Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Phần thứ hai/IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

IV

Người ta chê nhân-công mình những thế nào? Có phải thế hay không?Di dân phải di cả gia-đình. — Cái vấn-đề tiền lương. — Phải bênh vực nhân-quyền và sinh mệnh của họGiấy giao kèo.

Người Pháp sang chinh-phục nước ta, chỉ lấy nước ta làm nơi «khai-thác thượng chi thực-dân-địa» (開 拓 上 之 殖 民 地, Colonie d'Exploitation), là bởi khí-hậu khó chịu, không thể ở lâu dài được, chỉ mấy năm lại về Pháp nghỉ ngơi một lần, cũng không thể lấy chân tay ra làm những công việc mệt nhọc nổi, mà chỉ có làm những công-việc bằng tinh-thần, cùng là bằng lối «chỉ tay năm ngón» mà thôi. Nói tóm lại chỉ làm những nghề nhàn hạ tự-do, là làm quan và làm nhà buôn, đến như công-nghệ và canh-nông, thì duy lấy óc suy nghĩ thôi, chớ không đem cánh tay ra mà làm lụng được. Bởi thế phải cần có nhân-công.

Cần có nhân-công để sai-khiến mở mang, cho nên khi người Pháp bước chân vào Nam-kỳ, là tổ-chức ngay cuộc di dân cho người Tầu, là một dân-tộc vừa đông người, mà không sợ đi xa, sang bên ta, lợi dụng cả tư-bản và lữ-lực của họ ra mà làm đủ mọi công-việc, y như ở bên nước họ. Việc đem dân Tầu sang nhiều như thế này, đáng lẽ ngoài sự giúp đỡ cho việc khai-thác của Chính-phủ Pháp, thì không để cho phạm vào quyền-lợi sinh-hoạt của dân bản-xứ mới phải: sơ tâm của Chính-phủ định mở rộng cửa cho người Tầu vào đông, là để dùng họ khẩn hoang-địa, làm cu-li, không dè họ làm trái hẳn cái chương-trình ấy, là họ chăm chăm vào việc buôn bán, việc công-nghệ, không những là cướp cả lợi-quyền của dân mình, mà lại có ý cạnh-tranh với cuộc buôn bán công-nghệ của Pháp ở đây nữa, thành ra họ lấy đất ta — thứ nhất là xứ Nam-kỳ — làm nơi «di dân giữ khai-thác thượng chi thực-dân-địa (移 民 與 開 拓 上 之 殖 民 地, Colonie de peuplement et d'exploitation), tự hình-thức mà xem, thì có lợi hơn người Pháp; điều này tưởng bây giờ Chính-phủ cũng tự biết là sơ-xuất thì phải.

Nhưng ta tự hỏi sao Chính-phủ lại đem nhân-công Tầu sang? Là bởi cho nhân-công Tầu nhiều và có nhiều tính-cách tốt, dễ sai bảo và có thể làm được việc, còn như nhân-công bản-xứ thì thiếu, và phải mất nhiều bản-chất xấu không thể dùng được. Đại-khái cái dư luận ấy như sau này[1]:

«Người Annam vốn là sinh-tính lười biếng, lại không biết lo lắng gì cả, được ngày nào hay ngày ấy, nếu ngẫu nhiên được một miếng đất để cất một cái nhà, và một mảnh ruộng cày cấy đủ ăn trong một năm, ấy điều nguyện-vọng của họ đến đó là cùng tột rồi. Trông mong họ để lấy nhận-công thì vô-ích; vả chăng, ngày giờ của họ phần nhiều là ngồi soài trên cái chõng, khề khà uống bát nước chè tươi và hút điếu thuốc lào hay là cả thuốc-phiện nữa. Những ngày ấy, nếu chịu khó đi làm việc, thì thêm được đồng ăn tiêu, và ít ra nữa cũng kiếm được đồng để ra, phòng những năm đói kém... Song le người Annam có biết lo xa đâu? Họ chỉ cam sống ngày nào hay ngày ấy, chẳng lo lắng gì, hầu như là con nít, bao nhiêu công-việc đứng đắn đáng làm hôm nay, thì hẵy để đến mai, duy có lúc nào túng bấn mới bắt được họ làm việc mà thôi.

« Vả chăng, kể về phương-diện nhân-công, thì người Annam lại hay hiếu tĩnh, đó không phải là cái tật nhỏ của họ đâu, họ quyến-luyến nhà cửa quê hương quá sức. Các gia-tộc thường đến ở một làng nào, từ đời cổ nào không biết; cha ông đã đứng vào hàng tai mắt trong làng, và họ đã có ngôi thứ trong đình đám rồi, nếu bỏ làng mà đi, tức là làm mất danh giá, hầu như không phải là con người tử tế, nghĩa là nếu họ đi đến làng khác mà ở, tất bị người ta khinh rẻ, coi chẳng ra gì. Thành ra, họa chăng vì nỗi ông cha sa sút (hoặc vì bị tù tội, hay vì không đóng thuế nổi... v.. v.) thì mới chịu đi như thế. Nếu như nhà cửa vẫn nguyên-tuyền, thì không ai chịu rời ra một bước; ai có đi cũng không đi xa: ví bằng ở quê cha đất tổ không được mà phải đi, thì họ cũng chỉ đi gần thôi, hoặc đi làng khác, hoặc lên tỉnh, hoặc làm ăn ở những tỉnh gần gũi, để cho đến khi trong làng trong nhà có cúng tế giỗ tết gì, những người rác rác đi làm các nơi, dễ sự về nhà, để cúng tế giỗ tết với nhau cho tiện. Nhân đó mà người Annam có một điều sợ, một điều ghê khiếp nhảm nhí, khiến cho họ lấy sự đi xa làm lo lắm. Thường khi có một người Tây ở một chỗ nào trong xứ Đông-pháp này, mà phải đổi ở vùng này đi vùng khác, có người bồi tốt muốn đem đi theo, thì nó kêu là « nước độc », không thể đi theo được. Ai lại không biết, phần nhiều người Annam, có một cái thói quen, tuy hơi trẻ con, mà thấy cũng cảm-động. là khi sắp tới ở một xứ nào xa xứ mình, thì hay gói một cục đất ở chỗ mình ở ấy mà đem đi theo. Nếu có ít nhiều người, không cần gì những sự đã tin, hay hoặc được lương cao, quên cả những sự ấy, mà bỏ ra đi, thì một sự sầu-uất mà họ cảm-giác trước hết, dù cho là một cơn sốt xoàng, chẳng qua bởi phong-thổ khác mà ra, nhưng cũng đủ là một cớ làm cho họ hối hận ngay rằng mình đi thế này, là táo tợn dại dột, thì vội vàng trở về quê cha đất tổ ngay.

« Như thế thì phân minh rằng sự lợi-dụng nhân-công bản-xứ có điều gì ngăn trở to lắm »

Người viết mấy ròng ấy, nói nhân-công bản-xứ tức là chỉ nhân-công Bắc-kỳ, vì chỉ có Bắc-kỳ, mới có nhân-công mà thôi. Ta thấy phần đông người Pháp — trử ra mấy người có hiểu tình-thế và tính-chất của ta lắm — đều chung một ý-kiến như thế. Vậy nhân-công Bắc-kỳ có đến nỗi tệ như là dư-luận ấy đã chỉ-trích hay không, tưởng là một điều ta cần xét lắm. Trước hết ta phải nhận là có thế, sau ta nói rằng: mấy cái tệ đó, ngày nay không có nữa đâu.

Người mình vẫn có lòng nặng tình quê hương, không muốn rời ra một bước, tức là cũng có cái «tư-tưởng thôn-lạc» y như người Tầu, mà tác-giả đã nói trong đoạn cuối ở phần trên, cho nên đi đâu xa một tí, thì hay nhớ nhà, công việc làm ăn nhân thế mà có ngăn trở; song về thủa trước kia, trình-độ sinh-hoạt còn thấp, miếng vườn sào ruộng là đủ ăn, không trách nào cái tư-tưởng ấy phải phát-đạt được, bây giờ cái trình-độ sinh-hoạt cao nhiều, nếu cứ trì-thủ mãi không xong, thành ra cái tư-tưởng kia phải biến, chẳng có đâu quá độ như trước. Vả chăng, cái tư-tưởng thôn-lạc không phải là dở cả đâu, mà lại có ý hạy nữa, Nước Mỹ lấy 48 nước nhỏ mà hợp thành lại một nước liên-bang to, và thực hành được cái chính-sách cộng-hoà trọn vẹn rực rỡ như thế kia, nguyên lấy cái tư-tưởng thôn-lạc làm gốc cả. Nhưng nếu tư tưởng thôn-lạc mà cứ ôm chặt lấy, chẳng những không tiến-thủ được việc gì, mà lại thành ra ngu-ngốc, nhưng nếu thoát hẳn nó ra, thì hình như lại thành ra quá-khích mất rồi! Đã yêu cái chỗ đất mà mình sinh ra, lại còn phải biết yêu cái khu-vực lớn gồm cả chỗ đất mình sinh ra nữa, bởi thế cái tư-tưởng thôn-lạc, cần phải cân nhắc thế nào cho vừa phải mới được. Kể thường tình của người ta, ai không yêu mến cái chỗ đất tổ quê cha, chôn rau cắt rốn của mình, phương chi đã quen sông quen núi, quen đường đi lối lại, quen gốc cau vườn chè của mình đi rồi, nhất đán phải rời bỏ mà đi xa, thì chút tình bịn rịn nhớ thương, không có sao được: nhưng ví bằng lấy chỗ mình đến ở đó, mà tô điểm làm sao cho có cảnh tượng cùng hơi giống như chỗ sinh trưởng của mình, thì cái tư tưởng thôn lạc phải nhẹ đi một nửa, nghĩa là đi đâu, nên lập gia-đình ở đó. Người Tầu cũng nặng tư-tưởng ấy như ta, thế mà đâu họ cũng đi đến và ở lâu dài, toàn là do cách khôn, đi đâu thì lập gia-đình ở đó vậy.

Nhiều nhà trại-chủ, điền-chủ mộ phu như ở trung-châu lên mạn ngược, hay ở ngoài Bắc vào Nam, mà bị ít lâu, họ nhớ nhà muốn về, làm nhỡ cả công-việc mình, là bởi không biết mưu cho họ lấy điều sung sướng thứ nhất, là sung sướng gia-đình, nghĩa là không biết hoá cái chỗ hoàn cảnh của họ, hơi giống như những lúc ở nhà thành ra họ chẳng được chút gì yên ủi, mỗi khi xúc những cảnh bóng xế giăng tà, mây bay gió thổi, mới sinh ra cảm tình quê quán, động mối li-sầu, chỉ muốn về ngay, chẳng thiết gì công ăn việc làm nữa, hay cũng vì đó mà họ sinh trễ nải ra. Bởi thế việc di dân muốn được thành-hiệu lớn, lại cần phải làm sao cho họ được gần gũi gia-đình, hay là gây dựng cho họ một gia-đình mới để cho họ nhẹ bớt cái tư-tưởng thôn-lạc đi mới được.

Nếu thế, chẳng những trừ bớt được cái tư-tưởng thôn-lạc của họ đi, mà lại trừ được cái căn tính «tự túc» đi nữa. Trong lúc thế-giới, người ta tiến-hoá vô cùng, cạnh tranh vô cùng, nhất thiết cái gì, cũng muốn cho đến cực-điểm mới nghe, thế mà người mình chỉ ngồi ôm lấy cái căn-tính tự-túc, thế nào cũng cho là đủ rồi, không có chí mạnh bạo để tiến tới. Cái tính này của dân-tộc ta đã cổ lắm rồi, đã khiến cho ta là một giống người đẻ trước, mà bây giờ phải nhục nhã mấy bọn người sinh sau, tưởng là nay thì sực tỉnh rồi, nhưng xem chừng vẫn còn nồng nàn cố chấp lắm. Thật thế, trải xem các dân-đảng ở nước mình ngày nay, chỉ trừ ra có hạng làm quan, thì muốn to muốn giầu, tham-lam không biết đâu là cùng; hạng cho vay nợ lãi, và bọn đi xu phụ để cầu lấy hư-danh, thì cũng tham lam, không biết thế nào là chán, còn thì hình như đều giữ cái tính tự-túc cả: đi học cốt lấy được cái văn bằng, làm nên quan Phán quan Tham, thế là đủ; làm ruộng chỉ cốt sao cho thóc mùa này ăn được đến mùa sau, thế là đủ; công-nghệ gì, thường chỉ cốt đẽo gọt chắp nối thế nào cho thành hình, miễn sao bán được thì thôi, thế là đủ; buôn bán thì ngồi chỗ nào nguyên chỗ ấy, chờ mạnh-vận để kiếm lời, thế cũng là đủ; thành ra không ai có chí tiến thủ mạnh bạo một tí nào, trách nào chẳng làm nô-lệ mãi được? Bọn cùng-dân mình, trúng phải cái bệnh này sâu lắm. Họ tự nghĩ rằng: người ta sinh ra, ai cũng có số phận an-bài, sang hèn giầu nghèo, ấy là tự giời định, không thể cưỡng được. Nhân thế, mà làm việc gì cũng vậy, chỉ đo ngang với cái dục-vọng tầm-thường của mình là thôi, cho thế là đủ, hơn nữa cũng không làm. Giá lấy nghĩa «tri-túc» của cổ nhân mà nói, thì như thế là hợp lắm, song ở đời này không thế được. Đời này, ai cũng phải mạnh bạo mà tiến lên, cái chỗ hay dở hơn thua, bao giờ cũng phải quá cái tầm sức thường của người ta mới là định được.

Bọn nhân-công mình, làm công-việc gì mà hay bỏ dở, là tại như tính tự-túc, mà xét ra cái tính tự túc ấy sinh ra cũng có phần bởi tại nông nỗi xa nhà, vì trong óc của họ, chỉ có tư-tưởng gia-đình mà thôi, chớ không có tư-tưởng xã-hội, chẳng may vì miếng cơm mảnh áo, mà phải đem thân đi làm xa, khi mê khi tỉnh, lúc nào cũng nghĩ đến nhà, hễ đã thấy ấm no đôi chút rồi, thế nào cũng lo đến sự trở về chốn cũ, dẫu miếng ngon món bở đến đâu, cũng khó làm cái bả mà lưu họ lại được nữa. Ấy, gia-đình đối với họ, là sự sống, là cái thú có một của họ như thế, nếu nay những người muốn dùng người ta, chỉ muốn người ta lăn lưng vào làm việc cho mình, mà không muốn cho người ta có sự sống ấy, có cái thú ấy, lại trách người ta hay « nhớ nhà» như thế chẳng là ích kỷ lắm sạo?

Nhưng cách di cả gia-đình đi thế nào, cho tiện? Chắc hẳn di dân lên mạn ngược hay là vào Nam-kỳ cũng vậy, di một người nào đi, mà muốn di cả gia-đình người ấy đi ngay thì không được. Tất phải từ từ mới xong. Hoặc người di ấy là người mộ, thì việc đem vợ con họ vào, là phận-sự ông chủ mộ phải lo thay, xuất tiền phí tổn ra cho họ trước, rồi sẽ trừ lương sau, thế tưởng cũng là tiện lắm. Hoặc người di ấy là Chính-phủ di đi, dùng để khai-thác một chỗ đất nào, thì trước hết hãy nên đem một mình họ vào, chỉ định cho họ chỗ đất ấy đã, để cho họ gây dựng thành cơ ngũ rồi, bấy giờ tự họ về đón gia-đình mình đi. Ta đã từng thấy ở trên mạn ngược Bắc-kỳ ta, như ở Yên-Bái, Phú-Thọ, Chợ-Bờ v.. v... mấy nhà thực-dân Tây Nam, thứ nhất là mấy vị linh-mục, dùng cách ấy, đã có kết-quả hay: nhiều chỗ trước là cỏ rậm đất hoang, bây giờ đã có làng xóm lập lên, ruộng vườn khai-phá, trông thật có vẻ sinh tụ sầm uất lắm. Việc di dân vào Nam-kỳ, xưa nay chưa hề thấy Chính-phủ chú ý đến, hoặc như có làm, cũng chẳng thấy thành công, ấy chính là thất-sách ở chỗ không nghĩ gì đến nhà của người dân đi cả. Nay không cứ là nhà điền-chủ, nghiệp-chủ, công-nghệ v.. v... muốn mộ người ngoài này vào làm việc cho mình, tưởng không quên sự « di cả gia-đình » đi, là việc cốt yếu, tuy có khó nhọc phiền-phức đôi chút, nhưng thật có quan hệ đến sự lợi hại của công-việc mình.

Người ta lại còn trách nhân-công mình tầm-thường và biếng nhác, có mặt người trông coi, thì mới cậm cụi làm, xểnh ra là ngồi khề khà hút thuốc và nói truyện nhảm với nhau ngay; việc đáng làm một công, lại kéo dài ra đến 5, 7 công v.. v... Có thật thế không? Không, đến nỗi đâu mà mang lấy lời trách ấy được, có phải chăng nữa là ở trong cũng có một cớ. Xem những khi bên Thượng-quốc (tôn nước Đại-pháp) có việc chiến tranh, mà con nhà Việt-Nam ứng mộ đến mười mấy vạn người, sang làm lính thợ bên Pháp, đã từng được tiếng khen là đảm đang, chăm chỉ lắm; xem những xưởng máy nọ máy kia ở đây, bọn cu-li đi sớm về khuya, cơm nắm nước bầu, suốt ngày vất vả; xem những công-nghệ chế-tạo của ta, càng ngày càng mở mang, chẳng nhờ nhân-công ta, thì lấy gì mà làm, như thế thì quyết không phải là tự nhân-công ta dở đâu, mà thật là bởi ở một cớ. Là cớ tiền lương không ra gì.

Ôi! viết đến đây, tác-giả để mình phảng-phất vào quãng sáng mờ, hay vào lúc tối mịt, trông thấy bọn thợ lũ năm lũ ba, đầu đội nón rách, mình mặc áo xơ, tuy ngoài miệng nói nói cười cười, nhưng trong bụng nghĩ những: «thuế má làm sao?... ăn mặc làm sao?... vợ con làm sao?... đóng góp làm sao?....» rồi chép miệng thở dài, ngang tay gạt lệ, nhắm mắt bước chân vào cửa xưởng làm,... hay là ở xưởng ra về... thì không ngờ tức mình lên rằng: « Chao ôi! Rõ cái đời của bọn lao-động mình mạt quá! » Sao? Nghĩa là tại ít lương.

Bọn lao-động nước mình khổ thật: làm lụng vất vả cả ngày, khuân tiền gánh bạc chồng ngập từ chân lên đầu một ông có của thuê mình. mà tự mình thật là chỉ uống nước mắt ăn mồ hôi, chẳng được một cái gì cả. Các nước có nhân-công, không có nước nào lại rẻ như ở nước mình quá thế, bảo là công-việc của người ta nặng, đời sinh hoạt của người ta cao, nhưng thiết tưởng ở mình ngày nay có kém gì: từ cơm áo nhà cửa thuốc men thuế má, so với trước, cái gì cũng đắt gấp lên 10 lần, thế mà bọn lao-động mình, đem đồng tiền kiếm được, và sức mình bỏ ra, mà so sánh với nhau, thì thấy còn chênh lệch nhau quá, nghĩa là sức nhiều mà công ít, không đủ sinh-hoạt vậy. Đó, xem những bọn gọi là thuyền thợ và cu-li ở trong các công-xưởng nước mình, làm mỗi ngày kiếm được bao nhiêu? Cứ kể lương của họ, chỉ có từ 3$00 cho tới 12$00 mỗi tháng, thế là mỗi ngày làm chỉ được từ 1 hào cho đến 4 hào công mà thôi, nay ta cứ lấy hơn bù kém, bỏ già mỗi ngày mỗi người được 3 hào công, mỗi tháng 9$00, nếu kể ngày nghỉ ngày phạt đi, thì lại không được thế, thật ra, ngày phải nghỉ và ngày bị phạt lại là thường lắm. Mấy ông chủ thuê, nghĩ thí cho họ mỗi tháng được chừng ấy, đã lấy làm to lắm rồi đó, nhưng có phải số tiền họ kiếm bằng mồ hôi nước mắt ấy, họ ăn được một mình đâu, phần nào là nuôi vợ con, phần nào là may quần áo, phần nào là thuê nhà cửa, phần nào là đóng thuế má, trăm thứ tiêu-pha, đều trông vào một khoản tiền cỏn con ấy; khoản tiền cỏn con ấy, nếu họ được chi dụng lấy cho thân mình, cũng khéo bót chét lắm mới đủ, còn phải cung-cấp cho người nữa, thế thì liệu có đủ không? Thành thế, ta thấy nhiều người ăn cơm muối, uống nước lã để làm, trông tội nghiệp quá. Trong khi mọi sự ở đời tiến lên mãi: thuế má nặng, nhà cửa cao, đồ ăn đắt, v...v... mà sức lực của họ, vẫn bị mua một cái giá rẻ rúng như thế kia, thì công-lý ở đâu thế!

Mấy ông « cố-chủ » (僱 主, là người có tiền thuê người làm) ở mình chỉ có việc tham-lam và tàn-nhẫn, đang tay cướp cả nhân quyền của người ta, nỡ lòng bỏ cả nghĩa nhân-loại, giữa lúc trong nước thừa thãi nhân-công, dùng người chỉ chực mất ít tiền mà được công-việc nhiều, lương mấy năm chẳng tăng, sai một tí là phạt, mình thì dầy lên tiền, xéo lên bạc, vơ vét mãi vào, mà chẳng tưởng chi đến, lũ lem đầu tối mặt kia chúng nó đã có công khai-quật những của ấy lên cho mình, lại hình như có ý dọa rằng: «Lương đấy! Chúng mày đã làm việc cho ông, thì phải quên cả vợ con cùng là tính mạnh đi mà làm, hễ nghỉ, ông phạt, sai, ông đánh, hễ vòi vĩnh lương bổng nhiều ít, thì ông.... bỏ tù! » Bọn thợ cắm đầu làm trâu ngựa cho ông mãi, cày một thửa ruộng rộng hay hẹp, chạy một quãng đường xa hay gần, về cũng chỉ gặm bó cỏ mà thôi.

Mấy ông cố chủ, hầu như chỉ bắt nạt người ta mà dùng, không biết lượng tình xét việc cho ai cả, một ông như thế, mười ông như thế, trăm nghìn ông đều như thế, thành ra cứ lấy làm tỉ-lệ với nhau, cái tỉ-lệ ấy chỉ là tiền công ít mà việc làm nhiều. Có pháp-luật nào định rằng: tiền công ít mà làm việc nhiều không? Chắc không! Nhưng mà những chỗ đó thì có khi pháp-luật không biết đến, một là tại ông cố-chủ tìm cách bưng bịt, hai là tại bọn lao-động không biết thân-mình, nhân thế mà bọn tư-bản mới cưỡi được lên đầu bọn lao-động mà đếm tiền vậy. Bọn này, bao giờ người cũng đông, sức cũng mạnh, bị đè nén mãi, chưa chắc đã không có một ngày bật lên, theo luồng với cái phong-chào công-đảng ở thế-giới, mà thành ra quá-khích gì đó, thì cái vạ ấy ở nước ta càng thảm-liệt vô cùng, lưu-huyết vô cùng. Không may sau này mà ta vướng phải cái vạ ấy, thì là tội ở mấy ông cố-chủ, chớ không còn ai vào đó nữa.

Thế thì bây giờ làm nghiêng đổ mấy ông tư-bản để bênh-vực bọn thợ hay sao? Chớ có làm như thế, chỉ nên tính với các ông ấy về khoản tiền lương mà thôi.

Đời bây giờ, công việc nặng, ăn tiêu đắt đỏ thế nào, ai cũng biết rồi, vậy thì không kể là công-việc gì, không kể làm công-việc ấy là đàn bà hay đàn ông, quyết không thể nhận cho mấy ông cố-chủ thuê người ta lương tháng (không có cơm nuôi và quần áo) 3, 4$, hay là lương ngày mỗi ngày 1 hào hay là hào rưỡi được, ít lắm nữa cũng phải cho người ta đủ ăn khỏi rét, và không thiếu thốn lắm trong mọi sự cần-dùng. rồi từ đó tùy việc làm nặng hay nhẹ, chỗ làm xa hay gần, mà định lương bổng cho xứng đáng với tài năng của người ta, chứ muốn thuê rẻ, mà muốn được việc, người ta chán nản vì ít tiền, làm lụng trễ nải, lại đổ là người ta không giỏi làm việc, nghĩ đã phải hay chưa? Lương đã phải như vậy rồi, đến cách phạt cũng phải tìm cách gì khác hơn là cách phạt lương mới được, ai làm không có lúc sai, nay sai bị phạt, mai sai bị phạt, thường thấy có người một tháng phạt đến một phần ba, hay một nửa lương, thì lấy gì mà ăn; thứ nhất là những bọn phu mộ lên mạn ngược, hay vào trong Nam-kỳ, mấy ông cố-chủ giả công nhật cho họ một ngày 3 hay 4 hào, cứ ngày làm thì ăn, ngày nghỉ thì nhịn, mà chậm dạ một tiếng, hoặc đang cặm cụi làm mà ngửng đầu lên, đều bị phạt lương cả, cuối tháng có người chỉ còn dăm sáu đồng, như thế thì ức người ta quá.

Vì thế cho nên thiết nghĩ bây giờ đem phu đi xa — nói ngay là vào Nam-kỳ — thì cái lối phát công nhật, quyết phải bỏ đi, mà phải phát lương tháng mới được. Vì họ đi làm xa, phần nhiều là những chỗ độc nước, rức đầu chóng mặt, phải nghỉ là sự thường, nếu nghỉ ngày nào mà cứ bị cúp lương đi ngày ấy mãi, chẳng hóa ra không may mà họ vị thiệt thòi lắm ư?

Còn có một điều này hơi khó, là định lương cao hạ thì lấy gì làm chuẩn-tắc? Đã hay rằng: tùy ở công-việc và sức thợ hay dở hơn kém mà định; nhưng trong bọn tư-bản, phần nhiều người vô lương-tâm, công việc mình lợi hàng nghìn hàng vạn, mà không chịu trả lương thợ cao, hay không năng tăng lương lên cho thợ thì sao? Giá như những bọn lao-động ở nước người ta, đối ngoài thì đã có hội «Quốc-tế lao-động» (Conférence internationale du Travail), ở trong thì có Chính-phủ bênh vực cho, mà chính bọn tư-bản của họ, cũng không có cái thói « chịch thượng » như ở mình, cho nên bọn lao-động của họ, tuy thường có đình-công lôi thôi, song vẫn sung-sướng và có thể-diện lắm, nước mình tưởng hãy nên làm cách này, là phải có một sở Lao-động (Bureau du travail), kiểm xát xem các ông cố-chủ trả lương thợ ra làm sao, buộc họ tùy số nhập-khoản của mình mà phát hoặc tăng lương thợ lên cho khá, đại-khái như thế cũng trừ bớt được cái lòng tham của họ đi, ấy tức là giải-quyết được vấn-đề tiền lương vậy.

Bấy giờ lương bổng khá, tất họ yên ủi mà làm việc, xem họ làm việc có giỏi hay không?

Nước mình có nhiều thung lũng ở giữa mà rừng núi bao chung quanh, nên khí giời không được trong sạch, lại thêm lá rụng cây khô, nước chẳng được trong sạch. đồng không cỏ rậm, ruồi muỗi và trùng độc sinh ra nhiều, những người đến ở những chỗ ấy, nếu không biết phép vệ-sinh cho khéo, thì chẳng chết là may, tránh sao cho khỏi ốm đau được. Đem những nhân-công đến đó, ví không có cách gì giữ gìn sinh-mệnh cho họ, để họ nay đau mai ốm vàng vọt cả người, thì ai chả sợ, chứ tự nhân-công mình có sợ gì chỗ nước độc đâu! Nếu sợ sao mỗi lần mộ người, vẫn thấy họ ứng mộ mà đi đông thế? Vì đó, làm sao bênh vực nhân-quyền và sinh-mệnh cho họ, là một việc rất cần vậy.

Tình-hình sinh-hoạt của bọn nhân-công ở mạn ngược ngoài ta ra thế nào, tác-giả chưa được rõ, chứ cái tình-hình sinh-hoạt của nhân-công ta vào Nam-kỳ, tác-giả đã thấy đã nghe, thì thật có nhiều chỗ đáng phàn nàn thương sót cho họ lắm, vì nhân-quyền và sinh-mệnh của họ bị coi rẻ rúng quá sức. Đối về việc mộ phu, Chính-phủ thật đã có đặt thể-lệ và điều-luật rất là chu đáo nghiêm nhặt lắm, nào là nhà cửa cho phu ở phải cho sạch sẽ cao ráo, mà phải lợp ngói, nào là giờ làm giờ ăn phải cho có chừng độ. nào là khi ốm đau thì phu phải được nghỉ và thuốc men tử tế v...v... lại thường phái ông Giám-đốc đi khám xét luôn, cái nguyên-lý thật là hay lắm, nhưng thử hỏi các ông chủ mướn phu, có tuân theo đúng như thể-lệ của Chính-phủ đã định ra không? Vả lại khi mộ phu đi, mấy ông cố-chủ cũng có bắt phu ký tờ giao-kèo (contrat). trong tờ giao-kèo ấy cũng có đủ các khoản như trên kia, lại có nhiều khoản nữa, hễ khoản nào có lợi cho họ mà phu làm sai, thì bị khốn nạn, thế mà khoản nào có quan-hệ đến lợi của phu, thì họ chẳng cần gì, lại khinh-rẻ cả thể-lệ của Chính-phủ nữa. Cái cảnh-tượng như thế, ta thấy ở phần nhiều vườn trồng cao-xu trong Nam-kỳ.

Trong Nam-kỳ nhiều vườn trồng cao-xu (Plantation de caoutchoutc) lắm, toàn là của người Pháp, mà to thứ nhất là vườn cao-xu Lộc-ninh về tỉnh Thủ-dầu-Một, dùng nhân-công nhiều lắm, trong bốn phần ba là người Bắc; số này có đến vài ba nghìn người.

Ta nên biết rằng: vườn cao-xu nào cũng là ở chỗ rừng rú, rộng đến mấy vạn mẫu, khí hậu độc, đất hay ẩm thấp, nếu những người làm, đi sớm về khuya, làm lụng vất vả, mà lại chỗ ở miếng ăn, không được cẩn thận, thì là mắc bệnh ngay.

Tác-giả có biết nhiều người làm ở trong một vài vườn cao-xu kia. hỏi tình hình thì họ thuật truyện lại rằng:

— Phần nhiều họ chẳng coi tờ giao kèo ký với cu-li, và thể lệ của Chính-phủ ra quái gì cả, cứ là làm liều đấy thôi Nhà cửa của cu-li ở, ít chỗ được bằng ngói và lát sàn, phần nhiều toàn là nhà tranh ụp sụp ẩm thấp quá. Ăn thì toàn thị là cá khô và mắm muối, hàng tuần lễ mới được miếng thịt. Làm thì thường phải đi từ tảng sáng, rồi tối mịt mới về, trưa ăn cơm ở ngoài vườn, vì vườn rộng, đi về xa lắm. Lương thì ấn định là mỗi tên cu-li 12$00, nhưng nghỉ phải trừ lương, sai đâu phạt đó là sự thường, có tháng có người chỉ còn lĩnh được năm sáu đồng bạc. Vườn cao-xu khí hậu độc, không mấy người trọn tháng không cảm không sốt một vài ngày, thế nghĩa là không mấy người trọn tháng mà có đủ lương; lại thêm bọn cai rất là tàn ác, tâng công cho chủ, phạt lương và đánh cu-li đến ốm liệt hay chết là thường. Trong vườn có đủ các cơ-quan phòng bệnh, nghĩa là có đủ thày thuốc, có nhà thương, tuy vậy đến cách trông nom thì cẩu thả lắm, cu-li ốm được nằm nhà thương uống thuốc, nhưng hàng mấy ngày chẳng thấy thày thuốc đến thăm bệnh một lần.... Lắm người cu-li đau ốm, may ra còn được bắt làm những việc nhẹ trong các phòng giấy còn khá, có người ốm cũng phải đi ra vườn làm, đến nỗi phải gục ở dưới gốc cây mà chết. Có một lần, cũng có một người bị ốm mà phải đi làm, chiều về người ta điểm tên không thấy, mai ra thì thấy bị cáo ăn mất nửa người rồi... Thôi, tình cảnh khổ sở ấy, nói sao cho xiết, thành ra có nhiều cu-li không kham được, liều mạng trốn đi, có bắt được mà bị tù hay bị đuổi cũng cam...

— Thế thì ông Giám-đốc của Nhà-nước đặt ra, không mấy khi đi khám-xét hay sao?

— Cũng có thỉnh thoảng, ông Giám-đốc đến khám xét mà cự họ (đây là chỉ mấy ông chủ mướn cu-li), nhưng thường thường họ bưng mắt cả ông Giám-đốc. Khám nhà cửa thì họ đưa đến những khu có nhà cửa trên lợp ngói. dưới lát ván hẳn hoi; khám sổ sách, thì họ giơ những sổ sách nào mà trong ít thấy con « 0 », nghĩa là ngày ấy ít cu-li bị phạt, khám sức khỏe của cu-li, thì họ đưa đến những chỗ cu-li béo tốt không đau ốm gì..

— Thế ngộ có người cu-li nào lỡ tay xẩy chân, cọp tha cáo bắt, nói tóm lại là người nào vì công việc làm mà thiệt mạng (Victime du travail) thì ông chủ có chu-tuất gì cho hay không?

— Chết là thôi, chứ còn ai chu-tuất cho gì, dẫu có cũng chẳng ra gì cả, vì cái mạng người cu-li, ai cho vào đâu!

Những người nói câu truyện đó, là người nói có thể tin được lắm. Như vậy thì nhân-quyền và sinh-mệnh của những người đem thân đi làm việc cho người ở nơi xa, không có cái gì bảo hiểm cho cả, chẳng cũng tội-nghiệp lắm ư?

Nay nếu mở rộng cái phạm-vi di dân vào Nam-kỳ ra, thì chắc hẳn đám dân ứng mộ vào làm những việc này đông lắm, nếu không làm sao trừ được cái lối độc-ác của mấy thầy cai, lòng tàn nhẫn của mấy ông chủ, thì tương dân nghe cái tiếng vào đó. vào đó.... đã đủ khiếp. còn ai thèm đi nữa, thế thì trong việc di dân có ngăn trở một phần lớn vậy. Bởi thế, nay nghĩ làm sao mà bênh vực nhân-quyền và sinh-mệnh cho họ, là điều cần lắm. Trước hết, tưởng nên xin Chính-phủ nên cho người đi khám xét luôn luôn, — phải, khám xét luôn luôn và cho rõ công-bằng mới được — xem các ông chủ mộ đối với cu-li có đúng như thể-lệ và giấy giao-kèo hay không? Nếu sai thì phạt rõ nặng, và nếu mỗi khi có người cu-li nào chẳng may vì công-việc làm mà thiệt mạng, thì người chủ phải chu-cấp cho vợ con anh em người ta tử tế, có thể đưa được xác người ta về xứ sở thì phải đưa, gọi là cách khuyến-khích người sau, không thì còn ai muốn tận chức với nữa.

Sau là phải cho bọn thợ được tự do kết thành hội-đảng với nhau, gọi là « hội lao-động», theo như bọn lao-động ở các nước, để họ có lòng cố-kết, tự phải bênh-vực nhau trong mọi quyền-lợi, như giờ làm, tiền lương, khi nghỉ ngơi, lúc ăn uống v.. v... không để cho mấy ông chủ mộ bắt nạt được, miễn là họ làm hết phận-sự, và chẳng làm điều gì trái với pháp-luật thì thôi. Đời nay, phải để cho cái giai-cấp lao-động này được hưởng chút quyền-lợi làm người mới phải, chứ nếu họ kết đảng với nhau, mà đã bảo ấy chúng nó làm quá-khích! ấy chúng nó theo chủ-nghĩa xã-hội! sao được. Thợ sai với ai, thì nào bị phạt lương, bỏ tù, tạt tai, đánh chết, mà ai sai với thợ, chẳng ai biết đấy là đâu, có công-lý nào thế?

Ấy, đại-thể thì phải làm như vậy, nhưng tóm lại, tuỳ nơi, tuỳ thời, tuỳ từng công-việc, phải tìm hết mọi cách khéo để bảo-hộ nhân-quyền và sinh mệnh của họ, để cho trông thấy chứng cớ chắc chắn, chứ thật ra những tờ giao kèo, cũng chẳng đủ bảo-lĩnh gì!

Một bên ông chủ, một bên thợ thuyền, vì đôi bên cùng sợ lừa lật lẫn nhau, vậy muốn cho được chắc chắn cả, nên mới có tờ giao-kèo, có giao-kèo thế mà vẫn thấy đôi bên trái ước với nhau luôn. Có khi, tức như mấy cái tình-hình ở trên, thế là ông chủ trái lời giao-kèo với thợ; có khi thấy thợ trái lời giao-kèo với chủ, thí dụ người ta đã mộ mình làm việc cho người ta rồi, hoặc đang làm bỏ dở mà về, hoặc thấy chỗ khác nhiều lương hơn là bỏ đi. rồi đôi bên sinh sự lôi thôi với nhau, đều bị thiệt thòi cả. Bọn nhân-công mình thật cũng thường có cái tính « bỏ dở việc làm, chỗ nào cao công là bước » thật, mặc kệ ông chủ, mặc kệ pháp-luật; lại thường khi đang làm tử tế, cậy mình được việc, thì gây sự lôi thôi, không lẽ mỗi lúc lôi họ ra mà kiện; nông nỗi như thế, các ông cố-chủ, các nhà công-nghệ Tây Nam vẫn kêu ca mãi, kêu ca rằng: luật pháp không đủ giúp việc thi-hành những tờ giao-kèo ấy. Nhưng cứ lấy tình-thế ở ta mà xem, thì hình như ông chủ hay trái ước hơn là thợ, thợ có trái ước chăng nữa, thường bởi tự ông chủ cậy quyền, cậy thế, trái ước trước, thợ không biết gõ cửa công-lý đằng nào, bèn liều mạng mà trái theo vậy.

Nay muốn cho tờ giao kèo đều được cả đôi bên cùng phải tôn trọng, một mặt, là ông chủ phải có lương-tâm, trọng nhân-đạo đã đành, một mặt phải làm sao cho thợ hiểu tờ giao-kèo là cái gì mới được Đang lúc chúng bị đói rét, được người mộ đi làm việc có cơm ăn có áo mặc, thì chúng tưởng đến lúc no ấm rồi có khi bỏ người ta mà đi được như bỡn, nào biết đâu rằng có lỗi; phương chi tờ giao-kèo viết bằng chữ tây, chữ nho, trong nói những khoản gì, chúng đã chẳng hiểu rồi, mà ngay bằng quốc-ngữ đi nữa, chúng cũng bập bõm hiểu không hết, thế mà cứ liến thoắng đọc cho chúng nghe: khoản thế này.... khoản thế này.... rồi hỏi có bằng lòng không thì ký vào; giữa lúc « kiến bò nôn bụng, gió thổi lạnh mình », thế nào mà chúng chẳng ký biết đâu giao-kèo có lợi hại cho mình là thế nào. Không biết thành ra có khi chúng trái ước mà phải đền, phải tội, mình tự hại mình, nhưng chính vì cái «không biết» ấy mà ông chủ trái ước, có hại cho chúng nữa, chúng lại chẳng biết đâu mà kêu được.

Nói tóm lại, việc này khó lắm, ta không trách-vọng ở thợ mấy, mà trách-vọng ở ông chủ nhiều, nghĩa là ông chủ cứ đối đãi với họ cho hẳn hoi, chắc họ phải cảm mà hết lòng hết sức giúp việc cho mình, bấy giờ tờ giao kèo coi như miếng giấy lộn, hay là đốt đi cũng chẳng sao!


  1. trích trong sách L'immigration chinoise en Indochine của ông Lafargue.