Thăng Long

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Thăng Long - 昇龍
của Nguyễn Du

I[sửa]

Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

傘嶺瀘江歲歲同,
白頭猶得見昇龍。
千年巨室成官道,
一片新城沒故宮。
相識美人看抱子,
同遊俠少盡成翁。
關心一夜苦無睡,
短笛聲聲明月中。

Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng
Bạch đầu[1] do đắc kiến Thăng Long[2]
Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành một cố cung
Tương thức mỹ nhân khan bão tử
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung

Núi Tản sông Lô bao nhiêu năm vẫn thế
Đầu đã bạc rồi mà lại thấy Thăng Long
Những ngôi nhà đồ sộ ngày xưa nay đã thành đường cái quan.
Dãi thành mới làm mất cung điện xưa
Các mỹ nhân ngày trước giờ đã có con bồng
Các bạn hào hiệp thuở xưa giờ đã thành ông
Suốt đêm nghĩ ngơi, thao thức không ngủ
Văng vẳng nghe tiếng sáo trong ánh trăng.

II[sửa]

Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa

古時明月照新城,
猶是昇龍舊帝京。
衢巷四開迷舊跡,
管弦一變雜新聲。
千年富貴供爭奪,
早歲親朋半死生。
世事浮沉休嘆息,
自家頭白亦星星。

Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành[3]
Do thị Thăng Long cựu đế kinh
Cù hạng tứ khai mê cựu tích
Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
Thiên niên phú quý cung tranh đoạt
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
Thế sự phù trầm hưu thán tức
Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh

Mảnh trăng ngày trước soi xuống ngôi thành mới.
Đây vẫn là Thăng Long, đế kinh của các triều vua xưa.
Đường xá dọc ngang, xóa mất dấu vết cũ.
Tiếng đàn sáo cũng đổi khác, lẫn nhiều âm thanh mới.
Nghìn năm phú quý vẫn làm mồi cho sự tranh đoạt.
Bạn bè lúc nhỏ, kẻ còn người mất.
Thôi, đừng than thở cho cảnh đời chìm nổi.
Mái tóc ta đây cũng bạc rồi.

   




Chú thích

  1. Nguyễn Du mới ba mươi tuổi đã bạc đầu và dùng chữ này để nói về mình trong rất nhiều bài thơ trong Thanh Hiên Thi Tập và Nam Trung Tạp Ngâm. Nhưng chữ bạch đầu trong bài này nói về tuổi già. Nguyễn Du rời Thăng Long lúc nhà Lê mạt (1789), vua Lê chạy sang Trung Quốc, lúc ấy Nguyễn Du mới 25 tuổi. Đến khi Gia Long lên ngôi (1802) Nguyễn Du từ Hà Tĩnh ra Thăng Long làm quan. Lúc ấy Nguyễn Du 37 tuổi. Đến khi vâng mệnh đi sứ Trung Hoa (1813), Nguyễn Du đến Thăng Long một lần nữa. Bài thơ này làm lúc ra Thăng Long để sang Trung Quốc. Lúc đó Nguyễn Du đã gần ngũ tuần. Cho nên mới nói Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
  2. Từ đời Lý, kinh đô Việt Nam đóng tại Thăng Long. Thăng Long nghĩa đen là rồng hiện lên. Đến đời Nguyễn, Gia Long đóng đô tại Huế, và đổi chữ Thăng Long là rồng hiện thành chữ Thăng Long là thịnh vượng. Nhưng trong văn thơ, cổ nhân vẫn viết chữ theo tên cũ Thăng Long là rồng hiện
  3. Thành Thăng Long vừa được xây lại năm 1805