Tam quốc diễn nghĩa (Phan Kế Bính dịch, Bùi Kỷ hiệu đính)/Hồi 93

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA

Khương Bá-ước về hàng Khổng Minh
Võ-hương hầu mắng chết Vương Lãng

Đây nói, Khương Duy hiến kế với Mã Tuân rằng:

- Gia-cát Lượng tất phục quân ở phía sau, lừa cho ta ra khỏi thành rồi ùa vào úp lấy. Tôi xin lĩnh ba nghìn tinh binh phục ở đường hẻm. Thái thú đem quân ra, nhưng không nên đi xa, chỉ độ ba chục dặm thì quay trở lại, cứ trông lúc nào có ngọn lửa cháy làm hiệu, thì hai mặt dồn lại mà đánh, chắc chắn được to. Nếu Gia-cát Lượng dẫn thân đến, thế nào cũng bị tôi bắt sống.

Tuân dùng mẹo ấy, cấp tinh binh cho Khương Duy đi xong, rồi cùng với Lương Kiền dẫn quân ra, chỉ để Lương Tự, Doãn Thưởng ở lại giữ thành.

Quả nhiên Khổng Minh sai Triệu Vân dẫn quân phục trong hang núi, chỉ đợi quân trong thành Thiên-thủy đi khỏi, thì lẻn vào cướp thành. Hôm ấy quân thám về báo rằng Mã Tuân đã cất quân đi, chỉ để quan văn ở lại giữ thành. Vân mừng lắm, sai người báo cho Trương Dực, Cao Tường biết trước ra chặn đường. Hai toán quân này đều do Khổng Minh sai đi phục sẵn.

Triệu Vân dẫn năm nghìn quân đến dưới thành Thiên-thủy gọi to lên rằng:

- Ta là Triệu Tử-long ở Thường-sơn đây! Nếu chúng mày đã biết bị mắc mưu thì nên dâng thành trì đi cho sớm, kẻo mà chết cả bây giờ!

Lương Tự phì cười, nói rằng:

- Mày mắc phải mẹo Khương Bá-ước rồi, vẫn còn chưa biết à?

Vân toan xông vào đánh thành, bỗng đâu tiếng reo nổi lên rầm rầm, bốn mặt lửa bốc ngất trời. Một viên tướng trẻ tuổi, vác thương tế ngựa xông đến quát to lên rằng:

- Ngươi có biết Khương Bá-ước ở Thiên-thủy không?

Vân cầm giáo ra cự nhau với Khương Duy; đánh được vài hợp, tinh thần Duy càng hăng lắm. Vân cả sợ nghĩ thầm rằng: "Ai ngờ xó này mà có người giỏi đến thế!". Đang đánh nhau, hai cánh quân Mã Tuân, Lương Kiền đánh ập lại. Triệu Vân thế cô, phải tháo đường mà chạy. Khương Duy cố miết đuổi theo. May có Trương Dực, Cao Tường hai toán quân đổ ra đánh mới cứu được Triệu Vân về ra mắt Khổng Minh, thuật lại việc mắc phải mẹo giặc. Khổng Minh giật mình, hỏi rằng:

- Người nào mà biết được huyền cơ của ta thế?

Có người xứ Nam-an bẩm rằng:

- Người ấy tên là Khương Duy, tự Bá-ước, quê ở Thiên-thủy, huyện Ký, thờ mẹ rất hiếu, văn võ song toàn, trí dũng đủ cả; thực là một bậc anh hùng đời nay!

Triệu Vân lại khoe tài múa thương của Khương Duy khác người lắm.

Khổng Minh nói:

- Ta muốn lấy Thiên-thủy, không ngờ gặp phải người này!

Liền khởi cả đại quân kéo đi.

Lại nói Khương Duy về bẩm với Mã Tuân rằng:

- Triệu Vân thua chạy tất nhiên Khổng Minh lại thân đến. Họ đoán rằng quân ta ở cả trong thành. Ta nên chia quân mã làm bốn đội; tôi xin dẫn một đội phục ở mé đông thành đón chặn quân giặc. Thái thú cùng Lương Kiền, Doãn Thưởng mỗi người dẫn một toán phục xung quanh thành; còn Lương Tự đôn đốc trăm họ lên mặt thành phòng giữ.

Bàn định xong xuôi, ai nấy kéo quân đi.

Đây nói Khổng Minh vì lo có Khương Duy nên tự dẫn quân làm tiền đội, tiến sang quận Thiên-thủy. Khi gần đến nơi, Khổng Minh truyền rằng:

- Phàm đánh thành trì, ăn thua từ ngày mới đến, phải khích lệ ba quân, đánh trống reo hò tiến lên. Nếu để lâu ngày, khí hăng hái nhụt đi, khó lòng đánh phá được nữa.

Rồi đó, đại quân kéo thẳng đến dưới thành. Vì thấy trên thành tinh kỳ nghiêm chỉnh lắm, nên chưa dám khinh động vội. Đợi đến nửa đêm, bỗng nhiên bốn bề lửa sáng rực trời, tiếng reo dậy đất, không biết quân giặc ở đâu kéo đến. Lại thấy trên thành cũng đánh trống hò reo tiếp ứng. Quân Thục tan vỡ bỏ chạy. Khổng Minh vội vàng lên ngựa, có Quan Hưng, Trương Bào hai tướng hộ vệ trước sau, đánh ra khỏi trùng vây; ngảnh đầu lại xem thấy mé chính đông một dải lửa cháy tựa hình con rắn dài. Khổng Minh sai Quan Hưng đi do thám, Hưng về báo rằng đó là quân của Khương Duy. Khổng Minh than rằng:

- Quân có cốt gì nhiều ít đâu, chỉ cốt ở người sai khiến mà thôi! Người ấy mới thật là tướng tài!

Lập tức thu quân về trại, nghĩ một hồi lâu, rồi gọi người An-định đến hỏi:

- Mẹ Khương Duy hiện nay ở đâu?

Người ấy thưa:

- Mẹ Khương Duy ở huyện Ký.

Khổng Minh gọi Ngụy Diên dặn rằng:

- Ngươi dẫn một toán quân giả danh sang lấy Ký huyện. Hễ Khương Duy đến đó, thì cứ để cho hắn vào thành.

Lại hỏi rằng:

- Ở đây, chỗ nào là nơi khẩn yếu?

Người ấy thưa rằng:

- Tiền bạc, lương thảo quận Thiên-thủy đều chứa cả ở Thượng-nhai. Nếu đánh phá được Thượng-nhai thì đường vận lương phải tắc.

Khổng Minh mừng lắm, sai Triệu Vân dẫn một toán quân đến đánh Thượng-nhai.

Khổng Minh hạ trại cách thành ba chục dặm.

Có người báo tin vào Thiên-thủy, nói quân Thục chia làm ba đường, một toán giữ quận này, một toán đến lấy Thượng-nhai, một toán đến lấy Ký huyện.

Khương Duy nghe xong, kêu xin với Mã Tuân rằng:

- Mẹ tôi ở Ký-thành, lỡ xảy ra việc gì chăng. Tôi xin lĩnh quân ra cứu Ký-thành và để trông nom mẹ tôi nhân thể.

Mã Tuân nghe lời, cấp cho Duy ba nghìn quân ra giữ Ký-thành. Lại sai Lương Kiền dẫn ba nghìn quân ra giữ Thượng-nhai.

Nói về Khương Duy dẫn quân đến Ký-thành, gặp Ngụy Diên chặn đường. Hai tướng đánh nhau được vài hợp, Diên giả đò thua chạy. Duy vào thành đóng chặt cửa, dàn quân ra giữ, rồi về nhà thăm mẹ, chớ không ra đánh nữa.

Triệu Vân cũng thả cho Lương Kiền vào thành Thượng-nhai, không đánh chác gì cả.

Khổng Minh sai người về quận Nam-an, bắt Hạ-hầu Mậu đến dưới trướng, hỏi rằng:

- Ngươi có sợ chết không?

Mậu vội vàng lạy phục xuống đất xin tha tội.

Khổng Minh nói:

- Khương Duy giữ ở Ký-thành, sai người mang thư đến đây nói nếu phò mã còn sống, thì hắn xin lại hàng. Nay ta tha chết cho, ngươi có chịu chiêu dụ Khương Duy không?

Mậu tình nguyện xin đi.

Khổng Minh bèn cấp cho áo sống và ngựa yên, không sai người đi kèm, mặc cho đi một mình.

Mậu thoát ra khỏi trại, muốn tìm đường trốn, nhưng không biết lối nào. Đang đi, gặp vài người rảo chạy. Mậu hỏi, thì họ nói:

- Chúng tôi là cư dân ở Ký-huyện. Nay bị Khương Duy dâng mất thành trì, theo hàng Khổng Minh. Tướng Thục là Ngụy Diên đốt nhà cướp của, bởi thế phải bỏ nhà chạy sang Thượng-nhai đây.

Mậu lại hỏi rằng:

- Nay giữ quận Thiên-thủy là ai thế?

Chúng bẩm:

- Trong thành Thiên-thủy, có Mã thái thú coi giữ.

Mậu liền tế ngựa về phía Thiên-thủy. Lại gặp cư dân bế trai bồng gái chạy tới và đều nói như bọn trước cả.

Mậu đến dưới thành Thiên-thủy gọi cửa. Người trên thành biết là Hạ-hầu Mậu, vội vàng mở cửa ra tiếp vào. Mã Tuân giật mình, cúi lạy hỏi chuyện. Mậu kể lại việc Khương Duy và lời nói của cư dân cho nghe.

Tuân than rằng:

- Không ngờ Khương Duy lại theo về Thục mất rồi!

Lương Tự nói:

- Đó là hắn muốn cứu đô đốc, cho nên nói tảng ra thế chăng?

Mậu nói:

- Duy hàng giặc rõ ràng rồi, còn tảng gì nữa?

Còn đang hồ đồ chưa rõ thì đã sang canh ba, quân Thục lại đến đánh thành. Trong bóng lửa sáng thấy Khương Duy ở dưới thành, cầm thương kìm ngựa lại gọi to lên rằng:

- Mời đô đốc ra nói chuyện.

Hạ-hầu Mậu cùng với Mã Tuân lên cả mặt thành, thấy Khương Duy múa mênh nhảy nhót, thét lên rằng:

- Tôi vì đô đốc mà phải hàng, sao đô đốc lại nuốt lời thế?

Mậu nói:

- Người chịu ơn dày nước Ngụy cớ sao lại hàng Thục? Trước ta có nói câu gì đâu?

Duy nói:

- Ngươi viết thư xui ta hàng Thục, nay sao lại lật lọng thế? Ngươi muốn thoát lấy một mình, mà để cho ta mang tiếng hay sao? Ta nay hàng Thục được phong làm thượng tướng, lẽ nào còn về với Ngụy nữa?

Nói đoạn, thúc quân vào đánh thành, đến gần sáng mới lui. Nguyên là Khổng Minh kén một người mặt mũi giống Khương Duy, làm giả ra thế; vì đêm tối, bóng lửa mập mờ, cho nên không phân biệt được thật giả.

Hôm sau, Khổng Minh dẫn quân đến đánh Ký-thành. Trong thành ít lương, quân ăn không đủ. Khương Duy ở trên thành thấy quân Thục tải lương xe lớn xe nhỏ đến trại Ngụy Diên. Duy dẫn ba nghìn quân ra đánh cướp, quân Thục bỏ cả lương mà chạy. Khương Duy cướp được hết xe lương, toan đem vào thành. Bỗng đâu có một toán quân chặn đường, tướng đi đầu là Trương Dực. Hai bên đánh nhau được vài hợp. Vương Bình lại dẫn quân tiến đến đánh ập vào. Duy địch không nổi, tháo đường chạy về thành; đến nơi đã thấy trên thành cắm toàn cờ hiệu nước Thục cả, té ra thành đã bị Ngụy Diên cướp mất rồi. Duy mở một đường chạy ra quận Thiên-thủy, thủ hạ chỉ còn hơn chục người; lại gặp Trương Bào đánh một trận nữa chỉ còn trơ một mình một ngựa chạy đến dưới thành gọi cửa. Quân trên thành thấy Khương Duy đến vội báo với Mã Tuân, Tuân nói:

- Đây là Khương Duy tới lừa ta mở cửa thành đó!

Liền sai quân sĩ trên thành bắn xuống như mưa. Khương Duy ngảnh lại thì quân Thục đã đuổi đến sau lưng rồi, mới tìm đường chạy ra Thượng-nhai. Lương Kiền ở trên thành trông thấy Khương Duy đến, mắng nhiếc om sòm rằng:

- Quân phản nước kia, sao lại dám vác mặt đến đây lừa ta nữa? Ta đã biết mày hàng Thục rồi!

Nói đoạn, sai quân bắn tên xuống tíu tít.

Khương Duy không biết nói năng ra sao, ngẩng mặt lên trời than thở, hai hàng nước mắt chứa chan, quay ngựa chạy về phía Tràng-an. Đi chưa được vài dặm, đến một nơi rừng rú um tùm, bỗng tiếng hò reo lại nổi lên, vài ngàn quân đổ ra, đi đầu là tướng Thục chặn đường. Duy bấy giờ người ngựa mỏi mệt, không thể cầm cự được, phải quay ngựa chạy. Bỗng một chiếc xe nhỏ từ trong sườn núi đi ra, người ngồi trên đội khăn lượt, mặc áo cánh hạc, tay phe phẩy quạt lông: đó là Khổng Minh. Khổng Minh gọi Khương Duy bảo rằng:

- Bá-ước nay chưa chịu hàng còn đợi bao giờ nữa?

Duy nghĩ ngợi hồi lâu, trước có Khổng Minh, sau có Quan Hưng, biết chạy đâu cho thoát, đành xuống ngựa xin hàng.

Khổng Minh vội vàng xuống xe đón Khương Duy, rồi cầm tay mà bảo rằng:

- Ta từ khi ra khỏi lều tranh đến giờ, muốn tìm một người hiền giả để truyền cái nghề của ta, nhưng vẫn ân hận chưa gặp được ai. Nay gặp Bá-ước, ta thực thỏa lòng lắm!

Khương Duy mừng rỡ, lạy tạ. Khổng Minh cùng Duy về trại, lên trướng bàn kế lấy Thiên-thủy, Thượng-nhai.

Duy nói:

- Doãn Thưởng, Lương Tự ở trong thành Thiên-thủy đối với tôi rất hậu, tôi xin viết hai phong thư bắn vào, để ở trong loạn trước, thì mới phá được.

Khổng Minh nghe lời. Khương Duy bèn viết hai phong thư, buộc trên đầu tên, tế ngựa đến dưới thành bắn vào. Quân sĩ nhặt được, đem trình với Mã Tuân. Tuân ngờ vực lắm, bàn với Hạ-hầu Mậu rằng:

- Lương Tự, Doãn Thưởng muốn kết liên với Khương Duy làm nội ứng, đô đốc nên trừ sớm đi là hơn.

Mậu nói:

- Phải giết cả mới xong.

Doãn Thưởng biết tin ấy, mới bảo Lương Tự rằng:

- Chi bằng ta nộp thành hàng Thục để cầu lấy đường tiến dụng sau này!

Đêm hôm ấy, Hạ-hầu Mậu hai ba lần cho đòi hai người đến nói chuyện. Hai người thấy việc gấp đến nơi rồi, bèn cùng nai nịt lên ngựa, cầm khí giới, dẫn quân bản bộ mở toang cửa thành cho quân Thục kéo ồ vào, Hạ-hầu Mậu, Mã Tuân vội vàng dẫn hơn trăm người, lẻn ra cửa tây, bỏ thành chạy sang rợ Khương.

Lương Tự, Doãn Thưởng nghênh tiếp Khổng Minh vào thành, yên dân đâu đấy. Khổng Minh hỏi kế lấy Thượng-nhai.

Lương Tự thưa:

- Thành ấy do em tôi là Lương Kiền trấn giữ, tôi xin gọi ra hàng.

Khổng Minh mừng lắm. Luôn ngay hôm ấy, Tự đến Thượng-nhai gọi Lương Kiền ra hàng. Khổng Minh trọng thưởng hai người, cho Lương Tự làm thái thú quận Thiên-thủy, Doãn Thưởng làm huyện lệnh Ký-thành, Lương Kiền làm huyện lệnh Thượng-nhai.

Khổng Minh phân phái đâu đấy, rồi cất quân tiến đi. Các tướng hỏi:

- Sao thừa tướng không ra bắt Hạ-hầu Mậu?

Khổng Minh nói:

- Ta thả Hạ-hầu Mậu như thả một con vịt mà thôi; nay được Bá-ước như được một con phượng vậy.

Từ khi Khổng Minh lấy được ba thành, uy danh lừng lẫy, châu quận xa gần nghe tiếng quân Thục đến là theo hàng. Khổng Minh chỉnh đốn quân mã đem hết quân Hán-trung ra Kỳ-sơn, đến phía tây sông Vị-thủy[1].

Quân do thám báo về Lạc-dương. Bấy giờ là niên hiệu Thái-hòa năm đầu, Ngụy chủ Tào Tuấn ra điện khai chầu. Cận thần tâu rằng:

- Hạ-hầu phò mã thua mất ba quận, chạy trốn ra Khương-trung rồi. Nay quân Thục đóng ở Kỳ-sơn, tiền quân đã tràn sang phía tây sông Vị. Xin phát quân ngay để phá giặc.

Tuấn giật mình, hỏi quần thần rằng:

- Có ai ra đánh lui quân Thục cho trẫm không?

Tư-đồ Vương Lãng ra ban tâu rằng:

- Tôi xem khi tiên đế hãy còn sống, mỗi lần có giặc, hễ sai đại tướng quân Tào Chân đi đánh là thắng. Nay bệ hạ sao không sai hắn làm đại đô đốc để cự quân Thục?

Tuấn y lời, vời Tào Chân vào, nói:

- Tiên đế thác cô cho ngươi, nay quân Thục vào cướp trung-nguyên ta, ngươi sao nỡ ngồi nhìn cho đành?

Chân tâu rằng:

- Tôi tài hèn trí mọn, sợ không xứng chức.

Vương Lãng nói:

- Tướng quân là bầy tôi xã tắc, không nên từ chối. Tôi tuy bất tài cũng xin theo tướng quân đi chuyến này.

Tào Chân lại tâu rằng:

- Tôi đội ơn to, đâu dám từ nan, nhưng xin được một người làm phó tướng.

Tuấn nói:

- Ngươi muốn cử ai thì cử.

Chân cử một người ở Dương-khúc tên là Quách Hoài, tự Bá-tế, trước phong Sạ-đình hầu, hiện đang làm thứ sử Ung-châu.

Tuấn y lời, phong Tào Chân làm đại đô đốc, ban cho tiết việt; sai Quách Hoài làm phó đô đốc, Vương Lãng làm quân sư. Lãng bấy giờ đã 76 tuổi. Lại kén ba mươi vạn quân mã ở đông tây hai kinh cấp cho Tào Chân. Chân sai em là Tào Tuân làm tiên phong, đãng khấu tướng quân Chu Tán làm phó tiên phong. Tháng mười một năm ấy Tào Chân cất quân đi. Tào Tuấn thân đi tiễn ra ngoài cửa tây mới trở về.

Tào Chân lĩnh đại quân đến Tràng-an, qua sang mé tây sông Vị hạ trại; rồi cùng Vương Lãng, Quách Hoài bàn kế cự địch.

Lãng nói:

- Ngày mai nên sắp xếp đội ngũ chỉnh tề, dàn bày tinh kỳ rợp đất. Lão phu chỉ dùng một câu chuyện, tự khắc Gia-cát Lượng phải chắp tay lại hàng, quân Thục không đánh cũng phải tan.

Chân mừng lắm, đêm ấy truyền lệnh: ngày mai, canh tư ăn cơm, sáng sớm binh mã đã phải đông đủ, thanh thế uy nghi, cờ quạt, chiêng trống có thứ tự đâu ra đấy. Bấy giờ, sai người đưa chiến thư trước. Hôm sau hai bên dàn thành thế trận ở trước Kỳ-sơn. Quân Thục thấy quân Ngụy hùng tráng lắm, khác hồi Hạ-hầu Mậu nhiều. Trong quân dứt ba hồi trống, tư-đồ Vương Lãng cưỡi ngựa đi ra. Mé trên thì Tào Chân, mé dưới thì Quách Hoài. Hai tướng tiên phong đứng áp hai góc trận.

Quân thám mã ra trước trận gọi to lên rằng:

- Mời chủ tướng bên kia ra nói chuyện!

Trận bên Thục mở cửa cờ, Quan Hưng, Trương Bào chia làm tả hữu đi ra, kìm ngựa đứng hai góc trận. Rồi có một đội kiêu tướng đứng dàn thành hai hàng; Khổng Minh ngồi một chiếc xe bốn bánh, quạt lông, khăn lượt, áo trắng dải thâm, phớn phở ung dung đi ra.

Khổng Minh trông sang trận Ngụy, thấy trước trận che cái lọng, trên cờ đề tên họ rõ ràng. Một người ở giữa, đầu bạc phơ phơ, biết là quân sư Vương Lãng, mới đẩy xe ra, sai tên tiễu mã truyền rằng:

- Hán thừa tướng ra nói chuyện với tư đồ đây.

Vương Lãng giật ngựa đi ra. Khổng Minh ngồi trên xe chắp tay chào. Vương Lãng cũng nghiêng mình đáp lễ.

Lãng nói:

- Lâu nay nghe đại danh của ngài, nay được họp mặt, thật là may lắm! Ngài đã là người biết mệnh trời, hiểu việc đời, cớ sao lại cất quân vô danh làm vậy?

Khổng Minh đáp:

- Ta phụng chiếu ra đánh giặc, sao gọi là vô danh?

Lãng nói:

- Số trời mỗi lúc một khác, thần khí thay đổi mà về người có đức, đó là lẽ tự nhiên. Tự đời Hoàn, Linh trở đi, giặc Khăn vàng nổi loạn, thiên hạ long lở. Đến đời Sơ-bình, Kiến-an, Đổng Trác nổi nghịch. Thôi, Dĩ lại nối theo làm càn. Viên Thuật tiếm hiệu ở Thọ-xuân. Viên Thiệu xưng hùng ở Nghiệp-thượng. Lưu Biểu chiếm giữ Kinh-châu, Lã Bố lừng lẫy ở Từ-quận. Trộm giặc dấy lên như ong, gian hùng bay ra như cắt. Xã tắc nguy như chồng quả trứng, sinh dân khổ như dốc ngược đầu. May có Thái tổ Võ hoàng đế ta, quét sạch sáu cõi, cuốn hết tám phương, muôn dân dốc lòng, bốn phương ngóng đức. Đó không phải là lấy quyền thế ăn hiếp gì ai, thực là lòng trời cho đấy! Thế tổ Văn hoàng đế nối giữ nghiệp lớn, ngồi trong nước, coi trị muôn phương, há chẳng phải là lòng trời ru? Nay ông cậy tài to, ôm chí lớn, tự ví mình với Quản, Nhạc, sao lại muốn nghịch lẽ trời, trái tình người mà làm thế ru? Há chẳng nghe có câu rằng: "Thuận với trời thì thịnh, nghịch với trời thì nguy!" ư? Nay Đại Ngụy ta, giáp binh trăm vạn, tướng tá nghìn viên. Cái thứ đom đóm lập lòe trong đám cỏ hôi, địch nổi sao được vừng trăng vằng vặc giữa trời. Ông nên quay gươm cổi giáp, đem lễ lại hàng, không đến nỗi mất vị phong hầu đâu mà sợ, để cho nước được yên, dân được vui, thế chẳng hay lắm ru?

Khổng Minh nghe xong, cười ầm lên nói rằng:

- Ta tưởng ngươi là một vị lão thần nhà Hán, có lời cao luận gì chăng? Ai ngờ ăn nói ngu dốt làm vậy! Ta có một lời này, các quân nín lặng mà nghe: khi xưa về đời Hoàn, Linh, nhà Hán suy đốn. Kẻ hoạn quan gây vạ, nước loạn, mất mùa, bốn phương xao xuyến. Sau giặc Khăn Vàng, kế đến giặc Đổng Trác, Thôi, Dĩ, hiếp vua Hán đế, tàn ngược kẻ sinh dân. Chốn miếu đường, đồ mục nát làm quan; nơi điện bệ, giống cầm thú ăn lộc. Những kẻ nết muông ruột chó, nhung nhúc đầy triều; những phường gối tớ mặt mo, nghênh ngang quyền chính. Vì thế xã tắc đổ nát, sinh dân lầm than. Ta đã biết ngươi vốn người ở bến Đông-hải, trước đỗ hiếu liêm, được vào làm quan. Đáng lẽ phải phò vua giúp nước, yên nhà Hán dựng lại họ Lưu mới phải; không ngờ ngươi lại giúp giặc, đồng mưu cướp ngôi. Tội nhiều, ác nặng, trời tất không dong. Người trong thiên hạ, ai cũng muốn xé xác ngươi ra. Nay may lòng trời chưa nỡ tuyệt nhà Viêm Hán, Chiêu liệt hoàng đế lại kế thống ở Tây Xuyên. Ta nay phụng mệnh tự quân, cất quân đánh giặc. Ngươi là đứa xiểm nịnh, thì chỉ nên núp mình rụt cổ, cầu lấy cơm áo cho đủ là xong; sao dám ra chỗ trận mạc, nói năng càn rỡ, đổ tại số trời làm vậy? Quân thất phu đầu bạc, thằng lão tặc râu trắng kia! Nay mai ngươi cũng sắp xuống đến suối vàng, còn mặt mũi nào trông thấy hai mươi bốn vua nhà Hán nữa? Lão tặc bước ngay, bảo quân phản thần ra đây, cùng với ta quyết trận sống chết!

Vương Lãng nghe xong, khí uất đầy ruột, kêu hú lên một tiếng, ngã lăn xuống đất mà chết.

Người sau có thơ khen Khổng Minh rằng:

Binh mã ra Tây Tần,
Hùng tài địch muôn quân.
Nhẹ đưa ba tấc lưỡi,
Mắng chết lão gian thần!

Khổng Minh cầm quạt trỏ vào Tào Chân mà rằng:

- Tao không thèm chẹt mày, mày nên chỉnh đốn quân mã, ngày mai quyết giao chiến!

Nói đoạn quay xe trở về. Bởi thế đôi bên cùng thu quân. Tào Chân sai bỏ thây Vương Lãng vào áo quan, đưa về Tràng-an mai táng.

Phó đô đốc Quách Hoài nói:

- Gia-cát Lượng đoán trong quân ta đang bận việc tang, đêm nay tất nhiên đến cướp trại. Ta nên chia quân làm bốn cánh; hai cánh đi lẻn con đường hẻm trong núi thừa hư đến cướp trại Thục; còn hai cánh phục ở hai bên tả hữu, đợi quân giặc đến thì đánh.

Tào Chân mừng nói:

- Kế ấy chính hợp ý ta!

Bèn gọi Tào Tuân, Chu Tán hai tiên phong đến dặn rằng:

- Các ngươi, mỗi người dẫn một vạn quân đi lẻn ra đằng sau núi Kỳ-sơn, hễ thấy quân Thục đến cướp trại ta, thì cũng đến mà cướp trại Thục. Nếu quân Thục không đi, các ngươi cũng phải rút quân về, chớ nên khinh tiến.

Hai tướng lĩnh mẹo dẫn quân đi; còn Tào Chân và Quách Hoài, mỗi người dẫn một toán quân phục ở ngoài trại. Trong trại chứa sẵn củi, cỏ, để vài người ở nhà trông nom, hễ quân Thục đến, thì đốt lửa làm hiệu.

Các tướng ai nấy đều chuẩn bị sẵn sàng:

Khổng Minh về trước, gọi Triệu Vân, Ngụy Diên đến dặn rằng:

- Hai ngươi nên dẫn quân bản bộ đi cướp trại Ngụy.

Diên nói:

- Tào Chân tinh hiểu binh pháp, tất cũng đoán rằng ta thừa tang đến cướp trại, thế nào y chẳng dự phòng.

Khổng Minh cười rằng:

- Ta cốt muốn cho Tào Chân biết ta đến cướp trại. Hắn tất phục quân sẵn ở núi Kỳ-sơn, đợi quân ta đi khỏi, thì ập vào cướp trại ta. Cho nên ta sai các ngươi dẫn quân đi sau núi, đóng quân lại, mặc cho quân Ngụy đến cướp trại ta. Rồi xem lúc nào có ngọn lửa cháy, thì chia quân ra làm hai đường: Văn-tràng chặn lấy cửa núi, Tử-long thì dẫn quân quay về, tất gặp quân Ngụy, cứ mặc cho nó chạy. Quân nó gặp nhau tất đánh lẫn nhau, các ngươi sẽ thừa cơ mà đánh, quyết là được to.

Hai tướng vâng lệnh ra đi.

Lại gọi Quan Hưng, Trương Bào đến dặn rằng:

- Hai ngươi dẫn quân phục ở đường hiểm núi Kỳ-sơn, để cho quân Ngụy đi khỏi, rồi theo sau mà đuổi đánh mãi đến trại Ngụy.

Hai người lĩnh mệnh đi luôn.

Lại sai Mã Đại, Vương Bình, Trương Ngực, Trương Dực phục sẵn ngoài trại, chia làm bốn mặt, đón đánh quân Ngụy.

Khổng Minh sai chứa cỏ sẵn trong trại, để phòng đốt lửa, rồi dẫn các tướng ra mé sau chờ xem động tĩnh.

Nói về tiên phong Ngụy là Tào Tuân, Chu Tán, lúc sẩm tối rời trại lần lần kéo quân đi. Sang canh hai, xa trông mé trước núi, có tiếng quân đi rậm rịch, Tào Tuân nghĩ thầm rằng: "Quách đô đốc thật là thần cơ diệu toán!". Liền thúc quân kíp đến trại Thục. Bấy giờ đã canh ba, Tào Tuân kéo quân ùa vào trại Thục té ra chỉ có cái xác trại không. Tuân biết mắc mẹo, vội vàng rút quân về, thì trong trại lửa đã bốc lên, quân Chu Tán cũng vừa đến. Đôi bên xô xát một hồi. Tào Tuân, Chu Tán hai người giao phong, mới biết đánh lầm nhau, vội vàng hợp binh chạy về, thì bốn mặt tiếng reo nổi lên như sấm. Vương Bình, Mã Đại, Trương Dực, Trương Ngực cùng đổ ra đánh. Hai tướng Ngụy dẫn hơn trăm kỵ tháo đường chạy thoát. Bỗng lại thấy trống, tù và om sòm, rồi một toán quân ra chặn mất đường. Tướng đi đầu là Triệu Tử-long.

Tử-long gọi to lên rằng:

- Tướng giặc chạy đi đâu? Mau mau chịu chết cho rồi!

Hai người cướp đường chạy thoát, lại gặp Ngụy Diên dẫn quân đuổi theo, bèn cắm đầu cắm cổ chạy về được đến trại nhà. Quân trong trại tưởng là quân Thục đến cướp trại, vội vàng đốt lửa. Tào Chân, Quách Hoài hai mặt đổ ra, lại đánh lẫn nhau. Mé sau, quân Thục ba mặt ập đến, đánh một trận ráo riết, tướng Ngụy chết hại rất nhiều. Khổng Minh được to, liền thu quân về.

Tào Chân, Quách Hoài nhặt nhạnh tàn quân về trại.

Chân nói:

- Quân Ngụy ta thế núng, mà quân Thục thế to lắm, làm sao bây giờ?

Hoài nói:

- Được thua là việc thường, không cần phải lo cho lắm. Tôi có một mẹo này, khiến cho quân Thục đầu đuôi không cứu được nhau.

Đó là:

Tướng Ngụy khó làm nên việc lớn,
Quân Khương lại muốn viện tay cao.

Chưa biết mẹo mực ra làm sao, xem hồi sau sẽ rõ.

  1. Khổng Minh ra Kỳ-sơn lần thứ nhất.