Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 27

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ HAI MƯƠI BẢY

Mỹ nhiệm công[1] cưỡi một ngựa bay nghìn dặm.
Hán Thọ hầu chém sáu tướng phá năm quan.

Trong bọn bộ hạ Tào Tháo, ngoài Trương Liêu ra, có Từ Hoảng là thân với Quan Vũ, còn các tướng ai cũng kính phục, duy chỉ có Sái Dương là không phục, cho nên hôm ấy nghe tin Quan-công đi, Sái Dương xin đi đuổi bắt về.

Tháo nói:

- Không quên chủ cũ, lúc đến, lúc đi đều phân minh, thế mới thực là trượng phu. Các ngươi nên bắt chước.

Nói rồi mắng Sái Dương, không cho đi đuổi.

Trình Dục nói:

- Thừa tướng đãi Quan Vũ rất hậu, nay không bái từ, tự tiện đi, viết nhăng mảnh giấy gửi lại, khinh nhàm oai trên, là có tội lớn. Nếu tha cho y về với Viên Thiệu, khác gì cho hổ thêm cánh, chi bằng đuổi giết đi, để dứt vạ về sau.

Tháo nói:

- Trước ta đã hứa, không nên thất tín. Người ta đã vì chủ cũ, không nên đuổi.

Nhân thế bảo Trương Liêu:

- Vân-trường gói vàng treo ấn, của cải không động lòng, tước lộc không đổi chí, những người như thế ta rất kính trọng. Bây giờ Vân-trường đi cũng chưa xa, ta muốn ra gắn bó với hắn, để lưu lại một chút tình về sau. Ngươi nên cưỡi ngựa đi trước, mời hắn đi thong thả, đợi ta ra tiễn, còn có lộ phí và chinh bào đem tặng, để làm kỷ niệm.

Trương Liêu vâng lệnh, cưỡi ngựa đi trước. Tào Tháo dẫn vài mươi kỵ đi sau.

Vân-trường cưỡi ngựa Xích-thố, sức đi được nghìn dặm, giá có một mình thì chẳng ai đuổi kịp, nhưng vì hộ tống xa trượng, phải đi thong thả. Chợt nghe đằng sau có người gọi:

- Xin Vân-trường hãy đi chậm lại.

Quan-công ngoảnh lại, thấy Trương Liêu cưỡi ngựa đến. Quan-công giục những người tùy tùng cứ đẩy xa trượng theo đường cái đi mau lên trước, còn mình thì dừng ngựa lại, tay cầm vững long đao, hỏi:

- Văn-viễn định đuổi theo bắt ta chăng?

Liêu thưa:

- Không phải thế, thừa tướng biết anh đi xa, muốn ra tiễn chân, cho nên sai tôi lại đây, xin anh hãy dừng ngựa lại.

Quan-công nói:

- Dù đội thiết kỵ của thừa tướng kéo đến, ta xin quyết một trận tử chiến.

Nói rồi dừng ngựa, đứng ở trên cầu trông lại, thấy Tào Tháo dẫn vài mươi quân kỵ mã chạy đến, đằng sau có bọn Hứa Chử, Từ Hoảng, Vu Cấm, Lý Điển. Tháo thấy Quan-công cầm đao cưỡi ngựa đứng trên cầu, liền truyền các tướng dừng cả lại, đứng sắp hàng hai bên. Quan-công thấy các tướng đi tay không, bấy giờ mới vững dạ.

Tháo hỏi:

- Vân-trường sao vội quá thế?

Quan-công ngồi trên ngựa, cúi mình xuống nói:

- Trước tôi đã có lời thưa với thừa tướng. Nay chủ cũ tôi ở Hà-bắc, thế tất tôi phải vội đi. Đã mấy lần đến phủ, không được vào hầu, cho nên đã có bức thư để cáo từ, gói vàng bạc, treo ấn thụ, nộp lại thừa tướng. Xin thừa tướng đừng quên lời ước ngày trước.

Tháo nói:

- Ta còn muốn thủ tín với thiên hạ, sao lại phụ lời ước? Nhưng sợ tướng quân đi đường thiếu dùng, nên đem ít đồ hành trang lại tiễn.

Nói xong sai một tướng xuống ngựa bưng một mâm vàng đến.

Quan-công nói:

- Tôi nhiều lần đội ơn thừa tướng ban thưởng, hãy còn đủ dùng. Xin để lại số vàng này thưởng cho tướng sĩ.

Tháo nói:

- Để báo công to một phần trong muôn phần, sao tướng quân lại từ chối?

Quan-công nói:

- Chút công nhỏ mọn đáng kể chi!

Tháo cười nói:

- Quan Vân-trường là nghĩa sĩ trong thiên hạ, tiếc vì ta kém phúc, không lưu lại được. Nay gọi là có chiếc cẩm bào để giãi tấm lòng thành.

Nói rồi sai một tướng hai tay nâng áo cẩm bào dâng lên.

Vân-trường sợ có mưu kế gì, không dám xuống ngựa, dùng mũi long đao kều lấy cẩm bào, quàng lên vai, gò cương ngựa quay đầu lại tạ:

- Đội ơn thừa tướng cho áo. Ngày khác có khi lại được gặp nhau.

Tạ rồi, xuống cầu nhằm phía bắc tế ngựa đi thẳng.

Hứa Chử nói:

- Quan Vũ thậm vô lễ, sao không bắt lấy?

Tháo nói:

- Người ta một mình một ngựa, chúng ta hơn mười người, trách nào người ta chẳng nghi? Ta đã có lời ước, không nên đuổi.

Nói rồi, cùng các tướng trở về. Tào Tháo vừa đi đường vừa khen vừa tiếc Quan-công.

Quan-công tế ngựa chạy theo cho kịp xa-trượng. Chạy ước được ba mươi dặm, chẳng thấy xa-trượng đâu, Quan-công liền tế ngựa tìm quanh cả bốn mặt. Chợt nghe ở trên đỉnh núi có tiếng gọi:

- Quan tướng quân hãy đứng lại.

Quan-công ngẩng mặt lên trông, thì thấy một chàng trẻ tuổi, Khăn vàng áo gấm, vác giáo cưỡi ngựa, dưới cổ ngựa treo một cái đầu người, dẫn hơn một trăm quân bộ, chạy lại.

Quan-công hỏi:

- Ngươi là ai?

Chàng trẻ tuổi bỏ giáo xuống ngựa, thụp lạy. Vân-trường sợ có mưu mẹo gì, dừng ngựa cầm đao hỏi:

- Xin tráng sĩ cho biết tên họ.

Người ấy đáp:

- Tôi là Liêu tên Hóa, tự là Nguyên-kiệm, vốn người Tương-dương, nhân thời loạn, lưu lạc giang hồ, tụ tập được hơn năm trăm người, cướp bóc kiếm ăn. Mới rồi đồng bạn là Đỗ Viễn, xuống núi tuần tiễu, nhỡ cướp phải hai vị phu nhân đem lên núi. Tôi hỏi người theo hầu, mới biết là hai phu nhân của Lưu hoàng-thúc nhà Đại Hán. Lại nghe có tướng quân đi hộ tống, tôi muốn đưa ngay hai phu nhân xuống núi. Đỗ Viễn ăn nói càn rỡ, tôi giết đi, đem đầu lại nộp thừa tướng, xin chịu tội.

Quan-công hỏi:

- Hai phu nhân ở đâu?

- Hiện ở trên núi.

Quan-công sai đem ngay xuống núi. Được một lúc hơn một trăm người rước xa-trượng ra. Quan-công xuống ngựa, đặt đao, chắp tay đứng trước xe hỏi:

- Hai chị có bị sợ hãi gì không?

Hai phu nhân nói:

- May nhờ Liêu tướng quân cứu cho, chớ không thì đã bị Đỗ Viễn nó làm nhục rồi.

Quan-công hỏi những người tùy tùng:

- Liêu Hóa làm thế nào cứu hai phu nhân?

Chúng thưa:

- Đỗ Viễn cướp hai phu nhân đem lên núi, định chia với Liêu Hóa mỗi người lấy một bà làm vợ. Hóa hỏi căn do làm sao, khi đã biết rồi, có bụng kính nể, can Đỗ Viễn, Viễn không nghe, nên Liêu Hóa giết đi.

Quan-công nghe nói, liền tạ Liêu Hóa. Hóa xin đem bộ hạ đi theo Quan-công. Quan-công nghĩ người ấy là dư đảng của Khăn vàng, không nên cho đi theo, bèn từ tạ không nhận. Liêu Hóa lại đem biếu vàng lụa, Quan-công cũng không lấy. Liêu Hóa từ biệt, dẫn quân về núi.

Quan-công liền đem việc Tào Tháo ra tiễn, tặng bào, kể lại với hai chị, rồi giục xe đi lên.

Đến chiều tối vào nghỉ trọ một nhà trong làng. Chủ nhà đầu râu tóc bạc ra đón hỏi tên họ. Quan-công thi lễ nói:

- Tôi là Quan Vũ, em Lưu Huyền-đức.

Chủ nhà lại hỏi:

- Ngài có phải ông họ Quan đã chém Nhan Lương, Văn Sú không?

Quan-công thưa:

- Phải, chính tôi.

Ông già mừng lắm, mời ngay Qua-cCông vào nhà. Quan-công thưa:

- Còn hai vị phu nhân ngồi trên xe.

Ông già gọi vợ con ra đón vào trong nhà. Quan-công chắp tay đứng hầu bên cạnh hai phu nhân. Ông già mời ngồi, Quan-công nói:

- Hai chị tôi đây, tôi không dám ngồi.

Ông già biết ý, bảo vợ con mời hai phu nhân vào nhà trong khoản đãi, còn mình thì ở ngoài nhà tiếp Quan-công. Quan-công hỏi tên họ ông già, ông già thưa:

- Tôi họ Hồ tên Hoa, đời vua Hoàn-đế từng làm nghị lang về sau trí sĩ về làng ở. Nay có con giai là Hồ Ban, làm tùng sự ở phủ quan thái thú Huỳnh-dương tên là Vương Thực. Nếu tướng quân có đi qua đường ấy, nhờ đưa hộ một phong thư cho con tôi.

Quan-công xin vâng.

Hôm sau, cơm sớm xong, Quan-công mời hai chị lên xe, nhận lấy thư của Hồ Hoa, từ biệt nhau, rồi đi sang Lạc-dương. Đi đến một cửa quan là cửa Đông-lĩnh, tướng giữ quan tên là Khổng Tú, đem năm trăm quân đóng trên ngọn núi. Quân sĩ lên báo với Khổng Tú. Tú ra cửa quan tiếp đón, Quan-công xuống ngựa, thi lễ, Tú hỏi:

- Tướng quân đi đâu?

Quan-công đáp:

- Tôi vừa cáo từ thừa tướng, sang Hà-bắc để tìm anh.

Tú nói:

- Viên Thiệu ở Hà-bắc, chính là kẻ đối đầu với thừa tướng, tướng quân sang đấy, hẳn có văn bằng của thừa tướng?

Quan-công đáp:

- Vì hành kỳ vội quá, không kịp xin văn bằng.

Tú nói:

- Nếu không có văn bằng, tôi phải sai người trình thừa tướng, rồi mới dám để tướng quân đi.

Quan-công nói:

- Đợi phải bẩm báo, lỡ mất hành trình của tôi.

Tú đáp:

- Phép tắc bó buộc, phải thế mới được.

Quan-công hỏi:

- Ngươi không cho ta qua cửa quan phải không?

Tú nói xẵng:

- Muốn đi phải để cả già trẻ lại đây làm con tin.

Quan-công nổi giận, cầm đao toan giết Khổng Tú. Tú chạy vào cửa quan, nổi trống họp quân, mặc áo giáp, lên ngựa, kéo ra cửa quân quát to:

- Ngươi dám vượt cửa quan chăng?

Quan-công truyền xa trượng lui lại, rồi cầm long đao, giục ngựa tiến thẳng vào đánh Khổng Tú. Tú vác giáo nghênh địch. Hai ngựa đấu nhau chỉ được một hợp, Tú bị chém chết ngã dưới chân ngựa.

Quân sĩ chạy tan cả.

Quan-công gọi lại bảo:

- Quân sĩ đừng chạy, ta giết Khổng Tú là bất đắc dĩ. Việc này không liên can gì đến các ngươi. Nhờ các ngươi thưa lại với thừa tướng: “Khổng Tú muốn hại ta, nên ta phải giết đi”.

Quân sĩ đều thụp xuống lạy trước ngựa. Quan-công lại mời hai phu nhân ra ngoài cửa quan, đi về đường Lạc-dương.

Có người báo thái thú Lạc-dương là Hàn Phúc biết tin. Phúc họp ngay các tướng lại bàn. Nha tướng là Mạnh Thản nói:

- Không có văn bằng của thừa tướng, tất là đi một cách lén lút, nếu không ngăn lại, tất bị tội lỗi.

Hàn Phúc nói:

- Quan-công dũng mãnh lắm. Nhan Lương, Văn Sú đều bị hắn giết. Nay không thể dùng sức địch lại với hắn, chỉ nên dùng mưu mới được.

Mạnh Thản nói:

- Tôi có một kế: lấy chông chà rào kín cửa quan, đợi khi hắn đến, tôi ra đánh nhau, rồi giả tảng thua chạy, dử cho hắn đuổi theo, ông đứng núp một nơi, lấy tên mà bắn. Nếu bắn ngã ngựa, bắt giải về Hứa-đô, chắc được trọng thưởng.

Vừa bàn định xong, quân vào báo xa trượng của Quan-công đã đến. Hàn Phúc đeo cung cài tên, đem một nghìn quân mã dàn ngoài cửa quan, hỏi:

- Người đến kia là ai?

Quan-công ngồi trên ngựa, cúi mình nói:

- Hán-thọ đình-hầu Quan-mỗ xin nhờ đường đi qua.

Hàn Phúc hỏi:

- Có văn bằng của thừa tướng không?

Quan-công đáp:

- Ta bận việc không kịp lấy.

Hàn Phúc nói:

- Ta phụng mệnh thừa tướng trấn thủ đất này, chuyên việc khám xét kẻ gian đi lại. Nếu không có văn bằng, tức là đi trốn.

Quan-công nói:

- Khổng Tú ở Đông-lĩnh không cho ta đi, vừa bị ta giết chết. Ngươi cũng muốn chết à?

Hàn Phúc nói:

- Ai bắt lấy nó cho ta!

Mạnh Thản cưỡi ngựa ra, múa đôi đao đón đánh. Quan-công bảo xa trượng lui lại, rồi tiến lên đánh Mạnh Thản. Đánh được ba hợp, Mạnh Thản quay ngựa chạy, chỉ mong dụ Quan-công đuổi theo, không ngờ ngựa của Quan-công chạy mạnh quá, đến ngay sau lưng. Quan-công đưa một nhát dao, xả Thản làm hai đoạn.

Quan-công quay ngựa trở lại, Hàn Phúc nấp ở trong cửa giương cung bắn trộm, trúng vào cánh tay trái Quan-công. Quan-công lấy miệng cắn tên rút ra, máu chảy không thôi, liền quay đầu xông thẳng đến Hàn Phúc, đánh tan mọi người. Hàn Phúc chạy không kịp bị Quan-công chém một nhát, đứt từ đầu tới vai. Quân sĩ kinh hoảng tan cả.

Quan-công lấy lụa buộc chỗ thương. Giữa đường sợ có người ngấm ngầm mưu hại, nên liền đêm hôm ấy Quan-công đi ngay đến cửa quan Nghi-thủy.

Tướng giữ cửa quan ấy là người ở Tinh-châu, họ Biện tên Hỷ, giỏi dùng dùi lưu tinh, nguyên là dư đảng Khăn vàng, sau theo Tào Tháo, được Tháo sai giữ cửa quan này.

Biện Hỷ nghe Quan-công sắp đến, bèn mai phục hơn hai trăm đao phủ ở trong ngôi chùa Trấn-quốc, rồi dặn quân gõ chén làm hiệu, ồ ra giết Quan-công.

Sắp đặt đâu đấy, Hỷ ra đón Quan-công. Quan-công thấy Biện Hỷ ra đón, liền xuống ngựa chào hỏi. Hỷ nói:

- Tướng quân tiếng tăm lừng lẫy thiên hạ, ai chẳng kính trọng. Nay tướng quân lại tìm về với hoàng-thúc, đủ rõ là người trung nghĩa.

Quan-công kể lại chuyện giết Khổng Tú và Hàn Phúc. Hỷ nói:

- Tướng quân giết đi là phải. Tôi gặp thừa tướng sẽ xin thay tướng quân trình bày với thừa tướng hết mọi uẩn khúc.

Quan-công mừng lắm, cùng lên ngựa đi với Biện Hỷ qua cửa Nghi-thuỷ. Đến trước chùa Trấn-quốc hai người xuống ngựa. Các sư đánh chuông ra đón.

Chùa Trấn-quốc vốn là chùa của vua Minh-đế làm ra, vua thường đến dâng hương ở đó. Trong chùa có hơn ba mươi sư tăng; trong bốn tăng lại có một vị sư là người cùng làng với Quan-công, pháp danh là Phổ-tĩnh.

Phổ-tĩnh đã biết mưu Biện Hỷ, mới bước ra chào Quan-công và hỏi:

- Tướng quân rời Bồ-dương đã bao nhiêu năm nay.

Quan-công nói:

- Gần được hai mươi năm.

Phổ-tĩnh hỏi:

- Tướng quân còn nhận được bần tăng không?

Quan-công đáp:

- Tôi đi đã lâu, nên không nhớ được.

Phổ-tĩnh nói:

- Nhà tôi với nhà tướng quân chỉ cách nhau một con sông.

Biện Hỷ thấy Phổ-tĩnh kể tình quê hương, sợ tiết lộ âm mưu của mình, liền mắng rằng:

- Ta mời tướng quân đến ăn yến, mi là nhà sư, sao được nói lôi thôi?

Quan-công nói:

- Người làng gặp nhau, tài gì không kể lại chuyện cũ?

Phổ-tĩnh mời Quan-công vào nhà phương trượng xơi nước. Quan-công nói:

- Hai vị phu nhân ngồi trên xe, nên dâng nước trước.

Phổ-tĩnh sai bưng hai chén nước ra mời hai phu nhân, rồi mời Quan-công vào phương trượng. Phổ-tĩnh lấy giới đao đeo trong lưng giơ lên, đưa mắt ra hiệu cho Quan-công. Quan-công hiểu ngay, sai tả hữu đeo đao đứng hầu.

Biện Hỷ mời Quan-công lên ngồi trên pháp đường ăn tiệc. Quan-công hỏi ngay:

- Biện quân mời Quan mỗ đây, là có ý tốt hay có ý gì khác?

Biện Hỷ chưa kịp trả lời, Quan-công đã thấy ở trong buồng có quân đao phủ đứng núp, liền quát mắng Biện Hỷ:

- Ta tưởng mi là người tốt, ai ngờ mi dám như thế!

Biện Hỷ biết việc đã lộ, thét lớn:

- Các ngươi hạ thủ ngay đi!

Quân phục chưa kịp trở tay đã bị Quan-công tuốt gươm chém giết, chạy tan hết cả. Biện Hỷ chạy xuống thềm, chạy quanh hành lang. Quan-công bỏ gươm, cầm long đao đuổi chém. Biện Hỷ ngầm dùng phi trùy ném Quan-công. Quan-công lấy long đao gạt đi, sấn vào chém một nhát, Biện Hỷ đứt làm hai khúc.

Quan-công chém Biện Hỷ

Quan-công quay lại xem hai chị. Quân sĩ đang vây đặc ở chung quanh, thấy Quan-công đến, vội vàng chạy tan cả.

Quan-công thoát nạn đến tạ Phổ-tĩnh:

- Nếu không có sư phụ, tôi đã bị giặc hại rồi.

Phổ-tĩnh nói:

- Bần tăng cũng khó lòng ở đây được nữa, sẽ thu xếp y bát[2] đi nơi khác, chúng ta có ngày gặp nhau. Xin tướng quân lên đường giữ gìn cẩn thận.

Quan-công lạy tạ, rồi hộ tống xa trượng đi sang Huỳnh-dương.

Thái thú Huỳnh-dương là Vương Thực, vốn là thông gia với Hàn Phúc, nghe tin Phúc bị Quan-công giết, mới nghĩ kế hại ngầm. Khi Quan-công đến nơi, Thực ra đón chào tử tế. Quan-công kể việc đi tìm anh.

Thực nói:

- Tướng quân đi đường vất vả, hai phu nhân trên xe mỏi mệt, xin mời vào thành tạm nghỉ ở quán dịch một đêm, ngày mai sẽ lên đường.

Quan-công thấy Thực mời đón ân cần, bèn mời hai chị vào thành.

Trong quán dịch xếp đặt chu tất. Thực mời Quan-công đi dự tiệc, Quan-công cáo từ, Thực sai người đưa cỗ đến quán dịch. Quan-công vì đi đường nhọc mệt, mời hai chị ăn cơm chiều xong, để hai chị nghỉ ở phòng chính; sai những người tùy tùng đi nghỉ, cho ngựa ăn. Quan-công cũng cởi áo giáp nghỉ ngơi.

Thực mật gọi tùng sự Hồ Ban:

- Quan mỗ đi trốn, giữa đường lại giết thái thú và tướng giữ quan, phạm tội đáng chết. Người ấy vũ dũng khó địch nổi. Đêm nay ngươi đem một nghìn quân vây kín quán dịch, mỗi người một bó đuốc, đợi đến canh ba, nhất tề phóng hỏa. Không phân biệt ai, đốt chết hết. Ta tự đem quân ứng tiếp.

Hồ Ban vâng lời điểm quân sĩ, ngầm đem củi khô chất đầy chung quanh quazsn dịch, hẹn giờ cử sự.

Hồ Ban bụng nghĩ: “Ta nghe tiếng Quan Vân-trường đã lâu nhưng chưa biết mặt, để ta sẽ vào ghé dòm xem sao.”

Bèn rón rén vào trong quán dịch, hỏi dịch lại:

- Quan-tướng quân ngồi đâu?

Lại nói:

- Ngài đang ngồi trên sảnh đường xem sách.

Hồ Ban sẽ rón rén lại tận nơi, thấy Quan-công tay trái vuốt râu đương ngồi dựa kỷ, giong đèn xem sách.

Ban thất kinh nói:

- Thực là người giời!

Quan-công nghe nói bèn hỏi:

- Ai đó?

Hồ Ban bước ngay vào thụp xuống lạy mà rằng:

- Tôi là Hồ Ban tùng sự quan thái thú Huỳnh-dương.

Quan-công hỏi:

- Có phải ngươi là con Hồ Hoa ở Hứa-đô không?

Ban thưa:

- Vâng.

Quan-công bảo người nhà mở khăn gói lấy thư đưa cho Ban. Ban xem xong, than rằng:

- Tí nữa tôi hại nhầm người trung lương.

Rồi mật báo:

- Vương Thực mang lòng bất nhân muốn hại tướng quân, đã sai quân vây kín quán dịch, hẹn đến canh ba phóng hỏa. Nay tôi xin đi trước mở cửa thành, tướng quân nên thu xếp đi ngay.

Quan-công cả sợ vội vàng mặc giáp cầm đao lên ngựa, mời hai chị lên xe. Vừa ra khỏi cửa, quả nhiên thấy quân sĩ mỗi đứa đã cầm một bó lửa đứng chờ. Quan-công đến cửa thành, thấy mở cửa, giục xa trượng cấp tốc chạy ra cho nhanh.

Bấy giờ Hồ Ban quay về phóng hỏa.

Quan-công, đi chưa được vài dặm, ngoảnh lại thấy lửa sáng rực, đằng sau có ngựa đuổi theo. Vương Thực đi trước, gọi to:

- Quan Vũ đừng chạy!

Quan-công dừng ngựa lại mắng:

- Thằng đểu kia! Tao với mi có thù gì nhau, sao mày sai người phóng hỏa định hại ta?

Vương Thực vác giáo lại đánh, bị Quan-công chém ngang lưng đứt làm hai đoạn. Người ngựa chạy tan cả.

Quan-công thúc xa trượng đi mau. Đi đường nghĩ cảm ơn Hồ Ban mãi.

Quan-công đi đến đầu địa giới Hoạt-châu, có người báo với Lưu Diên. Diên dẫn vài mươi quân kỵ ra ngoài quách đón.

Quan-công ngồi trên ngựa cúi mình nói:

- Quan thái thú lâu nay vẫn được mạnh khỏe?

Diên nói:

- Nay ông định đi đâu?

Quan-công nói:

- Tôi từ biệt thừa tướng, đi tìm gia huynh.

Diên nói:

- Huyền-đức nay ở chỗ Viên Thiệu, Thiệu là cừu nhân của thừa tướng, sao lại để ông đi?

Quan-công nói:

- Trước đã giao hẹn như thế.

Diên nói:

- Nay đến Hoàng-hà, bộ tướng của Hạ-hầu Đôn là Tần Kỳ coi giữ, e không để ông qua đò.

Quan-công nói:

- Quan thái thú cho nhờ thuyền có được không?

Diên nói:

- Tuy tôi có thuyền nhưng không dám cho ông mượn.

Quan-công nói:

- Trước tôi giết Nhan Lương, Văn Sú giải vây cho túc hạ, nay muốn mượn mấy chiếc thuyền mà không cho là cớ làm sao?

Diên nói:

- Chỉ sợ Hạ-hầu Đôn biết, sẽ bắt tội tôi.

Quan-công biết Diên là người vô dụng nên cứ cho đẩy xe đi thẳng.

Đi đến cửa sông Hoàng-hà, Tần Kỳ dẫn quân ra hỏi:

- Người đến kia là ai?

Quan-công nói:

- Hán-thọ đình-hầu Quan-mỗ.

Kỳ hỏi:

- Đi đâu?

Quan-công nói:

- Ta muốn sang Hà-bắc tìm anh là Lưu Huyền-đức xin cho nhờ bến đò.

Kỳ hỏi:

- Có công văn của thừa tướng không?

Quan-công nói:

- Ta không chịu quyền phép của thừa tướng, còn có công văn gì?

Kỳ nói:

- Ta vâng lệnh Hạ-hầu tướng quân giữ cửa ải này. Ngươi dù có cánh cũng không bay qua được!

Quan-công nổi giận hỏi:

- Ta đã giết những đứa ngăn trở ta giữa đường, mi có biết không?

Kỳ nói:

- Mi chỉ giết những đứa tướng hèn vô danh chứ mi dám giết ta à?

Quan-công lại nói:

- Mày đã bằng Nhan Lương, Văn Sú chưa?

Tần Kỳ cả giận, tế ngựa lại đánh. Hai ngựa gặp nhau mới được một hợp, đao Quan-công vừa giơ lên, đầu Tần Kỳ đã rơi xuống.

Quan-công bảo quân sĩ:

- Kẻ ngăn ta đã chết rồi, các ngươi không có việc gì phải sợ mà chạy. Kiếm ngay cho ta mấy chiếc thuyền để qua sông.

Quân sĩ vội vàng chở thuyền vào bờ. Quan-công mời hai phu nhân xuống thuyền, qua sông Hoàng-hà. Từ đây thuộc về đất của Viên Thiệu.

Quan-công đi qua năm cửa quan, chém sáu tướng.

Tính ra Quan-công đi qua có năm cửa quan, giết cả thảy sáu tướng. Đời sau có thơ khen rằng:

Treo ấn phong vàng giã tướng Tào
Tìm anh dấn bước dạ xôn xao...
Xông pha nghìn dặm bon chân ngựa
Xung đột năm quan múa lưỡi đao.
Trời đất chứa chan lòng tiết nghĩa
Núi non lừng lẫy tiếng anh hào.
Một mình chém tướng ai đương nổi?
Để vịnh xưa nay kể xiết bao!

Quan-công vừa đi vừa than:

- Ta nào muốn giết người ở dọc đường làm chi. Việc làm vừa rồi đều là bất đắc dĩ cả. Nếu Tào-công biết, tất trách ta là người phụ ân.

Đương đi, chợt thấy một người phi ngựa từ đằng bắc đến gọi to:

- Vân-trường hãy đứng lại!

Quan-công dừng ngựa lại xem, thì là Tôn Càn.

Quan-công hỏi:

- Từ khi biệt nhau ở Nhữ-nam, tin tức bấy nay thế nào?

Tôn Càn nói:

- Từ khi tướng quân rút quân về, Lưu Tích, Cung Đô lại cướp lại Nhữ-nam, sai tôi sang Hà-bắc kết hiếu với Viên Thiệu mời Huyền-đức cùng bàn kế phá Tào Tháo. Không ngờ tướng sĩ Hà-bắc ghen ghét nhau. Điền Phong thì vẫn còn ở tù, Thư Thụ thì bị bãi chức. Thẩm Phối, Quách Đồ thì tranh giành nhau quyền hành. Thiệu tính hay ngờ vực, không có quyết đoán. Tôi cùng hoàng thúc thương nghị phải tìm kế thoát thân. Nay hoàng-thúc đã sang Nhữ-nam hợp với Lưu Tích, Cung Đô rồi. Sợ tướng quân chưa biết, lại đến chỗ Viên Thiệu, e bị hại chăng, nên hoàng-thúc sai tôi đi đón tướng quân, may được gặp ở đây, mời tướng quân về ngay Nhữ-nam gặp hoàng-thúc.

Quan-công đưa Tôn Càn đến chào hai phu nhân. Hai phu nhân hỏi rõ tin tức. Tôn Càn nói:

- Hai lần Viên Thiệu toan giết hoàng-thúc, nay may thoát thân đã đến Nhữ-nam rồi. Hai phu nhân có thể đến gặp hoàng-thúc ở đấy.

Hai phu nhân đều bưng mặt khóc.

Quan-công nghe lời Tôn Càn, không sang Hà-bắc, đi tắt về Nhữ-nam.

Đang đi, đằng sau cát bụi bay mù, một toán người ngựa đuổi theo, đi đầu là Hạ-hầu Đôn. Đôn gọi to:

- Quan Vũ đừng chạy!

Ấy là:

Sáu tướng ngăn đường vừa chịu chết
Một quân theo đuổi lại đua gươm

Xem hồi sau sẽ biết Quan-công thế nào mà thoát được thân.

  1. Ông tốt râu, chỉ Quan-công.
  2. Hai thứ tùy thân của nhà sư. Y là áo cà sa, bát là bát đựng cơm do tín đồ cung dưỡng. (Theo tục lệ cũ, các nhà sư mang bát lấy cơm của tín đồ gọi là “khất thực”).