Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Phần thứ hai/I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

PHẦN THỨ HAI


Bàn việc di dân vào Nam-Kỳ.

I

Nghĩ cách nào mà tước bớt được cái thế-lực Hoa-Kiều trong Nam-kỳ đi bây giờ?Lại tẩy chay nữa chăng? — Hay là ra luật hạn-chế?

Ở phần trên kia, tác-giả đã tự-thuật qua loa cái thế-lực của Hoa-Kiều trong Nam-kỳ, từ nhân số, tư-bản, thương mại, công-nghệ, nhân-công v... v... nhất thiết kết lại thành một khối rất cứng rất to, hình như là lăn không chuyển, lay không rời được nữa. Tự những người nào nghe tiếng, tưởng cũng đã thấy lạnh mình, mà ai được chân đi đến chốn, mắt trông tận nơi, thì lại càng khiếp lắm nữa, tựa hồ như mình đứng trước một bức trường-thành, mà trong có cờ xí xâm-nghiêm, quân tướng hùng-hổ, tiến lên có thể lấy được đất, lui về thừa sức giữ được thành; ta trông toàn thấy là sát-khí cả. Hình-dung như thế, chưa chắc đã tả đúng cái thế lực to lớn mạnh mẽ của họ, vì e chung quanh bức trường-thành ấy, còn có chôn địa-lôi, có quân mai-phục, mà ta chưa có thể trông thấy được. Thế thì các chú đã là một cái vạ cho ta rồi, nhưng ngoài cái vạ các chú ra, ta còn một cái vạ « anh Bẩy » nữa, tưởng chẳng phải không đáng sợ. Người Ấn-Độ tức là anh Bẩy (cái tên này người Nam-kỳ đặt cho người Ấn-Độ như thế, cũng không hiểu vì sao), sang doanh-nghiệp bên Nam-kỳ cũng đông lắm, phần thì buôn bán, như mấy hiệu Bom-bay (Bombay) ở đường Catinat, lưng vốn hàng mấy triệu; phần thì làm nghề cho vay, tụ nhau ở một phố đến mấy chục nhà, phần thì bán vải, phần thì đổi bạc v.. v... từ Saigon Chợ-lớn, cho đến Lục-tỉnh, đâu ta cũng thấy có năm mười tiệm Chà-và, số người phỏng chừng cũng đến non hai vạn chớ không ít. mà sau này tất còn nhiều hơn, vậy cái vạ này rồi ra ta cũng phải gỡ; nhưng bây giờ hãy nên chú toàn-lực vào cái vạ Hoa-kiều mà thôi.

Hoa-kiều tức là cái vạ to cho xứ Nam-kỳ, mà tức là cho cả nước ta; thật đấy, chưa kể đến cái thực-lực của họ bây giờ đã nguy cho ta nhiều, mà xem đại-thế thì đoán chắc rằng cái thực-lực ấy của họ còn to lớn ra nhiều hơn nữa, là vì tiện đường đi lại, dễ sự kinh-doanh, mà bước chân họ đi, chưa hề có gập gai góc gì ngăn trở, thênh thang cái thị-trường Nam-kỳ, nối đường cho Đông Tây, ngoảnh mặt ra đại-hải, chỉ có họ nghênh ngang làm ông chủ-nhân, mà trên vàng dưới cám, cái kho vô tận hãy còn nhiều, chắc họ lăn lưng vào mà moi ra cho kỳ hết, cho nên nay mai hải-cảng Saigon mở rộng hơn bây giờ, nguồn lợi Nam-kỳ còn khai thác nhiều hơn bây giờ, thì chăc người Tầu tất còn tràn vào đông hơn, điều này ai hiểu việc đời, chắc phải công-nhận vậy. Ôi. Xứ Nam-kỳ là một cái kho vàng của cha ông ta để lại, không có lẽ nào con cháu cứ ngồi nhìn cho người ngoài như người Tầu đào lên, bỏ vào đãy, vác mãi về, mà ta đành chịu nam co trong cái phạm-vi kinh-tế của họ, hình như phải có họ mới có áo mặc che thân, phải có họ mới có thuốc uống khỏi bệnh, thóc gạo nhờ họ mới có chỗ bán, vật-liệu nhờ họ mới có mà dùng, như thế mãi chẳng cũng hèn lắm ư? Không! Phen này phải tìm cách để-kháng mới được.

Chắc có người hỏi vặn rằng: sao chỉ nói để-kháng Hoa-Kiều trong Nam-kỳ, chớ cái thế-lực của Hoa-Kiều ngoài Trung, Bắc-kỳ nay nhỏ lắm đấy ư?

Phải, thật thế, ta phải biết phân-biện cái thế-lực của Hoa-Kiều trong Nam và ngoài Bắc khác xa nhau mới được. Ngoài Bắc tuy có nhiều chỗ tụ họp đông Hoa-Kiều, và xem chừng cũng có bề thế lớn, như Hanoi, Haiphong, Nam-Định, và ở phố Hội-An (Faifoo) trong Trung kỳ, tác-giả đều trông đến nơi, so với trong kia mười phần, thì ngoài này chỉ có một; lại thêm dân ngoài này, vì đường sinh-kế bắt phải ra làm lụng ganh đua, buôn bán công-nghệ đều tấn tới mau lắm, cho nên thấy cái cõi đất mà người Tầu để vững chân vào khoảng năm mười năm trước kia, nay đã thấy hẹp đi mất một ít, cứ cái tình-thế ấy mà xem, trong đôi ba mươi năm sau này, chắc ta cũng còn thấy cửa hàng cửa hiệu của Hoa-kiều buôn bán ở ngoài này, nhưng bấy giờ không còn gọi là có thế-lực được nữa; không như ở Nam-kỳ, nếu cứ để tự nhiên như bây giờ, thì cái thế-lực của họ càng ăn xâu rễ xuống, mà chẳng biết bao giờ long ra được. Vả chăng, tình-hình xứ Nam-kỳ ngày nay, không khác nào là cuống họng của ta bị mắc nghẹt, thế thì phải từ đó gỡ đi, cũng như đánh trận, cốt nhất lấy được chỗ yếu-tắc, còn những chỗ kia thì rồi phá dễ như chơi, ấy là một lẽ rất rõ ràng vậy.

Nhưng cái phương-pháp để-kháng họ phải như thế nào?

Nhiều người nghĩ hay là lại gây cái phong-trào tẩy-chay, hay là ra điều-luật hạn-chế, nhưng mà hỏng, hai cách này không xong được đâu.

Phải, tảy chay họ thế nào được. Việc năm 1919 kia, chắc chưa ai quên, nếu bây giờ ta lại làm, thì lại thất bại nữa. Chưa nói gì đến cái giây văn-hóa ràng buộc ta với họ đã lâu đời, — là nói kiểu đạo-đức ân-nghĩa, — đôi bên có cái nghĩa chủng-tộc, quan hệ với nhau rất là thân thiết, phút chốc cự-tuyệt nhau đến cách thế không nên, phương chi lối cử-động ấy đối với sự nhu-dụng của ta, và quyền chính-trị của Chính-phủ bảo-hộ ở đây, lại càng không được. Vật-sản công-nghệ của ta, tuy ngày nay có khá hơn trước nhiều, trong Nam-kỳ thì chưa nói gì, tức chí ngoài Bắc này, thế mà cũng chưa đủ xứng với sự cần dùng của mình, phần nhiều còn phải nhờ vả đến họ, ví bằng tảy chay họ đi, sao cho khỏi nạn lúng túng? Vả lại cuộc tảy chay năm nào, dầu cho có người bảo là một cơn hờn dỗi của trẻ con, nhưng mà cũng có ảnh hưởng rồi đó, cũng đã đủ cho người Tầu nhớ lại lịch-sử rằng: mấy phen trong thời nội-thuộc, và sau trận sông Bạch-Đằng, sau trận Đông-Đô. sau trận ở bến Bộ-Đầu, lại có việc tẩy chay năm 1919, nghĩa là dân-tộc Việt-Nam bao giờ cũng sẵn cái tinh-thần để kháng với « Thiên triều » luôn, thế là đủ rồi không nên làm nữa; huống chi cử-động như thế là thù vặt, người độ lượng không ưng làm, và lại có lợi hại sê sích nhau xa, cho nên xem 30 vạn người Nhật mới rồi bị Mỹ đuổi về là nhục bao nhiêu, đã toan để chế Mỹ nhưng sau không làm là thế, bởi biết mình còn phải nhờ cậy Mỹ nhiều, không thể rời đi được. Còn như Chính-phủ Bảo-hộ có chức-trách bảo-hộ cho dân ta, thì phải bảo-hộ cho dân ngoại-quốc (đây chỉ nói Hoa-Kiều) vào ở đất ta nữa, vì mỗi người họ gánh vác thuế má nhiều, lợi cho sổ chi thu lắm, lại theo cái nghĩa thông-thương tự do ở đời bây giờ, tất Chính-phủ phải bảo-toàn cho họ được yên ổn, nếu ta làm thế, tức là phạm vào quyền trị-an của Chính-phủ vậy, không nên.

Còn như ai nghĩ cách ra điều-luật hạn-chế, là có ý lấy việc nước Mỹ thi-hành luật khu-trục mấy mươi vạn người Nhật ở Californie về hôm 1er Juillet vừa rồi làm tỉ-lệ vậy. Nhưng ai ra điều-luật hạn-chế Hoa-kiều ở ta bây giờ? Chính-phủ Bảo-hộ ư? Không, nước Pháp vốn là một nước trọng nhân-đạo, không bao giờ làm như thế, vả lại đảng di dân nào ở đây đông, thì đường tài-chính của nhà nước càng lợi, để lấy đấy mà dựng nên sở vô-tuyến-điện to, có thể thông được với bên Pháp, lập ra nhiều đội tầu bay để tuần phòng và xem xét địa-thế, lại thêm để giúp các miền bị tàn phá ở bên Pháp, toàn là việc công ích công-nghĩa cả, như thế thì can chi mà hạn-chế họ. Mà nếu ra luật hạn-chế họ, thì có người lại bày khôn cho ta rằng: thế là trái luật thông-thương tự do của vạn-quốc, không thể làm bướng được như nước Mỹ đâu!

Xem thế. hai cái phương-pháp để-kháng Hoa-kiều, mà ta tưởng là hay, thì đều không sao làm được cả, vì đều có cái ý-nghĩa « bạo động » hay là ý-nghĩa « phạm quyền chính trị » ở trong, thì làm sao mà làm cho được, thế thì bây giờ muốn tước bớt cái thế-lực Hoa-kiều ở Nam-kỳ đi, chỉ có cách « tiêu cực để kháng » (消 極 抵 抗, la résistance passive) là diệu hơn cả mà thôi.

Thế nào là tiêu-cực để-kháng?

Là ta chống lại họ bằng một cách ngầm, vừa dịu dàng, vừa êm ái, (cần nhất là chớ có bạo-động) thế mà họ phải nguy, nghĩa là ta cũng lập ra nhiều hiệu buôn bán, mở ra nhiều xưởng công-nghệ, chuyên tâm về đường chế-tạo cho khéo gây dựng lấy một đảng nhân-công cho to, trên đường cạnh-tranh, ta ra ứng phó về mặt nào cũng có sức, bấy giờ dù cho họ có tài giỏi đến đâu, hay là nhờ có quyền bảo-hộ nào rất thiêng-liêng, ta quét họ lần lần cũng phải hết. Lý-luận thì như thế, nhưng đến thực-hành thì phải làm thế nào? Xứ Nam-kỳ ta thiên-thời có, nguyên-liệu không thiếu gì, tư-bản không thiếu gì, nói tóm lại, nội thứ gì gọi là những tài-liệu để xây đắp lên nền kinh-tế, thì có đủ hết cả, duy chỉ có thiếu « người » mà thôi. Thiếu người để khẩn những đất hoang, thiếu người đem nguyên-liệu của mình ra mà lợi-dụng, thiếu người ra buôn bán ganh đua, lại thiếu cả những người làm tiện-công tiện nghệ nữa, nhân thế mà Hoa-kiều khai thác được ta, thì bây giờ ta cũng nên nhân thế mà bổ-khuyết vào, là ngoài Trung Bắc này thừa người, thì nên vào mà gánh vác lấy những việc ấy. Cho nên nói rằng: « di dân vào Nam-kỳ, » là cốt làm cho bớt cái thế-lực Hoa-kiều đi, mà tức là một cách tiêu-cực để-kháng vậy.

Phương chi ngoài Bắc này còn vì cái thế bắt buộc phải di dân nữa.