Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 67

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY

Bình Hán-trung, Tào Tháo thành công
Bến Tiêu-diêu, Trương Liêu khét tiếng

Lại nói, Tào Tháo cất quân chinh tây, chia làm ba đội: tiền đội tiên phong là Hạ-hầu Uyên, Trương Cáp; Tháo tự lĩnh các tướng làm trung quân; hậu bộ là Tào Nhân và Hạ-hầu Đôn thì coi việc vận tải lương thảo.

Có thám tử báo tin cho Trương Lỗ. Trương Lỗ bàn với em là Trương Vệ để cự địch. Vệ nói:

- Ở Hán-trung ta, hiểm nhất là ải Dương-bình. Em xin ra men rừng tựa núi, lập mười doanh trại để cự nhau với quân Tào. Anh thì cứ ở Hán-ninh, phải chuẩn bị lương thảo cho nhiều để tiếp tế cho quân sĩ.

Lỗ nghe lời ấy, sai đại tướng là Dương Ngang, Dương Nhiệm cùng với em cất quân đi ngay hôm ấy đến cửa Dương-bình hạ trại.

Tiền quân là Hạ-hầu Uyên, Trương Cáp đến nơi, thấy ải Dương-bình đã có phòng bị, liền lập trại cách thành mười lăm dặm. Đêm hôm ấy, quân sĩ mỏi mệt, cùng nghỉ ngơi cả. Bỗng nhiên sau trại bốc cháy. Dương Ngang, Dương Nhiệm chia làm hai cánh quân kéo đến cướp trại. Trương Cáp, Hạ-hầu Uyên vội vàng lên ngựa, thì bốn mặt quân đã kéo ùa vào. Quân Tào thua to chạy tan nát cả. Hai người về ra mắt Tào Tháo. Tháo giận, mắng rằng:

- Hai người cầm quân đã nửa đời người, há lại không biết rằng quân đi xa khó nhọc, phải phòng giặc đến cướp trại ư? Làm sao không giữ gìn trước?

Tháo muốn chém hai người ấy để nghiêm quân pháp. Các quan kêu van mãi, hai người mới được khỏi tội.

Hôm sau, Tháo tự dẫn quân làm tiền đội kéo đi. Tháo thấy núi non hiểm hóc, cây cối rậm rạp, không biết đường nào mà đi, nghi có quân phục, liền dẫn quân về, bảo với Hứa Chử, Từ Hoảng rằng:

- Nếu ta biết nơi đây hiểm hóc thế này, thì chẳng đem quân đến làm gì.

Hứa Chử bẩm:

- Đã trót đến đây, chúa công chớ nên ngại khó nhọc.

Hôm sau, Tháo chỉ mang Hứa Chử, Từ Hoảng hai tướng đến xem trại Trương Vệ. Ba người vừa đi qua một trái núi, đã trông thấy trại. Tháo trỏ roi xuống, bảo rằng:

- Trại bền vững thế kia, phá làm sao cho được?

Tháo nói vừa dứt nhời, bỗng ở sau lưng tiếng reo ầm ầm, tên bắn ra tua tủa. Dương Ngang, Dương Nhiệm chia quân làm hai ngả kéo đến. Hứa Chử kêu lên rằng:

- Từ Công-minh giữ gìn chúa công cho khéo, ta ra cự nhau với giặc đây!

Nói đoạn, múa đao tế ngựa xông vào đánh hai tướng. Hai tướng không địch nổi một mình Hứa Chử, phải quay ngựa chạy. Các tướng khác thấy thế, không dám tiến lên nữa.

Từ Hoảng bảo vệ Tào Tháo chạy, vừa qua sườn núi trước mặt, gặp một toán quân kéo đến, trông ra thì là quân của Hạ-hầu Uyên, Trương Cáp. Nguyên hai tướng nghe thấy tiếng reo, nên dẫn quân đến tiếp, vì thế mới đánh đuổi được Dương Ngang, Dương Nhiệm mà cứu được Tào Tháo về trại.

Tháo trọng thưởng cho bốn tướng. Từ đó hai bên cầm cự nhau hơn năm mươi ngày, không đánh chác gì nữa.

Tháo truyền lệnh rút quân về. Giả Hủ nói:

- Thế giặc chưa rõ mạnh yếu thế nào, sao chúa công đã rút quân?

Tháo nói:

- Ta thấy quân giặc ngày nào cũng phòng bị, khó lòng đánh được. Nên ta giả đò thu quân về, để cho giặc trễ nhác không phòng bị nữa, rồi ta mới chia quân khinh kỵ lẻn đến đánh mặt sau, như thế mới có thể phá được.

Giả Hủ nói:

- Mẹo mực của thừa tướng thần diệu lắm, không ai sánh kịp!

Tháo sai Hạ-hầu Uyên, Trương Cáp mỗi người dẫn ba nghìn quân khinh kỵ tắt đường nhỏ đi lẻn vào phía sau ải Dương-bình. Còn mình thì dẫn đại quân nhổ trại rút về hết.

Dương Ngang thấy Tào Tháo rút quân về, muốn thừa cơ đuổi đánh. Dương Nhiệm nói:

- Tào Tháo quỷ kế lắm, chưa biết thực hư thế nào, không nên đuổi theo.

Dương Ngang không nghe, nói rằng:

- Nếu ông không đi thì ta đuổi theo một mình vậy.

Dương Nhiệm cố can mãi không được. Ngang đem hết cả quân năm trại đuổi theo, chỉ để một ít ở lại giữ nhà. Hôm ấy sương sa mù mịt, giáp mặt không trông thấy nhau. Quân Dương Ngang đi đến nửa đường không đi được, phải đóng lại nghỉ.

Hạ-hầu Uyên dẫn quân đi lẻn đường sau núi, thấy hơi mù phủ lấp cả trời đất, lại nghe tiếng người nói ngựa hí ồn ào. Uyên sợ có quân phục, thúc quân cứ việc đi cho mau, thế nào đi lạc đường, đến trại Dương Ngang. Quân giữ trại tưởng là quân của nhà về, liền mở cửa cho vào. Quân Tào kéo ùa cả vào, té ra là một trại bỏ không, mới đốt lửa lên, quân năm trại bỏ chạy cả. Khi cơn mù đã tan, Dương Nhiệm mới dẫn quân đến cứu, đánh nhau với Hạ-hầu Uyên, chưa được vài hợp, Trương Cáp ở mặt sau đã kéo đến. Nhiệm vừa đánh vừa chạy về Nam-trịnh.

Dương Ngang đem quân trở về, thì Hạ-hầu Uyên, Trương Cáp đã chiếm mất trại rồi; đại quân của Tào Tháo tự mặt sau đánh đến. Hai mặt đánh ập lại, Dương Ngang muốn phá vòng vây chạy ra, gặp phải Trương Cáp giết chết. Còn quân sĩ chạy cả về cửa Dương-bình với Trương Vệ.

Trương Vệ thấy hai tướng bị thua, các trại đã mất, nửa đêm bỏ ngay ải Dương-bình trốn về. Tào Tháo lại được luôn cả ải Dương-bình nữa.

Trương Vệ, Dương Nhiệm về ra mắt Trương Lỗ. Vệ đổ cho tại hai tướng nên mất cửa ải. Lỗ giận muốn chém Dương Nhiệm. Nhiệm nói:

- Tôi đã can Dương Ngang đừng đuổi quân Tào, nhưng y không nghe, nên mới bị thua thế này. Tôi xin lĩnh một đạo quân lại ra đánh nhau, phen này tôi quyết chém được Tào Tháo, nếu không được xin chịu tội.

Lỗ bắt viết tờ cam kết, rồi cho Dương Nhiệm dẫn hai vạn quân ra khỏi Nam-trịnh hạ trại.

Tào Tháo dẫn quân tiến lên, sai Hạ-hầu Uyên dẫn năm nghìn quân đi trước, ra đường Nam-trịnh dò thám, vừa gặp quân của Dương Nhiệm đến nơi. Hai bên dàn trận, Nhiệm sai bộ tướng là Sương Kỳ ra ngựa, giao phong với Hạ-hầu Uyên; chưa được ba hợp Kỳ đã bị Uyên chém chết lăn xuống ngựa. Nhiệm vác giáo tế ngựa ra, đánh nhau với Uyên độ ba mươi hợp. Uyên giả thua chạy. Nhiệm đuổi theo, Uyên dùng chước đà đao, chém Nhiệm chết nốt, quân sĩ tan vỡ chạy về.

Tào Tháo thấy Hạ-hầu Uyên chém được Dương Nhiệm rồi, lập tức tiến quân đến thẳng Nam-trịnh hạ trại.

Trương Lỗ tụ văn võ lại thương nghị. Diêm Phố nói:

- Tôi xin cử một người có thể địch nổi các tướng của Tào Tháo.

Lỗ hỏi ai, Phố thưa rằng:

- Ở đây có Bàng Đức, trước theo Mã Siêu hàng với chúa công. Về sau Mã Siêu sang Tây Xuyên, y ốm không đi được. Hiện nay y nhờ chúa công an dưỡng, sao chúa công không sai đi?

Trương Lỗ mừng lắm, gọi Bàng Đức đến thưởng cho rất hậu, rồi điểm một vạn quân mã, sai Đức ra khỏi thành mười dặm cự nhau với quân Tào. Đức cưỡi ngựa ra khiêu chiến.

Tào Tháo trước ở Vị-kiều, đã biết Bàng Đức là người khỏe, mới dặn các tướng rằng:

- Bàng Đức là dũng tướng ở Tây-lương, nguyên là thủ hạ Mã Siêu trước. Nay tuy theo Trương Lỗ nhưng chưa vừa ý. Ta muốn dùng người ấy, các ngươi nên đánh từ từ, đợi khi sức hắn yếu rồi, hãy bắt sống lấy.

Trương Cáp ra trước, đánh được vài hợp thì lùi; Hạ-hầu Uyên cũng ra đánh vài hợp rồi chạy. Từ Hoảng cũng thế; Hứa Chử đánh hơn năm mươi hợp cũng chạy nốt. Bàng Đức một mình địch với bốn tướng không nhụt chút nào. Các tướng ai cũng khoe với Tào Tháo rằng Bàng Đức võ nghệ giỏi lắm. Tháo mừng rỡ, bàn với chúng rằng:

- Làm thế nào để cho người ấy về với ta?

Giả Hủ thưa:

- Tôi nghe Trương Lỗ có một mưu sĩ là Dương Tùng, tính tham lam, hay ăn của đút. Nay ta đem vàng lụa đút cho y để y gièm pha Bàng Đức với Trương Lỗ thì ta mới có thể dụ được.

Tháo nói:

- Làm thế nào cho người đi lẻn được vào thành Nam-trịnh?

Hủ nói:

- Ngày mai đánh nhau, ta giả đò thua bỏ trại chạy, để cho Bàng Đức chiếm lấy, rồi đến nửa đêm ta cướp trại, Bàng Đức tất chạy lui vào thành. Ta kén sẵn lấy một người khéo nói, ăn mặc giả làm quân giặc, khi Bàng Đức chạy thì đi lẫn vào thành.

Tháo nghe kế ấy, kén một tên quân sĩ khôn ngoan, đưa cho một cái áo giáp vàng, mặc vào trong mình, ngoài mặc áo hiệu quân Hán-trung, đứng chực sẵn ở dọc đường.

Hôm sau, Tháo sai Hạ-hầu Đôn, Trương Cáp phục sẵn hai đạo quân ở nơi xa, rồi sai Từ Hoảng ra khiêu chiến. Chưa được mấy hợp, Hoảng thua chạy. Bàng Đức thúc quân đánh bừa vào, quân Tào rút cả. Đức cướp ngay được trại chứa đầy lương thảo. Đức mừng lắm, sai báo tin về Trương Lỗ biết, và mở tiệc trong trại ăn mừng.

Canh hai đêm hôm ấy, bỗng nhiên thấy ba mặt lửa cháy, rồi Từ Hoảng, Hứa Chử ở giữa, Trương Cáp ở tả, Hạ-hầu Uyên ở hữu, cùng đổ cả lại cướp trại. Bàng Đức chưa kịp đề phòng, phải bỏ trại chạy vào thành. Bấy giờ, tên lính của Tào Tháo cũng trà trộn theo vào đến thẳng phủ Dương Tùng nói rõ rằng:

- Ngụy công lâu nay vẫn mộ cao đức của ngài, nay sai tôi đem dâng cái áo giáp vàng làm tin, có tờ mật thư dâng lên ngài coi.

Tùng mừng lắm, xem thư xong, bảo với tên lính rằng:

- Về bẩm với Ngụy công rằng ngài cứ yên tâm, tôi sẽ liệu tìm mẹo hay để giúp ngài.

Nói rồi tên lính về trước. Đêm hôm ấy Tùng vào ra mắt Trương Lỗ nói rằng:

- Bàng Đức ăn của đút của Tào Tháo, đã cố tình để thua trận vừa rồi.

Lỗ giận lắm, gọi Bàng Đức đến toan chém. Diêm Phố ra sức can ngăn, Lỗ mới mắng rằng:

- Ngày mai ra đánh, nếu không thắng thì ta sẽ lấy đầu ngươi đi!

Bàng Đức căm tức lui ra.

Ngày hôm sau, quân Tào đến đánh. Bàng Đức dẫn quân ra địch. Tháo sai Hứa Chử ra. Chử giả đò thua chạy. Đức đuổi theo. Tháo cưỡi ngựa đứng trên đỉnh núi gọi rằng:

- Bàng Lệnh-minh, sao không hàng đi cho sớm?

Bàng Đức nghĩ nếu bắt được Tào Tháo thì bằng bắt một nghìn viên thượng tướng, liền tế ngựa lên núi, bỗng nhiên thấy ầm một tiếng như trời long đất lở, cả người lẫn ngựa Bàng Đức sa xuống hố. Quân phục bốn mặt đổ ra, kẻ câu liêm, người thừng chạc, bắt sống ngay được Bàng Đức trói đem lên núi.

Tháo vội vàng xuống ngựa, cởi trói cho Bàng Đức, rồi hỏi rằng:

- Ngươi có chịu hàng ta không?

Bàng Đức nghĩ đến nguồn cơn Trương Lỗ xử bất nhân với mình, bèn tình nguyện xin hàng. Tháo đỡ Bàng Đức lên ngựa, gióng cương về trại. Quân báo với Trương Lỗ, Lỗ lại càng tin lời Dương Tùng là thật.

Hôm sau, Tào Tháo kéo quân đến, bắc thang chung quanh ba mặt thành bắn tên vào. Lỗ thấy thế nguy cấp lắm, bàn với em là Trương Vệ. Vệ nói:

- Nên đốt sạch cả kho tàng đi, rồi chạy ra núi Nam-sơn giữ ở Ba-trung cũng được.

Dương Tùng nói:

- Chi bằng mở cửa thành ra hàng là hơn.

Lỗ còn dùng dằng chưa quyết, Vệ nói:

- Chỉ nên đốt hết, rồi chạy đi thôi.

Trương Lỗ nói:

- Ta vẫn có ý về với triều đình, nhưng chưa có dịp, nay bất đắc dĩ mà phải chạy đi trốn, kho tàng là của triều đình, không nên phao phí như thế.

Bèn sai khóa cả lại tử tế, rồi canh hai đêm hôm ấy, dẫn cả gia quyến, mở cửa nam đánh ra.

Tào Tháo không cho đuổi theo, dẫn quân vào Nam-trịnh, thấy kho tàng phong khóa phân minh, có ý thương Trương Lỗ, sai người đến Ba-trung khuyên dỗ về hàng. Lỗ muốn hàng, Vệ không nghe. Dương Tùng mật sai người đưa thư cho Tháo, xui tiến binh đến, để mình làm nội ứng. Tháo được thư, dẫn quân đến Ba-trung. Lỗ sai Trương Vệ dẫn quân ra địch; Vệ đánh nhau với Hứa Chử, bị Chử giết chết. Quân sĩ chạy về báo với Trương Lỗ. Lỗ định giữ vững trong thành không ra. Dương Tùng khuyên rằng:

- Nay nếu không ra đánh, tức là ngồi mà chịu chết mất. Tôi xin giữ thành, chúa công nên ra quyết một trận sống mái.

Lỗ nghe lời. Diêm Phố can không nên ra. Lỗ không nghe, cứ dẫn quân ra nghênh địch. Chưa kịp đánh nhau, hậu quân đã bỏ chạy. Lỗ vội vàng phải lui về. Lỗ về đến dưới cửa thành, Tùng đóng cửa không cho vào. Lỗ hết đường chạy, Tào Tháo lại đuổi đến sau lưng, gọi bảo rằng:

- Sao không chịu hàng đi cho sớm?

Lỗ không thể sao được nữa, phải xuống ngựa xin hàng. Tháo mừng lắm, nghĩ đến việc niêm khóa kho tàng lại không đốt, có lòng thương và đối đãi tử tế, phong cho làm trấn nam tướng quân. Bọn Diêm Phố cũng phong cho làm liệt hầu. Hán-trung yên ổn rồi, Tháo truyền lệnh đặt các thái thú và quan đô úy cai trị các quận, thưởng cho các tướng sĩ, chỉ có Dương Tùng bán chúa cầu vinh, lập tức Tháo sai đem ra chợ chém đầu để răn kẻ khác.

Người sau có thơ than rằng:

Quên ơn bán chúa khéo mua công,
Vàng bạc vơ nhiều có vững không?
Vinh chửa thấy đâu, liền thấy nhục,
Nghìn năm ai kẻ xót Dương Tùng!

Tào Tháo lấy xong được Đông Xuyên, quan chủ bộ là Tư-mã Ý hiến kế rằng:

- Lưu Bị dùng mẹo lừa, cố cướp lấy Ích-châu của Lưu Chương, nhân dân Thục chưa quy phục. Nay chúa công đánh phá được Hán-trung, chấn động cả Ích-châu, nên tiến binh đến đánh cho mau, thì đất này phải vỡ lở. Có câu rằng: "Dẫu có trí khôn, không bằng thừa thế". Dịp này chúa công chớ nên để lỡ!

Tào Tháo than rằng:

- Người ta không biết thế nào cho vừa ý, đã được Lũng lại còn mong Thục ru?

Lưu Hoa nói:

- Tư-mã Trọng-đạt nói phải đấy! Nếu để chậm thì Gia-cát Lượng sáng suốt việc trị nước mà làm tướng văn; bọn Quan, Trương khỏe trùm ba quân mà làm tướng võ; dân Thục yên rồi, chia ra giữ các nơi cửa ải, thì không sao lay chuyển được nữa đâu!

Tháo nói:

- Quân sĩ đi xa mỏi mệt lắm rồi, hãy nên cho nghỉ ngơi đã.

Liền đóng quân ở yên một chỗ.

Nói về nhân dân Tây Xuyên nghe tin Tào Tháo lấy được Đông Xuyên rồi, trong một ngày hai ba lần kinh hãi. Huyền-đức đâm lo, mời Khổng Minh thương nghị. Khổng Minh nói:

- Tôi có một kế này, khiến cho Tào Tháo tự nhiên phải rút quân về.

Huyền-đức hỏi mẹo gì, thì Khổng Minh nói rằng:

- Tào Tháo chia quân ra đóng ở Hợp-phì là có ý sợ Tôn Quyền. Nay nếu ta đem ba quận Giang-hạ, Tràng-sa, Quế-dương trả cho Đông Ngô, sai một biện sĩ, sang bày tỏ lợi hại, xui Đông Ngô đánh Hợp-phì, Tào Tháo tất phải quay binh về mặt nam.

Huyền-đức hỏi ai có thể sang sứ Đông Ngô. Y Tịch xin đi, Huyền-đức mừng lắm, viết thư và sắm đủ lễ vật, sai Y Tịch đến Kinh-châu trước nói chuyện với Vân-trường, rồi sang Đông Ngô. Y Tịch đến Mạt-lăng, vào ra mắt Tôn Quyền.

Quyền hỏi:

- Ngươi đến đây có việc gì?

Tịch thưa:

- Trước kia Gia-cát Tử-du có đến đòi ba quận Tràng-sa, vì quân sư tôi đi vắng, cho nên chưa giao lại được, nay xin đem trả lại. Còn Kinh-châu, Nam-quận, Linh-lăng cũng muốn trao trả nốt, nhưng ngặt vì Tào Tháo cướp lấy Đông Xuyên, khiến cho Quan tướng quân tôi không có chỗ ở. Hiện nay Hợp-phì bỏ trống, xin Quân hầu cất quân đánh đi, để cho Tào Tháo rút quân về nam. Chủ tôi nếu lấy nốt được Đông Xuyên, sẽ xin trả hết cả xứ Kinh-châu.

Quyền nói:

- Ngươi hãy ra nghỉ nơi quán xá, để ta còn thương nghị.

Tịch cáo từ trở ra. Quyền hội các mưu sĩ lại thương nghị. Trương Chiêu nói:

- Đây tất là Lưu Bị sợ Tào Tháo đến đánh Tây Xuyên, cho nên mới bày ra mẹo này. Tuy thế, ta cũng nên nhân lúc Tào Tháo ở Hán-trung, thừa cơ lấy ngay Hợp-phì đi cũng hay.

Quyền nghe lời ấy, bảo Y Tịch về trước, rồi bàn việc cất quân đánh Hợp-phì. Một mặt sai Lỗ Túc thu lấy ba quận Tràng-sa, Giang-hạ, Quế-dương, đóng đồn tại cửa Lục-khẩu; đòi Lã Mông, Cam Ninh về, và sai người ra Lư-hàng gọi Lăng Thống.

Lã Mông, Cam Ninh đến trước. Mông hiến kế rằng:

- Hiện nay Tào Tháo sai Chu Quang trấn thủ ở Uyển-thành, mở mang cày cấy, cung cấp lương về Hợp-phì cho quân ăn. Ta nên đánh Uyển-thành trước, rồi sẽ đến lấy Hợp-phì sau.

Quyền đồng ý, sai Lã Mông, Cam Ninh làm tiên phong; Tưởng Khâm, Phan Chương làm hợp hầu; Quyền dẫn Chu Thái, Trần Võ, Đổng Tập, Từ Thịnh làm trung quân. Bấy giờ Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương mỗi người giữ một nơi xa, không theo đi đánh.

Quân sĩ sang sông qua Hòa-châu đến Uyển-thành. Chu Quang là thái thú Uyển-thành, sai người đến Hợp-phì cầu cứu, một mặt giữ vững thành trì không ra đánh.

Quyền đến dưới thành đứng ngắm, trên mặt thành bắn tên xuống như mưa, một mũi tên tin vào lọng Tôn Quyền, Quyền về trại, hỏi các tướng dùng kế gì để lấy được thành. Đổng Tập nói:

- Nên sai đắp ụ đất ngoài thành mà bắn vào.

Từ Thịnh nói:

- Nên bắc thang, bắc cầu vồng trông vào trong thành mà đánh.

Lã Mông nói:

- Những kế ấy lâu ngày mới xong, nếu quân ở Hợp-phì đến cứu, thì không sao đánh được nữa. Quân ta mới đến đây, sĩ khí đang mạnh, nên nhân lúc này đánh dấn ngay đi. Sáng sớm mai tiến quân, đến trưa đánh thành.

Quyền nghe lời ấy. Hôm sau, canh năm, cơm nước xong, ba quân tiến đến, trên thành bắn tên xuống tíu tít. Cam Ninh tay cầm một cái dùi sắt, xông pha tên đạn, nhảy lên mặt thành. Chu Quang sai quân châu cả cung nỏ vào Cam Ninh mà bắn. Ninh cầm gươm gạt tên ra, rồi quẳng dùi sắt ném Chu Quang ngã gục xuống. Lã Mông ra sức đánh trống, quân sĩ kéo ùa cả lên mặt thành, xúm lại giết chết Chu Quang. Quân Tào xin hàng cả. Đông Ngô lấy ngay được Uyển-thành, lúc ấy mới đang giờ thìn. Trương Liêu dẫn quân đến nửa đường, nghe tin Uyển-thành đã mất, liền quay trở lại Hợp-phì.

Tôn Quyền vào Uyển-thành. Lăng Thống cũng dẫn quân đến. Quyền trọng thưởng cho Lã Mông, Cam Ninh, mở tiệc ăn mừng, khao thưởng ba quân. Lã Mông nhường Cam Ninh ngồi trên, khen lấy khen để công lao Cam Ninh. Rượu ngà ngà say, Lăng Thống nghĩ đến thù Cam Ninh giết cha mình khi trước, lại thấy Lã Mông thì cứ nức nở khen Cam Ninh mãi, trong bụng tức lắm, trợn mắt nhìn Ninh hồi lâu, rồi bỗng rút ngay thanh gươm của tùy tùng, đứng dậy nói:

- Trong tiệc không có gì làm vui, xem ta múa gươm đây này!

Cam Ninh biết ý, đẩy hắt ngay án thư đứng dậy, lấy hai ngọn kích cầm chắc trong tay, bước ra nói rằng:

- Các ngài xem tôi múa kích!

Lã Mông thấy hai người có ý giết nhau, cũng đứng dậy, một tay cầm đao, một tay cầm mộc, đứng xen ngay vào giữa mà nói rằng:

- Hai ông tuy rằng tài, nhưng cũng chưa khéo bằng tôi!

Nói đoạn, tay đao, tay mộc, múa may gạt hai người rẽ ra hai bên.

Có người vào báo ngay với Tôn Quyền. Quyền vội vàng đến chỗ tiệc. Chúng trông thấy liền bỏ cả khí giới xuống. Quyền nói:

- Ta đã bảo hai người không được thù oán nhau nữa, sao hôm nay lại thế?

Lăng Thống khóc lạy xuống đất. Quyền khuyên giải hai ba lần mới thôi.

Hôm sau, Tôn Quyền dẫn quân đến lấy Hợp-phì. Trương Liêu vì mất Uyển-thành, trong bụng lo buồn. Sực có Tào Tháo sai Tiết Lễ đưa một cái hộp gỗ đến, trên hộp có chữ đề rằng: "Giặc đến mới được mở". Khi Tôn Quyền đến, Trương Liêu mở hộp ra xem, trong có bức thư viết: "Nếu Tôn Quyền đến, thì Trương, Lý hai tướng ra đánh, Nhạc tướng quân ở nhà giữ thành". Liêu đưa thư cho Lý Điển, Nhạc Tiến xem.

Nhạc Tiến hỏi:

- Ý tướng quân thế nào?

Trương Liêu nói:

- Thừa tướng đi đánh nơi xa chưa về, quân Ngô chắc rằng đánh được ta. Nay ta nên cố sức đánh cho đổ nhuệ khí bên kia đi, để yên tâm mọi người, mới giữ được thành.

Lý Điển vốn không hòa với Trương Liêu, nghe xong, nín lặng chẳng nói lại làm sao. Nhạc Tiến thấy Lý Điển có dáng không bằng lòng, mới nói:

- Giặc nhiều ta ít, khó lòng cự được, không bằng giữ vững là hơn.

Trương Liêu nói:

- Các ông chỉ nghĩ đến ý riêng, không tưởng gì đến việc công nhà nước. Có phải thế thì chỉ một mình ta ra địch, dù chết cũng đành!

Liền sai tả hữu gióng ngựa để ra. Lý Điển thấy vậy đứng phắt lên nói:

- Tướng quân đã có bụng như thế, tôi sao dám vì chút tình riêng mà bỏ việc công nữa. Tướng quân bảo thế nào tôi xin nghe.

Liêu mừng nói rằng:

- Mạn-thành đã chịu giúp ta, ngày mai nên dẫn một toán quân phục ở mé bắc bến Tiêu-diêu, chờ khi nào quân Ngô đi khỏi, chặt cầu Tiểu-sư đi. Ta cùng với Nhạc Văn-khiêm ra đánh.

Lý Điển vâng lệnh, dẫn quân ra đó mai phục.

Bên này Tôn Quyền sai Lã Mông, Cam Ninh làm tiên phong; mình thì dẫn Lăng Thống đi giữa; còn các tướng lục tục kéo sau. Khi Lã Mông, Cam Ninh vừa đến thì gặp quân Nhạc Tiến. Cam Ninh ra ngựa, đánh nhau với Nhạc Tiến. Tiến giả đò thua chạy, Ninh vẫy Lã Mông dẫn quân kéo bừa lên. Quyền ở đội thứ nhì, thấy tin tiền quân đắc thắng, liền giục quân đi cho mau đến mé bắc Tiêu-diêu. Bỗng nghe tiếng pháo nổ liên thanh, rồi mé tả có Trương Liêu kéo đến, mé hữu có Lý Điển đánh lại. Tôn Quyền thất kinh, sai người gọi Lã Mông, Cam Ninh về cứu thì quân Trương Liêu đã đổ đến. Lăng Thống chỉ có hơn ba trăm quân, không sao địch nổi được quân Tào thế như núi đổ.

Lăng Thống kêu to lên rằng:

- Chúa công sao không sang cầu Tiểu-sư mà chạy về cho mau!

Thống nói chưa dứt lời thì Trương Liêu đã dẫn hơn hai ngàn kỵ binh ập đến nơi. Lăng Thống phải quay lại cố chết chống đỡ. Tôn Quyền tế ngựa lên cầu, thì mé nam đầu cầu đã gãy mất hơn một trượng, không có mảnh ván nào. Quyền sợ cuống cả chân tay lại. Có tên nha tướng là Cốc Lợi kêu to lên rằng:

- Chúa công hãy lùi ngựa lại, rồi quất mạnh cho ngựa nhảy sang, thì qua được cầu!

Tôn Quyền lùi ngựa ba trượng, rồi thả cương, quất thực mạnh, ngựa nhảy vọt một cái, quả nhiên sang được bên kia cầu.

Người sau có thơ rằng:

Đàn-khê ngựa Đích vết còn ghi,
Nay lại Ngô hầu ở Hợp-phì.
Mặt nước mênh mang bay vó ngựa,
Bến Tiêu nào khác cánh rồng phi.

Tôn Quyền đã qua được cầu, Từ Thịnh, Đổng Tập chở thuyền lại đón. Lăng Thống, Cốc Lợi vẫn cầm cự với Trương Liêu. Lã Mông, Cam Ninh dẫn quân về cứu, bị Nhạc Tiến đuổi đánh sau lưng, lại có Lý Điển chặn ngang đường, quân Ngô thiệt hại quá nửa. Thủ hạ Lăng Thống ba trăm người, bị giết không còn một mống nào. Thống cũng bị thương, vừa đánh vừa chạy đến đầu cầu, thì cầu đã gãy rồi, phải men bờ sông chạy trốn. Tôn Quyền ngồi trong thuyền trông thấy, sai Đổng Tập bơi thuyền vào đón Lăng Thống về. Lã Mông, Cam Ninh cũng cố chết trốn được về cả.

Trận đánh này người Giang-nam ai ai cũng khiếp, trẻ con nghe nói đến tên Trương Liêu cũng không dám khóc đêm.

Các tướng hộ vệ Tôn Quyền về đến trại. Quyền trọng thưởng cho Lăng Thống, Cốc Lợi, rồi thu quân về Nhu-tu, một mặt sửa sang lại thuyền bè, bàn việc tiến binh cả mặt bộ lẫn mặt thủy; một mặt thì sai người về Giang-nam, khởi thêm quân mã đến trợ chiến.

Trương Liêu nghe tin Tôn Quyền sắp thêm quân đánh, sợ Hợp-phì quân ít không chống cự nổi, vội sai Tiết Đễ, gấp rút đến Hán-trung báo với Tào Tháo, xin đem binh về cứu.

Tháo bàn với các quan rằng:

- Bây giờ có nên đánh Tây Xuyên nữa không?

Lưu Hoa thưa:

- Nay trong Thục đã hơi yên rồi, đâu đấy có phòng bị, không nên đánh nữa. Chi bằng hãy đem quân về cứu Hợp-phì, nhân thể đánh lấy Giang-nam.

Tháo sai Hạ-hầu Uyên ở lại đóng đồn ở núi Định-quân để giữ Hán-trung, Trương Cáp thì giữ cửa ải núi Mông- đầu, còn bao nhiêu tướng sĩ đều nhổ trại kéo về đánh Nhu-tu.

Đó là:

Quân kỵ mới yên xong Lũng-hữu,
Ngọn cờ lại trỏ xuống Giang-nam.

Chưa biết được thua thế nào, xem hồi sau phân giải.