Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 33
HỒI THỨ BA MƯƠI BA
Tào Phi nhân loạn lấy Nhân thị
Quách Gia dặn kế định Liêu-đông.
Lại nói, Tào Phi thấy hai người đàn bà kêu khóc, rút gươm toan chém, chợt thấy một đám hồng quang chói lọi trước mắt, liền chống gươm hỏi:
- Chúng bay là người nào?
Một người thưa:
- Thiếp là Lưu thị, vợ Viên tướng quân.
Phi lại hỏi:
- Người con gái này là ai?
Lưu thị thưa:
- Nó là Nhân thị, vợ con trai thứ của tôi là Viên Hy. Chồng nó ra trấn ở U-châu, nó không chịu đi xa, nên ở lại đây.
Phi kéo người con gái ấy lại gần, thấy đầu bù mặt nhọ. Phi lấy vạt áo lau mặt, lộ rõ màu da trắng như ngọc, mặt đẹp như hoa, có vẻ nghiêng thành nghiêng nước.
Phi liền nói với Lưu thị:
- Ta là con cả của Tào thừa tướng, xin bảo toàn gia đình nhà ngươi, cứ yên tâm đừng lo sợ.
Nói rồi, cầm gươm ngồi trên nhà canh giữ.
Tào Tháo thống lĩnh binh tướng kéo vào Ký-châu. Vừa đến cửa thành, Hứa Du tế ngựa tới gần, lấy roi trỏ vào cửa thành bảo Tháo:
- Không có ta, làm sao A-man vào được cửa này!
Tháo cười ầm lên. Các tướng ai cũng bất bình.
Tháo đến cửa phủ Thiệu, hỏi:
- Có ai đã vào đây không?
Tướng canh cửa thưa:
- Có thế tử ở trong ấy.
Tháo gọi ra quở mắng. Lưu thị ra lạy mà kêu rằng:
- May nhờ có thế tử, nhà thiếp mới được an toàn. Thiếp xin dâng Nhân thị để nâng khăn sửa túi, hầu hạ thế tử.
Tháo sai gọi ra, Nhân thị sụp xuống lạy. Tháo xem mặt và nói:
- Thực xứng đáng làm dâu ta!
Liền bảo Phi thu nhận Nhân thị.
Bình định xong Ký-châu, Tháo ra tận mộ Viên Thiệu tế viếng, quỳ lạy khóc lóc rất bi thương, rồi ngoảnh lại bảo các tướng rằng:
- Khi xưa, ta với Bản-sơ cùng khởi binh, Bản-sơ hỏi ta rằng: “Nếu việc không thành, thì nên tính mặt nào?” Ta mới hỏi lại: “Ý túc hạ định làm sao?” Bản-sơ đáp: “Ta đây, mặt nam giữ Hà-bắc, ngăn lấy Yên, Đại, gồm cả quân lính vùng sa mạc, hướng về nam để tranh thiên hạ, liệu việc có xong không?” Ta đáp: “Ta dùng tài trí trong thiên hạ, lấy đạo nghĩa để phòng ngự, làm thế nào cũng được cả!”. Lời ấy vẫn còn văng vẳng bên tai, nay Bản-sơ đã mất, ta không thể không rơi nước mắt.
Mọi người đều cảm động.
Tháo sai lấy vàng lụa, lương gạo cấp cho Lưu thị, rồi hạ lệnh:
- Dân Hà-bắc gặp tai nạn chiến tranh, năm nay miễn cả sưu thuế.
Rồi dâng biểu về triều; Tháo tự lĩnh chức Ký-châu mục.
Một hôm Hứa Chử cưỡi ngựa vào cửa đông vừa hay gặp Hứa Du. Du gọi Chử bảo rằng:
- Các ngươi không có ta, làm sao được đi vào cửa này?
Chử nổi giận mắng rằng:
- Chúng ta vào sinh ra tử, xông pha tên đạn, cướp được thành trì, sao ngươi dám nói láo?
Du mắng:
- Các ngươi là đồ thất phu, không đáng đếm xỉa!
Chử giận lắm, rút gươm chém Hứa Du, xách đầu vào trình Tào Tháo:
- Nó vô lễ nên tôi giết đi!
Tháo nói:
- Tử-viễn là bạn cũ của ta, cho nên nói đùa như vậy, sao ngươi lại giết?
Tháo trách mắng Hứa Chử thậm tệ rồi sai tống táng cho Hứa Du rất tử tế.
Tháo lại sai người đi tìm hỏi những hiền sĩ ở Ký-châu.
Dân nói:
- Ở đây có quan kỵ-đô-úy Thôi Diệm, biểu tự là Quý-khuê, người ở Đông-vũ thành, quận Thanh-hà. Trước đã mấy lần bày mưu cho Viên Thiệu. Thiệu không dùng, nên cáo ốm về ở nhà.
Tháo lập tức cho triệu Thôi Diệm, cử làm biệt-giá tòng sự trong châu. Tháo nhân hỏi:
- Hôm qua xem sổ hộ tịch châu này, tổng cộng có ba mươi vạn dân, có thể gọi là châu lớn.
Diệm thưa:
- Hiện nay thiên hạ chia xẻ, chín châu tan nát, hai anh em họ Viên tranh giành nhau, dân châu Ký phơi xương nhan nhản ở ngoài đồng. Thừa tướng chưa kịp hỏi thăm phong tục, cứu kẻ lầm than, đã vội tính ngay số hộ khẩu, thì dân còn trông mong gì?
Tào Tháo nghe nói thay đổi nét mặt và tạ lỗi, đãi Diệm làm thượng khách.
Bình định xong Ký-châu, Tháo sai người dò la tin tức Viên Đàm.
Lúc ấy, Đàm mang quân đi cướp bóc các vùng Cam-lăng, An-bình, Bột-hải và Hà-gian, nghe tin Viên Thượng thua chạy vào Trung-sơn, liền đem quân đuổi đánh. Thượng mất tinh thần, chạy sang U-châu với Viên Hy. Bao nhiêu quân lính đều hàng Đàm. Đàm có ý muốn đánh lấy lại Ký-châu.
Tháo sai người gọi Đàm, Đàm không đến. Tháo giận lắm, đưa thư cắt đứt lời hứa gả con gái khi trước, rồi thống lĩnh đại quân kéo thẳng đến Bình-nguyên.
Đàm thấy Tháo dẫn đại quân đến, sang cầu cứu Lưu Biểu. Biểu mời Huyền-đức đến bàn, Huyền-đức nói:
- Tào Tháo đã phá được Ký-châu, uy thế đang mạnh. Không bao lâu nữa, anh em họ Viên sẽ bị Tào Tháo bắt hết, cứu cũng vô ích. Vả Tháo vẫn có ý chiếm cả Kinh, Tương, ta phải dưỡng sức quân để phòng thủ, không nên khinh động.
Biểu nói:
- Thế thì từ chối làm sao?
Huyền-đức nói:
- Nên viết thư cho hai anh em họ Viên, dùng lời lẽ khéo léo để từ chối.
Biểu nghe theo, lập tức viết thư, trước hết gửi cho Viên Đàm. Trong thư đại ý nói:
“Người quân tử lánh nạn, không bao giờ đặt chân lên đất kẻ thù. Trước đây, nghe tin ngài quỳ gối hàng Tào, theo tôi, đó là quên cả thù của ông cha, bỏ cả tình tay chân thân thiết và để lại cái nhục cho đồng minh. Nếu Ký-châu (chỉ Viên Thượng) không hòa thuận, ta cũng phải hết sức giúp đỡ. Đợi khi công việc xong rồi, hay dở thế nào đã có thiên hạ bình nghị, hà chẳng cao nghĩa lắm ru!”
Lại gửi thư cho Viên Thượng, nói:
“Thanh-châu (chỉ Viên Đàm) tính nóng nảy, không biết phải trái. Ngài nên trừ Tào Tháo trước để rửa hận cho cha. Công việc hoàn thành rồi sẽ tính đến những chuyện nhỏ, há chẳng hay lắm sao? Nếu không tỉnh ngộ thì chẳng khác gì hai con Hàn lư và Đông quách, tranh mồi nhau, rút cục chỉ người đi săn là được lợi[1]”.
Đàm được thư của Biểu, biết Biểu có ý không cứu, lại tự liệu sức mình không địch nổi Tháo, liền bỏ Bình-nguyên, chạy sang giữ Nam-bì.
Tháo đuổi theo đến Nam-bì.
Bấy giờ đang mùa đông, tiết trời giá lạnh, nước sông thành băng, thuyền lương không sao đi được. Tháo hạ lệnh bắt dân phu ra phá băng và kéo thuyền.
Dân nghe tin, bỏ trốn sạch. Tháo giận lắm, định bắt đem chém. Trăm họ thấy thế phải đến trại đầu thú. Tháo nói:
- Nếu không giết chúng bay thì hiệu lệnh của ta không nghiêm, mà giết thì lòng ta không nỡ. Thôi chúng bay nên trốn cả vào trong núi đi, chớ để cho quân ta bắt được.
Trăm họ đều ứa nước mắt mà đi.
Viên Đàm đem quân ra địch nhau với quân Tào. Hai bên dàn trận, Tháo cưỡi ngựa giơ roi trỏ vào Đàm mắng rằng:
- Tao hậu đãi mày như thế, sao mày dám thay lòng đổi dạ?
Đàm nói:
- Mày xâm phạm bờ cõi tao, cướp thành trì của tao, quyến rũ vợ con tao, còn trách tao đổi dạ à?
Tháo giận lắm, sai Từ Hoảng ra. Đàm gọi Bành An tiếp chiến. Chưa được vài hợp, Hoảng chém An chết lăn xuống ngựa.
Quân Đàm thua chạy, rút vào Nam-bì. Tháo sai quân bao vây bốn mặt. Đàm hoảng sợ, sai ngay Tân Bình ra trại Tháo xin hàng.
Tháo nói:
- Viên Đàm tráo trở, không thể tin được. Em ngươi là Tân Tỷ ta đã trọng dụng rồi, chi bằng ngươi cũng ở lại đây với ta.
Bình thưa:
- Thừa tướng lầm rồi. Tôi nghe nói: Chúa sang trọng thì bầy tôi vẻ vang, chúa lo âu thì bầy tôi nhục nhã. Tôi thờ họ Viên đã lâu, nay sao nỡ bỏ?
Tháo biết không lưu được, cho về. Bình về gặp Đàm, nói:
- Tào Tháo không cho hàng.
Đàm mắng rằng:
- Em mày hiện đương thờ Tào Tháo. Hay là mày cũng muốn phản tao nốt hay sao?
Bình nghe nói, tức đầy ruột, uất lên, ngã gục xuống đất.
Đàm sai vực dậy, được một lát thì chết. Đàm bấy giờ mới hối. Quách Đồ bảo Đàm rằng:
- Ngày mai nên bắt cả trăm họ đi trước, quân lính theo sau, quyết một trận sống mái với Tào.
Đàm nghe lời, đang đêm bắt toàn dân Nam-bì chuẩn bị gươm giáo chờ lệnh.
Sáng hôm sau, bốn cửa thành mở toang, nhân dân đi trước, quân đi sau, hò reo ầm ĩ, ùn ùn kéo ra, thẳng đến trại Tào. Hai bên đánh nhau từ giờ thìn đến giờ ngọ, chưa phân thắng bại, người chết đầy đồng.
Tháo thấy chưa giành được toàn thắng, liền gò ngựa chạy lên núi khua trống. Tướng sĩ thấy vậy, ai cũng gắng sức tiến lên.
Quân Đàm thua to. Nhân dân bị giết không biết bao nhiêu mà kể. Tào Hồng tả xung hữu đột, gặp ngay Viên Đàm, múa đao chém lia lịa. Viên Đàm bị Tào Hồng giết chết tại trận.
Quách Đồ thấy trận thế rối loạn, vội rút vào thành. Nhạc Tiến trông thấy, giương cung đặt tên bắn một phát, Quách Đồ chết cả người lẫn ngựa.
Tháo đem quân vào Nam-bì, vỗ yên trăm họ. Chợt có một toán quân kéo đến, đó là Tiêu Súc và Trương Nam, hai bộ tướng của Viên Hy.
Tháo tự dẫn quân nghênh chiến. Hai người trở giáo, cởi giáp đầu hàng.
Tháo đều phong cho tước hầu.
Tiếp đó tên tướng giặc ở núi Bắc-sơn là Trương Yên, cũng dẫn mười vạn quân đến quy thuận, được phong làm Bình-bắc tướng quân.
Tháo sai đem bêu đầu Viên Đàm và ra lệnh kẻ nào cả gan đến khóc thì chém.
Đầu Đàm treo ngoài cửa bắc. Có một người đội mũ vải, mặc đồ tang đến khóc thê thảm. Lính canh bắt nộp Tào Tháo. Tháo hỏi ra là biệt giá Vương Tu, vì can Viên Đàm bị Đàm đuổi về. Nay được tin Đàm chết, vội đến khóc viếng.
Tháo hỏi:
- Ngươi không biết lệnh ta à?
Tu thưa:
- Biết chớ.
Tháo hỏi:
- Ngươi không sợ chết à?
Tu thưa:
- Tôi đã vâng mệnh ra giúp chúa, nay chúa chết mà không khóc thật là phi nghĩa. Sợ chết quên cả nghĩa thì còn đáng đứng trên thế gian sao! Nếu được chôn cất cho Đàm, dẫu chết tôi cũng không oán hận gì.
Tháo nói:
- Đất Hà-bắc thật nhiều nghĩa sĩ, tiếc rằng họ Viên không biết dùng người. Nếu biết dùng thì ta đâu dám nhòm ngó miền này!
Liền sai chôn cất Viên Đàm, rồi đãi Tu làm thượng khách và cho làm Tư-kim trung-lang tướng. Nhân tiện hỏi Tu:
- Nay Viên Thượng đã theo Viên Hy, muốn đánh thì dùng mẹo gì?
Tu không trả lời.
Tháo nói:
- Thật là trung thần!
Tháo hỏi Quách Gia, Gia nói:
- Nên sai Tiêu Súc và Trương Nam là bọn hàng tướng của họ Viên đi đánh.
Tháo nghe lời, một mặt sai ngay Tiêu Súc, Trương Nam, Lã Khoáng, Lã Tường, Mã Diên và Trương Dĩ, ai nấy dẫn binh mã của mình, chia làm ba đường đánh U-châu. Một mặt, sai Lý Điển, Nhạc Tiến hợp với Trương Yên sang Tinh-châu đánh Cao Cán.
Nói về Viên Thượng, Viên Hy được tin quân Tào kéo đến liệu địch không nổi liền bỏ thành, chạy sang Liêu-tây, theo Ô Hoàn.
Thứ-sử U-châu là Ô Hoàn-súc, hợp các quan lại ở U-châu, uống máu ăn thề, bàn việc hướng về Tào Tháo và phản lại họ Viên. Ô Hoàn-súc nói trước:
- Ta biết Tào thừa tướng là anh hùng trong thiên hạ đời nay. Nay qua đầu hàng, ai không tuân lệnh sẽ chém đầu.
Mọi người lần lượt uống máu ăn thề. Đến lượt quan biệt-giá Hàn Hành. Hành quẳng gươm xuống đất hô lớn:
- Ta chịu ơn sâu của cha con họ Viên. Nay chủ bại vong, ta đã không có tài cứu được, lại không có gan liều chết, đối với đạo nghĩa thật thiếu sót lớn! Nếu ngoảnh về phía bắc hàng Tào, ta nhất định không làm!
Ai nấy tái mặt. Ô Hoàn-súc nói:
- Phàm làm việc lớn, phải dựng nghĩa lớn. Việc thành hay bại không phải do một người. Hàn Hành đã có chí như thế, xin cứ tùy tiện.
Nói rồi đẩy Hàn Hành ra. Ô Hoàn-súc ra ngoài thành đón ba lộ quân, đi thẳng đến hàng Tháo.
Tháo mừng lắm, phong cho chức Trấn-bắc tướng quân. Chợt có thám mã về báo:
- Nhạc Tiến, Lý Điển và Trương Yên đi đánh Tinh-châu, Cao Cán giữ ải Hồ-quan vững lắm, không sao phá được.
Tháo tự cất quân đi. Ba tướng đều nói:
- Cán cầm cự, khó đánh lắm!
Tháo họp các tướng lại bàn. Tuân Du nói:
- Muốn phá được Cán, phải dùng kế trá hàng.
Tháo gọi Lã Khoáng, Lã Tường đến ghé vào tai nói nhỏ mấy câu, Lã Khoáng dẫn vài chục tên lính thẳng đến trước ải, gọi to lên rằng:
- Chúng tôi nguyên là tướng cũ họ Viên, bất đắc dĩ phải hàng Tào. Tào Tháo là người quỷ quyệt, bạc đãi chúng tôi. Nay lại xin về giúp chủ cũ, mau mở cửa ải cho tôi vào.
Cao Cán chưa tin, chỉ bảo hai tướng lên cửa ải nói chuyện.
Hai tướng cởi giáp xuống ngựa đi vào, rồi bảo Cán:
- Quân Tào mới đến. Nên nhân dịp lòng quân chưa yên, kéo ra cướp trại. Hai chúng tôi tình nguyện đi đầu.
Cán mừng lắm theo lời ấy. Đến đêm sai hai tướng họ Lã đi trước, còn Cao Cán dẫn hơn vạn quân kéo theo. Gần đến trại Tào, bỗng có tiếng reo ầm ĩ, quân mai phục bốn phía xông ra. Cán biết là mắc mẹo, vội quay về Hồ-quan thì Nhạc Tiến, Lý Điển đã cướp được thành rồi.
Cao Cán cướp đường chạy thoát, sang hàng nước Thuyền-vu.
Tháo lĩnh binh đóng giữ cửa ải, rồi sai người đuổi Cao Cán. Cán đến biên giới Thuyền-vu thì gặp ngay vua Bắc Phiên Tả Hiền-vương. Cán xuống ngựa quỳ lạy thưa rằng:
- Tào Tháo lấn cướp mất cả bờ cõi, nay lại muốn xâm phạm đất đai của ngài. Xin ngài cứu viện, góp sức cùng tôi đánh lấy lại, để giữ vững phương bắc.
Tả Hiền-vương nói:
- Ta cùng Tào Tháo không thù hằn gì nhau, lẽ đâu Tháo xâm phạm vào đất nước ta? Ngươi lại muốn cho ta kết oán với họ Tào hay sao?
Nói rồi, mắng đuổi Cao Cán đi. Cán cùng đường buộc phải sang theo Lưu Biểu. Đi đến Thượng-lộ, thì bị Đô-úy Vương Giệm giết, đem đầu đến dâng Tào Tháo. Tháo phong cho Giệm tước hầu.
Bình định xong Tinh-châu, Tháo bàn định quay sang phía tây đánh Ô Hoàn. Bọn Tào Hồng nói:
- Viên Hy, Viên Thượng binh thua tướng mất, sức hết thế cùng, đã trốn tránh sang miền sa mạc. Nay ta đem quân sang tận phía tây, nếu Lưu Biểu, Lưu Bị thừa cơ đánh úp Hứa-đô, ta cứu ứng không kịp, tai họa không phải nhỏ. Xin hãy kéo quân về là hơn cả.
Quách Gia nói:
- Các ông nói sai cả rồi; chúa công tuy uy danh lừng lẫy khắp thiên hạ, nhưng người ở nơi sa mạc, cậy thế xa xôi hiểm trở, tất không phòng bị. Nhân chỗ sơ hở ta đánh cho thật mau lẹ thì chắc phá được. Vả lại Ô Hoàn mang ơn Viên Thiệu, mà hai anh em Viên Hy, Viên Thượng nay hãy còn sống, thể nào cũng phải trừ đi mới xong. Còn Lưu Biểu chỉ là hạng người ngồi nói chuyện suông thôi. Biểu tự biết không đủ tài để đối phó với Lưu Bị. Dùng Bị vào việc to, thì sợ không khống chế nổi; còn dùng vào việc nhỏ, chắc Bị không chịu làm. Dù ta có bỏ ngỏ nước mà kéo quân đi đánh xa các ông cũng đừng lo.
Tháo nói:
- Lời Phụng-hiếu rất đúng.
Lập tức huy động ba quân và vài nghìn cỗ xe rầm rộ kéo đi.
Dọc đường cát vàng bay ngút, gió bão bốn bề, đường sá gập ghềnh, người ngựa khó nhọc.
Tháo có ý muốn quay trở về, bèn hỏi Quách Gia.
Lúc ấy, Gia không quen thủy thổ, ốm nằm trong xe. Tháo khóc nói:
- Vì ta muốn bình định miền sa mạc khiến ông phải đi xa vất vả, đến nỗi mắc bệnh, ta yên tâm sao được?
Gia nói:
- Tôi đội ơn sâu của thừa tướng, dù có chết cũng chưa đền được muôn một.
Tháo nói:
- Ta thấy vùng bắc hiểm trở, muốn rút quân về, ông thấy thế nào?
Gia nói:
- Việc binh cốt mau lẹ. Nay đi đánh xa hàng ngàn dặm, lương thực, khí giới nhiều, nhưng khó mang theo; không bằng đem khinh binh rút đường đến đánh bất ngờ, nhưng phải có người thuộc đường tắt đi hướng dẫn mới được.
Tháo cho Quách Gia ở lại Dịch-châu dưỡng bệnh, rồi sai tìm người hướng đạo. Có người giới thiệu Điền Trù là tướng cũ của Viên Thiệu. Tháo gọi lại hỏi, Trù nói:
- Đường này, về mùa hạ và mùa thu có nước, chỗ nông xe ngựa không đi được, chỗ sâu lại không chở được thuyền bè, khó hành quân lắm. Chi bằng trở lại, từ cửa Lư-long vượt Bạch-đàn hiểm trở, qua vùng đất hoang đến sát Liễu-thành mà đánh úp, chỉ một trận là bắt sống được Mặc Đạc.
Tháo nghe theo, phong Điền Trù làm Tĩnh-bắc tướng quân, kiêm hướng đạo đi trước; Trương Liêu đi thứ nhì; Tháo áp hậu, gấp rút tiến quân.
Điền Trù dẫn Trương Liêu đến trước núi Bạch-lang, vừa gặp Viên Thượng, Viên Hy cùng với Mặc Đạc đem vài vạn quân kỵ đi đến.
Liêu phi ngựa báo Tào Tháo.
Tháo cưỡi ngựa lên cao đứng xem, thấy quân Mặc Đạc đi lộn xộn, không có hàng ngũ. Tháo bảo Trương Liêu:
- Quân giặc không được tề chỉnh, nên đánh ngay.
Nói rồi đưa cờ hiệu cho Liêu.
Liêu dẫn Hứa Chử, Vu Cấm, Từ Hoảng chia làm bốn đường kéo xuống, cố sức xông vào đánh.
Quân Mặc Đạc rối loạn. Trương Liêu xộc ngựa chém chết Mặc Đạc. Tàn quân đều xin hàng.
Còn hai anh em họ Viên vội dẫn vài nghìn quân kỵ chạy sang Liêu-đông.
Tháo thu quân vào Liễu-thành, phong Điền Trù làm Liễu-đình hầu, trấn thủ thành...
Trù hu hu khóc, nói rằng:
- Tôi đã là kẻ phụ nghĩa, mang ơn ngài cho sống là may lắm rồi, dám đâu bản trại Lư-long đổi lấy tước lộc nữa! Dẫu chết cũng không dám nhận.
Tháo cho là người có nghĩa, cử Trù làm Nghị-lang. Tháo phủ dụ dân Thuyền-vu, thu được một vạn ngựa tốt, ngay hôm ấy rút quân về.
Bấy giờ, tiết trời lạnh và khô ráo, hai trăm dặm đường không có lấy một giọt nước. Lương ăn cũng hết, phải giết ngựa cho quân ăn; phải đào sâu xuống đất ba bốn mươi trượng mới lấy được nước uống.
Tháo về đến Dịch-châu, thưởng cho những người khuyên can lúc trước; nhân đó, bảo các tướng rằng:
- Bữa trước ta thừa cơ đi đánh xa, may mà thành công, cũng là trời giúp. Nhưng chớ nên thấy được mà bảo là việc nên làm. Các ngươi can ngăn là phải, nên ta khen thưởng. Từ rày về sau, các ngươi đừng có ngại, có việc gì cứ thực mà nói.
Bấy giờ, Quách Gia vừa chết được mấy hôm, linh cữu quàn tại công đường. Tháo vào tế, khóc rằng:
- Quách Phụng-hiếu mất đi, đó là trời hại ta vậy!
Khóc rồi, ngoảnh lại bảo các quan rằng:
- Tuổi các ngươi cũng bằng trạc ta cả, duy có Phụng-hiếu còn trẻ hơn. Ta vẫn định ủy thác việc về sau, không ngờ nửa chừng chết yểu, khiến ta tan nát ruột gan!
Lúc ấy bộ hạ của Quách Gia đưa một phong thư ra trình, nói:
- Khi Quách công gần mất, có viết thư này để lại dặn rằng: “Nếu thừa tướng theo đúng lời trong thư này, thì việc Liêu-đông sẽ xong”.
Tháo mở thư ra xem, gật đầu khen phải.
Các tướng không hiểu ý thế nào.
Hôm sau bọn Hạ-hầu Đôn vào bẩm rằng:
- Thái thú Liêu-đông là Công-tôn Khang, lâu nay vẫn không chịu phục. Bây giờ, Viên Hy, Viên Thượng lại sang ở đó, tất sinh tai họa về sau. Chi bằng nhân lúc chúng chưa hành động, ta đến đánh ngay, nhất định lấy được Liêu-đông.
Tháo cười nói:
- Không dám phiền đến oai hùm của các ông. Vài hôm nữa, Công-tôn Khang sẽ đem đầu hai anh em họ Viên lại nộp.
Các tướng tá đều không tin.
Nói về Viên Hy, Viên Thượng dẫn vài nghìn quân kỵ chạy sang Liêu-đông. Thái thú Liêu-đông Công-tôn Khang, vốn người ở Tương-bình, là con Uy vũ tướng quân Công-tôn Độ. Khi thấy hai anh em họ Viên đến hàng, Khang liền họp các tướng lại bàn.
Công-tôn Cung nói:
- Khi Viên Thiệu còn sống, thường có ý muốn thôn tính Liêu-đông. Nay Viên Hy, Viên Thượng quân thua tướng mất, không chỗ nương nhờ, nên mới phải đem thân lại đây, có khác nào chim cưu cướp tổ chim thước[2]. Nếu ta dung nạp về sau tất nó phản. Chi bằng lừa nó vào thành, giết đi lấy đầu nộp Tào công, chắc thế nào ngài cũng hậu đãi.
Khang nói:
- Chỉ sợ Tào Tháo đem binh lấy Liêu-đông, ta nên giữ hai anh em họ Viên ở đây giúp ta thì hơn.
Cung nói:
- Nên sai người đi do thám xem. Hễ quân Tào đến đánh, thì ta để hai anh em họ Viên lại. Bằng quân Tào không đến thì ta giết đi đem đầu ra nộp.
Khang nghe theo, cho ngay người đi do thám.
Nói về Viên Hy, Viên Thượng đến Liêu-đông, hai anh em bàn kín với nhau rằng:
- Quân Liêu-đông được vài vạn, kể cũng đủ chống với Tào Tháo. Nay ta hãy tạm đến nương nhờ, sau này sẽ giết Công-tôn Khang rồi cướp lấy đất, bồi dưỡng lực lượng chống cự Trung-nguyên mới có thể lấy lại Hà-bắc được.
Bàn định xong, hai người vào ra mắt Khang. Khang mời nghỉ ở quán dịch, giả ốm không tiếp vội.
Được mấy hôm, quân do thám về báo:
- Tào Tháo đóng quân ở Dịch-châu, không có ý gì hạ Liêu-đông cả.
Công-tôn Khang mừng lắm, sai ngay quân đao phủ mai phục hai bên, rồi cho người mời hai anh em họ Viên vào.
Chào hỏi xong xuôi, Khang mời ngồi. Lúc này trời rét lắm, Thượng thấy giường không có đệm, nói với Khang cho giải chiếu.
Khang trợn mắt, mắng:
- Hai cái đầu chúng bay sắp rụng, lo chi đít không có chiếu ngồi!
Thượng sợ quá. Khang hét lớn:
- Tả hữu đâu, hạ thủ ngay đi!
Bọn đao phủ xông ra chặt đầu hai người, đóng vào hòm mang đến Dịch-châu, yết kiến Tào Tháo.
Khi ấy Tào Tháo đóng quân ở Dịch-châu. Hạ-hầu Đôn và Trương Liêu vào bẩm rằng:
- Thừa tướng không đánh Liêu-đông thì nên rút về Hứa-đô, sợ Lưu Biểu gây chuyện gì chăng?
Tháo nói:
- Đợi đầu lâu hai anh em họ Viên đã rồi sẽ rút.
Mọi người đều cười thầm. Chợt có người vào báo:
- Có Công-tôn Khang ở Liêu-đông sai người đưa đầu lâu Viên Thượng, Viên Hy đến nộp.
Ai nấy kinh sợ. Sứ giả dâng thư lên. Tháo cười ha hả mà rằng:
- Quả đúng như lời dự đoán của Phụng-hiếu!
Liền trọng thưởng cho sứ và phong Công-tôn Khang làm Tương-bình hầu, tả-tướng-quân.
Tướng tá đều hỏi:
- Đúng như lời dự đoán của Phụng-hiếu là thế nào?
Tháo liền đưa bức thư của Quách Gia ra. Đại ý trong thư viết:
“Nay nghe Viên Hy và Viên Thượng sang Liêu-đông, minh công không nên cất quân ra đó. Công-tôn Khang vốn sợ họ Viên thôn tính. Hai anh em Viên đến hàng, Khang tất nghi ngờ.
Nếu ta đem quân đến đánh, nhất định họ phải hợp sức chống cự, nôn nóng thì khó mà hạ được. Nếu ta hoãn lại, thì Công-tôn Khang và họ Viên sẽ giết lẫn nhau. Việc này thế tất phải xảy ra như vậy”.
Nghe xong, ai cũng hớn hở khen giỏi.
Tháo dẫn bọn quan lại ra đặt hương án tế trước linh vị Quách Gia một lần nữa.
Gia khi chết mới có 38 tuổi, theo Tào Tháo đi đánh dẹp 11 năm, lập nhiều kỳ công. Người sau có thơ khen rằng:
Trời sinh Quách Phụng-hiếu
Hào kiệt đã nức danh
Ruột chứa đầy kinh sử
Bụng xếp chặt giáp binh
Lập mưu ngang Phạm Lãi
Bày mẹo tựa Trần Bình
Đáng tiếc lại chết sớm
Trung nguyên cột trụ nghiêng.
Tào Tháo mang quân về Ký-châu, sai người đưa linh cữu Quách Gia về Hứa-đô trước, làm lễ an táng.
Bọn Trình Dục đề nghị:
- Phương bắc định xong, nay về Hứa-đô, nên đặt ngay kế hoạch lấy Giang-nam.
Tháo cười nói:
- Ta vẫn có chí ấy đã lâu. Các ngươi nói chính hợp ý ta.
Đêm ấy ngủ trên lầu phía đông thành Ký-châu, Tháo tựa lan can, ngẩng mặt lên trời xem thiên văn. Tuân Du cũng đứng bên cạnh. Tháo trỏ lên trời bảo rằng:
- Phương nam vượng khí chói lọi, vị tất đã đánh được.
Du nói:
- Oai thừa tướng như trời, đánh đâu chẳng nổi.
Đang mải xem, bỗng một luồng kim quang từ mặt đất bay lên. Du nói:
- Dưới đất chỗ ấy chắc có của báu.
Tháo xuống gác, sai người đến tận nơi đào.
Thế mới là:
Phương nam vừa ngắm thiên văn rõ,
Đất bắc ngờ đâu bảo khí sinh.
Chưa biết đào chỗ ấy lên thấy vật gì, xem hồi sau sẽ biết.