Tôn Tử binh pháp/VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VIII

Thiên Cửu-biến

Vương Tích rằng: chín (cửu) là cái mực tận cùng của số. Phép dùng binh phải hiểu đến hết cái lẽ biến.

Trương Dự rằng: biến là bảo không câu nệ phép thường, gặp việc thì biến thông cho hợp tình thế. Phàm cùng người tranh lợi tất phải biết cái biến của chín thế đất, cho nên thiên này ở dưới thiên Quân-tranh.


Tôn-Tử nói: phàm cách dùng binh, tướng chịu mệnh ở vua, họp quân tụ chúng.

Trương Dự rằng: đã giải ở thiên trên.


Đất lội không nương.

Họ Mạnh rằng: đóng ở chỗ đất thấp quá thì sẽ bị quân địch giam mình.

Đỗ Hựu rằng: chọn đất đóng binh, nên tìm chỗ lợi tránh chỗ hại.

Trần Hạo rằng: chỗ đất trũng thấp, Khổng-Minh gọi là địa ngục, ngục là giữa thấp mà bốn bề cao.

Mai Nghiêu-Thần rằng: chỗ đất núi rừng hiểm trở lầy lội, không nên trú đóng, vì không thể nương tựa được.


Đất thông hợp giao.

Tào Công rằng: nói giao kết với chư hầu.

Lý Thuyên rằng: chỗ đất giao thông bốn mặt là nơi liên kết với chư hầu.

Giả Lâm rằng: kết với chư hầu để làm thế viện trợ.

Mai Nghiêu-Thần rằng: chỗ đất thông đồng bốn mặt, tiện đi lại với nước bên cạnh, thì nên kết mối giao tình.

Họ Hà rằng: thiên dưới nói Đất thông ta sẽ kết lấy chặt, nói giao kết chư hầu khiến được bền chặt.


Đất tuyệt không ở.

Lý Thuyên rằng: chỗ đất không có suối giếng, súc vật, củi rác, là đất tuyệt, không nên ở đấy.

Giả Lâm rằng: núi hang hiểm hóc, trước không đường thông là tuyệt, nên đi mau chứ đừng ở.

Trương Dự rằng: đem quân ra khỏi nước, vượt khỏi cõi là đất tuyệt, cái đất nguy tuyệt lại quá đất nặng[1], nên không nên lần lữa ở lâu.


Đất vây thì mưu.

Tào Công rằng: nói nẩy ra cái mưu lạ.

Giả Lâm rằng: ở giữa chỗ bốn bề hiểm trở, gọi là đất vây, địch có thể đi lại, mình thì khó ra vào, ở đất ấy nên đặt sẵn mưu lạ, khiến kẻ địch không thể làm nguy cho mình mới có thể được.

Họ Hà rằng: Thiên dưới cũng nói đất vây thì mưu, nói ở đất gian hiểm, cùng địch chống nhau, nên dùng mưu kỳ hiểm quỷ quyệt sẽ không đến nỗi bại.

Trương Dự rằng: Ở chỗ trước hẹp sau bền nên nẩy mưu lạ, như vua Hán Cao bị quân Hung-nô vây, dùng kế lạ của Trần Bình mà được thoát ra, ấy cũng gần giống thế.


Đất chết thì chiến.

Lý Thuyên rằng: Đặt binh ở cái đất tất chết, mỗi người tự chiến đấu riêng, như khi Hàn Tín phá Triệu đó.

Họ Hà rằng: Thiên dưới cũng nói đất chết thì chiến, đất ấy phải cố chết mà đánh ngay thì sống, nếu dềnh dàng không đánh, khí suy lương tuyệt, không chết còn đợi gì.

Trương Dự rằng: Chạy không còn có lối nào, nên cố chết mà đánh, tức như Hoài-âm đánh trận xoay lưng xuống nước đó. Từ Đất lội không nương đến đây là chín biến, chỉ nói năm việc là kể cái đại lược mà thôi. Trong thiên Cửu-địa nói cái biến của chín thế đất, nhưng chỉ nói sáu việc, cũng là kể đại lược mà thôi. Phàm đất có thế có biến trong thiên Cửu-địa trên thì bầy những cái thế, dưới thì kể về những cái biến. Sao biết chín biến là cái biến của chín thế đất? Dưới này nói: Tướng không thông chín biến, tuy biết địa-hình cũng không thể biết địa-lợi; lại ở thiên Cửu-địa nói: cái biến chín đất, cái lợi co duỗi, không nên không xét, lấy đấy mà xem thì cái nghĩa có thể thấy được. Dưới đã nói cửu địa, đây lại nói cửu biến, Tôn Tử muốn kể năm cái lợi, cho nên trước bầy chín cái biến, bởi chín biến năm lợi nó phải nhờ lẫn nhau mà thành, vì thế mà cần phải gồm nói.


Đường có khi không đi.

Đỗ Hựu rằng: Cái đất khó khăn, chính không nên đi, bất đắc dĩ mà đi, cho nên là biến. Đường tuy gần mà trong đó bất lợi, thì không nên đi.

Lý Thuyên rằng: Con đường hiểm hẹp, sợ có mai phục, không nên đi qua.

Đỗ Mục rằng: Đời Hậu Hán, vua Quang Võ sai tướng quân Mã Viện, Cảnh Thư đi đánh mán Ngũ-khê ở Vũ-lăng, quân đóng ở Hạ-tuấn, nay là Thìn-châu, muốn tiến vào đất mán, có hai con đường: theo lối Hồ-đầu thì đường gần mà nước hiểm, theo lối Sung-đạo thì đường phẳng mà tải xa. Vua ban đầu phân vân, đến lúc quân tới, Cảnh Thư muốn đi đường Sung-đạo. Viện cho là đi thế tốn ngày tốn lương, chẳng bằng tiến theo lối Hồ-đầu, chẹn ngang cổ họng thì giặc phải tự vỡ. Việc trình lên, vua theo kế của Mã Viện, bèn tiến vào lối Hồ-đầu. Giặc từ trên cao giữ chỗ hẹp, quan quân vì nước chẩy siết, thuyền không lên được. Nhân gặp thử-thấp, quân lính bị chết dịch nhiều lắm. Viện cũng trúng bệnh mà mất. Cảnh Thư viết thư cho anh là Hảo-Trĩ-Hầu rằng: Thư này trước có dâng lời, bảo nên tiến theo lối Sung-đạo, lương tuy khó vận nhưng binh mã còn được mà dùng, quân nhân mấy vạn, tranh nhau tiến trước. Nay tiến đường Hồ-đầu không thể lên được, quân sĩ chết hại mất nhiều, thật là đáng tiếc.

Vương Tích rằng: Đường tuy đáng đi nhưng có khi không đi, vì sợ có quân kỳ quân phục, như Triệu Thiệp nói với Chu Á-Phu, tránh cái lối Hào-miện chật hẹp, sợ có phục binh, xin qua Lam-điền, ra Vũ-quan, đến Lạc-dương, bất quá chỉ sai một, hai ngày đó vậy.

Trương Dự rằng: Cái chỗ hiểm ách xe không được gióng đôi, ngựa không được thành hàng, cho nên không nên đi. Bất đắc dĩ mà đi, tất là quyền biến, như Hàn-Tín biết Trần Dư không dùng kế của Lý Tả-Xa, bèn dám vào cửa Tỉnh-hình đó.


Quân có khí không đánh.

Tào-Công rằng: Quân tuy đáng đánh nhưng đất hiểm khó, ở lâu sợ mất cái lợi trước, dù có được thì lợi cũng nhỏ, mà sợ quân khốn cùng, họ sẽ tử chiến với mình.

Đỗ Mục rằng: Bởi vì quân sắc chớ đánh, quân về chớ cản, giặc cùng chớ bách, đất chết không nên đánh hoặc ta mạnh giặc yếu, tiền-quân của địch đến trước, cũng không nên đánh vì sợ kinh động thì họ lui chạy mất. Nói có những thứ quân như thế đều không nên đánh. Ấy là nói chung sự làm tướng, nên biết có những thứ quân không nên đánh ấy. Mà không đánh càng là người biết lẽ biến, cho nên liệt những điều này vào thiên Cửu-biến.

Giả Lâm rằng: Khi quân có thể lấy uy mà làm cho họ phục, lấy thế mà làm cho họ hàng, thì không đánh. Giặc cùng giữ ở chỗ hiểm, đánh thì họ tử chiến với mình, nên tự giữ bền, đợi khi họ lười nản rồi sẽ đánh lấy.

Trương Dự rằng: Thả không có hại gì, được không có lợi gì thì không nên đánh. Lại như ta yếu địch mạnh, ta cong địch thẳng cũng không nên đánh, như Tấn Sở giữ nhau, Sĩ Hội nói: Người Sở việc đức, việc hình, việc chính-sự, việc điển lễ đều không thay đổi, ta không nên đối địch với họ, không đánh những nước ấy là gần với nghĩa.


Thành có khi không phá.

Tào Công rằng: Thành nhỏ mà bền, lương thực lại nhiều thì không nên tấn công. Ấy Tháo sở dĩ bỏ Hoa, Phi mà vào sâu Từ-châu, để đánh được 14 huyện đó.

Trương Dự rằng: Thành hạ được mà không thể giữ, bỏ đó cũng không hại gì thì không nên đánh. Lại như sâu hào cao lũy, xem chừng đánh không thể hạ được cũng không nên đánh, như Sĩ Mang xin đánh Bức-dương. Tuân Oanh nói: thành nhỏ mà bền, đánh lấy được không có gì là giỏi, mà không lấy được thì bị tiếng chê cười, đó vậy.


Đất có khi không tranh.

Tào-Công rằng: cái đất lợi nhỏ, tranh được rồi lại mất thì không nên tranh.


Mệnh vua có khi không chịu.

Tào Công rằng: Nếu tiện công việc, thì không cần câu nệ lệnh vua; cho nên nói rằng: « Không theo sự kiềm chế bên trong ».

Lý Thuyên rằng: nếu tiện cho việc, không câu nệ lệnh vua, như là Nhương Thủ chém Trang Giả, Ngụy Giáng giết Dương-Can đó.

Đỗ Mục rằng: Úy-liên-Tử nói: Binh là hung khí, tranh là nghịch đức, tướng là tử quan, không giời ở trên, không đất ở dưới, không giặc ở trước, không chúa ở sau.

Trương Dự rằng: nếu tiện cho việc, không theo mệnh vua, như là Phù Khái-Vương nói: thấy nghĩa thì làm, không đợi mệnh đó. Từ Đường có khi không đi đến đây là năm lợi. Có người nói: Từ Đất lội không nương đến Đất có khi không tranh là chín biến, bảo chín việc ấy, đều không định sẵn từ trong, chỉ lâm thời mà chế biến, cho nên thống thuộc cả vào câu Mệnh vua có khi không chịu.


Cho nên làm tướng, suốt được cái lợi của chín biến, ấy là người biết dùng binh.

Đỗ Hựu rằng: Những cái biến của chín việc đều là lâm thời mà quyết định, không do đạo thường, cho nên nói là biến.

Giả Lâm rằng: Chín biến là nói chín việc ở trên. Kẻ tướng súy dùng cách cơ quyền, gặp thế thì biến, nhân lợi thì chế, không nệ đạo thường, rồi sau mới có thể thu được cái lợi thông biến. Biến thì có chín, số thì gồm mười, cho nên mệnh vua không ở trong cái lệ thường biến.

Vương Tích rằng: Không phải là bậc hiền trí, không thể suốt hết được cái biến của sự lý.

Họ Hà rằng: Tôn-Tử lấy cửu biến mà đặt tên thiên, giải thích có đến hơn mười nhà, đều không chỉ rõ được những cái gì thuộc về chín biến, là tại làm sao? Bởi từ đất lội không nương đến mệnh vua có khi không chịu, số gồm có mười, khiến người không thể không hoặc được. Tôi xem kỹ ý văn trên dưới, chỉ thấy nói về cái lợi hại của đất mà thôi. Vả trong mười việc, thì mệnh vua có khi không chịu, rõ ràng không phải là việc đất. Bởi ý của Tôn Tử nói phàm viên tướng chịu mệnh, hợp quân tụ chúng, nếu xem xét chín đất trên này, có hại không lợi thì nên biến đi tuy mệnh vua khiến nương, ở, đánh, tranh mà không vâng nghe cũng được. Huống ở dưới này nói: Tướng mà không suốt cái lợi của chín biến, tuy biết địa-hình, cũng không thể được cái địa lợi, thế thì mệnh vua, há lại được nhập vào địa hình mà cùng tính ư? Huống chi thiên Địa-hình ở dưới này nói: « Đánh mà tất thắng, chúa bảo không đánh, cũng nên cứ đánh; đánh mà không thắng, chúa bảo cứ đánh cũng nên không đánh », ấy cái ý đều ở đó cả.


Tướng mà không suốt cái lợi của chín biến, tuy biết địa hình, cũng không thể được cái địa lợi.

Giả Lâm rằng: Tuy biết hình đất mà lòng không thông biến, há những không được lợi mà sợ rằng lại còn bị hại. Cho nên tướng quý ở biết biến.

Mai Nghiêu Thần rằng: Biết đất không biết biến thì sao được cái lợi của biến.

Trương Dự rằng: Phàm đất có hình có biến, biết hình mà không biết biến, thì sao được cái lợi của đất.


Trị binh mà không biết cái thuật chín biến, tuy biết năm lợi, không thể được người để mà dùng.

Tào Công rằng: Nói năm việc bên dưới. Chín biến hoặc bảo là năm biến.

Giả Lâm rằng: năm lợi năm biến cũng ở trong chín biến. Gặp thế biết biến thì lợi, không biến thì hại. Ở người vốn không có thể thường, hễ hết được cái lý ấy, thì sẽ được người đến cho mà xử dụng. Năm biến, là đường tuy gần, biết có cái biến hiểm trở, kỳ phục mà không đi; quân tuy đánh được, biết có cái biến cùng sức tử đấu mà không đánh; thành tuy thế cô có thể tấn công được, biết có cái biến không lường như lương đầy, quân mạnh, tướng trí, tôi trung mà không tấn công; đất tuy tranh được, biết có cái biến được cũng khó giữ, được cũng vô lợi, cướp lại hại người mà không tranh; mệnh vua tuy rằng nên theo, biết có cái hại bên trong giữ quyền chẳng thể có lợi mà không chịu. Năm cái biến ấy lâm thời chế nghị, không nên định sẵn. Tham năm cái lợi ấy, đường gần thì kéo quân, thế cô thì đánh thành, thế nguy thì đánh đất, nên lấy thì tranh quân, nên dùng thì chịu mệnh. Tham năm cái lợi ấy mà không biết lẽ biến, há những không được người mà dùng, lại còn hại quân tổn lính nữa.

Trương Dự nói: Phàm việc binh có lợi có biến, biết lợi mà không biết biến không thể được người mà sai dùng. Tào Công nói: năm việc dưới là năm lợi, là bảo năm việc ở phần dưới chín biến, chứ không phải bảo năm việc là lẫn cùng lợi hại ở dưới này.


Ấy cho nên người khôn lo tính tất lẫn cùng lợi hại.

Tào-Công rằng: Ở lợi thì nghĩ hại, ở hại thì nghĩ lợi, gặp khó thì hành quyền.

Giả-Lâm rằng: Nói lợi hại chen lẫn, người khôn biết lo tính thận trọng, sẽ được cái lợi.

Trương-Dự rằng: Người khôn tính việc, tuy ở đất lợi, tất nghĩ đến điều hại, tuy ở đất hại, tất nghĩ đến điều lợi, ấy cũng là bảo về sự thông biến đó.


Lẫn điều lợi, thì sự chuộng của mình đạt được.

Tào-Công rằng: Tính toán để quân địch không thể dựa vào năm thế đất để làm hại ta, thì điều chuộng của ta sẽ đạt tới được.

Đỗ-Mục rằng: Nói ta muốn lấy lợi ở kẻ địch, không nên chỉ nhìn vào cái lợi định lấy ở người, trước phải lấy cái việc kẻ địch hại ta, trộn lẫn vào mà lường tính, rồi sau cái mối lợi ta chuộng mới có thể đạt tới được.

Trương Dự rằng: Lấy điều có hại chen vào điều có lợi thì có thể nên được cái việc của mình. Quân nước Trịnh đánh được nước Sái, người nước đều mừng, duy Tử Sản sợ mà rằng: nước nhỏ không có văn đức mà có võ công, đó là cái vạ rất lớn. Sau nước Sở quả đánh nước Trịnh. Ấy là ở lúc lợi mà nghĩ đến sự hại đó.


Lẫn điều hại, thì cái nạn của mình cổi được.

Tào-Công rằng: Đã xem điều lợi thì cũng tính điều hại, tuy có nạn, có thể cổi được.

Đỗ Mục rằng: Ta muốn cổi nạn kẻ địch, không nên chỉ nhìn vào cái việc kẻ địch có thể hại ta, cũng nên trước hãy đem cái lợi mà ta có thể lấy được của bên địch, trộn lộn vào mà lường tính, rồi sau cái nạn sẽ có thể cổi được. Cho nên trên này nói người khôn lo tính tất lẫn cùng lợi hại. Ví như kẻ địch vây ta, ta nếu chỉ biết xông vây mà ra, chí tất trễ nải và tất bị đuổi đánh, chưa bằng ta khích lệ quân lính đánh bừa rồi nhân cái lợi chiến thắng để giải được vòng vây. Ấy cử ra một điều có thể biết được mọi điều khác.

Giả Lâm rằng: Ở lúc hại thì nghĩ điều lợi để khỏi hại, cho nên đặt ở đất chết thì sống, ném vào đất mất thì còn, ấy là nạn cổi đó.

Trương Dự rằng: Lấy điều lợi xen vào điều hại, có thể cổi được nạn cho mình. Trương Phương vào Lạc-dương, đánh luôn mấy trận đều thua cả. Có người khuyên Phương nhân đêm trốn đi, Phương nói: Việc binh thua được là thường, cốt biết nhận thua để làm thành ra được. Đêm ấy ngầm tiến bức quân địch, kết quả thì được thắng trận. Ấy là trong hại mà nghĩ lợi.


Ấy cho nên lấy hại để đè Chư hầu.

Giả Lâm rằng: Cái kế làm hại không phải một đường: hoặc nhử người hiền trí, khiến họ không có bề tôi, hoặc đưa kẻ gian vào để phá chính lệnh, hoặc làm cách xảo trá để ly gián vua tôi, hoặc phái người khôn khéo để làm cho của hao người mỏi, hoặc hiến dâm nhạc để biến đổi phong tục, hoặc tặng mỹ nhân để mê hoặc cõi lòng. Mấy cách ấy nếu biết vận dụng mưu ngầm, không để tiết lậu, đều có thể làm hại người mà khiến người phải lún gẫy.

Trương Dự rằng: Đưa vào cái đất chịu hại thì họ tự phải khuất phục. Có người nói: nói gièm để vua tôi xa nhau, quấy rầy để dân chúng thất nghiệp, đó là những cách làm hại. Như cái kế của Vi Hiếu-Khoan ly gián Hộc-Luật-Quang, và Cao Cảnh bình Trần đó.


Không trông cậy ở kẻ kia không đánh, trông cậy ở ta có cái cách để cho họ không thể đánh được.

Tào Công rằng: Yên chẳng quên nguy, thường đặt phòng bị.

Đỗ Hựu rằng: Yên thì nghĩ nguy, còn thì nghĩ mất, thường phòng bị luôn.

Họ Hà rằng: Ngô Lược nói: Người quân tử đương thủa yên bình, gươm dao không rời khỏi mình. Đời xưa nước Chư hầu cùng nhau tương kiến, không triệt bỏ những quân hộ vệ. Đó là tuy có văn sự, tất có võ sĩ, huống chi chỗ biên cương phòng thủ, gươm dao tiếp xúc ư? Phàm việc binh sở dĩ thắng được là bởi đánh chỗ không lui, úp chỗ trễ nải. Nếu mình cứ giữ nghiêm chỉnh luôn thì kẻ địch không thể đến được. Truyện nói rằng: « Không phòng bất trắc, không thể coi quân... » Ngày xưa người Tấn chống Tần, sâu lũy vững để đợi, quân Tần không thể ở lâu được. Sở bầy trận mà người Ngô đến, thấy có phòng bị phải rút về ... Cho nên ta có cái cách chờ đợi họ, ta có cái cách để cho họ không thể đánh được, đều là nói về sự biết dự bị đó.

Trương Dự rằng: Nói nên nghĩ đến tai nạn mà phải dự phòng. Truyện nói: « Không phòng bất trắc, không thể coi quân ».


Cho nên tướng có năm cái nguy.

Lý Thuyên, Trương Dự rằng: Nói năm việc ở dưới này.


Liều chết, có thể giết được.

Tào Công rằng: Mạnh tợn mà không biết suy nghĩ, chỉ muốn liều chết để chiến đấu, như vậy không nên uốn gẫy nên dùng kỳ binh, phục binh mà đánh úp.

Lý Thuyên rằng: Nói có dũng mà không có mưu.

Trương Dự rằng: Kẻ có dũng mà không có mưu, chỉ muốn liều chết để chiến đấu, thì không nên đem sức ra tranh chọi với họ, nên dùng kỳ binh phục binh nhử đến mà giết. Cho nên sách Tư-mã-pháp nói: Trước chết không thắng, nói tướng không có mưu lược, chỉ biết can đảm để chết trước tướng sĩ, thì không thể thắng được.


Ham sống, có thể bắt được.

Tào Công rằng: Thấy lợi mà nhát sợ không tiến.

Họ Mạnh rằng: Nói thấy lợi mà không dám tiến. Viên tướng nhút nhát, chỉ muốn sống về, bụng không muốn thân ra giao chiến, quân lính không tinh, trên dưới do dự, nên gấp đánh mà bắt lấy. Sách Tân-huấn nói: làm tướng nhút nhát, thấy lợi mà không dám tiến. Thái Công nói: chậm chân lỡ dịp, lại chịu tai ương.

Trương Dự rằng: Lâm trận nhát sợ, chỉ muốn sống về, đối với kẻ ấy nên rầm rộ tràn lấn, có thể bắt được. Hai nước Tấn Sở đánh nhau, tướng Tấn là Triệu Anh-Tề sai quân cắm sẵn một chiếc thuyền ven sông, định hễ thua thì mình xuống thuyền chạy trước đó.


Nóng giận, có thể khinh nhạo.

Tào Công rằng: Người hay nóng giận, nên khinh nhạo để cho tức tối mà phải đến.

Đỗ Mục rằng: Người hay nóng giận là bởi tính không thận trọng. Nếu kẻ địch như thế, mình nên trêu tức để cho họ khinh tiến mà sẽ đánh bại. Hồi Thập-lục-quốc, Diêu Tương đánh Hoàng-Lạc, Phù Sinh nước Tiền Tần sai Phù Hoàng-My, Đặng Khuông đi đánh. Tương sâu hào cao lũy, giữ vững không đánh, Đặng Khuông bảo với Hoàng My rằng: Tính Tương cương cáu, dễ trêu chọc được, nếu bây giờ thúc trống ruổi dài, kéo thẳng đến tận cạnh lũy mà áp bức, tất hắn tức giận mà ra quân, có thể đánh một trận là bắt sống được. Hoàng My nghe theo. Tương tức giận ra đánh, bọn Hoàng My chém được.

Trương Dự rằng: Người hẹp hòi nóng nẩy, có thể khinh nhạo để nhử cho mà đến. Tử Ngọc nước Sở tính cương cáu, người nước Tấn bắt sứ-giả làm cho tức giận, quả nhiên Tử Ngọc theo đánh quân Tấn, bèn bị đánh bại.


Ngay sạch, có thể làm nhuốc.

Tào Công rằng: Người ngay sạch, có thể làm cách bêu nhuốc để khêu cho phải đến.

Đỗ Mục rằng: Đây nói kẻ địch nếu cao tường bền lũy, muốn cầm hãm quân ta, thế ta không thể ở được, lợi ở đánh chóng, dò biết viên tướng bên địch tính hay nóng giận thì khinh nhạo để nhử cho đến, tính vốn ngay sạch thì làm nhuốc, như Gia-cát Khổng-Minh đưa tặng khăn yếm cho Tư-mã Trọng-Đạt, muốn khiến tức giận mà phải ra đánh. Trọng-Đạt tức giận muốn ra quân, chúa Ngụy phải sai Tân Tỷ đem cờ tiết đến ngăn cản. Tài như Trọng-Đạt mà còn phải phát tức, huống chi là người thường tài ư?


Thương dân, có thể quấy rầy.

Tào Công rằng: Kéo đến chỗ trọng yếu của họ, họ thương dân tất phải gấp đường đi ròng để cứu, cứu thì phải nhọc mệt đó là sự quấy rầy cho phải vất vả.

Đỗ Mục rằng: Nói người nhân thương dân, chỉ sợ dân bị giết hại, không biết buông cái ngắn, giữ cái dài, bỏ chỗ kia, lấy chỗ nọ, không tính xa gần, không lường sức lực, thấy đâu bị đánh, cũng tất đi cứu, như thế có thể quấy rầy, khiến cho phải nhọc mệt vất vả rồi sau mới lấy.

Trần Hạo rằng: Việc binh có khi cần cứu, có khi không cần cứu. Hạng Vũ cứu Triệu, ấy là cần cứu, Á-Phu bỏ Lương, ấy là không cần cứu đó.


Phạm năm điều ấy là cái lỗi của tướng, cái tai vạ của sự dùng binh.

Trần Hạo rằng: Viên tướng giỏi thì không thế, không liều chết, không ham sống, tùy việc mà dùng, không nóng giận, không sỉ nhục, thấy nên thì mạnh mẽ như hổ, bằng không thì đóng cửa ngồi im, động tĩnh theo cái kế định chứ không vì sự mừng sự giận.

Mai Nghiêu Thần rằng: Đều cái lỗi của tướng, để cái hại cho quân.

Họ Hà rằng: Tướng tài xưa nay vẫn khó, thường thường có một cái thói thiên, cho nên Tôn Tử thiên đầu, nói tướng là trí, tín, nhân, dũng, nghiêm, quý ở toàn vẹn vậy.

Trương Dự rằng: Viên tướng tầm thường, chỉ chấp nhất mà không biết biến, cho nên nhầm lỗi ở mình mà để tai hại cho binh đội. Tướng khôn ngoan thì không thế, tuy mạnh mà không liều chết, tuy nhát mà không ham sống, tuy cương mà không thể trêu, tuy liêm mà không thể nhục, tuy nhân mà không thể quấy.


Quân bị vỡ, tướng bị giết chỉ vì năm cái nguy này, không nên không xét kỹ.

Giả Lâm rằng: Năm thứ người này không nên dùng làm đại tướng, dùng binh tất phải thua.

Trương Dự rằng: Nói nên biết quyền biến, không nên chấp nhất.

   




Chú thích

  1. Đất nặng sẽ xem ở dưới này.