Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 31

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT

Tào Tháo ở Sương-đình, phá vỡ Bản-sơ
Huyền-đức sang Kinh-châu, nương nhờ Lưu Biểu

Tào Tháo thừa cơ Viên Thiệu thua, đem quân mã đuổi theo cùng đường.

Viên Thiệu đội khăn xéo, mặc áo đơn, dẫn hơn tám trăm quân kỵ, chạy đến bờ phía bắc sông Lê-dương, đại tướng là Tưởng Nghĩa-cừ ra trại đón rước.

Thiệu kể chuyện đầu đuôi với Nghĩa-cừ.

Nghĩa-cừ thu thập tàn quân lại. Chúng nghe tin Viên Thiệu ở đó, theo về đông như kiến, quân thế lại mạnh, mới bàn mưu về Ký-châu.

Khi đem quân đi dọc đường, đêm ngủ trong núi, Thiệu nằm trong trướng, nghe văng vẳng có tiếng khóc, bèn lẻn ra nghe xem, đều là những tân quân, hợp nhau lại, than khóc những nỗi mất anh, chết em, xa họ hàng, lìa bạn hữu. Người nào người ấy vỗ bụng than thở:

- Nếu chúa công nghe lời Điền Phong, chúng ta đâu đến nỗi này!

Thiệu nghe thấy, rất hối hận, nói:

- Ta không nghe lời Điền Phong, binh thua tướng mất. Nay trở về, còn mặt mũi nào trông thấy hắn nữa.

Hôm sau, cưỡi ngựa đang đi, Phùng Kỷ dẫn quân lại đón. Thiệu bảo Phùng Kỷ:

- Ta không nghe lời Điền Phong đến nỗi thua, bây giờ trở về, trông thấy hắn thật xấu hổ.

Phùng Kỷ nhân thể nói gièm:

- Điền Phong ngồi trong ngục, nghe tin chúa công thua, vỗ tay cười to: “Ta nói có sai đâu!”

Viên Thiệu cả giận, mắng:

- Thằng hủ nho ấy lại dám nhạo báng ta, ta phải giết đi.

Nói rồi sai sứ cầm bảo kiếm đi trước vào ngục giết Điền Phong.

Điền Phong đang ở trong ngục, một hôm ngục lại vào thăm nói:

- Tôi xin vào mừng ông.

Phong hỏi:

- Có việc gì đáng mừng?

Ngục lại nói:

- Viên tướng quân thua to mới về, phen này ông sẽ được trọng dụng.

Phong cười, nói:

- Ta sắp chết thì có!

Ngục lại hỏi:

- Ai cũng mừng cho ông, ông lại bảo ông sắp chết, là nghĩa thế nào?

Phong nói:

- Viên tướng quân trông ngoài mặt thì khoan hòa, nhưng trong bụng hay ghen ghét, không nghĩ đến người trung thành; nếu được mà mừng, may ra còn tha ta; nay thua tất hổ thẹn, ta còn mong sống sao được!

Ngục lại còn chưa tin, đã thấy sứ giả cầm gươm vào, truyền lệnh Viên Thiệu đem Điền Phong ra chém.

Ngục lại giật mình. Phong nói:

- Ta đã biết thế nào cũng chết mà!

Ngục lại ai nấy đều khóc thương.

Điền Phong nói:

- Làm thân đại trượng phu sống trong trời đất, không biết kén chúa mà thờ, thật là bất trí, ngày nay chịu chết, còn thương tiếc làm chi!

Nói rồi tự vẫn ở trong ngục.

Điền Phong chết, ai nghe tin cũng than tiếc.

Người sau có thơ rằng:

Lần trước thua quân mất Thư Thụ,
Hôm nay trong ngục giết Điền Phong.
Cột rường Hà-bắc đều long gẫy.
Viên Thiệu hòng sao khỏi bại vong!

Viên Thiệu về Ký-châu, ruột gan bối rối, không trông coi được chính sự.

Vợ là Lưu thị, khuyên Thiệu lập con nối nghiệp.

Thiệu có ba con, con trưởng là Viên Đàm, tự là Hiển-tư, giữ Thanh-châu; con thứ hai là Viên Hy, tự là Hiển-dịch, giữ U-châu; con út là Viên Thượng, tự Hiển-phụ, là con của vợ thứ Lưu thị, hình dong tuấn tú, Thiệu rất yêu, nên cho ở luôn bên cạnh mình.

Từ khi thua trận ở Quan-độ, Lưu thị khuyên Thiệu lập Viên Thượng lên nối nghiệp.

Thiệu đem việc ấy bàn với bốn người là Thẩm Phối, Phùng Kỷ, Tân Bình, Quách Đồ. Thẩm, Phùng, hai người vốn theo Viên Thượng; Tân, Quách, hai người vốn vẫn theo Viên Đàm. Bốn người ai cũng có bụng vị chủ cả.

Thiệu nói:

- Nay lo ở ngoài chưa yên, việc trong nhà nên phải sớm liệu. Ta muốn lập kế tự; con trưởng là Đàm thì tính hung bạo hay giết người; con thứ là Hy thì nhu nhược, khó làm nên được; duy có con thứ ba là Thượng, có dáng anh hùng, lại biết trọng người hiền, quý kẻ sĩ, ta muốn lập Thượng, các ông nghĩ thế nào?

Quách Đồ nói:

- Trong bọn công tử, Đàm là trưởng lại ở ngoài; chúa công nếu bỏ trưởng lập thứ, đó là gây cái mầm biến loạn. Hiện nay, quân uy vừa nhụt, quân giặc lại đến áp ngoài bờ cõi, há lại để trong nhà cha con anh em có việc tranh lẫn với nhau hay sao? Xin chúa công hãy lo kế đánh giặc, còn việc lập tự về sau bàn cũng được.

Viên Thiệu còn trù trừ chưa định, chợt có tin báo Viên Hy dẫn sáu vạn quân tự U-châu đến; Viên Đàm dẫn năm vạn quân tự Thanh-châu đến; con rể là Cao Cán cũng dẫn năm vạn quân tự Tinh-châu đến, cùng đến Ký-châu trợ chiến.

Thiệu mừng lắm, chỉnh lại quân mã đi đánh Tào Tháo.

Bấy giờ Tào Tháo dẫn quân đắc thắng, đóng ở trên sông. Dân địa phương đem cơm nước ra đón.

Tháo thấy có mấy cụ già, đầu râu tóc bạc, sai mời vào ngồi trong trướng rồi hỏi:

- Các cụ năm nay bao nhiêu tuổi?

Mấy ông già thưa:

- Chúng tôi đều gần trăm tuổi cả.

Tháo nói:

- Quân ta quấy nhiễu làng các cụ, ta rất không được an tâm.

Mấy ông già nói:

- Thời vua Hoàn-đế có ngôi sao vàng, mọc ở phần đất Sở-tống. Ở Liêu-đông có người tên là Ân Quỳ, tài xem thiên văn, đêm nằm ở đây có nói chuyện với chúng tôi rằng: “Sao vàng chính chiếu vào chỗ này. Năm mươi năm nữa sẽ có một đấng chân nhân, khởi ở vùng Lương-bái”. Nay tính ra, vừa đúng năm mươi năm. Vả Viên Thiệu thu thuế nặng quá, dân ai cũng oán. Thừa tướng cất quân nhân nghĩa, cứu dân trừ kẻ có tội, một trận đánh ở Quan-độ, phá được trăm vạn quân của Viên Thiệu, chính ứng vào lời của Ân Quỳ ngày xưa. Muôn dân có thể mong được thái bình từ đây.

Tháo cười, nói:

- Tôi đâu dám nhận lời nói của các cụ.

Nói rồi, truyền lấy rượu, thịt, lụa, vải tặng các phụ lão; lại hiệu lệnh trong ba quân rằng:

- Ai dám vào làng giết gà chó của dân, phải tội cũng như giết người.

Bởi thế, quân dân ai cũng phục. Tháo cũng mừng thầm. Chợt lại có quân báo:

- Viên Thiệu họp quân bốn châu được hai ba mươi vạn, đến hạ trại ở Sương-đình.

Tháo đem quân tiến lên, đóng trại đâu ra đấy.

Hôm sau hai bên đối nhau dàn trận. Tháo dẫn các tướng ra. Thiệu cũng đem ba con giai, một chàng rể và các văn võ ra trước trận. Tháo nói:

- Bản-sơ nay đã kế cùng, sức hết, sao chẳng đầu hàng, đợi đến khi gươm kề cổ, hối sao cho kịp?

Thiệu giận lắm, ngoảnh lại hỏi các tướng:

- Ai dám ra đánh?

Viên Thượng muốn ra khoe tài trước mặt bố, liền múa đôi dao, tế ngựa ra trận, rong ruổi chạy đi chạy lại. Tháo trỏ hỏi các tướng:

- Người này là người nào?

Có người biết, thưa:

- Đó là Viên Thượng, con thứ ba của Viên Thiệu.

Nói chưa dứt lời, Sử Hoán là bộ tướng của Từ Hoảng nhảy ra. Hai bên đánh nhau được ba hợp, Thượng quay đầu ngựa chạy về. Sử Hoán đuổi theo, Viên Thượng dừng ngựa lại, giương cung đặt tên, quay mình bắn một phát trúng giữa mắt trái Sử Hoán, Hoán ngã ngựa chết.

Viên Thiệu thấy con đánh được, giơ roi vẫy một cái, đại đội quân mã kéo ồ ra. Hai bên đánh nhau một trận to, rồi cùng khua chiêng thu quân về trại.

Tháo trở về bàn với các tướng chước phá Viên Thiệu.

Trình Dục dâng kế mai phục mười mặt, khuyên Tháo: lui về bờ sông, phục mười đội quân, nhử cho Thiệu đuổi đến bờ sông, quân Tào không có đường lui nữa, tất phải cố chết mà đánh, thì phá được Viên Thiệu.

Tháo nghe kế ấy, tả hữu mỗi bên chia làm năm đội.

Tả có: đội nhất Hạ-hầu Đôn, đội nhì Trương Liêu, đội ba Lý Điển, đội tư Nhạc Tiến, đội năm Hạ-hầu Uyên. Hữu có: đội nhất Tào Hồng, đội nhì Trương Cáp, đội ba Từ Hoảng, đội tư Vu Cấm, đội năm Cao Lãm.

Trung quân thì Hứa Chử làm tiên phong.

Hôm sau, mười đội đi trước, mai phục đâu vào đấy. Nửa đêm Tháo sai Hứa Chử dẫn quân tiến lên, giả vờ cướp trại.

Năm trại binh mã của Viên Thiệu kéo ùa cả ra. Hứa Chử rút chạy. Viên Thiệu dẫn quân đuổi theo, hò reo ầm ĩ. Vừa đến sáng rõ thì quân Thiệu đuổi đến bờ sông. Quân Tào hết đường lui, Tháo hô to:

- Hết đường chạy rồi, anh em sao không liều chết đánh bừa đi!

Quân Tào quay lại, hăng hái tiến đánh, Hứa Chử tế ngựa đi trước, tay chém một lúc chết vài chục tướng Thiệu.

Quân Thiệu rối loạn, vội vã quay về. Quân Tào đuổi theo.

Trong khi đang chạy, bỗng nghe hồi trống nổi lên, bên tả Hạ-hầu Uyên, bên hữu Cao Lãm xông ra. Thiệu tụ tập ba con trai và một rể, liều chết vượt qua đường máu mà chạy. Chưa được mười dặm, lại gặp Nhạc Tiến, Vu Cấm ở đâu trổ ra, bắn giết quân Thiệu, thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối.

Chạy được vài dặm nữa, lại gặp Lý Điển, Từ Hoảng đón đánh một trận. Mấy bố con Viên Thiệu hoang mang lo sợ, chạy về trại cũ, sai quân đi thổi cơm ăn.

Sắp sửa ăn thì hai cánh quân của Trương Liêu và Trương Cáp lại xông ập vào trại. Thiệu vội nhảy lên ngựa, chạy đến Sương-đình. Người đói lả, ngựa mệt nhoài, Thiệu đang muốn đứng lại nghỉ thì đại quân Tào Tháo đuổi kịp. Viên Thiệu liều mạng vùng té chạy. Đang chạy lại gặp Tào Hồng, Hạ-hầu Đôn chắn ngang đường. Thiệu hô lớn:

- Nếu không cố chết mà đánh thì sẽ bị bắt thôi!

Mấy bố con xông xáo thoát khỏi vòng vây.

Viên Hy, Cao Cán đều bị thương. Binh mã thương vong gần hết. Thiệu ôm ba con khóc lóc một hồi, bất giác ngất đi ngã gục xuống đất. Mọi người xúm lại cứu chữa. Miệng thổ máu tươi ròng ròng. Thiệu than:

- Ta từng xông pha mấy mươi trận, không ngờ hôm nay suy đốn đến nỗi này! Đó là trời giết ta! Các con ai hãy về châu nấy, thề cùng với giặc Tào quyết một trận sống mái!

Rồi Thiệu sai Tân Bình, Quách Đồ đi theo Viên Đàm lập tức về Thanh-châu phòng giữ sợ Tào Tháo xâm phạm bờ cõi; sai Viên Hy về U-châu, Cao Cán về Tinh-châu, ai nấy đều phải thu xếp quân mã, sẵn sàng chuẩn bị.

Còn Thiệu thì đem bọn Viên Thượng về Ký-châu dưỡng bệnh, giao cho Thượng cùng Thẩm Phối, Phùng Kỷ tạm trông nom việc quân.

Sau trận thắng lớn ở Sương-đình, Tào Tháo khao ba quân, rồi sai người sang thăm dò tình hình Ký-châu.

Quân do thám về báo: “Viên Thiệu ốm nằm liệt giường; Viên Thượng, Thẩm Phối phòng thủ ráo riết. Còn Viên Đàm, Viên Hy, Cao Cán thì người nào về châu người nấy cả rồi”.

Các tướng tá đều khuyên Tào Tháo tiến đánh Ký-châu ngay.

Tháo nói:

- Ký-châu lương thực rất nhiều, Thẩm Phối lại có mưu trí, chưa dễ phá ngay được; hiện nay lúa má còn ở ngoài đồng, sợ làm thiệt hại nghề nông của dân, ta muốn đợi mùa màng xong hãy đem quân đi đánh cũng chưa muộn.

Trong khi đang bàn, chợt có thư của Tuân Úc đến báo:

“Lưu Bị ở Nhữ-nam, được vài vạn quân của Lưu Tích, Cung Đô, nghe thấy thừa tướng đem quân đánh Hà-bắc, liền sai Lưu Tích giữ Nhữ-nam, còn Bị tự dẫn quân đến Hứa-xương thừa cơ định đánh úp. Xin thừa tướng mau mau đem quân phòng ngự”.

Tháo giật nảy mình, sai Tào Hồng đóng quân giữ bên sông, giả vờ phô trương thanh thế. Còn Tháo đem đại quân đến Nhữ-nam đón đánh Lưu Bị.

Lại nói, Huyền-đức cùng Quan, Trương, Triệu, định đem quân đánh úp Hứa-đô, đi gần đến núi Tương-sơn thì vừa gặp quân Tào Tháo kéo đến.

Huyền-đức liền cắm trại ở chân núi, chia quân làm ba đội: Vân-trường đóng ở góc đông-nam, Trương Phi đóng ở góc tây-nam, còn Huyền-đức cùng Triệu Vân lập trại ở mặt chính nam.

Quân Tào Tháo đến, Huyền-đức đánh trống ra quân. Tháo dàn thành thế trận rồi gọi Huyền-đức ra nói chuyện.

Huyền-đức cưỡi ngựa ra cửa cờ. Tháo giơ roi mắng rằng:

- Ta đãi ngươi làm thượng khách, sao ngươi nỡ trái nghĩa quên ơn?

Huyền-đức đáp:

- Ngươi giả danh tướng nhà Hán, thực là giặc nước. Ta là tôn thân nhà Hán, vâng mật chiếu của thiên tử đến đây đánh phản tặc.

Nói rồi, ngồi trên ngựa giở tờ chiếu trong áo ra đọc.

Tháo giận lắm, sai Hứa Chử ra đánh.

Triệu Vân đứng sau Huyền-đức vác giáo cưỡi ngựa xông lên. Hai tướng đánh nhau ba mươi hợp chưa phân thắng bại. Chợt nghe tiếng reo ầm ĩ, Quan Vũ ở phía đông-nam kéo lại. Trương Phi cũng từ phía tây-nam xốc tới. Ba mặt ùa vào đánh giết. Quân Tào vừa ở xa đến còn mệt, không địch nổi, thua lớn rút chạy. Huyền-đức thắng trận về trại.

Hôm sau lại sai Triệu Vân ra khiêu chiến. Suốt một tuần (mười hôm) quân Tào nhất định không ra. Huyền-đức lại sai Trương Phi thách đánh, quân Tào cũng làm thinh. Huyền-đức càng hoài nghi, chợt có người báo:

- Cung Đô tải lương đến, bị quân Tào bao vây.

Huyền-đức vội sai Trương Phi ra cứu, thì lại có tin báo rằng:

- Hạ-hầu Đôn dẫn quân đi lẻn phía sau đến lấy Nhữ-nam.

Huyền-đức thất kinh nói:

- Nếu vậy, trước mặt và sau lưng ta đều bị địch chặn cả, không có đường về rồi!

Liền sai Vân-trường đến cứu. Hai đạo quân đều kéo đi.

Được vài ngày có người tế ngựa về báo:

- Hạ-hầu Đôn đã đánh vỡ Nhữ-nam, Lưu Tích phải bỏ thành chạy, hiện nay Vân-trường đang bị vây.

Huyền-đức lo lắm, lại được tin cả Trương Phi đi cứu Cung Đô cũng bị vây. Huyền-đức muốn rút quân về nhưng lại lo quân Tào đuổi theo. Đang lưỡng lự thì có quân vào báo:

- Có Hứa Chử đến thách đánh ở ngoài trại.

Huyền-đức không dám ra. Đợi đến đêm, ra lệnh cho quân sĩ ăn thật no, bộ binh đi trước, kỵ binh đi sau, trong trại vẫn cứ việc đánh trống cầm canh như thường.

Bọn Huyền-đức đi ước được vài dặm, vừa qua núi đất, thấy đèn đuốc sáng rực, ở trên đỉnh núi có tiếng hô lớn:

- Đừng để Lưu Bị chạy thoát. Thừa tướng đợi ở đây đã lâu!

Huyền-đức hoảng sợ, tìm đường chạy.

Triệu Vân nói:

- Chúa công đừng lo. Xin cứ theo tôi mà đi.

Triệu Vân vác giáo tế ngựa, chém giết mở đường, Huyền-đức cầm song kiếm đi sau. Đang đánh thì Hứa Chử đuổi tới, đánh nhau kịch liệt với Triệu Vân. Phía sau Vu Cấm, Lý Điển lại đến tiếp.

Huyền-đức thấy tình hình nguy cấp, cướp đường mà chạy. Khi thấy tiếng hò reo đã xa, Huyền-đức mới đi lẻn vào đường tắt trong núi, một mình một ngựa đi trốn.

Mãi đến sáng, ở phía cạnh sườn có một toán quân xông ra. Huyền-đức sợ quá, nhìn xem hóa ra Lưu Tích dẫn hơn một nghìn kỵ binh thua trận, hộ tống vợ con Huyền-đức tới. Tôn Càn, Dản Ung, My Phương cũng đến cả. Mọi người đều nói:

- Thanh thế quân Hạ-hầu Đôn lớn lắm. Chúng tôi phải bỏ thành rút chạy. Quân Tào đuổi theo, may có Vân-trường chặn lại, nên mới thoát nạn.

Huyền-đức hỏi:

- Thế Vân-trường nay ở đâu?

Lưu Tích thưa:

- Xin tướng quân hãy đi đã, sau sẽ liệu.

Đi được vài dặm, một hồi trống nổi, phía trước một toán quân kéo đến. Viên tướng đi đầu là Trương Cáp quát to:

- Lưu Bị xuống ngựa chịu hàng, mau!

Huyền-đức đang chực lùi lại, thì thấy hàng cờ đỏ ở phía núi chuyển động rồi một toán quân từ trong hang kéo ra, đại tướng Cao Lãm đi trước. Huyền-đức bị nghẽn cả hai phía, ngẩng mặt lên trời kêu to:

- Trời hỡi! Sao để ta cùng cực thế này? Sự thể đã đến nỗi này, chi bằng chết quách cho rảnh!

Nói xong, rút gươm định tự vẫn. Lưu Tích vội ngăn:

- Để tôi xin liều chết, đánh mở đường cứu ngài.

Nói đoạn, liền ra địch với Cao Lãm. Đánh nhau chưa được ba hợp bị Cao Lãm đâm chết.

Huyền-đức đang lo, định xông ra đánh, chợt thấy hậu quân của Cao Lãm rối loạn, một tướng xông thẳng vào trận, phóng giáo trúng Cao Lãm chết lăn xuống ngựa.

Nhìn ra thì là Triệu Vân, Huyền-đức mừng quá. Vân quất ngựa, múa giáo, đánh tan đội quân sau, rồi vọt lên tiến quân đánh Trương Cáp. Được ba mươi hợp, Cáp quay ngựa chạy. Vân thừa thế xông lên đánh, nhưng bị quân Cáp giữ vững cửa ải, đường hẹp không ra được. Vân đang cố cướp lấy đường thì thấy Quan-công, Quan Bình, Châu Sương dẫn ba trăm quân đến. Hai bên ập vào đánh lui Trương Cáp, bọn Huyền-đức ra khỏi được cửa ải, tìm chỗ núi hiểm cắm trại.

Huyền-đức sai Vân-trường đi tìm Trương Phi.

Số là Trương Phi đem quân đi cứu Cung Đô, nhưng chưa tới nơi thì Đô bị Hạ-hầu Uyên giết chết rồi. Phi cố sức đánh lui Hạ-hầu Uyên, đang loay hoay đuổi theo, lại bị Nhạc Tiến đem quân bao vây.

Vân-trường đi dọc đường gặp quân thua chạy về, liền tìm lối theo đến, đánh lui Nhạc Tiến, rồi cùng Trương Phi về gặp Huyền-đức.

Giữa lúc ấy có người báo đại quân Tào Tháo đuổi đến.

Huyền-đức sai ngay bọn Tôn Càn dẫn gia đình già trẻ đi trước, còn mình cùng với Quan, Trương, Triệu Vân đi sau, vừa đánh vừa chạy. Thấy Huyền-đức đi đã xa, Tháo thu quân về, không đuổi nữa.

Huyền-đức cùng với ngót một ngàn quân tan tác chạy trốn. Đi đến một con sông, cho gọi dân địa phương lại hỏi, biết là sông Hán, Huyền-đức tạm đóng trại nghỉ.

Nhân dân ở đó biết là Huyền-đức, đem dê và rượu đến dâng, mọi người bèn cùng nhau quây quần uống rượu trên bãi cát. Huyền-đức than rằng:

- Các ngươi đều có tài giúp vua cả, rủi theo lầm phải Lưu Bị này. Số Bị vất vả, làm liên lụy cả đến các ngươi. Cho đến nay Bị vẫn chưa có mảnh đất cắm dùi, e rằng làm lỡ các ngươi. Các ngươi sao chẳng bỏ Bị này, tìm chủ anh minh mà lập lấy công danh?

Mọi người đều bưng mặt khóc.

Vân-trường nói:

- Anh nói sai rồi! Cao-tổ ngày xưa tranh thiên hạ với Hạng Vũ, bị Vũ đánh cho thua luôn, sau chỉ thắng có một trận ở núi Cửu-lý mà gây nên cơ nghiệp bốn trăm năm. Được thua là việc thường của nhà cầm quân, việc gì anh phải nản chí!

Tôn Càn nói:

- Có lúc được cũng có lúc thua, không nên ngã lòng. Đây cách Kinh-châu không xa lắm. Lưu Cảnh-thăng ngồi trấn chín quận, binh mạnh lương nhiều, vả lại cũng là tôn thân nhà Hán, sao ngài không sang đó nương tựa có hơn không?

Huyền-đức nói:

- Chỉ e họ không dung!

Càn nói:

- Tôi xin sang nói trước, khiến Cảnh-thăng phải ra biên giới đón chúa công.

Huyền-đức mừng rỡ, sai Tôn Càn gấp rút đến Kinh-châu. Đến nơi, Càn vào ra mắt Lưu Biểu, thi lễ xong Lưu Biểu hỏi:

- Ông đi theo Huyền-đức, tại sao lại đến đây?

Càn thưa:

- Lưu sứ quân là anh hùng thiên hạ, tuy binh đơn tướng ít, nhưng có chí muốn giúp xã tắc. Lưu Tích, Cung Đô ở Nhữ-nam, vốn không thân thích gì, cũng đem cái chết để đền ơn. Minh công đây với Lưu sứ quân cùng là dòng dõi nhà Hán; nay sứ quân vừa bị thua, muốn sang Giang-đông theo Tôn Quyền. Tôi có can rằng: “Không nên bỏ người thân mà đi nhờ người sơ; Lưu tướng quân ở Kinh-châu, kính người hiền, trọng kẻ sĩ, nhân tài trong thiên hạ kéo đến như nước xuôi dòng, chảy về đằng đông, huống chi lại là người cùng họ”. Vì thế sứ quân có sai tôi đến đây thưa chuyện trước, minh công dạy cho thế nào?

Biểu mừng lắm, nói rằng:

- Huyền-đức làm em ta, ta vẫn ước ao được họp mặt mà không được, nay muốn đến thăm, thật may mắn quá!

Sái Mạo gièm rằng:

- Không nên. Lưu Bị trước theo Lã Bố, sau thờ Tào Tháo, mới rồi lại đi theo với Viên Thiệu, ở với ai cũng không được thủy chung, thế đủ biết con người ấy thế nào rồi. Nay nếu ta chứa hắn, Tào Tháo tất đem binh đến đánh, gây nên chiến tranh vô ích. Chi bằng lấy đầu Tôn Càn đem dâng Tào Tháo. Tháo ắt trọng đãi chúa công.

Tôn Càn nghiêm sắc mặt nói:

- Càn đây không phải là người sợ chết. Lưu sứ quân một lòng trung vì nước, lũ Lã Bố, Tào Tháo, Viên Thiệu, đâu có sánh kịp. Trước kia Lưu sứ quân bất đắc dĩ phải theo chúng đấy thôi. Nay nghe Lưu tướng quân đây là dòng dõi nhà Hán, tình nghĩa đồng tông, cho nên không quản đường nghìn dặm đến theo. Ngươi sao dám gièm pha để hại người hiền như vậy?

Lưu Biểu nghe lời, mắng Sái Mạo rằng:

- Ý ta đã quyết, ngươi chớ nhiều lời!

Sái Mạo hổ thẹn lui ra.

Lưu Biểu liền sai Tôn Càn về báo trước, một mặt thân ra khỏi thành ba mươi dặm nghênh tiếp.

Huyền-đức ra mắt Lưu Biểu, giữ lễ phép rất cẩn thận. Biểu cũng đối đãi rất hậu. Huyền-đức dẫn Quan, Trương vào yết kiến Lưu Biểu. Biểu cùng bọn Huyền-đức vào Kinh-châu, sắp xếp nhà cửa cho ở.

Lại nói, Tào Tháo dò biết Huyền-đức đã sang Kinh-châu theo Lưu Biểu, muốn đem quân đến đánh ngay. Trình Dục can rằng:

- Chưa trừ xong Viên Thiệu đã vội đánh Kinh, Tương, ngộ Viên Thiệu từ mặt bắc kéo đến, thì được thua chưa biết ra sao. Chi bằng hãy đem quân về Hứa-đô nghỉ ngơi dưỡng sức ít lâu đợi sang xuân ấm áp, sẽ khởi binh, trước đánh Viên Thiệu, sau lấy Kinh, Tương vừa được lợi cả nam lẫn bắc; như vậy chỉ một chuyến là thu được cả vào tay mình.

Tháo nghe theo, truyền lệnh kéo quân về Hứa-đô.

Đến tháng giêng năm Kiến-an thứ bảy (202 công nguyên), Tháo lại bàn việc cất quân.

Trước hết, sai Hạ-hầu Đôn, Mãn Sủng trấn thủ Nhữ-nam đối phó với Lưu Biểu; Tào Nhân, Tuân Úc ở lại giữ Hứa-đô. Còn Tháo tự thống lĩnh đại quân ra đóng ở Quan-độ.

Đây nói Viên Thiệu bị bệnh khái huyết từ năm ngoái, nay mới hơi bớt, đã bàn đem quân đánh Hứa-đô. Thẩm Phối can rằng:

- Năm ngoái thua ở Quan-độ, Sương-đình, lòng quân đến nay vẫn chưa phấn chấn lên được. Xin chúa công hãy cứ thành cao hào sâu để dưỡng sức quân dân.

Giữa lúc bàn bạc chợt có tin báo Tào Tháo lại đem quân đến đóng ở Quan-độ để đánh Ký-châu.

Thiệu nói:

- Nếu giặc đến chân thành, tướng đến biên giới, mới tìm cách chống cự thì muộn mất rồi. Ta phải thống lĩnh đại quân ra nghênh địch mới được.

Viên Thượng can rằng:

- Cha chưa được khỏe, không nên đi đánh xa. Con xin đem quân ra chống cự.

Thiệu đồng ý rồi sai người đến gọi Viên Đàm ở Thanh-châu, Viên Hy ở U-châu, Cao Cán ở Tinh-châu về. Bốn lộ quân hợp sức đánh Tào Tháo.

Thật là:

Vừa tới Nhữ-nam khua trống trận
Lại sang Ký-bắc gióng chiêng quân.

Chưa biết phen này ai được ai thua, xem hồi sau sẽ rõ.