Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 30

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ BA MƯƠI

Đánh Quan-độ, Bản-sơ bại trận
Cướp Ô-sào, Mạnh-đức đốt lương.

Viên Thiệu cất quân, đi đến bến Quan-độ, Hạ-hầu Đôn đưa thư về cáo cấp. Tào Tháo khởi bảy vạn quân ra nghênh địch, để Tuân Úc ở lại giữ Hứa-đô.

Khi quân Viên Thiệu khởi hành, Điền Phong ở trong ngục dâng thư can:

- Nay nên giữ vững để đợi thời. Không nên khinh thường cất đại binh đi, e có việc bất lợi.

Phùng Kỷ nói gièm:

- Chúa công dấy quân nhân nghĩa, sao Điền Phong lại nói lời chẳng lành?

Thiệu giận lắm muốn chém Điền Phong. Các quan cố can.

Thiệu nói:

- Để ta phá xong Tào Tháo đã, rồi sẽ trị tội nó!

Nói rồi giục quân kéo đi, tinh kỳ rợp đất, giáo mác như rừng. Đến Dương-võ, Thiệu hạ trại đóng quân. Thư Thụ nói:

- Quân ta tuy nhiều, nhưng dũng mãnh kém bên kia; quân kia tuy tinh nhuệ, nhưng lương thảo kém ta. Bên kia không có lương, lợi ở sự đánh nhanh; bên ta có lương, nên giữ lâu, nếu kéo dài được ngày tháng, quân địch chẳng phải đánh cũng tất thua.

Thiệu giận mắng:

- Điền Phong đã làm nản lòng quân, ta còn để tội cho đến khi về, nay sao mày cũng nói gở nốt?

Rồi thét tả hữu đem Thư Thụ giam ở trong quân, đợi lúc về trị tội cùng Điền Phong một thể. Rồi hạ lệnh đem bảy mươi vạn quân dàn ra bốn phía cắm trại, trại đóng liền nhau hơn chín mươi dặm.

Quân đi do thám về Quan-độ báo. Quân Tào mới đến, nghe tin đều sợ hãi.

Tào Tháo cùng các mưu sĩ thương nghị. Tuân Du nói:

- Quân Thiệu tuy nhiều, nhưng không đủ sợ. Quân ta tinh nhuệ, một người có thể đánh nổi mười người, nhưng cần đánh ngay, nếu kéo dài ngày tháng, lương thảo không đủ thì thật đáng lo.

Tháo nghe nói truyền lệnh cho quân tướng đánh trống reo hò tiến lên. Quân Thiệu đón đánh. Hai bên dàn thành thế trận. Thẩm Phối đem một vạn tay nỏ, phục ở hai bên; năm nghìn tay cung phục ở trong cửa, hẹn nghe tiếng pháo thì bắn ra. Đánh dứt ba hồi trống, Viên Thiệu đội mũ chỏm vàng, mặc áo giáp vàng, bào gấm đai ngọc, cưỡi ngựa đứng trước trận. Đứng xếp hàng hai bên là bọn Trương Cáp, Cao Lãm, Hàn Mãnh, Thuần Vu-quỳnh. Tinh kỳ, tiết việt rất nghiêm chỉnh.

Bên kia, Tào Tháo cưỡi ngựa ra trước trận, lũ Hứa Chử, Trương Liêu, Từ Hoảng, Lý Điển, đều cầm binh khí, hộ vệ trước sau.

Tào Tháo cầm roi trỏ vào Viên Thiệu bảo:

- Tao đã tâu thiên tử cho ngươi làm đại tướng quân, sao ngươi lại mưu phản?

Thiệu đáp:

- Ngươi giả danh là tướng nhà Hán, thực là giặc phản nhà Hán, tội ác đầy trời, hơn cả Mãng, Trác, lại còn vu cho ai làm phản?

Tháo nói:

- Ta phụng chiếu thiên tử ra đây đánh mi!

Thiệu đáp:

- Tao cũng phụng chiếu áo-đai đánh giặc.

Tháo giận, sai ngay Trương Liêu cưỡi ngựa ra. Trương Cáp ra nghênh địch. Hai tướng đánh nhau đến hơn năm mươi hợp, không phân được thua.

Tào Tháo thấy vậy khen thầm là lạ, Hứa Chử múa giáo tế ngựa ra đánh giúp Trương Liêu. Cao Lãm cầm giáo ngăn lại.

Bốn tướng đương quần nhau, Tào Tháo lại sai Hạ-hầu Đôn, Tào Hồng mỗi người dẫn ba nghìn quân, cùng xông sang trận Viên Thiệu.

Thẩm Phối thấy quân Tào xông sang, liền sai đốt một tiếng pháo hiệu, hai bên hàng vạn cái nỏ đều bắn ra, quân bắn cung cùng bắn ra một lượt như mưa. Quân Tào không chống nổi, ngoảnh về phía nam chạy cho mau. Viên Thiệu thúc quân vào đánh giết. Quân Tào thua to phải lui về Quan-độ.

Viên Thiệu cũng đem quân đến gần Quan-độ hạ trại.

Thẩm Phối nói:

- Nay nên sai mười vạn quân giữ ở Quan-độ, đến tận trước trại Tào Tháo, đắp ụ đất, sai quân dòm xuống trại Tào mà bắn. Hễ ta chiếm được Quan-độ thì Hứa-xương có thể phá được.

Viên Thiệu nghe theo, sai quân mang ngay mai cuốc quang thúng đắp ụ gần bên trại Tào.

Tào Tháo thấy vậy, muốn ra để đánh không cho quân Viên Thiệu đắp ụ, nhưng quân cung nỏ chẹn giữ những đường sung yếu, quân Tào không tiến được.

Trong vòng mười ngày, quân Thiệu đắp được hơn năm mươi cái đồi đất, trên dựng chòi cao, rồi quân cung nỏ đứng trên bắn xuống.

Quân Tào sợ hãi, người nào người ấy đội mộc đỡ tên. Trên đồi cứ mỗi tiếng mõ, tên bắn xuống như mưa. Quân Tào đều nép vào mộc nằm rạp xuống đất. Quân Thiệu reo lên cười.

Tào Tháo thấy quân rối loạn, họp các mưu sĩ hỏi kế. Lưu Hoa nói:

- Nên làm xe bắn đá chống lại.

Tháo bảo Hoa vẽ kiểu xe, suốt đêm chế được vài trăm cỗ xe, đặt bên trong tường, chiếu thẳng vào những chòi trên đồi. Đợi lúc quân cung nỏ sắp bắn, trong trại huy động những xe bắn đá, đá bay lên đánh phá lung tung, người không chỗ nấp, quân cung nỏ chết vô số.

Quân Viên Thiệu gọi xe ấy là xe sấm sét. Từ đấy Viên Thiệu không dám trèo lên cao bắn vào nữa.

Thẩm Phối lại hiến một kế khác:

- Ta nên sai quân dùng thuổng cuốc lén đào đường ngầm, thẳng vào trong trại Tào Tháo. Quân ấy gọi là quân đào hầm.

Quân Tào thấy quân Viên Thiệu đào cả sau những ụ đất, vào báo với Tháo. Tháo hỏi Lưu Hoa. Lưu Hoa nói:

- Quân Viên đánh đường hoàng không được, định đánh lén, họ đào đường ngầm dưới đất để theo đó mà tiến vào dinh ta.

Tháo hỏi:

- Vậy ta phải làm thế nào?

Hoa nói:

- Đào một cái hào chung quanh trại thì đường hầm của nó cũng thành vô dụng.

Đêm hôm ấy Tào Tháo sai đào một cái hào rõ sâu.

Quân Viên đào đến cạnh hào, không đánh vào được, mất công khó nhọc vô ích. Tào Tháo giữ Quan-độ từ tháng tám đến tháng chín, quân lực kém dần, lương thảo gần hết, ý muốn bỏ Quan-độ về Hứa-xương, nhưng ngần ngừ chưa định, bèn viết thư sai người đem về hỏi Tuân Úc, Úc viết thư đáp lại.

Thư đại lược nói:

Trộm nghĩ Viên Thiệu đem đại quân họp cả ở Quan-độ cùng minh công quyết một trận được thua, minh công lấy yếu địch khỏe, nếu không chống nổi, tất bị nó đè lấn ngay: lúc này chính là một cơ hội lớn phải dùng mưu trí. Quân Thiệu tuy nhiều, nhưng không biết sử dụng, minh công là bậc thần vũ minh triết, xoay xở thế nào mà chẳng được. Nay quân lương dù ít, cũng chưa đến nỗi nguy khốn như lúc Sở Hán đánh nhau ở Huỳnh-dương hay Thành-cao. Minh công vạch đất cố giữ, chẹn cuống họng kẻ địch, không cho nó tiến, tình thế sẽ thay đổi, thể nào cũng có biến, chính là lúc dùng mưu trí, xin công minh xét kỹ.

Tào Tháo được thư, sai tướng sĩ cố sức giữ. Sau quân Thiệu phải lui hơn ba mươi cặm. Tháo sai tướng đi tuần tiễu, trong khi đi tuần, có bộ tướng của Từ Hoảng, tên là Sử Hoán, bắt được một tên do thám của Viên Thiệu, giải về nộp. Từ Hoảng hỏi về việc quân bên Viên, tên ấy thưa:

- Nay mai đại tướng là Hàn Mãnh, đem lương đến tiếp tế, sai tôi đi dò đường trước.

Từ Hoảng đi báo ngay cho Tháo biết. Tuân Du nói:

- Hàn Mãnh là một thằng vũ phu. Chỉ sai một người dẫn vài nghìn khinh kỵ đón đường chẹn đánh, cướp được lương thảo, quân Viên Thiệu phải vỡ.

Tháo hỏi:

- Nên sai ai?

Du nói:

- Nên sai ngay Từ Hoảng.

Tháo bèn sai Từ Hoảng đem Sử Hoán và bản bộ của mình đi trước; lại cho Hứa Chử, Trương Liêu đi sau tiếp ứng.

Đang đêm, Hàn Mãnh đem vài nghìn xe lương đến trại Viên Thiệu. Đi đến chỗ đầu núi, Từ Hoảng, Sử Hoán đem quân ra chẹn đường. Mãnh tế ngựa lại đánh. Từ Hoảng đón đánh Hàn Mãnh, Sử Hoán, đuổi tan những quân đi tải, rồi sai phóng lửa đốt xe lương thảo. Hàn Mãnh thế địch không nổi, quay ngựa chạy về. Từ Hoảng thúc quân vào đốt sạch cả mấy nghìn cỗ xe.

Quân Viên Thiệu trông mé tây bắc có ngọn lửa, còn đương hoảng hốt, thì có quân chạy về báo việc Từ Hoảng cướp lương.

Thiệu sai Trương Cáp, Cao Lãm đi cứu. Vừa ra đến đường cái, thì gặp ngay Từ Hoảng, Sử Hoán đã đốt hết xe lương, kéo quân trở về. Hai bên định đánh nhau, thì Hứa Chử, Trương Liêu vừa đến. Hai mặt giáp công, đánh tan quân Thiệu, họp binh kéo về Quan-độ. Tào Tháo mừng lắm, trọng thưởng cho các tướng sĩ, rồi chia quân ra lập dinh ở trước trại mình để làm thế ỷ dốc.

Hàn Mãnh thua trận trở về. Viên Thiệu giận muốn đem chém, các quan kêu mãi cho được khỏi tội. Thẩm Phối nói:

- Đem quân đi, cốt có việc lương là trọng, việc phòng giữ lương thảo không nên bất cẩn. Lương ta nay chứa cả ở Ô-sào, thế nào cũng phải cho nhiều quân sĩ giữ gìn nơi ấy mới được.

Viên Thiệu nói:

- Việc ấy ta cũng đã tính đâu vào đấy rồi, nhưng ngươi cũng phải về Nghiệp-quận đôn đốc, chớ để lương thảo thiếu thốn.

Thẩm Phối vâng mệnh đi. Viên Thiệu lại sai đại tướng là Thuần Vu-quỳnh, bộ lĩnh đốc-tướng là lũ Mục Nguyên-tiến, Hàn Cử-tử, Lã Uy-hoàng và Triệu Hiếu, dẫn hai vạn quân mã đến giữ Ô-sào.

Thuần Vu-quỳnh vốn là người nóng tính, hay rượu, quân sĩ ai cũng sợ. Lúc đến Ô-sào, Quỳnh cả ngày chỉ cùng các tướng họp nhau uống rượu.

Bên quân Tào, lương thảo cũng cạn. Tháo sai về Hứa-xương, bảo Tuân Úc phải trù liệu cho mau. Sứ đi chưa được ba mươi dặm, bị quân Viên Thiệu bắt được, trói đem giải vào nộp mưu sĩ Thiệu là Hứa Du.

Hứa Du, biểu tự là Tử-viễn, khi nhỏ vốn là bạn với Tào Tháo, bấy giờ hiện đương làm mưu sĩ cho Viên Thiệu.

Khi bắt được sứ Tào Tháo mang thư đi giục lương, Hứa Du vào nói với Viên Thiệu:

- Tào Tháo đóng quân ở Quan-độ, chống với quân ta đã lâu. Hứa-xương tất nhiên bỏ trống. Ta nay nhiều binh, giả thử chia một nửa quân về đánh úp Hứa-xương thì dễ như chơi. Lấy được Hứa-xương, tất rồi bắt được Tào Tháo. Nay lương thảo quân Tào vừa cạn, ta nên thừa cơ đánh cả hai mặt.

Viên Thiệu nói:

- Tào Tháo rất nhiều quỷ kế, thư này là kế dụ địch đấy.

Du đáp:

- Nay nếu không đánh ngay đi, về sau tất bị nó hại.

Đang nói chuyện, chợt có sứ ở Nghiệp-quận đến đem trình thư của Thẩm Phối trước nói việc vận tải lương thảo, sau nói khi Hứa Du ở Ký-châu, thường hà lạm của dân nhiều, lại dung túng con cháu quấy nhiễu dân. Trong thư lại nói: con cháu Hứa Du, hiện đã bị bắt giam cả rồi.

Thiệu đọc thư xong, nổi giận đùng đùng, lại nhân không muốn nghe kế Hứa Du vừa bàn, bèn mắng:

- Tên thất phu hà lạm kia! Còn mặt mũi nào bày mưu ở trước mặt ta! Mày vốn quen Tào Tháo, chắc mày ăn đút của giặc Tào, làm do thám cho nó rồi dử tao vào cạm phải không? Tội mày đáng chém, tao hãy gửi cái đầu ở trên cổ đó. Bước đi cho mau, từ nay không được giáp mặt tao nữa!

Hứa Du trở ra, ngẩng mặt lên trời than:

- Lời nói phải dễ trái tai, bọn trẻ con không thể cùng bàn việc lớn! Con cháu ta nay lại bị Thẩm Phối nó hại, ta còn mặt mũi nào trông thấy người đất Ký-châu nữa!

Bèn rút gươm định tự vẫn. Người nhà giằng lấy gươm, can:

- Việc gì ông phải hoài phí cuộc đời như thế? Viên Thiệu không nghe lời nói phải, rồi nó sẽ bị Tào Tháo bắt. Ông với Tào công là chỗ bạn cũ, sao ông không bỏ chỗ tối mà đến chỗ sáng?

Mấy lời ấy làm cho Hứa Du tỉnh ngay. Du liền đi tắt đến trại Tào Tháo.

Người sau có thơ rằng:

Bản-sơ hào khí khắp Trung-hoa
Quan-độ chèn nhau uổng xót xa
Phỏng thử biết dùng mưu Tử-viễn
Nhà Tào đâu chiếm được sơn hà?

Hứa Du đến gần trại Tào Tháo, quân canh đường bắt được. Du nói:

- Ta là bạn cũ của thừa tướng, vào bẩm ngay có Hứa Du ở Nam-dương lại hầu.

Quân sĩ vội vàng vào bẩm. Tào Tháo bấy giờ đã sắp đi ngủ, nghe thấy Hứa Du đến, mừng quá, không kịp đi giày, cứ chân không chạy ra đón vào. Trông thấy Hứa Du, Tháo vỗ tay vui cười rồi hai người dắt tay nhau vào. Tháo thụp xuống đất lạy trước, Du sợ hãi vội vàng đỡ lên nói:

- Ông là tướng nhà Hán, tôi là một người áo vải, sao lại khiêm cung quá như thế?

Tháo nói:

- Ông là bạn của Tháo, há dám lấy tước vị phân biệt người trên kẻ dưới!

Du nói:

- Tôi nay không biết chọn người, khuất thân đi theo Viên Thiệu, nói nó không nghe, bày kế nó không dùng, nay tôi bỏ nó đến gặp cố nhân, rất mong được thừa tướng thu dụng.

Tháo mừng nói:

- Tử-viễn chịu đến với ta, việc gì của ta mà chẳng xong. Xin bảo ngay cho kế phá Viên Thiệu.

Du đáp:

- Tôi đã từng khuyên Viên Thiệu nhân thừa tướng đóng cả quân ở đây nên đem quân khinh kỵ đánh úp lấy Hứa-đô.

Tháo cả sợ, nói:

- Nếu Thiệu dùng mưu ấy, việc ta hỏng mất.

Hứa Du nói:

- Nay lương thảo của ông, còn bao nhiêu?

Tháo nói:

- Có thể chi dùng một năm.

Du cười:

- Sợ rằng không được thế.

Tháo nói:

- Độ sáu tháng thôi!

Hứa Du rũ vạt áo, đứng phắt dậy, bước ra khỏi trướng nói:

- Tôi đã lấy bụng thực lại đây để giúp ông mà ông còn nói dối, khá phải là điều mong thế hay sao!

Tháo nắm áo Du kéo lại nói:

- Xin Tử-viễn đừng giận, để tôi nói thực: lương thảo quả thực chỉ còn độ ba tháng nữa thì hết.

Du cười, nói:

- Thiên hạ thường vẫn đồn Mạnh-đức là gian hùng, quả thị thế!

Tháo cũng cười, nói:

- Ông còn lạ gì, người ta đã có câu nói: “Binh bất yếm trá” nghĩa là trong phép dùng binh tha hồ nói dối.

Rồi lại ghé vào tai Hứa Du nói thầm:

- Ông khéo đoán thực! Lương ăn chỉ còn đủ tháng này thôi!

Du nói to:

- Thôi đừng nói dối nữa, lương ông hết sạch rồi!

Tháo ngạc nhiên hỏi:

- Sao biết?

Hứa Du lấy ngay cái thư bắt được, đem cho Tháo xem và hỏi:

- Ai viết thư này?

Tháo sợ hỏi:

- Bắt được ở đâu?

Du kể lại việc bắt được người đưa thư. Tháo cầm tay Du nói:

- Tử-viễn đã có lòng nhớ đến người cũ mà lại đây, có mưu kế gì xin bảo cho biết ngay.

Du nói:

- Minh công đem cô quân chống với đại địch mà không tìm cách đánh mau cho được, ấy là con đường bại vong. Du nay có một kế, chỉ trong ba ngày, chẳng đánh, quân trăm vạn của Viên Thiệu cũng vỡ, minh công có chịu dùng không?

Tháo nói:

- Xin cho biết mưu hay đó!

Du nói:

- Lương thảo của Viên Thiệu chứa cả ở Ô-sào, nay sai Thuần Vu-quỳnh coi giữ. Quỳnh chỉ ham uống rượu, không biết phòng bị gì cả. Ông nên cho đem quân tinh binh đến Ô-sào, nói dối là tướng của Viên Thiệu, tên là Tưởng Kỳ, lĩnh binh đến đó hộ vệ lương thảo, lừa dịp nào thuận tiện thì đốt hết, quân Viên Thiệu chỉ trong ba ngày tất loạn ngay.

Tào Tháo mừng lắm trọng đãi Hứa Du, rồi mới lưu lại trong trại.

Hôm sau, Tháo kén năm nghìn quân mã bộ, chuẩn bị cho đi cướp lương ở Ô-sào. Trương Liêu nói:

- Chỗ Viên Thiệu chứa lương, sao họ lại không phòng bị, thừa tướng không nên khinh thường, lỡ mắc mưu Hứa Du.

Tháo nói:

- Không phải thế! Hứa Du về với ta, tức là trời khiến Thiệu thua. Ta thiếu lương, không thể giữ lâu được, nếu không dùng mưu của Du là ngồi bó tay mà chịu khốn. Nếu Du định lừa ta, sao chịu ở lại với ta? Vả ta muốn cướp trại đã lâu rồi, nay cái mưu cướp lương nhất định phải thi hành, các người đừng nghi ngờ gì nữa.

Liêu nói:

- Đành thế, nhưng cũng nên phòng Viên Thiệu thừa hư đến đánh úp trại ta.

Tháo nói:

- Ta đã tính kỹ rồi.

Liền sai Tuân Du, Giả Hủ, Tào Hồng cùng Hứa Du giữ trại lớn; Hạ-hầu Đôn, Hạ-hầu Uyên lĩnh quân phục bên tả; Tào Nhân, Lý Điển, lĩnh quân phục bên hữu để phòng việc bất kỳ. Lại sai Trương Liêu, Hứa Chử đi trước, Từ Hoảng, Vu Cấm đi sau, Tháo tự dẫn các tướng đi giữa, cả thảy năm nghìn quân mã, cầm cờ hiệu Viên Thiệu, quân sĩ mỗi người mang một bó cỏ, đội một đội cũi; người thì ngậm tăm, ngựa thì buộc mồm, sâm sẩm tối kéo sang Ô-sào.

Đêm hôm ấy sao sáng đầy trời.

Thư Thụ, bị giam ở trong quân, đêm thấy sao sáng sai quân giam đưa mình ra sân, ngóng xem thiên văn. Chợt thấy sao Thái bạch đi ngược, xâm phạm vào phận sao Đẩu, sao Ngưu. Thụ giật nảy mình mà rằng:

- Vạ sắp đến nơi rồi!

Ngay đêm ấy, Thư Thụ xin vào ra mắt Viên Thiệu.

Bấy giờ Thiệu uống rượu say, nghe thấy báo Thư Thụ có việc mật vào nói, bèn cho gọi vào hỏi.

Thụ thưa:

- Tôi vừa xem thiên văn thấy sao Thái bạch đi ngược đến vùng sao Liễu, sao Quy, khi ánh sáng sang cả vùng sao Ngưu, sao Đẩu, e có việc quân địch cướp trại. Ô-sào là chỗ chứa lương, cần phải đề phòng, xin sai mãnh tướng, tinh binh đi tuần tiễu ở những chỗ đường tắt và chân núi để khỏi mắc mẹo Tào Tháo.

Thiệu giận mắng:

- Mày là thằng có tội, sao được nói càn làm rối loạn lòng quân!

Thiệu lại mắng người coi:

- Mày giữ nó sao lại dám thả nó ra?

Bèn sai chém người coi, gọi người khác giam áp Thư Thụ. Thụ trở ra, gạt nước mắt than:

- Quân ta sớm tối không biết mất lúc nào, nắm xương ta rồi không biết chôn vào đâu!

Đời sau có thơ than rằng:

Lời thẳng ngang tai lại hóa thù
Trách vì Viên Thiệu ít cơ mưu
Hết lương chẳng khác cây long gốc
Còn muốn khư khư giữ Ký-châu!

Tào Tháo đêm hôm ấy đem quân đi, qua trại quân Viên Thiệu, lính trại ra hỏi quân nào.

Tào Tháo sai người ra nói là quân Tưởng Kỳ, phụng mệnh ra Ô-sào giữ lương. Quân Viên thấy cờ hiệu nhà mình, chẳng nghi ngờ gì, đi qua mấy chỗ đều nói dối là quân Tưởng Kỳ, trót lọt tất cả. Khi đến Ô-sào, đã hết trống tư, Tháo sai quân sĩ đem cỏ chất chung quanh đồn, đốt lửa lên, rồi các tướng reo ầm kéo vào.

Bấy giờ Thuần Vu-quỳnh cùng các tướng vừa uống rượu say, đã vào nằm trong trướng, bỗng nghe thấy xôn xao, vội vàng trở dậy, hỏi việc gì. Quỳnh chưa nói dứt câu đã bị ngay một lưỡi câu liêm lôi ngã xuống.

Mục Nguyên-tiến, Triệu Tuấn bấy giờ vừa tải lương về, trông thấy trên đồn có lửa cháy, vội vàng lại cứu chữa.

Quân Tào vào báo với Tào Tháo có quân địch ở đằng sau, xin chia binh để dánh, Tháo quát lên:

- Các tướng cứ đằng trước mà đánh, lúc nào quân địch đến đằng sau, bấy giờ sẽ hay.

Được một hồi, lửa cháy ngùn ngụt, khói tỏa khắp trời. Mục, Triệu hai tướng đem quân đến cứu, Tháo quay lại đánh, hai tướng không địch nổi cùng bị giết cả, lương thảo cháy hết sạch. Quỳnh bị bắt, Tháo sai cắt cả tai mũi và mười ngón tay, trói vào mình ngựa rồi tha cho về trại Viên Thiệu để làm nhục Viên Thiệu.

Viên Thiệu đang ở trong trướng, thấy báo mé chính bắc, lửa sáng rực trời, biết rằng Ô-sào có biến, vội vàng ra gọi các quan văn võ vào thương nghị, sai quân đi cứu. Trương Cáp nói:

- Tôi cùng Cao Lãm xin đi.

Quách Đồ nói:

- Không nên. Quân Tào đi cướp lương ta, Tháo tất thân hành đi, trại hắn bỏ trống. Nên thả binh vào cướp trại, Tào Tháo tất phải bỏ Ô-sào về Quan-độ. Ấy là mẹo Tôn Tẫn vây Ngụy cứu Triệu ngày xưa đó[1].

Trương Cáp nói:

- Tào Tháo lắm mưu, đi ra ngoài tất có phòng bị ở trong. Nay nếu sang phá trại nó không được, lũ Quỳnh bị thua, chúng ta cũng sẽ bị bắt nốt.

Quách Đồ nói:

- Tháo chỉ chú ý đi cướp lương, còn nghĩ gì để lại quân ở trại.

Hai ba lần Quách Đồ xin đi cướp trại Tào. Thiệu bèn sai Trương Cáp, Cao Lãm lĩnh năm nghìn quân sang Quan-độ phá trại Tào, rồi lại sai Tưởng Kỳ dẫn một vạn quân đi cứu Ô-sào.

Tào Tháo đánh tan quân Thuần Vu-quỳnh, cướp hết được cả áo giáp, kỳ xí, lại giả làm quân Thuần Vu-quỳnh thua chạy về trại Viên Thiệu. Đi đến một con đường nhỏ trong khe núi, vừa gặp cánh quân của Tưởng Kỳ. Quân Kỳ hỏi xong cho là quân mình vừa thua ở Ô-sào chạy về, không nghi gì, cứ giục ngựa tiến lên. Chợt thấy Trương Liêu, Hứa Chử thét lớn: “Tưởng Kỳ, đừng chạy!” Kỳ không kịp trở tay, bị Trương Liêu chém chết.

Liêu giết sạch quân Tưởng Kỳ, rồi lại cho người về báo Viên Thiệu: Tưởng Kỳ đã đánh tan quân Tào ở Ô-sào rồi.

Viên Thiệu được tin ấy, không sai quân cứu Ô-sào nữa chỉ sai đem thêm quân sang Quan-độ.

Đây nói Trương Cáp, Cao Lãm đánh trại Tào Tháo. Bên tả Hạ-hầu Đôn, bên hữu Tào Nhân, ở giữa Tào Hồng kéo ùa cả ra, ba mặt đánh ập lại. Quân Viên Thiệu thua to. Khi quân tiếp ứng đến thì Tào Tháo ở Ô-sào về, bốn mặt vây kín chặn đánh.

Trương Cáp, Cao Lãm cướp đường chạy thoát. Viên Thiệu thu nhặt tàn quân ở Ô-sào về trại, thấy Thuần Vu-quỳnh mất cả tai, mũi, ngón tay. Thiệu hỏi:

- Làm sao để mất Ô-sào?

Quân thưa:

- Quỳnh say rượu, nên không chống được quân địch.

Thiệu lập tức sai đem chém Thuần Vu-quỳnh. Quách Đồ sợ Trương Cáp, Cao Lãm thua về, đổ lỗi tại mình bèn nói gièm trước:

- Trương Cáp, Cao Lãm thấy chúa công thua trận này, trong lòng tất mừng.

Thiệu hỏi:

- Sao lại nói thế?

Quách Đồ thưa:

- Hai người vẫn có ý hàng Tào đã lâu, nay sai đi phá trại, không cố sức đánh đến nỗi làm thiệt mất nhiều quân.

Thiệu giận lắm, cho đòi hai người vào hỏi tội. Quách Đồ lại cho người ra bảo trước với hai người:

- Chúa công định giết các ngươi đấy.

Lúc sứ giả đến, Cao Lãm hỏi:

- Chúa công gọi chúng tôi có việc gì?

Sứ giả nói:

- Không biết việc gì.

Lãm rút ngay gươm ra giết sứ giả. Cáp cả sợ, Lãm bảo Trương Cáp:

- Viên Thiệu hay nghe lời sàm nịnh, tất rồi cũng bị Tào Tháo bắt được. Chúng ta há cứ chịu ngồi không mà đợi chết? Chi bằng ta sang hàng Tào Tháo có hơn không?

Cáp nói:

- Tôi có bụng ấy đã lâu.

Hai người bèn đem quân mã bản bộ sang trại Tào đầu hàng.

Hạ-hầu Đôn nói:

- Cao, Trương đến hàng, chưa biết thực hư thế nào?

Tháo nói:

- Ta đối đãi với người thực hậu, dù họ có bụng nào khác, sau cũng phải thay đổi.

Nói rồi sai mở cửa dinh cho hai người vào. Trương, Cao cởi áo giáp, cầm ngược giáo, lạy phục xuống đất. Tháo nói:

- Nếu Viên Thiệu chịu nghe lời hai ông thì đâu đến nỗi thua. Nay hai ông lại đây, khác nào Vi Tử bỏ nhà Ân, Hàn Tín về với nhà Hán khi xưa.

Tháo phong Trương Cáp làm thiên-tướng-quân, Đô-đình hầu; Cao Lãm làm thiên-tướng-quân, Đông-lai-hầu.

Hai người mừng lắm.

Viên Thiệu đã mất Hứa Du, lại mất Trương Cáp, Cao Lãm; lương thảo tích ở Ô-sào cũng bị Tào Tháo đốt, cướp mất cả, lòng quân rối loạn.

Hứa Du lại khuyên Tào Tháo tiến binh đánh nhau. Trương Cáp, Cao Lãm xin đi tiên phong.

Tháo sai Trương Cáp, Cao Lãm đem quân đi cướp trại Thiệu. Đêm hôm ấy, quân Tào ba đường đến phá trại Viên Thiệu. Hai bên đánh nhau đến sáng, quân Thiệu chết mất quá nửa.

Tuân Du lại hiến kế:

- Nay nên nói phao lên rằng: ta đang điều quân, một mặt đi lấy Toan-tảo đánh Nghiệp-quận; một mặt đi lấy Lê-dương để chặn đường về của Viên Thiệu. Viên Thiệu nghe tin, tất nhiên sợ hãi, chia quân đi chống hai nơi, ta nhân dịp đánh ngay, có thể phá được.

Tháo nghe theo, sai các quân sĩ phao tin như thế.

Quân Thiệu được tin, về trại báo: Tào Tháo chia quân hai đường, một đường đánh Nghiệp-quận, một đường đánh Lê-dương. Viên Thiệu cả sợ, sai ngay Viên Thượng đem năm vạn quân đi cứu Nghiệp-quận, Tân Minh đem năm vạn quân đi cứu Lê-dương, đương đêm đi ngay.

Tào Tháo biết Viên Thiệu đang động binh liền chia quân tám mặt vào phá trại Viên Thiệu, quân Viên nản lòng, bốn mặt tan vỡ.

Viên Thiệu không kịp mặc áo giáp, chỉ khoác được cái áo đơn, quấn khăn lên ngựa, con út là Viên Thượng đi theo.

Trương Liêu, Hứa Chử, Từ Hoảng, Vu Cấm, bốn tướng dẫn quân đuổi. Thiệu vội sang sông, bỏ hết cả sổ sách, xa trượng, vàng bạc. Sang qua sông Thiệu chỉ còn có tám trăm quân kỵ đi theo. Quân Tháo đuổi không kịp, nhưng bắt được cả những đồ vật bỏ lại. Hơn tám vạn người bị giết, máu chảy đầy sông. Quân sa xuống sông chết đuối, không biết bao nhiêu mà kể.

Tháo được to, đem vàng bạc vóc nhiễu bắt được thưởng cho quân sĩ.

Trong tập sổ sách Tháo bắt được một bó toàn là thư của những người ở Hứa-đô và tướng sĩ tư thông với Viên Thiệu. Tả hữu nói:

- Nên đối chiếu từng tên một, bắt mà giết đi.

Tháo nói:

- Đang lúc Thiệu mạnh, chính ta cũng chưa chắc đã giữ nổi thân mình, huống hồ người khác.

Bèn sai đốt hết, không nhắc lại việc ấy nữa.

Quân Viên Thiệu bấy giờ thua chạy tán loạn cả, duy có Thư Thụ bị giam, không chạy được, bị quân Tào bắt được đem nộp Tào Tháo.

Tháo vốn trước có quen Thư Thụ.

Thụ trông thấy Tháo, giơ tay xua đi và kêu to:

- Thụ không hàng đâu!

Tào Tháo nói:

- Bản-sơ vô mưu, không dùng lời ngươi, sao ngươi còn chấp nê thế? Nếu ta được ngươi sớm, việc thiên hạ còn việc gì đáng lo.

Tháo đãi tử tế, lưu ở trong quân.

Một đêm, Thụ ăn trộm ngựa, định trốn về với Viên Thiệu. Tháo giận, sai đem chém đi. Thụ đến chết, thần sắc không đổi. Tháo than rằng:

- Ta trót giết lầm người trung nghĩa!

Rồi sai làm lễ hậu, chôn ở cửa sông Hoàng-hà, đề vào mộ sáu chữ: “Trung liệt Thư quân chi mộ”.

Đời sau có thơ than Thư Thụ rằng:

Hà-bắc nhiều danh sĩ
Trung trinh có Thư quân
Mắt trông hiểu trận pháp
Mặt ngẩng biết thiên văn
Sắt đá lòng không chuyển
Trời mây chí vẫn thân
Tào công trọng vì nghĩa
Bia cao dựng trước phần.

Tào Tháo giết Thư Thụ rồi, hạ lệnh sang đánh Ký-châu. Thế rõ thực:

Thế yếu chỉ vì nhiều mẹo: được,
Binh cường nhưng bởi ít mưu: thua.

Chưa biết quân Tào phen này sang Ký-châu thế nào, xem hồi sau mới rõ.

  1. Tôn Tẫn là danh tướng nước Tề (thời Chiến quốc). Nước Ngụy đánh nước Triệu, vua nước Tề sai Tôn Tẫn đem quân cứu nước Triệu. Tôn Tẫn đem quân đánh ngay nước Ngụy, quân Ngụy phải quay về, bèn giải vây cho nước Triệu.