Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Phần thứ nhất/IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

IV

Đại-khái cái tình-hình buôn bán. — Cái lợi độc-quyền. — Nghề buôn lúa gạo. — Mấy điều dan-tham của họ. — Cuộc buôn bán của Hoa-kiều, do một người Pháp bàn.

Xứ Nam-kỳ là một trường-hợp rất hay cho cái nghề sở-trường của họ, là nghề buôn bán, cho nên ta thấy Hoa-kiều trong 90 phần 100 làm nghề buôn bán, nội những đồ gì, họ bán được tất có buôn, mình hay mua tất có bán, nghĩa là họ hiểu sâu đến cái tâm-lý cùng sự nhu-dụng của mình, và liệu trước được thời-cơ về đường tới lui của hàng hóa lắm.

Thành-phố Saïgon là một thị-trường to. trong 1 phần, ta thấy đến ba phần của Khách-trú, san sát ở phố Catinat, đường Charner, chợ Mới, chợ Cũ, từ hàng buôn to, công-ty lớn, cho chí cửa hàng cửa hiệu tầm thường, đều treo cờ buôn người Tầu cả, đông đúc rộn rịp đến nỗi rằng: những phố buôn bán to, không có nhà mà thuê dọn hàng được nữa, thì ở hai bên hè phố, cứ cách mấy thước, họ lại dựng nên một cái quán nhỏ, trông vuông vắn đẹp đẽ lắm, để bán hàng, đông đúc rộn rịp đến nỗi thuê một cái cửa hàng, mà họ thường các tiền nhau đến hàng nghìn bạc. Chợ-Lớn thì lại là một thị trường hoàn-toàn của Khách-trú, chỉ thấy ta chen vào được mấy tiệm thợ may, tiệm bán đồ vàng bạc, và nhà cho thuê ô-tô; Tây thì chen vào được một cửa hàng bào-chế, và mấy hàng-tạp-hóa mà thôi; kể sự buôn bán hoạt-động của thành-phố này, thì tưởng nước ta không có chỗ nào hơn được nữa, như những phố Paris, phố Marin, phố Chợ thì đồ xộ quá chừng, không lấy gì hình dung ra được, chỉ biết là đi quanh trong đường phố, cứ gặp mười người Tầu, mới gặp ba người mình, như thế thì Chợ-Lớn tuy là đất của Nam-kỳ, mà là Áo-môn Thượng-hải của họ vậy.

Còn như ở Lục-tỉnh, thì tỉnh nào Khách-trú cũng chiếm già nửa, thứ nhất ở mấy tỉnh Hậu-giang là kho tiền-bạc của xứ Nam-kỳ thì Khách-trú lại càng kinh-doanh lắm. Hai bên duyên-giang biết bao nhiêu những lò gạch, lò gốm, chàn vựa lúa, lò nấu đậu phủ-ky (phù-trúc) v. v... Trong những chốn nhà quê xa châu-thành, một xóm cũng có sáu bẩy tiệm các chú buôn bán, giá mình có cần be ruợu mà uống, hay hoặc cân thịt mà ăn, thì phần nhiều cũng phải đến quán rượu và hàng thịt các chú cả, mấy tiệm ấy thường trử những vật cần dùng hàng ngày như là dầu hỏa, nước mắm, và hương, đèn nến. bán chịu cho người mình để lấy lúa, cứ một đồng bạc thì đến mùa giả 3 giạ (thúng). Họ lại bán lúa ấy ra cho các nhà máy gạo mỗi giạ là từ 1$00 cho tới 1$40 — 1$50. Bấy nhiêu đó là đủ biết cuộc buôn bán của họ là bao la lắm rồi.

Xem đại khái thì ta cũng đủ biết họ bố trí cuộc buôn bán là lấy Chợ-Lớn làm nơi tích-trữ, mà lấy Lục-tỉnh làm trường tiêu thụ, hàng buôn to, tiệm buôn nhỏ, làm ỷ-giốc cho nhau rất là vững chãi. Đường vận-tải giao thông của họ trong Nam-Kỳ càng tiện lợi lắm: vận-tải giao thông nước họ và nước ngoài thì họ đã có hải-thuyền bản-quốc đi lại luôn luôn ở cửa bể Saigon, hàng hoá chở sang chở về bớt được kinh phí nhiều lắm vận tải giao thông trong xứ, dưới thủy thì các tầu thuyền của họ tự biện lấy hết, trên bộ thì xe bò xe ngựa toàn là họ làm chẳng phải nhờ đến ai cả.

Nói tóm lại, không kể những nơi châu-thành là nơi ta xúc tiếp toàn với người Hoa Kiều đã đành, đến những nơi thôn quê hẻo lánh, có dễ không khi nào ta đi một giờ đồng hồ, mà không chạm phải một vài tiệm Khách-trú bán hàng, để cung cấp mọi sự nhu dụng cho người Nam-kỳ, như thế mà ta những muốn để-chế họ, thì có phải là dễ làm đâu!

Trong trường buôn bán, hễ chiếm được « độc quyền », nghĩa là thứ hàng gì cũng chỉ có một mình mình được quyền buôn quyền bán, mới thật là một mối lợi to. Độc-quyền chỉ lợi cho một người, một hội, hay là một đảng người, mà có hại to khắp cả chỗ hoàn-cảnh, vì một thứ hóa sản gì mà đã có độc quyền thì chỉ có tham lợi mà không có cạnh-tranh, không cạnh-tranh chẳng những không tiến-bộ, mà lại có hại, hại cho đường sinh-hoạt, đường tiến-thủ của rất nhiều người, bởi thế cho nên, không kể là thứ độc-quyền gì, cùng lối độc-quyền như thế nào, đều là đáng ngờ, đều là có hại hết cả.

Hoa-Kiều buôn bán ở ta mà được thịnh vượng thế kia cũng là bởi có độc-quyền. Cái độc-quyền của họ, chẳng phải chính-phủ nào ban cho, cũng chẳng phải dân-tộc nào đem cùng, thế mà ai phạm đến độc-quyền của họ, thì họ phạt cho nặng hơn là luật-pháp, nghĩa là họ đã buôn thứ gì, làm nghề gì thì họ chỉ muốn giữ lấy cái quyền cái lợi được buôn thứ ấy, làm nghề ấy mà thôi, nếu ta cũng ra làm nghề ấy, buôn hàng ấy, thì họ cũng chẳng có phép nào bảo nghề ấy hàng ấy là nghề lậu, hàng lậu, như bảo là rượu lậu, thuốc-phiện lậu, muối lậu v...v.. nhưng mà họ hạ nhiều độc-thủ, làm cho ta phải thất-bại ngả nghiêng, khó có cái thế gì mà tranh lại được với họ. Ví dụ họ chế thứ gì, mà ta cũng chế thứ ấy, thì lập tức họ hạ ngay giá xuống trong mấy tháng giời chịu lỗ, là mình đủ chết, một là vì mối hàng họ quen, hai là tư-bản họ sẵn, mà ta thì mối hàng bỡ ngỡ, tư-bản ít oi, có ai có nghị-lực mà đứng lại đối địch được với họ, cũng là hiếm thấy vậy.

Không những họ bịt đường tiến-thủ của ta ở trong nước mà thôi, họ lại bịt đường của ta trực-tiếp giao-thông với ngoại-quốc nữa. Ta nên biết rằng: mối hàng vật-sản của ta ở ngoài, phần nhiều là mối hàng của Khách-trú, ta lại nên biết rằng: vật sản ở ngoài tiêu-thụ vào ta, thì cũng phần nhiều Khách-trú là mối hàng, thế nghĩa là buôn ra bán vào, độc-quyền cũng ở tay họ, không để cho ta biết được rằng thứ này đem ra bán ở đâu, thứ kia đem vào mua từ đâu; hoặc như có tìm cách được trực tiếp giao-thiệp gì chăng nữa, thì dễ có khi mua không có ai bán, khi bán không có ai mua, vì bao nhiêu đường lối ngạnh nguồn, đều bị họ rào rấp cả vậy. Trong Nam-kỳ dùng hàng Tầu nhiều quá, từ già trẻ lớn bé, không có một người nào không có cái quần áo hàng Tầu, chẳng phải đâu thông thường như ngoài ta chỉ quần sồi áo vải, cho nên những hàng tơ lụa của Tầu như cẩm-châu, lục-soạn, vóc nhiễu v..v.. tiêu-thụ ở Nam-kỳ nhiều quá, những thứ hàng này sản ở bên Tô-châu, Hàng-châu phần nhiều, mà chỗ xuất phát là Thượng-Hải. Người mình có người — một người buôn bán to ở Saigon — biết thóp cái tổ của nó ở đấy, và món lợi này là món lợi to, bèn giao-thiệp thẳng với mấy cửa hàng tơ lụa to ở Thượng-Hải, thoạt tiên mấy chuyến thì cũng mua bán như thường. giá có rẻ thật, về sau thấy bên ấy bán mỗi ngày một cao, trừ tiền thuế nhập-cảng chưa nói, còn so với giá mấy cửa hàng tơ lụa của Khách-trú bán ở đây, thì lại thành ra đắt hơn một tí, sau mới biết té ra bọn Kiều-thương bên này điều đình với những nhà bên kia đừng bán, vì nếu thế thì hàng của họ bên này phải đình-trệ; thủ-đoạn của họ như vậy, đã thâm-hiểm hay chưa!

Những khách mua hàng xuất-cảng của ta, như gạo, ngô, bông gòn, cá mắm v..v.. thì phần nhiều là người Tầu hay là người Tầu làm đại-lý cho cửa hàng ngoại-quốc tại các thương-phụ lớn, như Hương-cảng, Thượng-Hải, Hoành-tân, Tân-gia-pha, cho nên, giá bây giờ mình có đem sản-vật của mình xuất cảng thẳng ra bán cho những người kia, thì một tiếng của bọn Kiều-thương trong này, lập tức đồ hàng của mình chẳng có chỗ bán, vì họ bảo nhau đừng mua, như thế thì mình xuất-cảng với ai, cho biết cái độc-quyền buôn bán ở ta, bọn Hoa-kiều không cho ta phạm vào vậy.

Trong sự độc quyền của họ, còn có cái nghĩa đùm bọc lấy nhau nữa. Họ cũng có cạnh tranh với nhau, nhưng cạnh tranh là để khuyến-khích nhau, chớ không phải để giết nhau, cho nên ta thường thấy mấy cửa hiệu khách, cùng bán một thứ, ganh đua xô xát nhau trong mấy hôm, rồi lại mở tiệc mà hòa-giải với nhau ngay, không mấy khi hại nhau đến một còn một mất, có chăng chỉ đối với ta mà thôi. Chẳng những không cạnh-tranh độc ác với nhau, mà lại khéo nhường nhịn nhau nữa, nghĩa là hiệu to vẫn che chở cho các tiệm nhỏ, khi nào thấy tiệm nhỏ ế hàng, thì hiệu to hay dìm hàng ít hôm, cho các hiệu nhỏ bán đi đã; lại thường thấy khi có thứ hàng gì mới đến, thì hiệu to để cho tiệm nhỏ bán trước, rồi tự mình mới bán sau, ví dụ như mỗi năm đến mùa chè mới, thế nào thì thứ chè tạp-hiệu có bán trước, chán chê mới đến chè chính-hiệu bán sau, vì họ khéo nhường nhịn nhau thành ra trong việc buôn bán, cái tiếng « đọng hàng » hay « ế hang », ít thấy họ dùng đến lắm. Họ buôn bán lại có hô ứng với nhau lắm, thí dụ lúc này trong Nam-kỳ hút món gì, như là sợi, vải, rượu thuốc, v... v... mà bọn Hoa-thương ngoài Bắc nhiều món đó, thì họ đánh giây thép cho bọn ngoài này, gửi vào mà bán; trái lại, bọn ngoài Bắc có khan thứ hàng nào, mà bọn trong này có thì cũng gửi ra như thế, té ra. trong cuộc buôn bán, cái gì lợi là ở trong tay họ chiếm lấy phần cho nhau cả.

Cái độc-quyền to nhất của bọn Hoa-kiều trong Nam-kỳ là ở nghề buôn thóc gạo.

Xứ Nam-kỳ ta là xứ sản thóc gạo thứ nhì hoàn-cầu, sau nước Diến điện, vào khoảng ba bốn năm nay càng được mùa lắm, có người đã tính mỗi người Nam kỳ mỗi năm sản-xuất được 555 cân tây (kilogrammes), mà mỗi người ăn mỗi năm chỉ hết 140 cân tây mà thôi, bởi thế, mỗi năm xuất-cảng non hai triệu tấn, ấy là còn đến 2 triệu mẫu đất bỏ hoang chưa vỡ, không thì còn nhiều thóc gạo nữa. Trong non hai triệu tấn gạo xuất-cảng đó, chia làm 100 thành, thì Hoa-kiều chiếm đến 60 thành. Ta tuy cũng có ít nhiều nhà máy xay lúa (décortiqueries), nhưng cũng chỉ xay để bán lại cho Khách-trú thôi. Hiện nay lại Chợ-Lớn, có 18 nhà máy gạo cả thảy, trong số đó công-ty Rizeries d'Extrême-Orient có 4 nhà, mỗi ngày xuất-phát được cả thảy 2.600 tấn gạo, và một nhà của công-ty máy rượu (Société des Distilleries de l'Indochine), mỗi ngày 600 tấn, còn bao nhiêu là của Khách-trú hết; họ có 6 nhà máy gạo to, mỗi ngày xay được 1000 tạ là ít; trước mặt có bến thuyền của họ vận-tải ra bến tầu Saigon, đã có tầu buôn họ ở Hương-Cảng, Thượng-Hải sang chờ để chở đem ra ngoại-quốc.

Trong nghề buôn bán thóc gạo của họ, mặt nào họ cũng lợi to cả.

Trước hết là người đi mua lúa về cho các nhà máy. Những người này cũng là các chú, đi tán bố ra khắp các miền nhà quê để mua lúa, bọn này có thể gọi được là con sâu mọt trong lúa gạo Nam-kỳ, vì chúng, ăn chận bắt chẹt cùng là lường gạt ta, nhiều điều tệ quá. Cứ đến mùa gặt xong, là đến ngày thuế má và công này việc kia, cần phải chi tiêu nhiều, sẵn lúa thì phải bán, Hoa-kiều thừa lúc này bắt chẹt ta, giá lúa 130$ một trăm giạ, thì họ chỉ mua độ 115$ hay 120$ mà thôi. Lại thường khi giá lúa cao mà nói hạ, để gạt nông gia mình không được tường thị-giá hàng ngày, chỉ bằng ở mồm họ mà định việc mua bán. Tình-tệ còn nhiều không thể nào nói hết được. Các nhà nông Nam-kỳ phần nhiều cũng biết đấy, nhưng thóc lúa chất đống, chẳng bán cho Khách trú thì bán cho ai?

Lúa mua các nơi, lại cũng thuyền bè của họ chở cả về các nhà máy gạo ở Chợ-Lớn để xay. Số gạo xuất-cảng mỗi năm phần Khách-trú được bao nhiêu thành, thì đã có định-hạn, vì còn phải nhường phần cho các nhà máy Tây, bởi thế thường khi số của họ bán hết rồi, thì họ mua lại của các nhà máy gạo Tây để đem ra bán nữa, thành ra giá gạo ấy phải cao lên một tầng. Kể từ khi còn là hột thóc, mà đến khi thành thân hột gạo đem ra bán ở ngoại-quốc được, thì phải trải qua mấy lớp, nào là bọn đi mua lúa, nào là nhà máy gạo, nào là các nhà đại-lý của họ ở Tân-gia-Pha, Hoành-Tân, Hương-cảng v...v.. nhân đó giá gạo rẻ mà thành đắt, ta lợi ít mà họ lợi nhiều, ấy chưa nói đến lòng tham mưu độc của họ, đem pha trộn thứ xấu vào thứ tốt, cùng là để gạo ẩm cho nặng cân, làm mất giá-trị gạo của mình ở thị-trường thế-giới nữa.

Các nhà máy gạo của Khách-trú, trong các tỉnh cũng rải rác có nhiều, nhưng mà nho nhỏ. chẳng những xay gạo để bán xuất-cảng mà thôi đâu, lại còn bán lẻ nữa. Trừ ra mấy chỗ thôn-quê, xay giã lấy mà ăn, còn các châu-thành Saigon, Chợ-Lớn cùng các nơi tỉnh-lị, ăn gạo lẻ đều phải mua của cửa hiệu Khách-trú, ta, chỉ trừ mấy nhà có máy xay lúa cỏn con ra, thì không thấy đâu có đội gạo gánh gạ kẻ như ngoài Bắc-kỳ, cho nên nghề[đính chính 1] buôn bán thóc gạo trong Nam-kỳ, đều ở tay họ lũng-đoạn hết, có thể nói được rằng các nhà nông-gia ta chỉ cậm cụi cày cấy, đến khi có lúa gạo thành kho đụn, thì ở tay mấy chú Hoa-Kiều giữ mà phân-phát ra, nói tóm lại là các chú làm ông chủ-nhân và lúa gạo Nam-kỳ, mà Chợ-Lớn là một kho chứa. Năm có phong-chào tẩy chay, Khách-trú ở các tỉnh đã phải lục-tục chạy về Chợ-Lớn là kinh-đô của họ, mà dám nói rằng: cho người Annam vây bọc Chợ-Lớn mấy năm, Khách-trú cũng chẳng chết đói; xem thế thì cái nghề buôn bán thóc gạo của họ to tát biết chừng nào!

Vốn buôn thóc gạo của họ to lắm. Nhà máy nào và nhà buôn gạo nào cũng có vốn từ vài ba mươi vạn trở lên cho đến hàng triệu cả. Ngày đầu năm kia (1922), họ có một hiệu Nghĩa-xương-Thành, (義 昌 成) là nhà buôn gạo to nhất, lỗ vốn mất 10 triệu, xem cái lỗ vốn của họ như thế, thì tức khắc biết trong cái nghề này, ta làm gì mà địch lại được. Nhà máy gạo của ta có ăn thua gì! Hội Nông-Nghiệp Tương-Tế đã có công-hiệu gì không?

Sau cuộc buôn bán thóc gạo, đến cuộc buôn tơ lụa, buôn vải sợi, buôn tạp hóa v... v... nói tóm lại, công-cuộc buôn bán của họ, cái gì cũng có vẻ thịnh-vượng phát đạt hết cả.

Ta nên biết rằng cái nghề buôn bán của người Hoa-kiều thật là đủ điều, không những là giỏi giang, khôn ngoan, sành sỏi, riết róng, mà lại có nhiều cách quỷ quái nữa. Họ buôn bán với ta đã lâu đời, cũng có điều thật thà lắm, chẳng thế sao kết được lòng tin của ta, hễ cái gì mua của các chú mới được của tốt của thật, nhưng cũng bởi thừa cái lòng quá tin của ta, họ mới sinh ra bụng quỷ quái, mà ta không biết vậy. Thôi thì cách bán hàng điêu chác của họ thiếu gì: thùng dầu tây cũng chọc thủng lỗ kim, để rút ra được vài gáo, thóc gạo, sợi vải cũng rấp nước đi, để cho được nặng cân, vải bán cũng đánh tráo thước ngắn thước dài, đồ-tơ lụa cũng lộn sòng thứ tốt thứ xấu, gặp người nhà quê thì tha hồ nói thách, phải kẻ mua hớ, thì mặc sức đánh lừa, nói tóm lại sự buôn bán dan tham của phần nhiều người Tầu, thì người ngoại-quốc đã kêu ca, lựa chi ở ta đây là xứ, trong việc buôn bán hãy còn đần, họ càng sinh được cái lòng ấy lắm.

Cách buôn bán quỷ-quái của họ, đáng phục nhất là cách buôn bán không xu, thật dản-dị và tầm thường, quanh-quẩn trong một thành-phố nào đó thôi, được lời lãi nhiều mà phí công-phu rất ít. Ví dụ như một chú giỏi về mặt ấy, biết món hàng hóa nào ở hàng này bán sụt giá, thì mua cất cả về, xếp đó chờ lúc nào cao giá mới bán ra; có khi đi dò la, thấy tiệm ở góc này bán món hàng ấy giá bấy nhiêu, nghĩ có phần rẻ, chú ta bèn chịu giá mua cất hết, rồi cứ gửi lại đó đã, mới chạy đến tiệm khác, hoặc là Annam, hoặc là Chà-và, để dạm bán, nếu thấy lời, thì chở món hàng chú ta đã mua ở hiệu kia mà đem lại, té ra buôn không vốn liếng, bán không của hàng, chỉ nhờ về lời nói và công đi, thế mà cũng có lợi to chắc chắn, chẳng quỷ-quái mà làm được như thế ư?

Họ quỷ-quái hết sức, nên thường gạt mấy ông chủ điền trong Nam-kỳ ta phải lắm miếng cay đắng lắm. Thường thấy mấy chú lập chành ăn lúa gạo lại Lục tỉnh, làm quen đủ mặt các ông chủ điền, chủ điền mà làm quen với Tàu-Kê (tiếng Khách gọi là người làm chủ) thì dễ lắm, chưa đong lúa chớ muốn mượn trước mấy trăm mấy ngàn cũng được, ấy là các chú dùng cách « thả con săn sắt, bắt con cá rô » vậy. Vì thế cho nên khi thì chủ điền thiếu bạc tàu-kê, khi thì tàu-kê thiếu bạc chủ điền, chở lúa rồi mới về chồng bạc là sự thường. Lại thêm cái văn nói của mấy chú như thế khéo lắm, nghe rất bùi tai, thành ra mấy ông chủ điền ta chẳng nệ gì năm bẩy nghìn một vạn mà cho tàu-kê chở lúa. Sự thường một giạ lúa, người ta mua có 1$30, mà tàu-kê mua tới 1$35, hám cái 5 xu ấy mới chết! có khi chở hai ba kỳ lúa mới trả tiền một lần, mấy ông chủ điền ta, bị ngu-lộng thế mà chẳng hay, lại nói rằng bạc để tủ sắt tàu-kê cũng như để tủ sắt mình, mất đi đâu mà phòng sợ.

Tàu-kê làm một vài chuyến sòng phẳng, để kết lòng tin như thế đã, rồi mới giở ngón ra, đong chịu của ông chủ điền này một vài ngàn, ông chủ điền kia năm bẩy ngàn, tính đâu chừng được một vài muôn, cũng nói rằng chở lúa lên nhà máy Chợ-Lớn, rồi về chồng bạc, thế rồi là chim giời cá nước, bằn bặt mất tăm, hễ hỏi thì nói tàu-kê còn ở Saigon chưa về, hay là còn đi nằm uống thuốc đâu đó, một ngày hai ngày, một tháng hai tháng, thấy nhà cửa còn đó tủ sắt còn kia, thì chẳng nghi ngại gì, chừng nghe rõ bao nhiêu nhà của ruộng nương, đất cát. tàu-kê đã sang tên cho bà con tàu-kê rồi, bấy giờ mấy chừng hững, người biết đâu mà tìm, kiện lấy gì làm chứng, đành phải nín tiếng thở dài mà thôi. Hoặc có kiện ra được, mấy chú cũng chịu ở tù năm ba năm, mà gạt được năm ba vạn đồng, chuyên sang tay người khác hết, thì khoắng được mấy vạn, ngồi tù mấy năm chơi. hết tù là hết chuyện. Than ôi! mình làm bồ hôi nước mắt quanh năm, mấy chú chỉ vớ có một ngày là sạt nghiệp, cay đắng hay chưa?

Việc lường gạt như thế này, nhiều người đã từng nghe nói xẩy ra luôn, ấy là chưa nói đến cái tình-tệ, đến nỗi khi mua lúa giả tiền xong rồi, thì họ gạ đánh cờ bạc, giở ngón dan lận ra, làm cho mấy ông chủ-điền vừa bán lúa được bao nhiêu tiền họ lại thu về sạch

Nói tóm lại, người Hoa-kiều trong Nam-kỳ hầu hết là buôn bán, mà cái thế-lực buôn bán của họ to, ta cứ lấy cái hiện-tình buôn bán của Hoa-kiều ngoài này, mà hình dung ra gấp mười thì mới biết được cái thế-lực buôn bán của Hoa-kiều Nam-kỳ vậy. Thôi thì bao nhiêu cái mối lợi: thượng vàng hạ cám, trên bến dưới thuyền, đều vào tay họ lũng-đoạn hết. Họ có một phòng Thương-mại, tại thành-phố Chợ-Lớn để thông báo giá mục hàng hóa cho nhau, để bảo thủ cái quyền lợi buôn bán của nhau, tức là bộ Tham-mưu của đội quân Hoa-thương vậy. Ngoài ra họ còn có nhiều cơ-quan để cổ-động về việc buôn bán, như là báo-trương, như là hội-xã, không thiếu thứ gì Mỗi bang họ có một nhà hội-quán rõ to, tối đến, mấy nhà hào-thương làm đầu sỏ trong bang, đến hội họp với nhau ở tận trong một cái phòng sâu, kín cổng cao tường, đèn chong cửa đóng. để bàn bạc với nhau, hoặc việc ở nước, hoặc việc trong bang, mà câu truyện phải bàn bạc dài nhất, là việc buôn bán của họ, làm thế nào cho mở mang lên, làm thế nào tranh được với người Pháp, làm thế nào trừ tiệt được thương-mại công-nghệ của Annam v..v.. rủ rỉ ngấm ngầm, chẳng có lính kín (tức mình gọi là mật-thám) nào vào đấy mà xuyếc-vay-dê[1] cả...

Một người Pháp hiểu xứ ta lắm, là ông luật-khoa bác-sĩ Lafargue, viết một quyển sách là « Vấn-đề di dân của người Tầu ở Đông-Pháp» (L'Immigration chinoise en Indochine), có đoạn ông nói rằng: « Người Tầu sang kiều-cư bên Đông-Pháp này chuyên-chủ vào việc buôn bán, mà cũng phải thú thật rằng Chính-phủ có ý muốn gia tâm khuyến-khích họ trong con đường này, thành ra phải cái nhầm to, khiến cho ta phải lấy làm ân-hận lắm. »

Ông lại trích mấy đoạn ở trong bài đại-luận về « Người Tầu ở Đông Pháp» (Les Chinois en Indochine) đăng báo Courrier d'Haiphong ngày năm 1909. Trong bài, kể rõ cái sự nhầm ấy ra, và phán đoán một cách phân minh lắm. Người viết bài ấy nói rằng: «Mấy chú Thiêu-triều «dan tham và hám lợi» chăm chăm vào việc kinh-doanh chiếm đoạt ở trong xứ trong dân, một cách vô sỉ và đáng ghét quá. Chính-phủ đáng lẽ phải bênh-vực dân bảo-hộ, thế mà hình như lại dung-túng cho người Tầu. Chính-phủ nhường cái quyền bán thuốc-phiện cho mấy chú Thiên-triều, làm họ bán trôi được những thuốc phiện lậu càng dễ[2]; Chính-phủ định cất cái quyền buôn muối của họ để chiếm lấy độc-quyền, nhưng không được, thì lại phải để cho họ làm[3]; Chính-phủ lại cho họ cả quyền đứng chủ bán rượu, thứ nhất là ở trong Nam-kỳ[4]. Khi các công-sở có cho thầu hay là đấu giá làm công việc gì, thì Chính-phủ cũng hay điều đình với các chú[5]; các nhà thương-mại Thiên-triều lại cử đại-biểu ra ngồi ở trong các phòng Thương-mại, ngay bên cạnh người Pháp. Nghị-định ngày 5 Décembre 1892, Chính-phủ đã định thể-lệ buôn bán cho những người ngoại-quốc châu Á ở đây phải theo, song mãi chẳng thấy thi-hành, mà tự Chính-phủ đặt ra, nhưng bây giờ lại làm lơ không biết đến.[6] Thành thế ra người Hoa-kiều buôn bán vẫn giữ một lối riêng. Mỗi một hiệu buôn, vô số là kẻ hùn phần. song không biết những người hùn phần ấy là ai, công ty thì lấy tên hoặc là «Vĩnh Phúc« hoặc là » Đốc tín » hoặc là «Chí Thành». Công việc buôn bán mà xem chừng khá. thì ta thấy nhiều ông kinh-lý lên nối nhau: mỗi người làm thì ai cũng biết, và lấy tên hiệu để có quyền bầu cử. Công-việc buôn bán thua lỗ không ra gì, thì ông «Đốc tín» đóng ngay cửa hiệu lại, nhảy xuống tầu thót về Hương-Cảng hay là sang Tân Gia Pha, mặc kệ những người chủ nợ ở lại đó, không thiết gì. Bấy giờ luật-pháp chỉ có tuyên-án báo cùng là hết cách; các ông trái-chủ cũng chỉ đến theo luật mà giải tán cái hội ấy đi. trừ tiền phí-tổn tòa án đi rồi còn chút đỉnh thì chia nhau cho hàng bao nhiêu người chủ nợ thế là hết chuyện. Chẳng có thế dùng cách nào mà trị được những kẻ hùn phần hay là những kẻ khác mà mình chẳng biết là ai, trước khi vỡ hiệu, thì chúng đã khôn ngoan, rút hết những vốn liếng của hội ra, và thu được đồng tiền nào thì đã chia nhau rồi. Được ít lâu, anh lừa đảo của hội kia lại ở Hương Cảng sang mở hiệu, đặt tên là hiệu «Chí-Thành». Thế là lừa đảo được trôi chẩy đó».

Người viết bài ấy lại chỉ tỏ ra rằng «muốn cho được đản-hộ cuộc buôn bán của các chú Thiên-Triều, cho nên Chính-phủ thỉnh-cầu được nhiều dụ-chỉ ở bên Bộ sang, giảm bớt hoặc tha hẳn thuế cho phần nhiều vật-sản của Tầu đem bán vào Đông-Pháp nữa (cá khô, quả khô, chè Tầu, thuốc lá Tầu, rượu thơm, tơ lụa, đồ thêu, quần áo cho người Á-đông, đồ thờ v.....v.....) Những vật-sản mà người bản-xứ hay dùng thì chẳng được giảm hoặc tha thuế, những đồ được giảm hoặc tha thuế, phần nhiều là người Tầu hay dùng. »[7]

Nghiệm lời người viết bài ấy, nói những từ năm nào, mà xem cái tình-thế buôn bán của Hoa-kiều trong Nam-kỳ, vẫn đúng như thế. mới biết người Tầu sang doanh-nghiệp ở ta, phần nhiều vẫn giữ cái cố-tập từ xưa, cái căn-tính không tốt, lại nhờ được sức đản-hộ đủ cả mọi mặt, không trách nào trong thương trường ta, người Hoa-kiều tung-hoành đến thế được.



  1. — surveiller: trông nom
  2. — Sự này bây giờ không thế nữa, song le mua bán thuốc phiện lậu vẫn là Hoa-kiều làm một người chân hung che mặt. vì ta buôn bán thuốc phiện lậu thì cũng chỉ bán cho người Tầu chứ cho ai? Trong Nam-kỳ bây giờ, những cửa hàng có môn-bài bán thuốc phiện, có dễ hầu hết là của Khách-trú cả.
  3. — Muối bây giờ, cũng như thuốc phiện, và rượu, độc-quyền về tay Chính-phủ, nhưng mà đến việc trưng ruộng muối, thì vẫn Hoa-kiều có nhiều, thứ nhất là trong Nam-Kỳ, thế thì chẳng chiếm được độc-quyền đó, nhưng mà vẫn có lợi to.
  4. — Trong Nam-kỳ. Hoa-kiều có quyền nấu rượu thật, hiện ở Thủ-Đức cách Saigon 14 kilômêt, họ có mấy nhà máy cất rượu.
  5. — Cái chức thầu khoán trong Nam-Kỳ, hầu hết là Hoa-Kiều làm cả.
  6. — Cái thể-lệ ấy đã thi-hành mấy năm nay rồi, nghĩa là đã bắt những Hoa-thương ở đây, nhất thiết sổ sách giấy má, lập hội kết xã, về việc buôn bán đều phải theo luật thương-mại của Pháp, các chú cũng tuân theo, nhưng chỉ có hình-thức đấy thôi, chứ cái tình hình bề trong, bây giờ cũng thấy nghiệm như những lời mà người viết bài ấy đã nói tiếp sau đó.
  7. — Đoạn này, người viết bài kia nói có hơi quá đôi chút.
  1. Gốc: nghe được sửa thành nghề: chi tiết