Bước tới nội dung

Thầy trò trong khám/VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Đàm-đức-tư bị giam lâu ngày, nếm đủ mùi cay đắng, mà càng ngày càng thêm nhiều nỗi đắng cay. Va đã từng xin với lính canh cho ra ngoài đi dạo giây lát không được, lại xin cho đọc sách hoặc làm việc để cho đỡ buồn cũng không được. Sau va xin ở chung với lão sư điên một khám cho có bạn; tên lính thấy thương tình, đem thưa với đề lao song đề lao sợ rằng hai người ở chung, dễ bề đồng mưu đi trốn, nên cũng không cho nữa.

Va tưởng rằng cầu xin người ta chẳng ăn thua chi, không bằng cầu xin Trời là hơn, bèn mỗi ngày khấn vái Đức Chúa Trời thành tâm mà cầu nguyện, song rốt lại không có hiệu nghiệm gì cả. Va đếch thèm cầu nguyện nữa, xây lại rủa sỏ lâu cũng không thấy chi. Khi nổi cơn tức lên, đến nỗi đập đầu vào vách, máu chảy đầy mặt. Những khi ấy va coi hết thảy vật gì chỗ va ở, như là một cây củi, một giọt nước, thậm chí thứ không khí mà va thở ra hút vào, đều là đáng ghét cả. Va nghĩ rằng sống mà chịu oan khổ thế nầy thì không bằng chết quách cho xong, bèn xoay ra kiếm cách chết: nhịn đói nhịn khát cả đêm không ngủ, như vậy bốn năm ngày trời mà cũng không chết được. Va mới thở dài mà than rằng:

-- Té ra cái chết mà cũng khó như vậy ư!

Lệ trong tù mỗi ngày đưa cơm vào hai lần Đàm cố ý không ăn song lại sợ tên lính canh sinh sự nầy khác thì cứ mỗi bữa đưa cơm vào nhận lấy rồi đổ ra ngoài cửa sổ, lính canh không biết được. Than ôi! Đàm khi ấy mới có hăm bốn hăm nhăm tuổi, đầu xanh tuổi trẻ ngày xuân còn dài, song cái chí va đã quyết liều một thác cho rồi. Nhịn ăn như vậy bốn năm ngày thấy trong mình liệt lắm, sau đến không còn có sức mà đổ cơm ra ngoài cửa sổ nữa. Lính canh thấy vậy thì tưởng va lâm bịnh, chớ có biết rằng va toan chết đâu. Có khi xây xẩm rồi ngất đi như hầu chết, va khi ấy mình chẳng biết đau, bụng chẳng biết đói, miệng chẳng biết khát, hễ nhắm mắt thì thấy có muôn vàn ngôi sao sáng như là đôm đốm bay liệng ngoài đồng. Ôi! ấy là vật gì? Có phải là ánh sáng của nước thiên đàng xuống mà đưa đường chỉ nẻo cho kẻ thanh niên lâm nạn đó chăng?

Trong một đêm anh ta đương nhịn đói đó, độ 10 giờ thình lình nghe có tiếng sộp sạp. Va bèn ngảnh cổ lên để lấy tai nghe thứ tiếng là tiếng gì. Té ra tiếng lộp cộp ấy lại cào mạnh nghe như tiếng chim mổ cây, như hùm nghiến răng, rõ là tiếng đục vào đá. Một chặp, tiếng nghe càng gần và càng rõ. Va đang ngóng nghe thì lính đem cơm tối vào. Số là, va lâu nay định nhịn đói để chết, kịp nghe tiếng đó thì lại sanh tâm, nghĩ rằng hoặc có sự cứu viện ở đâu tới thình lình chưa biết chừng. Va bắt đầu ăn lại. Còn e một nỗi tên lính nghe tiếng ấy mà sanh ngờ vực rồi làm khó cho mình chăng, va bèn ráng sức nói chuyện bá xâm với hắn, rồi lại cả tiếng mà mắng nhiếc nữa. Tên lính chán phè, bỏ đồ đựng cơm lại đó mà đi. Sau đó ba ngày, Đàm ăn uống như thường, lần lần lấy sức lại. Có một hôm khi tên lính ra rồi, Đàm nằm rạp xuống góc tường mà lắng nghe, thì biết chắc là ở bên kia có người lấy đục mà đục vào vách. Va nghĩ chi cho bằng ở bên kia họ đục qua ở bên này mình lại đục lại, thì chắc là tiện công lắm. Biết làm thế là hay, song không biết dùng cái gì mà đục. Sau va nghĩ, có lẽ lấy đồ đựng cơm đó mà xài cũng được, vì là bằng gốm, bèn đập vỡ ra, lấy mảnh nó mà soi vào vách, đúng với chỗ có tiếng cộp cộp bên kia. Tiếc thay, đồ lề đã dở, lại tối không thấy đường, vọc vạch mà chơi chẳng ăn thua gì cả! Song cái tiếng bên kia vách thì cứ cộp cộp hoài cho đến sáng mới thôi.

Sáng hôm sau, tên lính đến, Đàm đưa cái bát bể ra mà nhận lỗi rằng mình đã xẩy tay mà làm bể đi, tên lính ngó gườm gườm một chốc, rồi thay cho một cái bát khác và đi ra. Đàm tính làm nốt việc hôm qua, bèn xê cái giường đi một chút, ngó thấy đất trét vách lâu ngày nó rộp ra, mừng lắm, lấy mảnh gốm cào thật mạnh. Cào đến nửa giờ mà chỉ đổ ra được một bụm đất bột, không si sứt gì đến cái vách mấy chút. Nếu lấy toán học mà tính, thì phải cào đến hai năm, những đất bột cào ra đó mới trải ra thành một lớp bề dài chỉ được mười thước bề ngang chỉ được hai thước. Đàm nghĩ mình có cầy cục chầy ngày cũng vô ích, thành ra chán ngán. Tuy vậy cũng cứ việc cào.

Được ba ngày, đất và vôi trên vách tróc hết, thấy lòi ra những đá, hoặc y hòn, hoặc vụn, sắp lớp liền nhau, kín mít không hở. Ban đầu va lấy tay mà quào, sau lấy mảnh gốm mà nạo, cũng chẳng nhúc nhích gì cả. Ngồi nghĩ hết nước chẳng biết làm sao. Sực nhớ lại mọi khi lính đem cơm thường hay dùng cái vá[1] bằng sắt dài cán mà đựng canh riêu, chi bằng lập kế lấy cái vá ấy thì có lẽ được việc. Va bèn đem cái bát mới thay đó để ngay chỗ cửa, tên lính bước vào vô ý đạp phải, làm cho bể nát. Va cười mà bảo tên lính rằng:

-- Thôi thì bác tạm để cái vá sắt lại đây rồi sáng mai sẽ đem ra.

Lính ta gật đầu, để cái vá sắt lại đó rồi đi.

Đàm mừng quýnh mừng quýu, hối hả ăn xong, ngồi đợi một giờ, biết lính không vào nữa bèn lấy vá sắt làm cái mấp[2], giắt vào kẽ đá, rồi ráng sức nạy lên. Giây lát, đá rung rinh và rớt ra. Chỗ đó thành ra một cái lỗ, vừa lọt nắm tay. Va thích ý lắm làm luôn cả đêm không dám nghỉ vì e đến sáng phải trả cái vá sắt cho tên lính. Sáng ra, va rinh đá lấp cái lỗ lại, rồi kê giường vào chỗ đó cho khuất đi và nằm lên trên. Tên lính vừa vào, cả tiếng thét rằng:

-- Bữa trước mầy làm bể cái bát bằng gốm của tao sau mầy trác[3] cho tao đạp bể cái nữa, giá phỏng tù phạm ở đây đứa nào cũng như mầy thì nhà nước cũng không thể sắm đồ kịp. Thôi bây giờ tao để luôn cái vá sắt lại đây, coi mầy còn làm bể nữa thôi!

Ấy là gãi chính vào chỗ ngứa, Đàm càng thú lắm, mừng nào còn quá mừng nầy?

Từ đó va làm luôn cả ngày lẫn đêm, mà cái tiếng đục bên kia lại không nghe nữa. Va bèn thở dài mà rằng:

-- Người bên kia sao lại không hiệp sức với ta, hay là có nghi ngờ điều gì mà thôi chăng. Không bao lâu, va nạy đến một chỗ, thấy có khúc cây to tướng nằm ngang ở giữa, cái vá sắt không làm gì nổi, bèn ngao ngán than rằng:

-- Trời ôi! Sao mà hại tôi thế nầy.

Chưa dứt lời, bỗng nghe có tiếng đáp lại rằng:

-- Trời ôi! Trời ôi!

Va nghe kỹ thì tiếng ấy ở dưới đất lên, như là tiếng người ta nói trong mồ mả mà ra. Đàm chớp gáy rùng mình, nghĩ rằng ở đây trừ tên lính ra, không còn người nào nữa, thì cái tiếng ấy ở đâu mà đến? Bèn kêu mà hỏi rằng:

-- Ai nói đó? Xin nói lại đi.

Dưới đất lại trả lời rằng:

-- Ai hỏi đó, xin nói cùng tôi trước đã.

Đàm nói:

-- Tôi là người ở tù đây.

Người dưới đất hỏi:

-- Anh là người nước nào?

-- Tôi là người nước Pháp.

-- Anh bị giam ở đây được bao lâu rồi?

-- Tôi đến đây ngày 28 tháng hai năm 1815.

-- Anh mắc tội gì?

-- Tôi không có tội gì cả.

-- Vậy thì làm sao bị giam?

-- Họ cho tôi là người chủ mưu trong cuộc Nã-phá-luân trở về nước Pháp, rồi họ bỏ tù, chớ nào có tội gì đâu.

-- Nã-phá-luân vẫn làm vua nước Pháp vững như trời trồng, sao anh lại nói trở về nước?

-- Ông ấy trước bị đày ra cù lao Ên-ba, bỏ nước Pháp mà đi đã lâu rồi, từ năm 1814 kia mà. Chớ anh đến đây bao giờ mà lù mù như vậy?

-- Tôi đến đây năm 1811.

-- Vậy thì anh đến trước tôi đến bốn năm kia à!

-- Phải.

Người dưới đất nói như vậy và lại nói luôn rằng:

-- Anh thôi đi, đừng đục nữa. Anh nghe tôi đục đá, chắc anh tưởng đục bên nầy qua bên kia, chớ không biết rằng tôi đục từ dưới đục lên. Chớ cái lỗ anh đục đó cách với đất xa hay gần?

-- Chỉ cách một khoảng thôi.

-- Thế thì làm sao mà lính nó không biết?

-- Nhờ có cái giường che đi.

-- Thế thì cái giường của anh để ngay chỗ anh đục đó sao?

-- Phải.

-- Bên ngoài cái phòng anh ở là cái gì?

-- Cái nhà cầu.

-- Bên ngoài nhà cầu là cái gì?

-- Cái sân rộng.

-- Mẹ ôi! Chết rồi! Tôi lầm mất rồi! Tôi vẫn đồ rằng chỗ tôi đục đây là xuyên qua tường thành ngục Khu-đô kia mà. Tôi định từ đó thẳng ra bờ biển, đến hai hòn cù lao gần là Đồ-môn và Thiết-va-linh kia mà. Tôi ở trong phòng, lấy tay vanh trên đống đất bột, tính bằng phép kỷ hà[4], không ngờ đồ lề không đủ làm cho tôi tính sai cong đường đi. Từ phòng tôi thẳng ra đến tường thành ngục Khu-đô chỉ có 40 thước mà thôi, cái nầy tôi đục sâu đến 50 thước mà không thông xuống tường thành để ra biển, lại trở thông lên đến phòng của anh! Bên ngoài phòng anh là nhà cầu, bên ngoài nhà cầu là sân rộng, chỗ ấy là chỗ lính canh qua lại tấp nập, thế ra công phu tôi bấy lâu vứt đi mất cả!

Đàm nghe bấy nhiêu lời thì biết rằng cái người không thấy mặt đó chắc là tay kỳ khôi lắm bèn hỏi rằng:

-- Ông có thể cho tôi biết tên ông là gì không?

Người dưới đất ngần ngừ một chặp rồi nói:

-- Tôi là số 27.

Đàm tự hỏi: È! Cái ý ông nầy chừng như không tin mình rồi đây.

Liền nghe dưới kia cười khúc khích mà rằng:

-- Anh bao nhiêu tuổi? Nghe tiếng như là còn trai lắm thì phải.

-- Tôi quên mất tuổi tôi rồi. Chỉ nhớ hồi tôi đến đây là ngày 28 tháng 2 năm 1815, mà bấy giờ tôi 19 tuổi.

-- Thế thì hiện nay anh chưa đầy 26 tuổi, có lẽ đâu mới 19 tuổi mà lại là một tay gian đảng được.

-- Phải, tôi không phải là gian đảng, chẳng qua bị người ta vu hãm đó thôi.

-- Nghe anh nói nãy giờ thì biết anh là người thật thà. Số là tôi định bỏ anh mà đi nơi khác, song nay nghe anh tuổi trẻ bị nạn thì lại cảm động trong lòng. Thế nhưng tôi hẵng đi cái đã, anh cứ chờ đây tôi sẽ trở lại.

-- Bao giờ ông trở lại?

-- Lựa dịp mà trở lại, không nói trước được.

-- Vậy thì xin ông chớ bỏ tôi mà đi luôn. Ông sẽ qua phòng tôi cũng được, hay là tôi qua phòng ông cũng được, muốn trốn thì cả hai cùng trốn với nhau, bằng không trốn đi nữa mà cứ chuyện trò với nhau cũng đỡ buồn. Xin đoái đến tôi và chớ bỏ tôi. - Mà ông ở đây có yêu người nào không?

-- Tôi chỉ nương náu có hình với bóng mà thôi, người ta chẳng ai yêu tôi mà tôi cũng chẳng biết yêu ai cả.

-- Từ rày về sau, ông hãy yêu tôi và tôi cũng yêu ông. Ông mà lớn hơn tôi thì tôi coi như anh, còn ông mà già thì tôi coi như cha vậy.

-- Ông thân anh còn mạnh không?

-- Sau khi tôi bị bắt, cha tôi mất hay còn tôi cũng chẳng hay, mà nếu còn ra thì đã bảy mươi tuổi rồi. Vợ tôi tên là Mai-tây-đương rủi mới vừa làm lễ cưới thì tôi lâm vào vòng tù tội! Cha tôi chắc không quên tôi, cái đã đành rồi; tôi còn chưa biết Mai-tây-đương nó đối với tôi làm sao!

Trong khi Đàm nói đó thì giọng buồn bã lắm, tấm tức muốn khóc. Người dưới đất bèn an ủi mà rằng:

-- Kẻ mù còn trông có ngày được sáng, kẻ què còn trông có ngày được đi! Anh, trên có cha hiền, dưới có vợ đẹp, lại là trai tơ mà lắm ái tình, thế mà sa vào cảnh nầy, thật có đáng buồn đó chút. Song buồn có làm chi! Anh nếu không thể bắt chước tôi cười khanh khách cả ngày, thì cũng nên bớt cái buồn đi kẻo hại đến mình. Nay tôi tạm biệt anh sáng mai lại gặp nhau đó mà.

Tiếng nói của người ở dưới đất đó nghe ra có vẻ thương xót và rất hiền lành. Ôi! người ta có phải là gỗ đá đâu, ai dám bảo rằng các ông sư vô tình hết thảy. Sư đi rồi! Đàm qua lại trong phòng, ngắm nghía rất kỹ lưỡng sợ e có chỗ nào trống hở chăng. Từ đó va mừng có đôi bạn, không đến nỗi một mình vắng vẻ như hồi trước.

   




Chú thích

  1. Vá: môi hoặc thìa
  2. Mấp: bập vào
  3. Trác: đánh lừa
  4. Phép kỷ hà hay kỷ hà học: dịch chữ géometrie, nay gọi là hình học