Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Phần thứ hai/V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

V

Ruộng hoang trong Nam-kỳCái chương-trình mở mang nông-nghiệp của Chính-phủVấn-đề khẩn-hoang. — Nhân-công Trung, Bắc đối với việc khẩn hoang trong Nam-kỳ. — Hội Nông-nghiệp tương-tế đối với việc ấy.

Trong Nam-kỳ, cái chỗ đất, cái công-việc có thể chứa được đảng di dân ở ngoài Bắc này vào nhiều nhất, là nghề làm ruộng.

Nghề làm ruộng trong Nam-kỳ dễ dàng lắm, mà nhờ về thiên-thời và địa-lợi phần nhiều, phí nhân lực rất ít Khí-hậu trong ấy, tuy có khó chịu cho bề sinh-hoạt, nhưng mà rất lợi cho nghề canh nông, thứ nhất là không có mấy khi phải đại-hạn hay là bão-táp, cây cối hoa mầu họa lắm mới có khi bị thiệt hại vì những cái vạ ấy. Đất cát thì vốn sẵn có chất tốt, lại nhờ có sông Cửu-long-giang chạy chằng chịt khắp trong xứ, như mạch máu lưu-thông khắp trong mình người ta, ruộng nương không lo thiếu nước, vả lại mùa cấy lại nhằm vào giữa mùa hay mưa, thật gọi là mưa hòa gió thuận lắm. Vì thế cho nên các nông gia, cứ độ tháng tư tháng năm thì cày bừa và cấy, đến tháng chạp tháng giêng thì gặt, cấy rồi bỏ đó, không phải lo nước nôi hay bón phân làm cỏ gì, mà lúa cứ việc lên tốt um xùm, bông nào bông nấy chắc hột nình nịch, thành thế ra một năm chỉ cấy có một mùa thôi, mà ruộng sấu lắm mỗi mẫu (trong Nam tính mẫu tây) cũng được 100 giạ (mỗi giạ là một thúng cái to), tốt nhất thì được 160 hay 170 giạ, song cứ kể ruộng trung-bình mỗi mẫu mỗi năm được từ 140 cho tới 150 giạ lúa Ruộng đất trong Nam như thế không trách nào mỗi năm xuất-cảng đến hơn 1 triệu tấn gạo được.

Song ta không nên nghĩ rằng: xứ Nam-kỳ mỗi năm xuất-cảng được bấy nhiêu gạo, thì có đất nào cũng cày cấy giồng giọt được cả, mà không còn có ruộng đất nào bỏ hoang đâu! Thật ra trong Nam-kỳ còn nhiều ruộng hoang lắm, chia làm ba khu-vực lớn như sau này:

a/ Cánh-đồng Tháp-Mười (Plaine des Joncs) chạy vùng từ tỉnh Tân-an cho đến Châu-đốc có chừng 40 vạn mẫu đất hoang, trông bát ngát, mà chỉ toàn là cỏ và cây chàm nước mọc rậm lên cả.

b/ Khu đất ở vào giữa những tỉnh Hà-Tiên, Châu-đốc, Long-xuyên, Rạch-giá, có chừng 25 vạn mẫu.

c/ Những đất chạy theo bờ bể Xiêm-La, ở vào khoảng sông Ông Đốc, sông Trem, sông Canh Den và sông Cái Lớn. Khu này phỏng chừng 24 vạn mẫu.

Tổng-cộng ba khu vực lớn ấy đã được 89 vạn mẫu, ấy là chưa kể đến những chỗ có 5, 7 nghìn hay một vạn mẫu đất bỏ hoang còn nhiều lắm. Nếu tính tất cả, thì cả thẩy cũng có đến 150 vạn mẫu hoang. Ôi! 150 vạn mẫu đất hoang, tưởng không phải đâu là cái rơm cái rác vậy. Sao không phá ra, mỗi năm ít ra cũng được thêm mười mấy triệu giạ lúa ư? Thưa rằng việc ấy trách-nhiệm ở Chính-phủ.

Xứ Nam-kỳ thuần là một xứ làm ruộng, cơm áo của dân ở đó, thuế má của Chính-phủ ở đó, cho nên ngay từ khi người Pháp mới bước chân vào, là lo ngay việc mở mang nghề làm ruộng cho dân, mà đến ngày nay, lại càng lưu ý lắm.

Hiện nay, xem cái chương-trình của Chính-phủ mở mang nông-nghiệp ở xứ Nam-kỳ, tóm lại có ba việc cốt-yếu như sau này:

1• Khai kênh ngòi. — Ta nên biết rằng những cánh đồng bỏ hoang ở trong Nam-kỳ rộng lắm, thường đến 40 hay 50 vạn mẫu một, nay nếu nói việc khai khẩn ra, mà thiếu nước để tưới thì cũng chẳng làm gì được, vả lại không có sông ngòi thì sự vận-tải và đi vào được những khu đất ấy, tuy không gian nan nguy hiểm gì như lên núi vào rừng, nhưng thật cũng khó nhọc lắm. Vì thế mà Chính-phủ lưu-ý nhất là việc khai kênh.

Việc này, bắt đầu làm từ năm 1894, đến nay là 30 năm, không lúc nào ngừng, và trong khi làm, thường có gặp nhiều sự ngăn-trở, nhưng tóm lại cũng có hiệu-quả tốt lắm, nghĩa là trong Nam-kỳ được thêm nhiều sông ngòi để vận tải giao-thông và làm ruộng rất là tiện-lợi. Cái chương-trình sau cùng này định là 5 năm, mà đến năm 1926 này thì hoàn-thành. Bấy giờ, chỉ trừ có tỉnh Hà-Tiên, còn các châu-thành khác ở Lục-tỉnh, đều có sông đào to, để giao-thông với Saigon và Chợ-Lớn được. Song lại muốn khai thác hết miền đồng-bằng Nam-kỳ, cho nên Chính-phủ lại định một cái chương-trình đào kênh nữa, hạn trong 8 năm, bắt đầu từ 1927 cho đến 1934. Thoạt tiên thì đào mấy con sông con ở về đất giáp vụng bể Xiêm-La, để lấy nước khẩn đất hoang chỗ ấy; sau thì đào một con sông nối tỉnh Rạch-giá với Hà-Tiên, mà thông ra mãi vụng Xiêm-La, vừa là để lấy nước vỡ mấy chục vạn mẫu nằm vào giữa những tỉnh Hà-Tiên, Châu-Đốc, Long-Xuyên, Rạch-giá, và là nối với Bassac, để miền này chở lúa ra cho tiện. Sau hết thì khai nhiều kênh ở cánh đồng Tháp-Mười, cho thông với sông Cửu-long-giang và Vaīco, thì mới vỡ nổi cánh đồng này, và lại lấy chỗ tiêu bớt nước sông Cửu-long-giang đi, cho đến mùa nước to, mấy tỉnh đất thấp như Châu-đốc, Long-Xuyên khỏi lụt

Ngoài sự khai kênh trong ba miền ấy ra, Chính-phủ còn định mở nhiều đường để giao-thông với Trung-kỳ, Cao-miên và Lào cho được tiện lợi nữa.

2° Lựa hạt giống. — Gạo ở Nam-kỳ trắng trẻo và chắc hột như thế, mà đem ra thị-trường thế-giới vẫn phải tiếng chê là gạo không tốt, cho nên một mặt Chính-phủ ra sức khẩn hoang, một mặt tìm cách làm cho gạo được nhiều hơn tốt hơn, là do cách lựa giống bằng phép thường hay là bằng máy, để ra thị-trường thế-giới cho được trổi giá hơn. Từ năm 1913, đã lập ra ở tỉnh Cần-thơ một sở « nông nghiệp thí nghiệm » (農 業 試 驗 場, Station agricole), dù cho Chính-phủ chăm nom luôn luôn, mà ta thấy sự kết-quả cũng tầm thường lắm. Duy có về hai năm sau này, mới thật là có tiến-bộ. Lại lập thêm mấy sở như thế ở Soc-Trăng, Cai-Lay, và Vinh-Long. Hai sở nữa ở Bắc-Liêu và Cà-Mâu cũng gần xong rồi. Hết thảy mọi sở đó, mỗi năm có thể phân-phát cho nông-dân được 113 tấn hạt giống đã lựa chọn kỹ rồi.

Song le, dù cho Chính-phủ làm hết sức đến thế nào, chắc cũng không sao đủ hạt giống mà phát cho hết thảy các nhà làm ruộng trong Nam-kỳ được, bởi thế mới mở ra cuộc «đấu lúa» (Concours agricole), bắt đầu từ năm ngoái. Cuộc này mở ra là cốt để khuyến-khích các nhà làm ruộng, và lựa xem những thứ giống nào tốt thì Chính-phủ có thưởng và bảo dân mua về mà gieo, để cho hợp với khí-hậu, hợp với thổ-nghi, thì sau này lúa mới tốt được. Lựa hạt giống bằng cách thường thôi thì cũng được, nhưng mà lâu, cho nên Chính-phủ nghĩ cách dùng máy; kỳ đấu lúa năm ngoái, đã đem bày cái máy lựa hạt giống kiểu Marot cho công-chúng xem, thấy có kết-quả hay lắm, bèn gửi ngay sang Pháp mua 30 cái như thế, để cho các nông-gia dùng. Lại lập ra hai nhà máy lựa hạt giống nữa ở Mỹ-Tho và Cần-Thơ, có sức lựa đủ giống cho dân dùng được. Nếu nông-gia mình chịu mua những hạt giống đã lựa chọn kỹ lưỡng như thế về mà gieo, thì chắc hột gạo trong Nam-kỳ sẽ được lợi hơn và có giá-trị hơn bây giờ nhiều lắm.

3° Lập Hội Nông-Nghiệp tương tế. — Muốn sửa sang muốn khuyến-khích nghề làm ruộng cho mấy, nhưng nếu có ruộng đất mà không có tiền để mở mang những ruộng đất ấy ra, thì cũng chẳng làm gì được. Vậy muốn giúp cho các nhà nông có đủ vốn để sinh-lợi đất ruộng của mình ra được, Chính-phủ bèn lập ra « Nông phố ngân-quỹ » (Crédit agricole) cho người bản-xứ cũng tức là hội « Nông nghiệp tương-tế », đã 12 năm nay. Ban đầu cũng còn chưa ra gì, từ năm 1912, mới có một hội lập ra ở tỉnh Mỹ-tho, sau lần lần các hạt khác cũng noi gương ấy mà lập lên, cho nên bây giờ trong 20 tỉnh, đã có 11 tỉnh có hội « Nông-nghiệp tương-tế» rồi.

Hội này lập ra, thật có ích cho các nông-gia, thứ nhất là lúc lúa hạ mà cần tiền, đã chẳng đến nỗi phải bán non bán giá, mà lại tránh khỏi được những cái tệ « một vốn bốn lời » của bọn Hoa-Kiều cùng là mấy bác người mình giầu có tàn nhẫn nữa. Kể khắp cả Nam-kỳ, số tiền của các hội Nông-nghiệp tương-tế cho các nhà nông mới vay hay là vay lại, thì cả thảy tới một sốt iền 2.808.289$, thật là thịnh lắm. Tuy trong cũng có nhiều việc tham lậu, nhưng Chính-phủ cũng cố sửa sang cho thật đứng đắn, để cho hết thảy các nhà nông, không cứ chi là lớn nhỏ, đều có thể nhờ lợi ở hội Nông-nghiệp tương-tế ấy mà ra được.

Lệ vay thì đại-khái là gửi lúa ở hội, rồi hội cho vay tiền, mà vay thì mỗi năm phải trả, nhưng thường chia làm năm năm, cứ hết mỗi năm lại viết văn-tự lại một lần. Bấy lâu những nông-gia vay trả vẫn sòng phẳng lắm, không có mấy khi phải dùng đến pháp luật mới đòi được, ấy đủ làm chứng rằng hội Nông-nghiệp tương-tế của Chính-phủ lập ra là cần dùng và có ích cho nông-dân Nam-kỳ lắm vậy.

Tóm lại, cái chương-trình của Chính-phủ để mở mang nông-nghiệp Nam-kỳ có ba điều cốt yếu như thế, ngoài ra Chính-phủ còn khuyến-khích dân giồng cao xu, giồng dừa, giồng mía v.. v... toàn là những đồ xuất-cảng to, và rất cần dùng cho công-nghệ đời bây giờ, mà bấy lâu ta chưa biết đến. Xem đi xem lại cái chương-trình ấy, thì một việc mở mang nghề làm ruộng cho ta, Chính-phủ lo tính như thế, thật là hết sức rồi, thật không kém cạnh gì nữa, 150 vạn mẫu đất hoang kia, chỉ chờ trong vòng 20 năm nữa, là thành ruộng vườn tốt đẹp cả, ai lại không mừng! Song, nghĩ lại một lần nữa, thì có điều khiến cho ai cũng lấy làm lạ lắm, là kênh khai rồi đó, hạt giống lựa rồi đó, hội Nông-nghiệp tương-tế bảo-hộ cho đó, nhưng mà thiết-sử không có cái « cánh tay » thò ra tát nước ở những kênh ấy lên, lấy những hạt giống đã lựa ấy mà gieo, vay tiền ở hội Tương-tế kia về mà làm, tức là không có nhân-công, thì lấy ai khai-phá 150 vạn mẫu đất hoang kia, thế thì việc « lấy nhân-công ở đâu », sao không thấy Chính-phủ nói trong chương-trình kia một thể, chẳng cũng khiến cho người ta lấy làm lạ lắm sao?

Sau khi người Pháp đặt chân vào đất Nam-kỳ, ta nhớ lại chỉ nguyên thấy có hồi định mộ dân Tầu sang Nam-kỳ khẩn hoang, nhưng người Tầu chỉ sang buôn bán và làm công-nghệ, mà không chịu làm ruộng, thành ra cái kế-hoạch ấy không xong, (cũng may cho ta, nếu không bây giờ thêm hàng vạn ông chủ điền Hoa-Kiều nữa thì khốn), ấy chỉ có lúc ấy, là thấy Chính-phủ lo đến vấn-đề nhân-công, sau thất bại rồi thì không đề-cập gì tới nữa, mà thứ nhất là không thấy đề-cập đến việc đem nhân-công ở hai xứ ngoài này vào, thành ra việc khai khẩn ở Nam-kỳ thấy chậm chạp lắm. Thật thế, kể từ năm 1868, đất Nam kỳ chỉ mới có 22 vạn mẫu ruộng, mỗi năm xuất phát ra chỉ được có non 14 vạn tấn gạo, thế

đến năm 1883 lên được 675.000 mẫu.
1893 990.000
1903 1.300.000
1913 1.600.000
1923 1.906.000

mà nay đất Nam-kỳ đã xuất-cảng hàng năm được 1 triệu 26 tấn gạo rồi, thế thì trong vòng chưa đầy 60 năm, cũng là già nửa thế-kỷ, mà đổ đồng mỗi năm khẩn thêm được 3 vạn mẫu đất, nói cho phải cũng chẳng mau chóng gì, mà lại có phần chậm, nếu nước ta không có sự may mắn được làm dân bảo-hộ của nước Đại-Pháp, thì tưởng dân Nam, Bắc tất cũng đã biết cùng khai thác với nhau, từ bấy đến nay, ai biết không tới được số ruộng như ngày nay, hay hơn như thế nữa cũng có. Sự chậm ấy, đổ tại bấy nay, không có kênh, không có hạt giống tốt, không hội tương tế nào v... v... thì cũng phải lẽ thật, và nay phải làm mới có thể khai khẩn mau chóng được, nhưng giá lại đổ tại cả vì không có nhân-công, thì chắc hẳn cũng không phải là nói sai. Ừ! kênh, hạt giống, hội tương-tế v... v... đều là những món khí-cụ cần dùng và có ích cho nghề làm ruộng, tức là cần dùng và có ích cho việc khẩn hoang 150 vạn mẫu « cỏ » kia lắm, nhưng nếu không có « tay thợ » dùng khí-cụ ấy để khai phá 150 vạn mẫu này, thì những khí-cụ ấy, — thứ nhất là kênh ngòi, rồi đến hội tương-tế — chẳng cũng là thừa lắm ư! Vì thế cho nên trong cái chương-trình mở mang nông-nghiệp Nam-kỳ, nhân-công tất phải đứng sắp hàng với những cái kia mới được vậy.

Bây giờ ta mới bàn đến vấn-đề khẩn hoang!

Trong cái chế-độ cho khẩn ruộng hoang, ta xem kỹ thì nhận ra rằng: hình như Chính-phủ đối với người Pháp thì có ý dễ dàng và bênh vực lắm, mà đối với người bản-xứ, hơi có ý chật hẹp và khó khăn, nghĩa là mỗi khi người Pháp xin khẩn, thì xin được nhiều và mau chóng, còn người bản-xứ xin khẩn, thì được ít mà lại còn chạy hết sở này sở kia, mất ngày giờ và tốn kém lắm. Trong chỗ đó, ta thấy được là Chính-phủ đã thiệt hại, mà dân cũng có điều phàn nàn nữa.

Vẫn biết rằng Chính-phủ bảo-hộ một đất nào, muốn khai-thác lợi-nguyên ở đất ấy ra, thì tìm một cách rất chắc chắn để giúp đỡ vào việc khai thác ấy cho mình, là khiến cho nhiều người Pháp sang thực-dân, và muốn giữ họ ở thuộc địa cho lâu để có đủ thì giờ mở mang làm lụng, thì Chính-phủ cho không họ nhiều đất cát để[đính chính 1] họ làm. Nghĩ rằng: nhờ cách như thế, thì không bao lâu, mà số đất ở thuộc-địa có thể lên gấp mười gấp trăm, mà sổ chi-thu của Chính-phủ không tốn đồng xu nào cả.

Kể cũng là chính-sách hay lắm đó, nhưng mà đối với những cái tình-trạng kinh-tế ở xứ ta, có hợp được đâu. Sao thế? Thoạt tiên ta nói rằng: những người quý-quốc mà Chính-phủ cho phép rộng được khẩn nhiều ruộng hoang, và ta gọi là mấy ông Tây đồn điền đó, thì trừ ra có một vài ông cũng có tài giỏi về đàng này thật, nhưng phần nhiều ông, được Chính-phủ cho phép làm chủ những khu đất to tướng đó, song kỳ thực chẳng có tài năng và kinh-nghiệm gì về nghề làm ruộng, mà thứ nhất là nghề làm ruộng ở đất cát ta, khí-hậu ta này; cho nên thấy nhiều ông được đất rồi, có dễ cũng chẳng biết khu-vực bát ngát rộng những đến đâu, chẳng biết làm sao mà vỡ ra được, chẳng biết giồng giọt thứ gì cho có lợi; cái đó, phần thì tại Chính-phủ cũng không sốt sắng gì mấy về sự khuyến-khích và đỡ đần cũng có, phần thì tại các ông ấy không biết làm cũng có, thành ra ruộng hàng nghìn hàng vạn mẫu, cứ bỏ không đấy thôi, thảng hoặc có làm, cũng chẳng ra gì, vẫn thấy cỏ xậy mọc cao hơn là cây cối lúa má. Nhân thế mà việc khẩn hoang mới chậm lắm vậy. Ta có muốn thấy chứng cớ không? Trong khoảng 10 năm trường tất cả các ông đồn điền người Pháp chỉ khẩn ra có được non 3 vạn mẫu ruộng, thế mà trong vòng 3 năm, người mình vỡ ra được những 7 vạn mẫu ở một mình tỉnh Tân-an, xem thế, thì cái nghề làm ruộng, mấy ông chủ điền người Pháp, dù có cái « giếng khoa-học » ở trong óc mặc lòng, chưa chắc đã sành, đã mau, đã giỏi được bằng người bản-xứ, là dân-tộc chịu được thủy-thổ, có sức làm lụng, và có kinh-nghiệm hàng mấy nghìn năm nay.

Thế không những là chậm mất cái chương trình khai-khẩn của Chính-phủ, mà lại có điều thiệt-hại cho dân, ấy là chưa nói đến một vài ông đồn điền thường ăn lấn ruộng đất của Chính-phủ, thế thì thiệt của Chính-phủ mất ít nhiều thuế nữa. Ta thật không nên quên rằng: có nhiều ông Tây đồn điền tử tế quá, hễ mấy ông ấy lập đồn điền ở chỗ nào, thì thấy dân chung quanh chỗ đó, được nhờ vả nhiều, nào các ông lập chợ mở đường, nào là cấp vốn liếng và trâu bò cho dân làm, nói tóm lại là thương yêu trông nom giúp đỡ cho dân đủ cả mọi mặt. thật ta cũng phải biết cảm ơn những ông như thế mới được. Nhưng khốn thay những ông như thế hiếm hoi lắm. Nhiều ông « lên mặt ta sang bảo-hộ » đây, thường làm nhiều điều ức-hiếp người ta quá, tuy không ai dám phàn nàn ra lời, nhưng thật cũng tấm tức trong bụng. Đồn điền của các ông ấy cắm ở chỗ nào, thì những làng xóm ruộng nương ở gián-tiếp hay là ở chung quanh chỗ ấy, hình như là bị chết ngạt, không còn cử động, còn mở mang gì được nữa; mà các ông ở chỗ ấy, tự tôn mình như một ông Chúa, cậy oai cậy quyền, cho nên đối dân trong vùng, thường làm lắm việc tựa hồ như trái cả cái mục-đích bảo-hộ và khai hóa của nước Pháp. Lũ môn-hạ các ông nhân thế, mới lấy thân cáo mà đội lốt hùm, bắt nạt người ta, vào làng hà hiếp những con gái lương-gia, thấy nhà nào khá thì vay chằng cướp giật.... trâu bò của các ông có giẵm hay ăn lúa ở ruộng của ai, thì người có ruộng ấy chỉ phải làm câm làm điếc, sợ sinh sự ra, chẳng bị đòn tất bị kiện lôi thôi. thế mà trâu bò của dân làng lỡ ra có trượt chân xuống ruộng của các ông, tức thì những con trâu bò ấy bị « chung thân cấm cố » trong đồn điền, hay là bị lũ môn-hạ đem kết án « xử tử », đại khái cái tệ ấy như thế còn nhiều, mà dân làng lại thường phàn nàn về nỗi các ông hay lấn bờ lấn ruộng của họ nữa. Vì thế, dân làng ở gần mấy ông đồn điền « trích thượng » như thế này, đều lấy làm khổ lắm, chẳng rõ Chính-phủ có thấu tình cho không?

Ấy, rộng quyền khẩn hoang cho mấy ông chủ điền người quý-quốc, thì Chính-phủ có thiệt và dân cũng có thiệt như thế, vậy sao Chính-phủ không rộng quyền ấy cho người bản-xứ, chẳng có lợi hơn ư?

Người mình trong Nam-kỳ, cái số biết chú ý vào việc khẩn hoang cũng đông, nhưng xin ruộng không được nhiều và không được mau chóng như mấy người quý-quốc, mà thường phải những ruộng xấu; vả lại cứ lấy hiện-tình việc khẩn hoang của người mình, làm cũng chẳng thấy có lợi gì cả.

Người mình muốn khẩn hoang, cũng phải do hai cách này: một là xin, là hai là mua.

Xin, 100 mẫu thì ở ông Tham-biện (tức là quan Công-sứ ngoài Bắc), 3oo mẫu thì lên phủ Phó-soái, ngoài 3oo mẫu thì phải lên phủ Toàn-Quyền. Trong 5 năm không phải đóng thuế má gì cả, đến 5 năm thì phải khai khẩn cho hết, và trình để tòa phái sở đạc-điền về đo, bấy giờ mới đánh thuế, nếu đúng hạn ấy mà vẫn bỏ hoang, thì Chính-phủ lấy lại khu ruộng đã cho mình ấy, nhưng đôi khi cũng có thể xin gia hạn 3 năm nữa. Song, có điều là sự « xin » ấy lôi thôi lắm: ngay từ lúc xin hương-hội cái làng có khu đất ấy nhận thực cho, đã là một việc rất phiền, đi lại mãi mà chẳng gặp được đủ mặt các ông trong hương-hội, nay gặp được ông Cả (hương-cả) ở nhà, thì ông Chủ (hưởng-chủ) đi vắng, cứ loanh quanh thế mãi, ấy là những ông hương-hội làm rềnh rang để nặn tiền; có khi người đứng xin khẩn điền, đã dự-bị một món tiền, định hễ được thì bỏ ra làm, thế mà chỉ phí-tổn vào việc « đi xin » này là vừa hết. Không muốn xin thì mua đứt ngay cũng được Hiện nay Chính-phủ đang đào nhiều kênh muốn trù cái khoản để đập vào tiền đào kênh đó, cho nên kênh nào cũng vậy, cứ tính từ bờ kênh trở vào 100 thước tây, thì Chính-phủ lấy làm của công đem bán đấu giá. (Nếu 100 thước trở vào ấy, mà gặp phải ruộng tư của ai, thì Chính-phủ cũng lấy mà bán, nhưng mà bán cách thuận mại, nói bao nhiêu thì người chủ ruộng cứ việc trả bấy nhiêu mà lấy ruộng về) Mua thì cũng rẻ, mà được điều rẻ hơn nữa, là bao nhiêu tiền phí-tổn về bút giấy khám đạc v.. v... về phần Chính-phủ chịu cả.

Khi xin hay mua được đất rồi, bấy giờ mới đem vỡ: giá như những ông chủ điền Tây, thì giồng đủ trăm thứ, nào cao su, nào cà phê, nào dừa v.. v... toàn những thứ thực-vật có lợi to hơn lúa nhiều, còn mấy ông chủ điền mình thì chỉ biết có cách vỡ ra để cấy lúa, nhưng xem đến cái phương-pháp khẩn hoang của mấy ông ấy làm, mất ngày giờ lâu lắm, đã chẳng nói làm gì, mà lại hại nhân ích kỷ nữa.

Thật thế, xin được đất rồi, ông chủ điền mộ người đến vỡ, giá làm ngay cách này: hoặc là chia đất cho hẳn người ta vỡ ra mà cày cấy, và làm chủ cái ruộng ấy, rồi đời đời phải cấy chia với mình; hoặc mượn hẳn người ta làm công ngày hay công tháng với mình, có việc thì làm, không việc thì nghỉ, như thế là giứt khoát và lợi việc bao nhiêu, chứ như cái cách làm bây giờ, là cách « mướn người không công », chỉ chết lũ « Tá điền », mà thường khi ông chủ điền cũng bị thiệt hại. Mấy ông ấy khôn ngoan thật, có một khoảnh ruộng thế này, nay có bọn tá-điền đến xin lĩnh-canh, thì họ cho mỗi người năm ba mẫu chi đó mà cày cấy, cấp cho trâu bò để mà làm, lại cho vay tiền để mua giống, mua mạ hay mua đồ dùng và dựng nhà cửa mà ở; mới mấy năm đầu, thì tuy chưa phải là cấy chia, nhưng mỗi mùa (tức là mỗi năm) được bao nhiêu lúa, thì phải nộp họ bao nhiêu « công » (mỗi công là một giạ lúa), tùy theo khi đầu đôi bên giao hẹn với nhau, và cũng cứ tùy ở ruộng xấu hay ruộng tốt, nhưng lệ thường như ruộng xấu mỗi mùa được độ 80 giạ, thì phải nộp 2 giạ, ruộng tốt độ 100 hay hơn 100 giạ thì phải nộp 3 giạ, ngoài ra lại còn phải trả cái khoản tiền mà họ đã cho vay làm vốn đó, ấy tức là cái lệ của ông chủ điền đối với bọn tá-điền vậy. Bọn tá-điền lụi hụi làm, may năm được mùa, thì còn có đủ lúa ăn lúa góp và trả nợ ông chủ-điền, nếu không may mà mất, thế là khốn, phải bỏ đi ngay. Chết nỗi, những ruộng mà bọn tá-điền này lĩnh canh, lại thường là những ruộng hay mất, bởi nó vị-trí vào chỗ khó làm. Sự hay mất ấy, không phải tự giời làm mấy, mà tự cái hoàn-cảnh ở khu ruộng ấy mà ra nhiều. Ta nên biết rằng: nhà làm ruộng trong Nam-kỳ có hai kẻ cừu-địch làm hại rất dữ: một là chuột, hai là cua, cua chưa đến nỗi, mà chuột thì thật hằng hà sa số, phá hại vô cùng. Những khu đất hoang, chỉ toàn có cỏ và cây chàm nước mọc lên, ấy tức là tổ của cua và chuột, không có thế gì mà trừ được, cho nên Chính-phủ trong ấy có lệ, hễ ai nộp 10 cái đuôi chuột, thì được thưởng 5 xu, mà dân phải đóng mỗi người mỗi năm thêm 100 cái đuôi chuột, bằng không thì phải nộp thêm 0$50 để bù 100 cái đuôi chuột; nhưng hiện nay đất hoang còn nhiều, thì chuột và cua nhiều, có cách gì mà trừ hết đi được, duy có bao giờ toàn là ruộng vỡ ra hết, thì mới được mà thôi.

Nay, một cánh đồng rộng mênh mông, toàn là cỏ mọc lẫn với chàm nước, tức là tổ của chuột và cua ở cả, thế mà chung quanh bỏ hoang, giữa lại có một khu ruộng vỡ ra để cày cấy, ấy chẳng khác gì dâng mồi đến tận miệng cho cua và chuột ăn, bấy giờ cua thì cắn gốc, chuột thì gặm bông, bốn bề đổ dồn vào một chỗ ấy, thì ruộng nào còn. Nếu bọn tá-điền gặp phải những chỗ này, thì làm ăn rất là chật vật, khéo gìn giữ lắm mới còn, không thì mất cả, thế là thiếu lúa góp và đọng nợ của ông chủ điền lại ngay. Đọng nợ năm thứ nhất, ông chủ điền cũng để yên, mà cho vay thêm để làm năm thứ hai, đọng nợ năm thứ hai, ông cũng cho vay thêm mà làm năm thứ ba nữa, tới chừng tích-khiếm thành to, bọn tá-điền ở thì chân bùn tay lấm, thằng còng làm thằng ngay ăn, chỉ cặm cụi để lo trả nợ mà đủ chết, bọn tá-điền liệu chẳng ăn thua gì, bỏ đi, thì ông chủ điền cũng chẳng truy-vấn chi cả, vì ruộng của ông hoang mười phần, thì chúng đã làm không công mà vỡ ra cho tới năm, sáu phần rồi, khoản nợ đó cũng không mấy. Lại còn một nông nỗi nữa, là bọn tá-điền này đi, mà không có bọn tá-điền khác đến, thì năm nay sang năm sau, là ruộng của ông chủ điền thành ra đồng cỏ ngay. Nếu có bọn tá-điền nào khác đến làm, thì thường loanh quanh cũng như trước.

Song, có một chỗ này, ta nên lượng cho mấy ông chủ-điền, là không dùng lối « cho tá-điền lĩnh canh » cũng không được, vì trong ấy không có nhân-công, vả lại nhân-công trong ấy làm cẩu thả và lười biếng lắm, như vỡ ruộng hoang, phải bẩy những gốc chàm đi, thì đẩy được một cái thế này, lại đứng hút thuốc và nói chuyện nhảm, chán chê rồi mới lại đẩy cái khác, như thế tưởng đem lợi dụng vào việc khẩn hoang, thật khó lắm vậy.

Tình-cảnh như thế, thì phỏng chừng 150 vạn mẫu kia, biết bao giờ vỡ ra cho hết, nếu cứ tính ước mỗi năm khẩn ra được độ 3 vạn mẫu, mà đã cho là mau lắm, thì 150 vạn mẫu kia, sẽ phải hết 50 năm nữa. Ôi! 50 năm là một nửa thế-kỷ, là một đời người, là một cuốn lịch-sử nho nhỏ, tiến bộ như thế chẳng chậm chạp quá lắm ư? Thôi, phải đem nhân-công Trung, Bắc vào làm mới được.

Nhân-công Trung, Bắc, thứ nhất là nhân-công Bắc, được một cái tính-cách chăm chỉ chịu khó và bảo phải dễ nghe, là đủ làm chạy việc, đã thấy một vài nơi đồn điền[1] dùng toàn nhân-công Bắc làm, thấy có hiệu-quả lắm. Nay giá biết lợi dụng họ, thì dám chắc 150 vạn mẫu hoang kia, trong mươi lăm năm nữa, đều thành ra ruộng vỡ tươi tốt vậy.

Song, dùng phương-pháp thế nào mà đem được nhân-công Trung, Bắc-kỳ vào làm ruộng? Do Chính-phủ hay là do một hội riêng? Nhiều người biểu đồng tình rằng nên lập hội. Hội ấy sẽ có phép Chính-phủ cho lập ra, đại-khái lấy tên là hội « khẩn hoang » (Société d'Exploitation agricole), nói đúng ra thì tức là hội các ông tư-bản (Société des capitalistes), vốn chừng mười lăm vạn đồng. Thoạt tiên Chính-phủ hãy nhường cho hội một khu đất độ bốn hay năm vạn mẫu, tự hội mộ người vào làm, nhưng khi đầu thì tiền tầu, giấy thông-hành, thì xin Chính-phủ miễn cho, và miễn cho cả các thuế má trong năm năm nữa. Đối với những người nông-phu vào đó, thì hoặc là hội cấp vốn cho mà tự khẩn lấy một số ruộng đã nhất định cho từng người, vừa làm vừa giả nợ cho hội, hoặc là làm công cho hội mà thôi. Nghĩ lại, làm cách như thế không xong được. Thứ nhất là vốn ấy không đủ khai-khẩn được bấy nhiêu ruộng, vả lại may ra được mùa luôn thì chớ, nếu mất luôn cho hai ba năm, nông phu không lấy đâu mà trả được, thì hội tất phải vỡ nợ, ấy năm 1906, đã có một hội như thế, do người Pháp và người Tầu lập lên, cốt đem dân Tầu sang đồn điền bên Nam-kỳ và Cao-Miên, chỉ được có một năm là vỡ nợ, thì đủ chứng tỏ rằng một hội mà làm được việc ấy, là khó lắm vậy. Sau hết, là hội của các ông tư-bản thì lại càng không xong nữa. Nói cho phải, các ông tư-bản, trong 100 người thì ta mới thấy được một vài người là có lương-tâm, có độ lượng, còn thì toàn là hạng tham-lận, tàn nhẫn, ngồi lên bạc, xéo lên vàng. lấy làm hớn hở, chứ không biết đến những kẻ cầm mai vác cuộc đặng khai những mỏ vàng bạc ấy cho mình là ai, mà dẫu có hy-sinh ít nhiều mạng người, cho đầy tủ sắt thì cũng làm, nông nỗi như thế, không trách nào nước Nga nổi cái phong-trào « lao nông » lên được. Nay khẩn hoang, mà bảo rằng do một cái hội tư-bản chủ-trương, thế thì chẳng khỏi sinh ra cái tình-tệ như trên kia, bọn nông dân chỉ làm đầy tớ cho mấy ông tư-bản mãi, tự mình không bao giờ mưu lấy được cái địa-vị khá cả. Nếu mấy ông tư-bản cứ làm cái ngón « trịch thượng », cưỡi đầu cưỡi cổ bọn nhân-công, dùng chúng làm trâu ngựa mãi cho mình mà không biết thương xót như thế, sợ có một ngày kia chúng phản-động thì hỏng bét, mà xứ Nam-kỳ bao nhiêu năm nay, chỉ khẩn ra được có một số ít ruộng, ấy cũng là bởi mấy ông tư-bản có quyền, mà nhân-công bị coi rẻ vậy. Ở đời nay, tư-bản vẫn biết là trọng, nhưng nhân-công quyết không thể xem khinh, tư bản không thể ngồi trên nhân-công được, mà phải đồng lao cộng tác với nhau, tư-bản không thể cậy có tiền mình bỏ ra, tha hồ vơ vét, mà phải nhờ sức của nhân-công, để cùng làm cùng ăn, cho xứng đáng với nhau mới được. Thế thì việc khẩn-hoang trong Nam-kỳ bây giờ, cần đến nông-dân ngoài này, thì quyết không để cho nông-dân lâm vào tay của hội tư-bản nào được, mà chỉ nên đối với Chính-phủ là hai bên quan-hệ với nhau mà thôi Vì vậy mà di nông-dân ngoài này vào, thì thiết-nghĩ phải làm cách « Chính-phủ di dân » (Emigration officielle) đi mới được

Cái ý-kiến này, có nhiều người tưởng là không đời nào thực-hành được, vì sổ chi thu nào cung đốn cho vừa, nhưng thiết-tưởng hoặc chỉ tại không có lòng thôi, chứ không phải không làm được, vì công-việc của Chính-phủ di-dân, cũng chẳng khác gì các hội tư mộ phu đi là mấy, nếu bảo không được, vậy bên Nhật-bản, chính-phủ người ta tự nhận lấy cái trách-nhiệm di dân sang Ba-Tây (Brésil) và sang châu Úc đấy thì sao?

Nếu Chính-phủ làm ra, tưởng chỉ có một sở Canh nông (Service de la colonisation agricole) sẽ lập ra để làm đại-biểu là đủ, nếu không thì sở Kinh-tế (Services Economiques de l'Indochine) hiện có bây giờ đứng chủ-trương cũng được. Mà công-việc ấy đại-khái chỉ có mấy điều cốt yếu như sau này:

a/ Lựa những khu đất để cho nông dân vào làm. — Nói rằng lựa những khu đất, không phải là nói rằng khu này tốt thì để cho bọn này, khu kia sấu thì để cho bọn kia đâu, mà nghĩa là phải tìm cách tổ-chức và thi-hành cách thực-dân thế nào cho được trọn vẹn, và liệu thế nào có phần chắc mở mang ra. Như thế, chắc hẳn trước hết phải dự-bị chỗ đất để tiếp những bọn nông dân sắp đến đó, phải làm nhà cho họ ở, đào sông đắp đường cho họ lấy lối giao-thông, sắm sửa trâu bò và khí-cụ cho họ làm, nói tóm lại, nhất thiết những sự gì cần dùng cho công-việc họ, là phải có đủ hết cả. Nếu cứ để họ tìm lấy đất mà làm, thì chắc hẳn không được việc, vì họ bỡ ngỡ không quen, vả lại bôn-tẩu khó nhọc lắm, nào là phải chờ trình báo, phải chờ khám xét, mất bao nhiêu thời giờ, rồi lại chịu nhiều sự bắt buộc (như là hạn khai khẩn bao nhiêu năm thì phải xong; cùng là bắt giồng thứ này thứ kia v...v...) khác nữa. Nghĩ ra thì những sự ấy phiền phức và vô ích quá, vì chắc hẳn chính những người được đất, mới chính là những người biết làm thế nào cho sinh sôi nẩy nở ra, và giồng giọt thứ thực-vật gì cho lợi hơn, thế thì tưởng không nên bắt buộc gì họ khiến họ mất thời giờ là phải.

Những sự cần dùng cho việc khẩn hoang, như là sông ngòi đường xá v...v... thì trong cái chương-trình của Chính-phủ mở mang nông-nghiệp ở Nam-kỳ đã có dự-bị đủ cả rồi, bây giờ chỉ còn lo đến sự tìm những khu-vực nào dễ làm, thì hãy cho dân vào làm trước mà thôi, vì bước đầu phải tránh sự khó khăn, thì họ mới không nản.

Dự-bị những khu đất cho nông-dân làm, lại còn một ý-nghĩa nữa: là làm sao cho họ biết được cái nguyên-lợi của nghề canh-nông, không những chỉ ở thóc lúa mà thôi, mà lại ở nhiều thứ thực-vật khác, như là cao-xu, mía, hồ-tiêu. dừa, v...v... nếu muốn cho họ giồng những thứ ấy, thì trước hết, tất phải lựa những chỗ đất nào, thích-hợp với sự sinh-trưởng của giống ấy, hay là bảo cho họ biết những cách làm thế nào bắt các giống cây nơi khác, cũng phải chịu khí-hậu thủy-thổ ở ta, và cũng có thể sinh-trưởng được.

b/ Khi di. — Nông-dân ngoài này chắc chưa biết Nam-kỳ là thế nào? và sự vào trong ấy khẩn hoang thì có lợi như thế nào? Vì thế cần nhất phải cho họ hiểu cái lợi hiện-tại và cái lợi tương-lai của họ, khuyến khích họ cho có lòng sốt sắng mạnh bạo muốn đi. Mà đi mỗi chuyến tất phải hàng nghìn người, vào trong ấy mới bõ làm việc, chứ khi một vài trăm mà tán bố ra, thì chẳng thấm vào đâu cả. Di người nông-dân, lại di cả gia đình họ đi nữa, vì người nông-dân, phải có gia-đình giúp đỡ cho thì mới có thể làm nổi được phần ruộng của họ, vả lại làm như thế mới giữ được họ ở làm ăn lâu dài, không xẩy ra cái nạn nửa chừng nhớ nhà mà bỏ cả công-việc, như một đoạn trên kia đã nói.

Đừng bắt họ phải lấy giấy căn cước và thuế thân gì cả; cho nhiều sự lôi thôi, nếu có cần thì cho họ mỗi người một cái giấy chứng chỉ rằng nông-phu vào khẩn hoang Nam-kỳ là đủ, mà đi tầu cũng không phải trả tiền, trong khi Chính-phủ chưa có một vài chiếc tầu để chuyên vào việc này, thì cũng có thể điều đình với các hãng tầu, chỉ được lấy một phần tư, mà một phần tư ấy, thì cũng Chính-phủ trích sổ chi thu ra cấp cho họ mới được

b/ Cấp ruộng. — Ruộng đất và chỗ ở đồ dùng đã sẵn sàng cả rồi. khi họ vào thì chỉ bắt tay vào làm. Ruộng thì nên cấp mỗi một gia đình họ là 5 mẫu, ấy là cái số trung-bình mà sức một gia đình nông dân mình làm nổi, vả lại cấp cho vừa phải như thế, thì mới có sức dư dụ mà làm, không đến nỗi để hoang-phế.

Khi cấp thì Chính-phủ cũng phải cho sở Đạc-điền khám đạc hẳn hoi, và phát cho mỗi chủ một cái giấy như giấy văn-tự hoặc được cả cái bản đồ ruộng nữa càng hay, để tránh cho khỏi những sự tranh lấn mà sinh ra kiện cáo sau này. Mỗi khu đất đều có vào sổ địa-bộ, để ở tòa ông Tham-biện: trong sổ cũng biên rõ ràng cương-giới, diện-tích, tên người được hưởng, và ngày bắt đầu khai-khẩn là từ ngày nào. Khi đầu mà phát cho cái giấy nhận ruộng ấy, thì chỉ nên là một cái giấy tạm thời mà thôi, liệu chừng trong hạn mấy năm, mà người có ruộng ấy đã khai khẩn được ra rồi, thì bấy giờ mới cho một thứ giấy vĩnh-viễn, người đã vỡ ruộng ấy, có quyền làm chủ, muốn bán, muốn cho thuê, muốn đợ. và muốn làm của hương-hỏa về sau cũng được.

Cái hạn khai-khẩn thì cũng phải định cho họ 8 năm là nhiều, 5 năm là ít. Trong cái hạn ấy họ được miễn hết cả mọi thứ thuế không phải đóng gì cả, hay là 5 năm thì bắt đóng thuế đinh, 8 năm hãy bắt đóng thuế điền cũng được. Bởi bây giờ vỡ 5 mẫu ruộng hoang, thì 2 năm đầu, là chỉ ăn vốn của mình để mà bạt bờ dãy cỏ, từ năm thứ 3 trở đi, mới có lúa, nhưng thường có năm vì ruộng mới mà hay mất mùa, vả lại còn để cho họ gỡ lại cái vốn cũ, và để ăn tiêu, thì tha thuế cho họ cũng là phải.

c/ Cấp vốn. — Nông-dân ứng mộ đi vào, thì cũng chỉ có sức làm mà thôi, chứ không có vốn làm, cho nên cần phải nhờ Chính-phủ cấp vốn cho, hay hoặc là một cơ-quan tài-chính nào — thí dụ như nhà ngân-hàng — cấp cho, mà Chính-phủ đứng bảo-lĩnh, nhưng chỉ nên lấy lợi-tức rõ nhẹ, đồng niên chỉ từ 6 cho đến 10 phân là cùng.

Vốn họ cần-dùng, thì chắc mỗi một xuất ruộng 5 mẫu này, tức là một gia-đình, phải đến 300 đồng bạc, mà hạn từ 3 năm trở đi mới phải trả. Vì ta phải biết cho họ rằng: ngay mùa đầu mà có được mùa ra chăng nữa, thì người nông-dân cũng chẳng có thế gì trả bớt được số vốn đã vay, là bởi mùa đầu có được cũng chẳng có bao nhiêu, bất quá chỉ đủ gạo ăn đến mùa sau và để thóc giống đến mùa sau mà thôi; năm thứ hai trở đi, thì mới là đủ được. Rồi thì số lợi-tức mỗi ngày một khá, thì từ năm thứ ba trở đi, mới trả nỗi được nợ. Vậy Chính-phủ hay là cơ-quan tài-chính nào cho họ vay, thì cũng phải để đến bấy giờ mới đòi được.

Cách trả nợ như thế nào là phải? Tất là phải cho họ trả góp, mà cần nhất là không để cho số lãi nhiều hơn số vốn, như cái lối của mấy ông chủ nợ « cắt cổ » vẫn cho vay, thì nông-dân khổ, chỉ lo trả lãi cũng đủ chết. Tính ra mỗi mẫu ruộng của họ mới vỡ, tốt lắm thì mỗi năm được 80 đồng bạc tiền nhập-khoản bằng lúa, mà phí tổn mất từ độ 15$ hay 20$ vậy còn được lời là 60$, thế thì trong 5 mẫu sẽ được: 60$X5 = 300 $, song ta chỉ bỏ xuống 200$ cho khỏi là quá. Vậy thì từ năm thứ ba, trong số lợi-tức 200$ mỗi năm đó, người cho vay có thể lấy một nửa là 100$, nếu như khoản tiền vay là 300$, mà tính lãi lên nữa là 600$, thì từ cuối năm thứ ba đến cuối năm thứ tám, nghĩa là 6 năm, thì người nông-dân trả hết nợ.

Còn như nói đến cái đồ bảo lĩnh, thì tiếng rằng có hẹn như thế, nhưng chẳng may có lúc mất mùa, tưởng cũng không nên lấy luật pháp mà thi hành vội, phải khoan cho họ trả dần về sau; còn ví bằng họ có thể trả được mà trây lười không trả, thì không còn có đồ bảo lĩnh gì hơn lúa của họ. Chính-phủ hay là cơ-quan tài-chính nào cho họ vay, cứ việc tịch-ký lấy lúa của họ đó mà bán đi. lại càng là chạy việc cho họ, khỏi phải gồng gánh đi bán, rồi mới đem trả nợ lôi thôi. Ngoài cách ấy ra mà cũng quẳng lấy được nợ, bấy giờ hãy làm tội hay là đem tịch-một cái khẩu-phần của họ đi, nghĩ cũng chẳng muộn gì.

Ấy, muốn khẩn hoang xứ Nam-kỳ cho chóng, là nhờ nhân-công ngoài này, thì phải trông cậy Chính-phủ làm mấy phương-pháp cần dùng như thế, không phải có một hội riêng nào làm nổi, Ngoài ra, còn đến như những sự cai trị, sự tuần-phòng, cũng đều là việc cần cả, thì cứ năm ba chục hay một trăm gia-đình gì đó, lập thành ra một làng, cũng có hương-hội tử tế, rồi thì nhà thương, trường học, tuần phòng v...v.., họ có thể tự-biện lấy được, chỉ nhờ Chính-phủ giúp đỡ cho ít nhiều là được mà thôi. Bằng không thì sát-nhập ngay họ vào những làng phụ cận, để đồng lao cộng sự với anh em Nam-kỳ, lại càng là sự tốt lắm. Nếu lo tính trước cho bọn nhân-công ngoài này, được có địa-vị và quyền-lợi thật chắc chắn như thế rồi, thì bây giờ Chính-phủ hô lên một tiếng rằng: « mộ dân vào khẩn hoang trong Nam-kỳ » thì chắc là người ta hưởng-ứng răm-rắp, vì xem những lần mộ lính thợ sang Pháp, mộ phu vào vườn cao-xu Nam-kỳ, hay là sang Nouvelle-Calédonie, tốt lắm thì đủ cơm ăn áo mặc, và cái danh-phận chẳng ra gì, mà người ta còn nô nức như thế, phương chi nay bảo làm ruộng mà có địa-vị và quyền-lợi như thế kia, thì hẳn người ta xô đẩy nhau ra ứng mộ hàng vạn nào mà kể!

Tuy vậy cũng còn có việc mà ta nghĩ lấy làm khó khăn quá, là việc cấp vốn cho dân vào khẩn hoang. Thật thế, cái khoản phí này to lắm, trông vào Chính-phủ, vị tất đã ăn thua, mà nếu trông vào một cơ-quan tài chính nào đứng cho vay, thì sợ cũng không thoát được cái vòng chủ nợ người nợ, vậy muốn bây giờ làm sao có một cơ-quan nào tổ-chức lên, mà cái tôn-chỉ thuần là việc mở mang nghệ canh-nông, lại trong quỹ cho có nhiều vốn giúp cho, thì không còn gì hơn nữa. May thay, trong Nam-kỳ ta đã sẵn có những cơ-quan như thế rồi, là hội Nông-nghiệp tương-tế.

Hội Nông nghiệp tương-tế, theo như đoạn trên kia đã nói, thì có ý-nghĩa hay biết bao nhiêu, nhưng đến sự thực-hành thì chưa chắc, đến nỗi kỳ Hội-đồng Quản[đính chính 2]-hạt (Conseil Colonial) trong Nam-kỳ mới rồi, quan quyền Thống-Đốc là Tholance nói rằng: « Phải cần chú ý đến sự hành-động của những hội ấy mới được. Trong năm 1923, quan Cai-trị Giám-đốc đã đi khám xét tận nơi kỹ lắm. Khám xét thì ra cũng tìm được chỗ này chỗ kia có một vài sự làm bậy bạ, và một vài sự hà lạm nữa. ». Nay xét xem công việc của những hội ấy ra sao? Hội ấy chỉ có mục-đích bảo-hộ cho mấy ông chủ điền khỏi phải bán lúa giá rẻ, và tránh tay những bọn cho vay nặng lãi, cho nên những ông chủ điền có chân hội, mỗi năm phải đóng mấy trăm mấy nghìn giạ lúa thì đã có lệ và tùy hạng cấy ít nhiều. Lúa ấy đem chứa vào kho của hội, rồi có cần tiền, thì hội cho vay, lợi-tức mỗi năm là 12%. Lúa để đó lúc nào được giá thì hội bán cho, trừ nợ và lãi đi rồi, còn thì trả lại cho mình. Kể thế thì cũng có ích cho mấy ông chủ điền thật, nhưng cũng không khỏi có điều hại, thứ nhất là lúa góp nằm ở trong kho của hội, để chờ cho tới ngày được giá, trong quãng ấy không có ai phơi phóng trông nom, khi đem ra bán, thì thí dụ trong 300 giạ, bị mối mọt hao hụt đi, thế nào cũng mất vài ba chục giạ, cái thiệt ấy người có lúa phải chịu, như thế thì những ông chủ điền cũng chẳng có lợi gì. Vả lại, tưởng hội lập ra, cốt giữ lúa gạo của mình, tránh được tay dan tham của Khách trú gì kia, ai biết đến lúc bán lại cũng phải bán cho Khách-trú, mà bán cũng chẳng được có quyền-thế hay trổi giá gì hơn người thường cả, vì thế, xem chừng có nhiều ông chủ điền trong Nam-kỳ ta, vào hội Nông-Nghiệp tương-tế cũng là sự cực chẳng đã, chớ bản-tâm cũng không tình-nguyện và không tán-thành tí nào cả.

Xét lên một tầng nữa, nếu hội chỉ bảo hộ cho những ông chủ điền có hàng trăm hàng nghìn mẫu mà thôi, thì tưởng cũng không có lợi gì cho các ông ấy hết. Vì sao? Vì những hạng ông chủ điền có hàng trăm hàng nghìn mẫu ấy, nếu không có hội tương-tế, cũng có chỗ để dành lúa chờ bán giá cao, cũng có tiền tiêu, không cần phải vay, thế thì hội tương-tế giúp, cũng là thừa cho các ông ấy vậy, chi bằng đem sự giúp ấy mà giúp cho những nhà nông nho nhỏ, chẳng được việc hơn ư?

Cái vốn lưu-thông của các hội tương-tế trong Nam ta bây giờ, tới hơn 280 vạn bạc, thật là số tiền lớn lắm, nay giúp mấy ông chủ-điền triệu-phú đã chẳng có ích gì, thì nên giúp vào việc khẩn hoang, thật là dư sức, và có lợi hơn nhiều. Vậy thì đối với đám nông-dân ở ngoài này đi vào trong ấy khẩn hoang, hội. Nông nghiệp tương-tế, phải lấy nghĩa-vụ giúp đỡ, làm nghĩa-vụ thiêng liêng của mình, mà cho họ vay tiền làm việc, đến như điều-khoản trả nợ, thì cũng như trên kia, mà cũng có Chính-phủ đứng bảo-lĩnh, thì không còn lo ngại gì nữa; phương chi những hội ấy cũng toàn là cơ-quan của Chính-phủ lập ra, thế thì trong khi sổ chi-thu còn túng, không thể tiêu những khoản phí to như vậy được, thì nên giao cái trách-nhiệm cho hội Nông-nghiệp tương tế cấp vốn cho nông-dân, nghĩa là chuyển cái mục-đích giúp mấy ông chủ-điền giầu, ra cái mục đích giúp những nông-gia nghèo, vì những hội ấy, phải cốt vì bọn dưới này mà lập lên, thì mới thật là xứng đáng và ích lợi vậy.



  1. Thứ nhất là cái đồn điền của quan Bùi-Quang-Chiêu và quan Trần-Văn-Thông ở Rạch-giá.
  1. Gốc: đe được sửa thành để: chi tiết
  2. Gốc: Quân được sửa thành Quản: chi tiết