có người nói đánh giao nghĩa là dùng cách giao thiệp mà đánh, nói muốn cất quân đánh kẻ địch, trước hết hãy kết với nước láng giềng làm thế ỷ giốc thì ta mạnh mà địch yếu.


Thứ đến đánh binh.

Tào-Công rằng: nói sự đánh nhau khi binh hình đã thành.

Lý Thuyên rằng: Lâm địch đối trận là bước thấp của việc binh.

Trương-Dự rằng: không trừ được khi họ mới mưu, không phá được khi họ sắp hợp, thì phải đem binh khí bén sắc đánh thắng họ. Binh là tên chung của các đồ khí giới. Thái-công nói: Cái đạo tất thắng khí giới cùn nhất.


Cái nước thấp là đánh thành.

Đỗ-Mục rằng: nói đánh thành phá ấp là một nước thấp, vì có hại nhiều.

Lý-Thuyên rằng: vương sư ra khỏi cõi, quân địch phải mở thành xin hàng, đến dâng lễ ở trước cửa viện, trăm họ vui vẻ, thế là cái nước cao nhất. Nếu phải đóng binh ở dưới thành bền, quân già lính mỏi, đánh, giữ khác thế, khách, chủ bội sức, đó là cái nước thấp kém.


Cách đánh thành là bất đắc dĩ.

Trương-Dự rằng: đánh thành thì sức tốn, sở dĩ phải đánh là chỉ khi nào bất đắc dĩ.


Sửa những tấm mộc lớn, xe phân huân, sắm những khí giới, ba tháng mới xong, làm những cái ụ, lại ba tháng mới xong.

Tào-Công rằng: xe phân huân là cái giường, dưới có bốn bánh để đẩy đến dưới thành. Khí giới là gọi chung những đồ dùng để đánh thành, như cái giá cao, cái thang mây chẳng hạn. Ụ đất đắp dựa ở ngoài thành.

Lý-Thuyên rằng: Cái mộc lớn để che kín đầu mà đi đến dưới thành; phân huân là cái xe bốn bánh. dưới giấu độ mấy chục người lính, đẩy thẳng đến dưới chân thành, gỗ đá ném xuống cũng không hại gì cả. Khí giới như cái gác cao, cái thang mây, cái nhà ván, cái màn gỗ chẳng hạn; ụ là những cái gò bằng đất hay gỗ để trèo lên thành. Đời Đông Ngụy, Cao-Hoan vây Tấn-Châu, Hầu Cảnh đánh Đài-thành đều dùng những cái ấy. Việc làm ước phải ba tháng sợ rằng binh lâu mà người mỏi.


Tướng không đè nén được sự tức bực, sai quân như những con kiến bám leo lên thành, như thế sẽ giết độ một phần ba quân lính của mình, mà thành vẫn không hạ được. Đó là cái hại của sự đánh thành.

Tào Công rằng: tướng tức bực mà không đợi sắm những đồ đánh thành, sai quân lính bám thành leo lên như kiến leo tường, như thế là giết hại quân lính.

Lý Thuyên rằng: tướng tức giận không đợi sắm đồ đánh thành, sai quân lính leo bừa lên thành như kiến leo tường, bị gỗ đá ném xuống giết hại, ba phần mất một, mà thành vẫn không hạ được, đó là cái hại của sự đánh thành.

Đỗ Mục rằng: đây nói bị quân địch làm nhục không đè nén được sự tức giận. Vua Thái-võ-Đế nhà Hậu-Ngụy đem 10 vạn quân vào cướp nhà Tống vây Tang Chất ở thành Hủ-thai. Thái-võ sai người đến Tang Chất vay rượu, Chất múc nước giải đưa cho. Thái-võ cả giận, bèn đánh thành, sai quân lăn xả trèo lên thành, kẻ nọ ngã kẻ kia trèo lên chứ không được lùi, thây chết nằm ngang với mặt thành, lại giết cả Cao-lương-vương. Như thế 3 tuần, quân lính chết đến quá nửa. Thái-võ nghe ở Bành-thành chặn mất lối về, lại thấy tật bệnh sinh ra nhiều, bèn phải kéo lui. Truyện nói rằng: « Một người con gái ở trên thành, có thể địch nổi mười người con giai ở dưới thành », lấy đây mà so thì có lẽ còn hơn thế.


Cho nên người giỏi dùng-binh, đuổi quân của người mà không phải chiến.

Đỗ Hựu rằng: Nói đánh mưu, đánh giao, không cần phải chiến. Cho nên sách Tư-mã-pháp nói: Mưu cao hơn nhất là không phải dùng đến chiến đấu.

Lý Thuyên rằng: nói lấy kế mà đuổi được quân bên địch. Không phải đánh nhau mà đuổi được quân bên địch như tướng nhà Tấn là Quách Hoài đến vây Cúc-thành, tướng Thục là Khương Duy đến cứu, Hoài tới núi Ngưu-đầu, chặn đường lương và đường về của Duy, Duy cả sợ, không đánh nhau mà chạy trốn, Cúc-thành bèn phải hàng, đó là cái nghĩa không chiến mà đuổi được quân người.

Trương Dự rằng: những điều nói trên đây là việc làm của viên tướng xoàng, chứ người giỏi dùng binh thì không phải thế. Người giỏi dùng binh hoặc phá kế, hoặc bại giao, hoặc tuyệt lương, hoặc chặn đường. thì có thể không chiến mà khiến họ phải khuất phục. Như Điền Nhương-Thư sáng tỏ pháp lệnh, vỗ ve lính tráng, khiến nước Yên, nước Tấn nghe thấy, không đánh nhau mà phải chạy trốn, cũng là nghĩa ấy.


Hạ thành của ngươi mà không phải đánh.

Họ Mạnh rằng: Nói lấy uy phép mà làm cho bên địch phải phục, không đánh mà lấy được.

Lý Thuyên rằng: Dùng kế mà lấy. Đời Hậu Hán, Tán-hầu Tang Cung vây đám yêu-tặc ở Nguyên-võ, hàng tháng không hạ được, lính tráng nhiều người tật dịch. Đông-hải-vương bảo Cung rằng: nay đóng quân vây một đám giặc tất chết là một sự khờ, nên triệt vây mở cho họ một đường sống, họ tất trốn chạy, sẽ chỉ dùng một người quèn cũng đủ bắt được họ. Cung nghe theo, bèn hạ được Nguyên-võ. Nhà Ngụy đánh Hồ-quan cũng cùng nghĩa ấy.

Ấy đều là cái nghĩa không đánh mà hạ đươc thành.


Hủy nước của người mà không phải lâu.

Tào Công rằng: Hủy diệt nước người mà không phải dãi quân lâu ngày.

Lý Thuyên rằng: lấy thuật mà hủy hại nước người, không cần lâu mà người phải chết. Vua Văn-đế nhà Tùy hỏi viên Bộc-xạ Cao Cảnh về cái kế đánh Trần (Trần bên Tàu). Cảnh nói: mùa màng ở xứ Giang-nam khác với Trung-quốc, khi họ đương mùa cầy cấy thì chính là lúc ta nhàn rỗi. Ta thừa dịp ấy đem quân đánh úp, họ tất phải bỏ cầy cấy để chống giữ. Đợi khi họ đã họp binh lại, ta lại rút lui. Luôn vài ba lần như thế thì việc nông của họ đến phải chồn mỏi. Phương nam đất thấp, nhà đều làm bằng gianh bằng trúc, kho vựa chứa đựng, đều ở đó cả, ta nên mật sai người nhân gió phóng lửa, đợi khi họ làm lại ta lại, đốt nữa. Vua Tùy làm theo kế ấy họ Trần mới khốn đốn.

Đỗ Mục rằng: nhân cái thế có thể tràn lấn bên địch, không bỏ lỡ dịp, sẽ dễ dàng như bẻ cành khô.


Tất phải lấy sự toàn thắng để tranh thiên hạ cho nên không nhụt binh mà được toàn lợi, ấy là cái phép mưu công đó.

Lý Thuyên rằng: lấy cái kế toàn thắng để tranh thiên hạ, cho nên không phải cùn nhụt mà thu được lợi ích.

Trương Dự rằng: không chiến thì quân không hại, không công thì sức không hao, không lâu thì của không tốn, lấy hoàn toàn mà tranh thắng với thiên hạ, cho nên không có cái hại gươm cùn giáo nhụt mà có cái lợi binh mạnh nước giầu, ấy là thuật tính sự công kích của viên lương tướng đó.


Cho nên cái phép dùng binh, gấp mười thì vây.

Tào-Công rằng: lấy mười địch một thì vây, đó là nói nếu tướng trí-dũng bằng nhau và binh sắc nhụt đều nhau. Nhưng nếu chủ yếu mà khách mạnh thì không cần phải dùng đến mười. Tháo này đã chỉ dùng số quân gấp đôi vây thành Hạ-bì mà bắt sống được Lã Bố đó.

Đỗ-Mục rằng: vây là bốn mặt bao bọc, khiến quân địch không thể trốn được. Phàm vây chung quanh tất phải cách thành địch khá xa, chiếm đất đã rộng, canh giữ phải nghiêm, nếu không nhiều binh thì sẽ có chỗ trống hở, cho nên số binh phải cần có gấp mười.

Trương-Dự rằng: quân ta có gấp mười quân địch thì bốn mặt vây bọc mà lấy, đó là nói tướng trí-dũng bằng nhau, binh sắc nhụt đều nhau. Nếu chủ yếu khách mạnh thì không cần phải có gấp mười mới vây được. Úy-liên-tử nói: cách giữ cứ một đương mười, mười đương trăm, trăm đương nghìn, nghìn đương vạn. Nói cứ mười người giữ có thể đương được trăm người vậy, cũng đúng với cách nói ở đây.


Gấp năm thì đánh[1].

Tào-Công rằng: lấy năm địch một thì ba phần làm chính, hai phần làm kỳ (kỳ là những đạo quân đi đánh bất ngờ).

Đỗ-Mục rằng: lấy năm địch một thì nên chia của mình lấy ba phần làm ba đạo để đánh một mặt của quân địch, dành lại hai phần để đợi xem chỗ nào không có phòng bị thì đánh lối xuất kỳ. Cuối đời Tây-Ngụy, Thứ-Sử Lương-châu là Vũ-văn Trọng-Hòa giữ châu không chịu giao lại cho viên quan đến thay, tướng Ngụy là Độc-cô-Tín đem quân đến đánh. Trọng Hòa đóng thành cố giữ. Tín đêm sai các tướng đem thang bắc lên đánh vào phía đông bắc thành, mình thì thân xuất tướng sĩ đánh úp vào mặt tây nam thành bèn hạ được.

Trương-Dự rằng: quân của ta gấp năm quân địch thì nên độ trước đánh sau, dương đông kích tây. Không có số quân gấp năm thì không thể làm được kế ấy. Nếu địch không ngoại viện, ta có nội ứng thì không cần phải gấp năm mới đánh được.


Gấp đôi thì chia.

Tào-Công rằng: lấy hai địch một thì đem quân mình chia làm đôi, một đạo làm chính, một đạo làm kỳ.

Lý-Thuyên rằng: số binh gấp đôi quân địch thì chia nửa làm kỳ, ta nhiều họ ít, mỗi cử động họ sẽ không thể chống chế nổi. Phù-Kiên đến Phì-thủy không chia mà phải thua, Vương-tăng-Biện đến Trương Công-Châu chia mà thắng đó.

Đỗ-Mục rằng: lời ấy không phải. Bảo rằng lấy hai địch một thì chia lấy một nửa của mình hoặc đến chỗ yếu hại của địch, hoặc đánh chỗ tất cứu của địch, khiến địch có trong một phần, lại phải chia bớt để đi cứu viện đây đó, rồi mình mới lấy một phần mà đánh vào. Này chiến pháp không cứ nhiều ít, trận nào cũng đều phải có kỳ có chính, không thể đợi có nhiều người rồi mới đặt ra đạo kỳ binh. Hạng Võ ở Ô-giang chỉ có 28 quân kỵ, còn không họp cả ở một chỗ, cũng đặt ra kỳ với chính để cứu ứng lẫn nhau, huống là những đạo quân khác ư?

Trương-Dự rằng: quân của ta gấp đôi quân địch thì nên chia làm hai bộ phận, một cản mặt trước, một chẹn mặt sau, kẻ địch ứng mặt trước thì mặt sau đánh, ứng mặt sau thì mặt trước đánh, đó tức là một đạo làm chính, một đạo làm kỳ. Họ Đỗ không hiểu binh chia thì là kỳ, họp thì là chính, lại vội chê Tào-Công, sao mà lầm vậy?


Ngang nhau thì phải biết đánh.

Tào-Công rằng: mình cùng bên địch số quân ngang nhau có thể đặt quân phục, quân kỳ để chiến thắng được.

Mai Nghiêu-Thần rằng: thế lực đều nhau thì giao chiến.


Ít hơn thì phải biết trốn.

Tào-Công rằng: ít hơn thì cao tường bền lũy, đừng cùng giao chiến.

Giả-Lâm rằng: địch nhiều ta ít thì nên ẩn trốn hình binh, đừng để cho quân địch biết, nên đặt kỳ đặt phục để đợi, làm sự dối trá để khiến họ nghi ngờ cũng là cái đạo thủ thắng.

Trương-Dự rằng: Địch nhiều ta ít, nên trốn đi, đừng cùng giao chiến. Đó cũng là nói về tướng sĩ trí dũng hơn kém bằng nhau. Nếu ta yên ổn, họ rối loạn, ta hăng hái, họ trễ biếng, thì dù kẻ địch có nhiều, cũng có thể giao chiến được. Như Ngô-Khởi đem 5 trăm xe phá đưọc 50 vạn quân Tần, Tạ-Nguyên dùng 8 nghìn binh bại được trăm vạn quân Phù-Kiên há có cần phải trốn đâu.


Không bằng thì phải biết lánh.

Đỗ-Hựu rằng: nói dẫn quân lánh đi, mạnh yếu không ngang nhau, thế lực không bằng nhau, nên dẫn quân lánh đi để đợi lúc có lợi rồi sẽ cử động.

Trương-Dự rằng: binh lực, mưu dũng đều kém bên địch, nên dẫn quân lánh đi, để chờ khi có khe hở gì sẽ hay.


Cho nên tiểu địch kiên gan sẽ để cho đại địch bắt sống.

Họ Mạnh rằng: nhỏ không thể địch với nhớn. Nói nước nhỏ không lượng sức mình, dám cùng nước lớn gây sự thù khích, tuy tạm thời bền thành cố giữ, nhưng rồi cũng đến bị bắt. Xuân-thu truyện nói rằng: đã không biết mạnh, lại không biết yếu, cho nên phải thua.

Đỗ-Mục rằng: nói tính tướng kiên nhẫn, không biết trốn, không biết lánh, cho nên bị bên lớn hơn họ bắt.

Họ Hà rằng: như Hữu Tướng-quân Tô Kiến, Tiền Tướng-quân Triệu Tín đem hơn ba nghìn quân, chia đi riêng ngả với Đại tướng-quân Vệ-Thanh. Rồi hai tướng gặp mấy vạn quân Thuyền-vu[2] hết sức đánh nhau trong một ngày, quân Hán chết mòn gần hết. Tiền Tướng-quân Tín nhân bên địch họ dụ dỗ, đem hơn 8 trăm quân kỵ đầu hàng với Thuyền-vu; Hữu Tướng-quân Tô Kiến bèn mất sạch cả quân, chỉ còn một mình chạy trốn về. Đại tướng-quân hỏi bọn Trưởng-sử Hoành An và Nghị-lang Chu Bá, xem nên xử Kiến như thế nào. Bá nói: « Từ khi Đại tướng-quân ra quân, chưa từng chém một tỳ tướng nào; nay Kiến bỏ quân, cũng nên chém để tỏ oai trọng ». Hoành An nói: « Không nên. Binh pháp có nói tiểu địch kiên gan sẽ để cho đại địch bắt sống. Nay Kiến đem mấy nghìn quân, chống với mấy vạn quân Thuyền-vu hết sức giao chiến hơn một ngày, quân hết mà không dám có hai lòng, lại tự về đây, thế mà đem chém, tức là bảo người sau đừng ai nghĩ sự quay về nữa ».

Trương-Dự rằng: Tiểu địch không suy lường mạnh yếu mà cứ cố đánh, tất bị đại địch họ bắt sống, tức như Tức-hầu phải khuất với Trịnh-bá, Lý-Lăng phải hàng với Hung-nô đó vậy. Ông Mạnh-tử nói: Nhỏ chẳng thể địch được với nhớn, yếu chẳng thể địch được với mạnh, ít chẳng thể địch được với nhiều.


Này tướng là cái sức giúp giập của nước, giúp giập đầy đủ thì nước tất mạnh.

Giả Lâm rằng: Nước mạnh hay yếu tất ở chư tướng, tướng giúp vua mà tài đầy đủ thì nước được mạnh, không giúp vua mà ở hai lòng thì yếu. Chọn người trao chức không nên không cẩn thận.


Giúp giập thiếu thốn thì nước tất yếu.

Lý Thuyên rằng: Nói cái tài của tướng không được đầy đủ, binh tất yếu.

Trương Dự rằng: Mưu của viên tướng được đầy đủ kỹ càng thì kẻ địch không dám dòm ngó, cho nên nước mạnh; hơi thiếu thì kẻ địch thừa cơ lén vào, cho nên nước yếu. Thái-công nói: Được sĩ thì hay, mất sĩ thì rầy.


Cho nên vua sở dĩ lo lắng về quân có ba điều:

Không biết rằng quân không nên tiến mà cứ bảo tiến, không biết rằng quân không nên lui mà cứ bảo lui, đó gọi là buộc quân.

Mai Nghiêu-Thần rằng: Vua không biết sự nên tiến nên thoái mà cứ chuyên quyết việc tiến thoái là trói buộc quân, tức như trong sách Lục-thao bảo quân không nên từ trong mà chế ngự.

Trương Dự rằng: Quân chưa nên tiến mà cố bắt tiến, quân chưa nên thoái mà cố bắt thoái, như thế gọi là trói buộc quân; cho nên nói rằng: Tiến thoái do bên trong chế ngự thì công khó thành.


Không biết cái việc của ba quân mà làm cái chính của ba quân như thể quốc chính thì quân sĩ sinh hoặc.

Đỗ Hựu rằng: Việc quân không vào nước, việc nước không vào quân, việc binh không thể lấy lễ ra mà trị. Này trị nước chuộng ở lễ nghĩa, việc binh quý ở quyền trá, hình thế riêng khác, giáo hóa không cùng. Vậy mà lại không hiểu sự thay đổi, lấy cách trị dân ra trị quân, thì quân sĩ sẽ phải nghi hoặc. không biết ra sao cả. Cho nên Binh Kinh nói: Ở nước phải tín thực, ở quân phải dối trá.

Trương-Dự nói: Nhân nghĩa có thể trị nước mà không có thể dùng trị quân, quyền biến có thể trị quân mà không có thể dùng trị nước, cái lẽ nó phải như thế. Quắc-công không làm điều từ ái mà bị nước Tấn diệt mất, Tấn-hầu không chịu giữ bốn đức mà bị nước Tần đánh thua, ấy là không lấy nhân nghĩa để trị nước đó. Tề-hầu không bắn người quân tử mà bị bại với nước Tấn. Tống-công không bắt người hai thứ tóc mà bị thua với nước Sở, ấy là không lấy quyền biến để trị quân vậy. Cho nên đáng nhân nghĩa mà dùng quyền quyệt thì nước tất nguy, như nước Tấn nước Quắc đó; đáng biến trá mà chuộng lễ nghĩa thì binh tất bại, như nước Tề, nước Tống đó. Vậy thì cái đạo trị nước, vốn không có thể đem dùng trị quân được.


Không biết quyền mưu của ba quân mà cùng gánh cái trách nhiệm ba quân thì quân sĩ sinh ngờ.

Đỗ-Hựu rằng: Đó là nói dùng không phải người. Ông vua dùng tướng, nên chọn lựa cho tinh, tướng nếu không biết quyền biến, thì không thể giao cho thế vị, nếu trao không phải người thì cất đặt lỗi lầm, quân sẽ ụp đổ.


Ba quân đã ngờ vực thì cái nạn Chư-hầu sẽ đến, đó gọi là loạn quân, dẫn thắng.

Họ Mạnh rằng: Ba quân đã ngờ về chức nhiệm hoặc về hành vi, thì những Chư-hầu ở láng giềng, sẽ nhân ngay sự lầm lỡ đó, để gây nạn mà đến. Thái-công nói: « Có bụng nghi ngờ, thì không thể ứng phó với quân địch được ».

Đỗ-Mục rằng: nói quân ta nghi hoặc tự thành rối loạn, như dẫn đường cho quân giặc đến, để đánh thắng ta.


Cho nên biết thắng có năm.

Lý-Thuyên rằng: bảo năm việc ở dưới này.


Biết có thể chiến cùng không có thể chiến thì thắng.

Họ Mạnh rằng: liệu biết được địch tình, hiểu rõ được hư thực thì thắng.

Trương-Dự rằng: có thể chiến thì tiến đánh không thể chiến thì lui giữ, hiểu được sự nên đánh nên giữ thì chẳng bao giờ là chẳng thắng.


Biết cách dùng nhiều quân, ít quân thì thắng.

Đỗ-Hựu rằng: Nói về cái hình của binh. Có khi mình nhiều mà không thể đánh được bên ít, có khi lại lấy yếu mà chống được mạnh, hễ biết cách biến hóa thì thắng. Cho nên sách Xuân-thu-truyện nói rằng: « quân được ở hòa (điều hòa) chứ không ở nhiều » đó vậy.

Trương-Dự rằng: cách dùng binh có khi lấy vắng mà thắng được đông, có khi lấy nhiều mà thắng được ít, sự đó cốt ở biết liệu lượng cho đúng, như Ngô-tử bảo dùng số quân đông thì cần chỗ bằng phẳng, dùng số quân ít thì dùng chỗ eo hẹp, đó vậy.


Trên dưới cùng muốn thì thắng.

Tào-Công rằng: vua tôi cùng chung một ý muốn.

Đỗ-Hựu rằng: nói vua tôi cùng lòng hăng hái muốn đánh thì thắng, cho nên ông Mạnh nói: Thiên thời không bằng địa-lợi, địa-lợi không bằng nhân hòa.

Lý-Thuyên rằng: Xem lòng tướng sĩ trên dưới đều hăm-hở như trả thù riêng thì thắng.


Lấy sự mưu tính, đối đãi kẻ không mưu tính thì thắng.

Đỗ-Hựu rằng: lấy cái quân có pháp-độ của ta đánh cái quân không pháp-độ của kẻ kia. Cho nên sách Xuân-thu-truyện nói: « không phòng không tính không thể cầm quân » là thế.


Tướng giỏi mà vua không kiềm chế thì thắng.

Lý Thuyên rằng: Tướng ở ngoài, mệnh vua có khi không phải nghe thì thắng.

Mai nghiêu Thần rằng: từ cửa khổn trở ra thuộc quyền tướng quân tiết chế.

Vương Tích rằng: ông vua chế ngự viên tướng giỏi chỉ vì không tuyệt hết được mối ngờ vực đó thôi. Nếu là vị chúa hiền minh tất biết được người sẽ nên ủy nhiệm để đốc trách phải làm thành hiệu đẩy bánh xe, trao lưỡi việt, tức là nghĩa ấy. Phàm việc công chiến đều chuyên ủy hết thẩy không kiềm chế ở bên trong, để cho uy lệnh được duy nhất và được trổ hết cái tài riêng. Huống chi những khi lâm địch thừa cơ. suy tính phải đúng không thể khe kẽ một sợi tóc, thế thì có thể ngồi ở nơi xa mà cầm quyền với làm sao được.

Họ Hà rằng: đời xưa làm lễ sai tướng đi ở nhà Thái-miếu, vua thân cầm cái việt, nâng đầu trao chuôi nói: từ đây trở lên đến giời là thuộc quyền tướng quân coi trị; lại cầm cái phủ, nâng chuôi trao lưỡi nói: từ đây trở xuống đến vực là thuộc quyền tướng quân coi trị. Cho nên Lý Mục làm tướng nước Triệu đóng ở ngoài biên, những thuế má ở chợ đều thu lấy dùng để khao quân sĩ, sự ban thưởng đều tự quyết định ở ngoài, chứ không bị kiềm chế ở trong như vậy. Chu-á-Phu đóng quân ở Tế-liễu, trong quân chỉ nghe thấy mệnh của tướng quân chứ không nghe thấy chiếu của thiên-tử. Bởi sự dùng binh, một bước trăm biến, thấy nên thì tiến, biết khó thì lui, thế mà phải đợi ở mệnh vua ư? có khác gì đi bẩm quan trên rồi mới cứu hỏa, chưa kịp trở về thì đám cháy đã thành tro nguội; phải đợi ở Giám-quân ư? có khác gì làm nhà ở bên vệ đường, kẻ bàn ra người tán vào mà rút lại không sao thành được. Cho nên kiềm chế viên tướng giỏi mà đòi phải dẹp tan được đám giặc mạnh, thì so với sự trói con chó săn mà bắt nó phải vồ cho được con thỏ, phỏng có khác gì.


Năm điều ấy, là cái đạo biết sự thắng đó.

Tào Công rằng: Năm điều đã kể trên.


Cho nên nói rằng: Biết người biết mình, trăm trận không nguy.

Họ Mạnh rằng: Biết rõ cái thế mạnh yếu của người và mình, tuy trăm trận đánh thực không nguy hiểm.

Đỗ Mục rằng: Lấy việc của ta liệu việc của địch, lấy tướng của ta liệu tướng của địch, lấy quân của ta liệu quân của địch, lấy lương của ta liệu lương của địch, lấy đất của ta liệu đất của địch, so lường đã xong thì hơn kém ngắn dài đều thấy trước cả, sau rồi mới khởi binh, cho nên có thể trăm trận đánh trăm trận được.

Trương-Dự rằng: Biết người biết mình là nói sự đánh giữ. Biết người thì có thể đánh, biết mình thì có thể giữ. Đánh là cái cớ để giữ, giữ là cái kế để đánh. Nếu mà biết được thì dù trăm trận cũng không nguy. Có người nói: Sĩ Hội xét quân Sở không có thể địch nổi, Trần Bình liệu tính sự hơn kém của họ Lưu họ Hạng, đó là biết người biết mình vậy.


Không biết người mà biết mình, một được một thua.

Mai nghiêu Thần rằng: Tự biết mình thì được và thua chen nửa.

Vương Tích rằng: Chỉ biết tính toán bên mình mà không biết bên địch mạnh yếu thì hoặc được hoặc thua.

Trương Dự rằng: Đường Thái Tông nói: Các viên tướng ngày nay, tuy chưa thể biết người, nếu biết được mình thì cũng vẫn có thể có lợi. Gọi là biết mình, tức là giữ cái khí của ta, để chờ ứng phó với kẻ địch. Cho nên biết giữ mà không biết đánh thì nửa thua nửa được.


Không biết người không biết mình hễ đánh là nguy.

Đỗ Hựu rằng: Ngoài không liệu địch, trong không biết mình, hễ đánh tất nguy.

Vương Tích rằng: Toàn mù mịt về đường tính toán.

Trương Dự rằng: Cái thuật đánh giữ đều không biết, hễ đánh thì thua.

   




Chú thích

  1. Đây nói việc đánh thành.
  2. Chúa rợ Hung-nô gọi là Thuyền-vu.