Bước tới nội dung

Thông điệp gửi Quốc hội năm 1956

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thông điệp của Tổng Thống gởi Quốc Hội ngày 17-4-56  (1956) 
của Ngô Đình Diệm

Thông-điệp của Tổng-Thống gởi Quốc-Hội
ngày 17-4-56


Thưa Ông Chủ-Tịch Quốc-Hội,

Quý ông Dân-Biểu,

Thừa ủy-nhiệm của Quốc-Dân trong cuộc trưng-cầu dân ý ngày 23 tháng 10 năm 1955 và chiếu Hiến-ước tạm thời, tôi trân trọng chuyển đến Quốc-Hội ý-kiến của tôi về vấn-đề lập-hiến.

Để thực-hiện dân-chủ, nhiều bản hiến-pháp đã được thảo ra và ban hành. Từ thế-kỷ thứ 18 và trong thế-kỷ 19 đā xuất hiện những hiến-pháp thiết-lập chánh-thể mà sau này người ta gọi là « dân-chủ chánh-trị » trong đó « cá-nhân chủ nghĩa » và « tự-do chủ-nghĩa » được đề cao như một bí quyết giải-phóng con người, đưa nhân loại đến hạnh phúc. Nhưng đem ra áp dụng trong thực tế, chế độ ấy nếu đã đem lại tự do cho một số công dân thì cũng đã làm sút kém hiệu năng của chánh quyền trong công cuộc phục vụ quyền lợi chung, làm cho chánh quyền bất lực không thể giải quyết những bất công xã hội.

Khuyết điểm này càng nổi bật trước hai cuộc thế giới chiến tranh, cho nên trong một vài nước đã thiết lập chế độ « phát-xít » mà mục đích là để tập trung tất cả các quyền hạn trong tay chánh quyền, kết quả là đưa đến độc tài cá nhân.

Một phản ứng khác biểu lộ trong chế độ Cộng-sản và chế độ mệnh danh là « Dân-chủ nhân-dân » cũng lấy cớ tổ chức một chánh quyền hữu hiệu nói rằng để thực hiện một xã hội công bằng, nhưng đã đưa đến độc tài đảng trị, thủ tiêu tự do, cưỡng bách mọi người.

Chính ở trong chánh-thể « dân-chủ chánh-trị » xưa nay vẫn trung-thành với khái-niệm dân-chủ, một trào-lưu tư-tưởng đã đòi hỏi các triết-học-gia phải xét lại căn-bản của khái-niệm dân-chủ, phương-pháp và cơ-sở để thực-hiện khái-niệm ấy.

Vì vậy mà trong nhiều nước, hiến-pháp đã được tu-chỉnh hoặc tân-lập và nhiều đạo-luật đã được ban-hành, đem lại những sự sửa đổi quan-trọng trong các cơ-sở chánh-trị. Những hiến-pháp và đạo-luật ấy nhằm mục-đích dung-hòa tự-do cá-nhân với sự đòi hỏi của đời sống tập-thể, để thực hiện quan-niệm nhân-vị. Theo quan-niệm này, ngoài những quyền tự-do chánh-trị có tánh-cách tiêu-cực, con Nguời còn phải được hưởng dụng các tự-do có tánh-cách tích-cực về phương-diện kinh-tế và xã-hội. Chánh-quyền được tổ-chức trên căn-bản đại-diện nhân-dân rộng-rãi hơn, có những quyền-hạn mạnh lớn hơn, vững bền hơn và hữu hiệu hơn, để trợ lực người công-dân tránh những nguy hại của nền văn-minh vật chất và để bảo-đảm đời sống và tự-do cho mọi người.

Dân-tộc ta nhiệt-thành tiếp-nhận những kinh-nghiệm của các nước dân-chủ, nhất là vì những kinh-nghiệm ấy thích-hợp với quan-niệm nhân-bản và hoàn cảnh lịch-sử Việt-Nam.

Về mặt địa-lý, ở tiền tuyến của thế-giới tự-do, trên con đường giao-thông và di-dân quốc-tế, giữa những tư-trào cách-mạng, nước ta luôn luôn bị đe-dọa.

Cho nên hiện nay những vấn-đề quan-trọng mà chúng ta phải giải-quyết không phải chỉ là những vấn-đề nhất thời hay ngẫu nhiên. Hơn ở nhiều nước khác, nước ta phải phòng ngừa để khỏi rơi lại dưới ách nô-lệ của các lực-lượng phong-kiến nội bộ hay của đế-quốc ngoại-lai vì lý do địa-dư và nhất là vì cộng-sản đang thống-trị miền Bắc lăm-le lũng-đoạn miền Nam. San khi lãnh-thổ thống-nhất, nước ta vẫn còn ở trong một địa-thế bấp bênh và nguy hiểm, vì ở sát cạnh những khối dân-tộc đông-đúc trù-mật.

Căn-cứ vào hướng tiến hiện tại của khái-niệm dân-chủ, vào địa lý chánh trị trường tồn của Nước, vào truyền thống nhân bản của Dân, Quý Vị sẽ xây dựng chánh thể Việt-Nam tương lai. Hơn các dân tộc khác, chúng ta phải cố gắng bội phần để san phẳng mối tranh chấp giữa sự công bằng xã hội và tự do cá nhân ngõ hầu cứu vãn con Người. Đứng trước những khối kinh tế hoặc chánh trị cấu kết thành những áp lực lớn lao luôn luôn uy hiếp chúng ta, dân tộc ta cảm thấy hơn các dân-tộc khác sự cần thiết phải xây dựng đời sống chánh-trị của chúng ta trên một căn bản rõ-rệt vững chắc, và phải triệt để hướng tất cả các giai đoạn liên tiếp của sự hoạt động ta vào con đường tiến bộ dân chủ ngày càng sâu rộng.

Căn bản ấy chỉ có thể là căn bản duy linh. Con đường ấy là con đường theo sát Nhân-Vị trong thể chất cũng như trong đời sống tập thể, trong sứ mệnh thiêng liêng cũng như trong cố gắng để đạt tới mức toàn thiện toàn mỹ về các phương diện lý-trí, đạo đức và thiêng liêng.

Chúng ta xác-nhận lòng tin-tưởng vào giá-trị tuyệt-đối của con Người vẫn có thiên mạng bất-diệt và sẵn có phẩm giá từ trước khi xã-hội được tạo thành.

Chúng ta xác-nhận rằng trách-vụ và cứu-cánh chính-đáng của Quốc-Gia là bảo-vệ những quyền căn-bản của con Người: quyền sinh-sống, quyền tự-do phát-triển nhân cách về lý-trí, đạo-đức và thiêng-liêng.

Chúng ta xác-nhận rằng thực-hiện dân-chủ không phải là đi tìm hạnh-phúc vật-chất, cũng không phải là lấy mạnh hiếp yếu. Bản chất của Dân-chủ là lấy sự cố-gắng không ngừng để tìm mọi biện-pháp chánh-trị khả-dĩ bảo-đảm cho tất cả các công-dân quyền tự-do tiến-triển, phát huy sáng kiến, đảm đương trách nhiệm, và sinh-hoạt tinh-thần đến cực-độ.

Căn cứ vào các nguyên-tắc trên, chúng ta hãy long-trọng tuyên-bố:

1) Quốc-Gia Việt-Nam là một nước Cộng-Hòa, độc-lập, lãnh-thổ thống-nhất và bất-khả-phân.

2) Con Người sinh ra tự-do và bình-đẳng trước pháp luật. Chính-quyền phải bảo-đảm những điều-kiện công-bằng để cho mọi người thụ-hưởng quyền-lợi và thực-hành bổn phận. Chính-quyền phải bảo vệ và giúp đỡ gia-đình để có thể phát-triển một cách điều hòa. Mỗi người dân phải có quyền sinh sống yên-ổn, có quyền làm việc được thù-lao đích đáng, có quyền tư hữu đầy đủ để bảo đảm đời sống xứng đáng và tự-do, có những quyền tự do dân chủ và quyền phát huy nhân phẩm.

Mỗi người dân có bổn-phận phát-triển di-sản của Tổ-quốc để góp phần vào công-ích công-lợi và thực-hiện hòa-bình thế-giới, có bổn-phận bảo-vệ Tự-do, Dân-chủ, Tổ-Quốc và nền Cộng-Hòa, chống tất cả những kẻ phá-hoại cơ-sở của xã-hội hoặc vi-phạm Hiến-Pháp.

3) Chủ quyền thuộc về toàn dân. Một Quốc-Hội do dân cử có thẩm quyền lập pháp. Tổng-Thống Cộng-Hòa cũng do dân cử theo lối phổ-thông đầu phiếu trực-tiếp và kín, có thẩm quyền hành pháp. Gia-đình được ưu đãi trong quyền đầu phiếu và phụ-nữ có quyền bầu cử và ứng cử.

Sự phân quyền phải được rõ-rệt. Trách-nhiệm của các cơ-quan công quyền phải được ấn định rõ ràng. Sự hoạt-động phải được điều-hòa ngõ hầu được ổn cố và hữu-hiệu.

Một Tối-Cao Pháp-Viện sẽ được tổ chức để xét xử những tội phản-quốc.

4) Cơ-quan Tư-Pháp phải được độc-lập, để góp phần bảo-vệ một cách hữu-hiệu nền Cộng-Hòa, Tự-do Dân-chủ và trật-tự công cộng.

5) Một cơ-quan Bảo-Hiến sẽ được thành-lập.

6) Các lực-lượng kinh-tế phải được tham-gia chánh-quyền với hình-thức một « Hội-Đồng Kinh-Tế Quốc-Gia » gồm có đại-diện các tổ-chức nghiệp-đoàn, chức-nghiệp với nhiệm vụ trình bày sáng kiến và phát biểu ý kiến về các dự thảo, dự án kinh tế.

Quý Vị,

Các nguyên-tắc lập hiến kể trên nhằm mục đích bảo đảm cho con Người quyền phát triển bản năng cho các cơ quan công quyền hoạt động có kết quả mỹ mãn do sự phối hợp hành động và hỗ tương kiểm soát.

Quý Vị sẽ đề cập tới nột vấn đề tối quan trọng cho Tổ-Quốc, Tương lai và sự thịnh vượng của nước nhà tùy thuộc bản Hiến-Pháp mà Quý Vị sẽ thảo. Tôi chắc rằng Quý Vị sẽ làm tròn nhiệm vụ lịch-sử ấy.



Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".