Bước tới nội dung

Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 91

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT

Tế sông Lư, thừa tướng rút quân
Đánh giặc Ngụy, Võ hầu dâng biểu

Lại nói Khổng Minh thu quân về nước, Mạnh Hoạch dẫn các chúa động và tù trưởng, bộ lạc lễ lạy, tiễn đưa. Quân đi gần đến bờ sông, bấy giờ đang mùa thu, tháng chín, bỗng dưng, mây kéo mù mịt, gió thổi ù ù, quân không sao sang được đò, bèn trở lại báo với Khổng Minh. Khổng Minh hỏi Mạnh Hoạch, thì Hoạch nói:

- Ở con sông này, xưa nay vẫn có ác thần gây tai quái, kẻ đi lại phải cúng tế mới yên.

Khổng Minh nói:

- Nên dùng đồ gì để tế?

Hoạch nói:

- Xưa nay, ở đó hễ ác thần ra oai, mỗi năm phải dùng bốn mươi chín đầu lâu người và trâu đen, dê trắng mà tế thì tự nhiên sông lặng gió êm, lại được mùa luôn mấy vụ nữa.

Khổng Minh nói:

- Ta nay đã bình định đâu đấy cả rồi, lẽ nào lại giết thêm một người nào nữa!

Bèn thân đến bờ sông đứng xem; quả nhiên thấy gió to sóng cuộn, người ngựa đều kinh. Khổng Minh sai tìm thổ dân hỏi xem làm sao. Người ấy thưa rằng:

- Từ khi thừa tướng qua đây, đêm nào cũng nghe tiếng ma quỉ kêu khóc ở bờ sông; mỗi ngày, từ lúc vàng mặt giời mãi cho đến sáng, không dứt tiếng khóc; mà trong đám mây mù lững thững, ma quỉ hiện ra rất nhiều; bởi thế, gây nên tai quái, không ai dám sang sông.

Khổng Minh nghe xong, nói:

- Đó là tội lỗi của ta! Trước kia Mã Đại dẫn hơn nghìn quân Thục, chết cả trong sông này; vả lại, những người Man bị giết cũng đem bỏ xuống đấy, vì thế oan hồn, oán quỷ không được hả vong linh, mới đến nỗi có chuyện này. Chiều hôm nay, ta thân ra tế mới được.

Người ấy nói:

- Muốn tế phải theo lệ cũ, dùng bốn mươi chín cái đầu lâu thì ma quỉ tự nhiên tan cả.

Khổng Minh nói:

- Chỉ vì người chết mà thành oán quỷ. Lẽ đâu lại giết người sống để tế? Ta đã có chủ ý, khắc xong.

Bèn gọi nhà bếp, sai giết trâu mổ ngựa, và dùng bột làm ra hình đầu người, nhồi thịt trâu, thịt dê vào trong, gọi là "Man đầu". Đêm hôm ấy, Khổng Minh sai đặt hương án, bày đồ tế ở trên bờ sông Lư-thủy, đốt bốn mươi chín ngọn đèn, dựng cờ chiêu hồn và bày các "Man đầu" trên mặt đất. Đến canh ba, Khổng Minh đội mũ hoa vàng, mặc áo cánh hạc, thân vào chủ tế, sai Đổng Quyết đọc bài văn tế như sau:

"Duy năm Kiến-an thứ ba, nhà Đại Hán, ngày mồng một tháng chín, mùa thu. Võ-hương hầu lĩnh Ích-châu mục, thừa tướng Gia-cát Lượng, kính bày tế vật để khao các tướng sĩ nước Thục bỏ mình vì việc nước ở đây, và các âm hồn người Man, bảo cho biết rằng:

Hoàng đế nhà Đại Hán ta,
Uy hơn ngũ bá,
Sáng dõi tam vương.
Từ khi giặc xâm cõi Thục,
Binh khởi đất Mường.
Nọc ong rất là độc ác,
Lang sói sao mà ngông cuồng?
Ta phụng vương mệnh,
Đi dẹp Man phương,
Quân hùm hổ kéo ra nhan nhản,
Đàn sâu kiến lập tức tan hoang.
Nghĩ các ngươi:
Toàn bậc anh hùng,
Cũng người thao lược,
Tập võ ra quân,
Theo ta đánh giặc.
Ai chẳng gắng sức trung vua?
Ai không dốc lòng yêu nước?
Không ngờ các ngươi,
Sa cơ lỡ bước,
Hoặc có kẻ chạm vào gươm giáo, suối biếc vùi hồn,
Hoặc có người tin phải đạn tên, sông sâu quẳng xác.
Thủa sống đã sức mạnh đảm đang,
Khi chết cũng tiếng thơm ghi tạc.
Nay: gần ngày hiến tiệp,
Đang buổi khải ca,
Khôn thiêng các chúng,
Khấn khứa nghe ta,
Trông ngọn cờ nghe tiếng trống,
Theo về đất tổ quê cha,
Chứng giám khi giỗ, khi tết,
Trông nom người cửa, người nhà,
Chớ có chịu ma nhờ đất khách.
Đừng có làm quỷ lạc phương xa.
Ta sẽ tâu lên thiên tử
Thương đến các nhà.

Năm cấp áo, tháng cấp lương, ơn chín bệ mưa thuần móc thấm;
Người tặng chức, kẻ phong tước, bụng chúng sinh gió thuận mưa hòa.

Còn như:
Vong quỉ phương nam,
Thổ thần bản cảnh
Cúng cấp có thường,
Nương nhờ đã rảnh.
Sống còn biết sợ oai trời,
Thác cũng nên tuân phép thánh.
Chớ có gầm gào,
Cứ nên yên tĩnh.
Gọi chút lễ nghi.
Tỏ lòng cung kính.
Hỡi ôi! Thương thay!
Đến mà nhận lĩnh.
Thượng hưởng!"

Đổng Quyết đọc xong văn tế, Khổng Minh cất tiếng khóc vang, rất là đau xót. Ba quân ai nấy đều cảm động, ứa nước mắt. Bọn Mạnh Hoạch cũng khóc. Được một lát, trong đám mây sầu gió thảm, thấp thoáng hơn nghìn ma quỉ, theo chiều gió tan đi.

Khổng Minh sai tả hữu quẳng ráo cả đồ tế lễ xuống sông. Sáng hôm sau, dẫn quân đến bờ mé nam, quả nhiên trời quang mây tạnh, sóng lặng gió êm, quân Thục yên ổn sang qua sông Lư. Thực là ngựa đi rung tiếng nhạc, người về hát câu ca, nỗi sung sướng kể sao cho xiết!

Đến quận Vĩnh-xương, Khổng Minh lưu Vương Cang, Lã Khải ở lại giữ bốn quận; cho Mạnh Hoạch dẫn quân trở về, và dặn phải siêng coi chính trị, thương yêu dân, chớ để dân bỏ việc làm ruộng. Mạnh Hoạch khóc lạy, từ biệt. Khổng Minh dẫn đại quân về Thành-đô. Hậu chủ bày đồ loan giá ra khỏi quách ba mươi dặm nghênh tiếp. Hậu chủ xuống kiệu đứng đợi bên cạnh đường. Khổng Minh vội vàng xuống xe, quỳ lạy tâu rằng:

- Tôi không sớm bình được phương nam, để cho chúa thượng phải lo, thật là có tội!

Hậu chủ đỡ Khổng Minh dậy, cùng ngồi một xe đi về, mở một đại yến, gọi là thái bình diên hội, trọng thưởng cho ba quân. Từ đó hơn hai trăm xứ ở xa đều đến nộp cống.

Khổng Minh tâu với hậu chủ, ưu tuất cho những người bỏ mình vì việc nước. Bởi thế, trong triều ngoài nội, ai nấy vui mặt nở mày.

Nói về Ngụy chủ Tào Phi ở ngôi được bảy năm; bấy giờ là năm Kiến-hưng thứ tư, nhà Hán. Phi khi trước phá Nghiệp-thành đã lấy nàng Nhân thị, tức là vợ Viên Hy, con thứ hai Viên Thiệu. Nhân thị sinh được một con tên là Tuấn, tự Nguyên-trọng. Tuấn thông minh từ thuở nhỏ, Phi yêu mến lắm. Về sau, Phi lại lấy con gái Quách Vinh, quê ở Quảng-tôn làm quý phi. Nàng ấy xinh đẹp tuyệt trần. Cha nàng thường nói rằng: "Con gái ta là vua trong đám con gái". Bởi thế, gọi là nữ vương. Từ khi Phi lấy quý phi, liền đem lòng yêu mến nàng mà nhạt tình với Nhân thị. Quách quý phi nhân đó muốn cướp ngôi hoàng hậu bèn bàn nhau với người hạnh thần là Trương Thao. Bấy giờ, Phi đang bị bệnh. Thao tâu vu rằng: "Ở trong cung Nhân phu nhân đào được một người bằng gỗ vông, trên có viết giờ sinh tháng đẻ của thiên tử, để làm bùa trấn áp". Phi giận lắm, liền bắt Nhân phu nhân phải tự tử, rồi lập Quách quý phi làm hoàng hậu. Quách thị không có con, nuôi Tào Tuấn làm con; tuy cũng yêu thương, nhưng không lập làm thái tử.

Tuấn mười lăm tuổi đã giỏi nghề cung ngựa. Khi ấy, đang mùa xuân, Phi dắt Tuấn vào săn trong núi. Chợt có hai mẹ con con hươu chạy ra. Phi bắn một phát trúng hươu mẹ ngã gục xuống. Con hươu con chạy tạt qua trước mặt Tuấn. Phi gọi to lên rằng:

- Con ta sao không bắn đi?

Tào Tuấn ngồi trên ngựa khóc, nói:

- Bệ hạ đã giết mẹ nó rồi, nỡ nào lại giết cả con nó nữa?

Phi nghe xong, quẳng cung xuống đất mà rằng:

- Con ta như thế mới thật là chúa nhân đức!

Bởi vậy, phong Tào Tuấn làm Bình-nguyên vương.

Mùa hạ tháng năm, Phi mắc bệnh sốt rét, thuốc thang mãi không khỏi; bèn đòi trung quân đại tướng quân Tào Chân, trấn tây đại tướng Trần Quần, phủ quân đại tướng quân Tư-mã Ý vào cung, gọi Tào Tuấn đến, bảo với bọn Tào Chân rằng:

- Trẫm nay bệnh tình nguy lắm rồi, không sao sống được nữa. Con trẫm tuổi còn thơ ấu, ba các ngươi nên giúp nó cho khéo, chớ phụ bụng trẫm!

Ba người cùng tâu rằng:

- Bệ hạ sao lại dạy thế? Chúng tôi xin hết sức giúp bệ hạ đến khi bệ hạ muôn tuổi mới thôi!

Phi nói:

- Năm nay, cửa thành Hứa-xương bỗng dưng sụp đổ, đó là điềm không hay, cho nên trẫm biết thế nào cũng chết.

Còn đang trò chuyện thì có chinh đông tướng quân Tào Hưu đến hầu. Phi vời vào, bảo rằng:

- Các ngươi toàn là cựu thần nhà nước cả, nếu một lòng giúp con trẫm, thì trẫm dẫu chết cũng yên tâm.

Nói đoạn ứa nước mắt ra rồi tắt hơi, thọ 40 tuổi, ở ngôi được bảy năm.

Bọn Tào Hưu, Tào Chân, Trần Quần, Tư-mã Ý, một mặt làm lễ cử ai, một mặt lập Tào Tuấn làm Đại Ngụy hoàng đế; đặt tên thụy mẹ là Nhân thị làm Văn-chiếu hoàng hậu, phong Chung Do làm thái phó, Tào Chân làm đại tướng quân, Tào Hưu làm đại tư mã, Hoa Hâm làm thái úy, Vương Lãng làm tư đồ, Trần Quần làm tư không, Tư-mã Ý làm phiêu kỵ đại tướng quân. Còn văn võ khác, ai cũng được phong tặng cả; lại đại xá cho thiên hạ.

Bấy giờ ở châu Ung, châu Lương, khuyết người trấn thủ, Tư-mã Ý dâng biểu xin ra giữ. Tào Tuấn nghe lời, phong cho Ý đề đốc cả quân mã hai xứ ấy. Ý lĩnh mệnh đi ngay.

Có mật thám báo tin vào Xuyên. Khổng Minh giật mình, nói:

- Tào Phi chết rồi, con là Tào Tuấn nối ngôi, ta cũng chẳng lo ngại gì. Chỉ e có Tư-mã Ý lắm mưu lược, nay y đề đốc quân mã Ung, Lương; nếu để y luyện tập thành thuộc rồi tất gây vạ lớn cho nước Thục ta. Chi bằng ta cất quân sang đánh trước là hơn.

Tham quân Mã Tốc nói:

- Thừa tướng mới đánh dẹp miền nam trở về, quân sĩ còn mỏi mệt, hãy cho nghỉ ngơi, chớ nên bắt đi đánh xa vội. Tôi có một mẹo này, khiến Tư-mã Ý phải chết về tay Tào Tuấn, chưa biết ý thừa tướng có ưng không?

Khổng Minh hỏi kế gì, Tốc thưa rằng:

- Tư-mã Ý tuy là đại thần nước Ngụy, nhưng Tào Tuấn vẫn có lòng ngờ ghét. Ta nên mật sai người sang các xứ Lạc-dương, Nghiệp-quận, phao tin Ý muốn làm phản; lại làm bảng văn của Ý cáo thị dán khắp nơi, khiến Tào Tuấn sinh nghi, tất nhiên phải giết hắn đi.

Khổng Minh nghe lời, lập tức sai người mật làm kế ấy.

Lại nói, trên cửa thành Nghiệp-quận, bỗng dưng một hôm thấy dán một đạo văn yết thị. Lính canh cửa bóc về tâu với Tào Tuấn. Tuấn mở ra xem, trong giấy viết rằng:

"Phiêu kỵ đại tướng quân tổng lĩnh quân mã các xứ Ung, Lương là Tư-mã Ý kính đem lời tín nghĩa báo cho khắp thiên hạ biết rằng:

Khi xưa Thái tổ Võ hoàng đế, gây dựng cơ nghiệp, nguyên muốn lập Trần-lưu vương là Tử-kiến làm chủ xã tắc; chẳng may, bị bọn gian thần gièm pha, nên lâu ngày rồi mà rồng vẫn phải cuộn khúc. Hoàng tôn là Tào Tuấn, vốn không có đức hạnh gì, dám liều trèo lên ngôi báu, phụ lòng Thái tổ khi xưa. Nay ta ứng vận trời, thuận lòng người, nay mai cất quân để thỏa lòng muôn dân mong đợi. Tờ cáo thị này đến đâu thì ở đấy phải quy thuận với tân quân; nếu không sẽ giết cả chín họ! Vì thế báo trước cho ai nấy được hay!"

Tào Tuấn xem xong, giật mình mất vía, vội hỏi quần thần. Thái úy Hoa Hâm tâu rằng:

- Tư-mã Ý dâng biểu xin giữ các xứ Ung, Lương, chính là vì cớ ấy. Khi xưa, đức Thái tổ Võ hoàng đế đã bảo tôi rằng: "Tư-mã Ý cú nhìn sói chực, không nên giao phó binh quyền; lâu ngày tất sinh vạ lớn cho nước". Nay tình hình làm phản đã lộ ra rồi, nên giết ngay đi mới được.

Vương Lãng tâu rằng:

- Tư-mã Ý tinh thông thao lược, hiểu biết binh cơ, vốn có chí to, nếu không trừ sớm đi, để về sau sinh vạ.

Tuấn bèn xuống chỉ, muốn cất quân đi đánh Tư-mã Ý ngay. Đại tướng quân Tào Chân bước ra tâu rằng:

- Bệ hạ chớ nên vội vàng. Văn hoàng đế giao phó bệ hạ cho vài người chúng tôi, là biết rằng Tư-mã Ý không có bụng gì khác. Nay chưa biết thực hư ra sao, mà đã vội cất quân đi đánh, thế là giục người ta làm phản mất. Hoặc giả quân gian tế nước Ngô, nước Thục lập mẹo phản gián, khiến trong vua tôi ta có loạn trước, rồi họ thừa cơ đến đánh, cũng chưa biết chừng. Xin bệ hạ hãy xét cho kỹ mới được!

Tuấn nói:

- Nếu Tư-mã Ý làm phản thật, thì sao?

Tào Chân tâu rằng:

- Nếu bệ hạ có nghi ngờ thì nên bắt chước mẹo vua Cao tổ nhà Hán giả đò ra chơi Vân-mộng, bệ hạ cũng mượn tiếng ra chơi An-ấp, Tư-mã Ý tất đến đón rước, nếu có thế nào thì bắt ngay tại chỗ là xong.

Tuấn nghe lời, sai Tào Chân coi việc nước, còn mình tự lĩnh mười vạn quân ngự lâm đến thẳng An-ấp. Tư-mã Ý vì chưa biết tình ý ra sao, lại muốn để cho thiên tử biết quân oai của mình, liền dẫn vài vạn quân giáp sĩ đến đón.

Cận thần tâu rằng:

- Tư-mã Ý đem vài vạn quân đến kháng cự, quả nhiên làm phản rồi!

Tuấn vội vàng sai Tào Hưu lĩnh binh ra đón. Tư-mã Ý thấy quân mã đến, tưởng là xa giá của Tào Tuấn, vội phục bên cạnh đường tiếp rước. Tào Hưu tế ngựa ra nói rằng:

- Trọng-đại chịu việc thác cô của tiên đế, cớ sao lại làm phản?

Ý giật mình, mồ hôi toát ra như tắm, bèn hỏi cớ làm sao. Hưu thuật lại việc trước. Ý nói:

- Đó là Thục, Ngô dùng kế phản gián để vua tôi ta hại lẫn nhau, rồi họ thừa cơ đến đánh đấy! Tôi phải thân đến ra mắt thiên tử tâu rõ đầu đuôi mới được!

Liền cho quân mã lui hết, rồi đến trước xe Tào Tuấn lạy phục xuống đất khóc mà tâu rằng:

- Tôi nhận di chiếu của tiên đế thác cô là việc rất trọng, đâu dám mang lòng khác. Đấy là gian kế của Ngô, Thục. Tôi xin lĩnh một đạo quân, trước phá Thục, sau đánh Ngô, để báo ân tiên đế và bệ hạ, cho tỏ tấm lòng của tôi.

Tào Tuấn còn đang phân vân chưa quyết. Hoa Hâm tâu rằng:

- Không nên cho Ý cầm binh quyền nữa, phải lập tức cách chức y đuổi về làng thôi!

Tuấn y lời, cách tuột cả quan chức Tư-mã Ý, đuổi về quê quán; sai Tào Hưu tổng đốc quân mã Ung, Lương, rồi xa giá trở về Lạc-dương.

Đây nói quân mật thám dò được tin ấy báo ngay về Xuyên. Khổng Minh thấy thế mừng lắm nói:

- Ta muốn đánh Ngụy đã lâu, chỉ ngại có Tư-mã Ý cầm quân ở Ung, Lương, mà thôi. Nay hắn đã mắc mưu phải đuổi, ta còn lo chi nữa!

Hôm sau, hậu chủ khai chầu sớm, hội tất cả các quan liêu. Khổng Minh ra ban dâng biểu xin cất quân sang đánh Ngụy.

Hậu chủ nói:

- Tướng phụ vừa đánh mặt nam, xa xôi khó nhọc, nay mới trở về, ngồi chưa nóng chỗ, đã muốn lên đánh mặt bắc, chẳng khó nhọc lắm ru?

Khổng Minh tâu rằng:

- Tôi chịu việc thác cô của tiên đế rất trọng, ngày đêm không lúc nào dám lười. Nay phương nam đã yên rồi, không phải lo mặt trong nữa, chẳng nhân dịp này đánh giặc mà khôi phục trung-nguyên, thì còn đợi đến bao giờ?

Quan thái sử Tiêu Chu tâu rằng:

- Tôi đêm coi tượng trên giời, thấy vượng khí phương bắc đang thịnh lắm, sao sáng vằng vặc, chưa nên đánh vội.

Lại ngảnh lại nói với Khổng Minh:

- Thừa tướng cũng giỏi thiên văn, cớ sao lại làm việc miễn cưỡng làm vậy?

Khổng Minh nói:

- Đạo giời biến đổi bất thường, không nên cố chấp. Ta hãy đóng quân ở Hán-trung, xem giặc động tĩnh thế nào, rồi mới đi!

Tiêu Chu can mãi không được. Khổng Minh để Quách Du-chi, Đổng Doãn, Phí Vĩ làm thị trung, coi sóc việc trong cung. Lại để Hướng Xủng làm đại tướng, tổng đốc quân mã ngự lâm; Tưởng Uyên làm tham quân; Trương Duệ làm trưởng sử, coi công việc phủ thừa tướng, Đỗ Quỳnh làm gián nghị đại phu; Đỗ Vi, Dương Hồng làm thượng thư: Mạnh Quang, Lại Mẫn làm tế tửu; Doãn Mặc, Lý Tốn làm bác sĩ; Khước Chính, Phí Thi làm bí thư; Tiêu Chu làm thái-sử; văn võ cả thảy hơn trăm người, ở lại giúp việc trong Thục.

Khổng Minh phụng chiếu về phủ, gọi các tướng đến nghe lệnh: Tiền đốc bộ Ngụy Diên, tiền quân đô đốc Trương Dực, nha môn tướng Vương Bình, hậu quân Lý Khôi, phó tướng Lã Nghĩa, tả quân kiêm vận lương Mã Đại, phó tướng Liêu Hóa, hữu quân Mã Trung, phủ nhung tướng quân Trương Ngực, hành trung quân sư Lưu Diệm, trung giám quân Đặng Chi, trung tham quân Mã Tốc, tiền tướng quân Viên Lâm, tả tướng quân Ngô Ý, hữu tướng quân Cao Tường, hậu tướng quân Ngô Ban, trưởng sử Dương Nghi, tiền tướng quân Lưu Ba, tiền bộ quân Hứa Doãn, tả bộ quân Đinh Hàm, hữu bộ quân Lưu Mẫn, hậu bộ quân Quan Ung, tham quân Hỗ Tế, Diêm Yến, Quan Tập, Đỗ Nghĩa, Đỗ Kỳ, Thịnh Đôn, Phàn Kỳ, Phàn Kiến, Đổng Quyết, tả hộ vệ Quan Hưng, hữu hộ vệ Trương Bào, tất cả một ban văn võ theo Bình bắc đại đô đốc Gia-cát Lượng; phân phát xong xuôi, lại đưa hịch sai Lý Nghiêm, giữ cửa Xuyên để cự mặt Đông Ngô, kén ngày bính dần mùa xuân, tháng ba năm Kiến-hưng thứ năm cất quân sang đánh Ngụy.

Bỗng ở dưới trướng, một lão tướng thét lên rằng:

- Ta tuy già nua, nhưng còn có sức khỏe như Liêm Pha, Mã Viện khi xưa. Hai người ấy còn chưa chịu già, cớ sao lại không dùng đến ta vậy?

Chúng trông xem ai, thì là Triệu Vân.

Khổng Minh nói:

- Từ khi ta đi bình nam trở về, Mã Mạnh-khởi bị bệnh mất, ta thương tiếc lắm, khác nào gẫy mất cánh tay. Nay tướng quân tuổi tác già nua, nếu lỡ xảy ra việc gì, không những giảm mất tiếng anh hùng một đời, mà lại nhụt mất cả nhuệ khí quân Thục.

Vân quát lên rằng:

- Từ khi tôi theo tiên đế đến giờ, chưa khi nào lâm trận mà phải lui, gặp giặc thì tiến đi trước. Đại trượng phu được chết ở trong đám chiến trường là may, tôi có ngại gì! Tôi xin làm tiền bộ tiên phong.

Khổng Minh hai ba lần ngăn lại.

Vân thét lên rằng:

- Nếu không cho tôi làm tiên phong, tôi xin đập đầu chết ngay ở dưới thềm này!

Khổng Minh nói:

- Nếu tướng quân muốn làm tiên phong, phải có một người nữa cùng đi mới được.

Khổng Minh nói chưa dứt lời, có một người bước ra thưa rằng:

- Tôi tuy bất tài, nhưng xin giúp lão tướng quân, dẫn một đạo quân đi trước phá giặc!

Khổng Minh mừng lắm trông xem thì là Đặng Chi; lập tức cấp cho Đặng Chi năm nghìn tinh binh, một chục viên phó tướng, cho theo Triệu Vân. Chi lĩnh mệnh đi trước.

Khổng Minh cất quân đi, Hậu chủ dẫn trăm quan tiễn ra khỏi cửa bắc mười dặm. Khổng Minh từ biệt lên đường, tinh kỳ rợp trời, gươm giáo sáng quắc, nhằm Hán-trung lần lượt kéo đi.

Lại nói, ngoài biên dò biết việc đó, báo tin về Lạc-dương. Hôm ấy Tào Tuấn khai chầu, cận thần tâu rằng:

- Gia-cát Lượng xuất lĩnh hơn ba mươi vạn quân ra đóng ở Hán-trung, sai Triệu Vân, Đặng Chi làm tiên phong, kéo vào biên cảnh.

Tuấn giật mình, hỏi quần thần rằng:

- Có ai làm tướng ra phá được quân Thục không?

Hạ-hầu Mậu bước ra nói:

- Cha tôi chết ở Hán-trung, thù sâu này còn chưa báo được. Nay quân Thục phạm vào cõi, tôi xin dẫn mãnh tướng bản bộ và xin bệ hạ cấp thêm cho quân Quan-tây để ra phá Thục, trên hết sức vì nước, dưới báo thù cho cha; dẫu muôn chết cũng không ân hận gì nữa!

Mậu là con Hạ-hậu Uyên, tự Tử-hưu, tính khí hấp tấp mà bủn xỉn lắm. Từ thuở nhỏ làm con nuôi Hạ-hầu Đôn. Về sau Hạ-hầu Uyên bị Hoàng Trung giết mất; Tào Tháo thương xót mới gả con gái là Thanh-hà công chúa cho Hạ-hầu Mậu làm phò mã. Bởi thế, trong triều ai cũng kính trọng. Tuy Mậu được giữ binh quyền, nhưng chưa hề ra trận bao giờ; khi ấy thấy Mậu xin đi đánh, Tào Tuấn bèn phong cho Mậu làm đại đô đốc, điều vát quân mã các xứ Quan-tây ra cự giặc.

Tư đồ Vương Lãng can rằng:

- Hạ-hầu phò mã, chưa ra trận bao giờ, không nên giao cho việc lớn. Vả lại, Gia-cát Lượng lắm mưu nhiều trí, tinh thông thao lược, chớ nên khinh địch.

Hạ-hầu Mậu quát mắng rằng:

- Tư đồ muốn kết liên với Gia-cát Lượng làm nội ứng chăng? Ta từ thuở nhỏ theo cha, luyện tập thao lược, tinh hiểu binh pháp, sao ngươi dám khinh ta ít tuổi? Nếu không bắt sống được Gia-cát Lượng, ta thề rằng không về trông thấy thiên tử nữa!

Bọn Vương Lãng không dám nói gì. Hạ-hầu Mậu từ biệt Ngụy chủ, đi gấp đến Tràng-an, điều vát hai chục vạn quân mã các xứ Quan-tây để cự nhau với Khổng Minh.

Đó là:

Muốn phất ngọn cờ xua tướng sĩ,
Sao sai con trẻ giữ binh quyền?

Chưa biết được thua thế nào, xem hồi sau phân giải.