Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Phần thứ nhất/V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

V

Sao người Nam-Kỳ ta không trọng nghề nghiệp?Nghề nghiệp của Hoa-kiều. — Nghề thủy-vận. — Các công-nghệ khác. — Nhân-công.

Ai vào Nam-kỳ ở ít lâu. thấy mỗi sự gì cần dùng, phần nhiều phải chạy đến các chú thì mới có, bất giác phải kêu lên rằng: đất Nam-kỳ của nhiều người đông, sao không có công-nghệ gì là công-nghệ, ngay đến những thứ cần dùng trước mắt, cũng không tự biện lấy mà dùng? Có biết đâu rằng: trong Nam-kỳ người đông thật, mà không phải là nhân-công, của nhiều thật mà không phải là tư-bản. Là vì người đông, nhưng trừ những người làm ruộng, và làm « việc Nhà-nước » ra, — số này tính cho gióc cũng không bao nhiêu người, — còn thì đều ham cái chủ-nghĩa phóng-túng, có thiết gì đến sinh-nghiệp (là nói sinh-nghiệp đứng đắn, có ích cho thân mình, cho xã-hội); của nhiều nhưng có thể nói được toàn là của mấy ông điền-chủ, ngoài sự ruộng xâu trâu nái, lúa đụn thóc kho ra, tưởng không còn bụng dạ nào để làm đến việc khác, vả chăng tiếng là xứ ruộng nhiều gạo lắm, mà còn đến mấy triệu mẫu đất chưa khai khẩn ra, thế thì người có ấy, của có ấy, hãy để làm những việc khẩn hoang ấy cũng chán.....

Phương chi còn vì hai cái trở-lực như sau này nữa:

Một là tại khí-hậu khó chịu. Khí-hậu và cuộc sinh-hoạt hành-động của người ta, rất là quan-hệ với nhau; khí-hậu dễ chịu thì người ta thấy tinh-thần khỏe khoắn, mới ham làm việc, nếu khó chịu, thì thấy tinh thần uể-oải, đâm ra tính lười, không thiết mó tay đến việc gì cả. Khí-hậu trong Nam-kỳ khó chịu thật; Ông Léon Werth là một người có tiếng trong báo giới Pháp[1] độ đầu năm mới rồi, sang du-lịch Nam-kỳ có ít hôm, mà bình-phẩm xứ Nam kỳ rằng: « Ấy là một xứ có ý-vị cho những người ở đấy ăn chơi sung sướng, mà thật là một xứ đáng chán cho những người muốn ở đấy để làm lụng», tức là có ý phàn nàn về khí hậu Nam-kỳ mà nói vậy. Đầu năm đến cuối, nóng nực luôn luôn, không khi nào rời được cái quạt, mà nóng lại nóng âm thầm bứt rứt, ngày làm việc độ 7, 8 giờ đồng hồ, đã lấy làm mệt nhọc lắm rồi. không nghỉ không chịu được, chớ không phải như ngoài Bắc này, quanh năm chỉ phải 5 tháng vừa nóng vừa rét, còn 7 tháng thì thật là mát mẻ dễ chịu, làm việc không hay nản. Vì thế, mà những nghề như nghề buôn bán công-nghệ, là những nghề tổn sức óc, mướt mồ hôi, người Nam-kỳ ta trông thấy mà ngại.

Hai là tại dễ kiếm ăn. Đất Nam-kỳ, tấc cỏ ngọn rau, đều là tiền bạc; những đám cùng-dân, đã không chịu làm thì thôi chịu làm thì thế nào cũng đủ ấm no sung sướng. Ta vào đấy thấy không có mấy người mặc quần áo lam lũ, ăn mày ăn xin, mà những hạng làm cu-li, phu gạo mặc lòng, sáng nào cũng củ-tíu[2] cà phê, tối nào cũng nước trà bánh ngọt, đó là cái chứng cớ dễ kiếm ăn vậy. Ở những các miền nhà quê, cày một thửa ruộng, bạt mấy cái bờ, cũng là được đồng bạc hay hơn đồng bạc công; ở nơi thành-thị, những kẻ đi vác gạo kéo xe. chỉ làm một lúc hoặc nửa ngày, kiếm một vài đồng bạc như chơi, thế là ngày ấy còn bao nhiêu giờ, cũng chỉ nghỉ ngơi chè chén, không thèm làm nữa. Đến những kẻ đi làm bồi bếp, hay là dọn dẹp trong các tiệm buôn, tháng kiếm được mươi lăm hay vài ba chục đồng là thường, mà cũng ngày làm hai buổi, trưa giấc ngủ ngon, như thế thì còn có làm nghề gì, nhàn hạ mà kiếm chác được dễ hơn nữa không? Ai dại gì làm nghề khác, vất vả suốt ngày, nào chắc đâu đã kiếm nổi như vậy.

Cho nên, có người nói, ở trong Nam-kỳ, trừ nghề làm ruộng là nghề căn-bản ra rồi, đến nghề thợ bạc, nghề thợ may và một vài nghề nhỏ nhặt nữa, thì không có nghề gì khác: ta xem mỗi lần hội chợ Hanoï, ở gian Nam-kỳ, chỉ thấy nhiều ve đựng gạo mà thôi, ngoài ra không có đồ gì đáng gọi là đồ công-nghệ chế-tạo, như thế thì đủ biết. Đến như nghề lặt vặt cũng không chịu làm lấy mà dùng, hoặc bởi cho là khó nhọc và đê-tiện, hoặc tại thấy ít tiền không thèm làm, ấy tức là cách mở tung cửa ra cho người Tầu sấn vào vậy.

Nghề nghiệp của người Hoa-Kiều trong Nam-kỳ cũng thịnh lắm, không chỉ những buôn bán mà thôi. Nghề nghiệp họ làm, to thì mở mang lừng lẫy, ganh đua với người, nhỏ thì đủ nuôi những lũ đàn bà con trẻ, cùng là bọn không học thức, không tiền tài, đời sinh hoạt đã chẳng phải lo, mà lại có cơ tiến-thủ mạnh nữa. Họ soay sở khéo lắm, nghề gì cũng làm, mà những nghề họ làm đó, ví ở ngoài Trung, Bắc này, thì tất người mình làm, thế mà ở trong Nam-kỳ, họ không làm không được. Có người nói: nếu Hoa-Kiều không làm, thì Nam-kỳ không lấy vật-liệu đâu mà dùng, tưởng không phải là nói quá đáng.

Nghề nghiệp của họ thật nhiều, mà nghề nghiệp gì xem ra cũng khá hết cả.

Trước hết ta hãy nói về nghề thủy-vận. Xứ Nam-kỳ nhờ có sông Cửu-Long-giang, chia làm Tiền-giang, Hậu-giang, lại chia làm nhiều sông ngành sông nhánh, mà phần nhiều các tỉnh-thành đều ở bên sông, cho nên sự giao-thông, đường thủy có phần tiện-lợi hơn đường bộ; các tầu bè chạy trên sông ấy, toàn là của Tây và Khách-trú, mãi sau khi tẩy-chay xong, ta mới có một chiếc tầu Phán Nuôi (tức là tên ông chủ tầu ấy, ở Vĩnh-Long) chạy đường Saigon Phnom-Penh (Kinh-đô nước Cao-Miên, ta gọi là Nam-Vang, Tầu đặt tên là Kim-Biên, 金 邊, từ Sàigon lên mất 2 đêm một ngày), và sau này có một vài chiếc nhỏ nữa chạy ở miền Long-Xuyên, Châu-Đốc, ấy thế mà thôi, còn thì vào tay Hoa-Kiều cả, Tây tuy có một hãng Messageries Fluviales, có mấy chiếc tầu, trông to tát, đẹp đẽ, sạch sẽ, sang trọng, nhưng cách kinh-doanh nhiều lợi, chưa chắc đã được bằng người Tầu.

Họ lập ở Chợ Lớn mấy cái xưởng đóng tầu, to nhỏ đến non một trăm chiếc, chạy khắp trên sông Cửu-Long-giang, hễ chỗ nào mà sông có đủ nước chạy tầu, là thấy có hiệu còi của tầu các chú, để chở hành-khách, và chở hàng-hóa; trong Nam-kỳ, chở hàng-hóa mà do tầu thủy, thì lại càng tiện và chóng lắm, nhân thế mà ta thấy Khách-trú ở Chợ Lớn gửi đồ hàng đi các nơi, cùng là các nơi gửi tiền về giả, hầu hết là do tầu thủy các chú chuyển-đệ cho, ít có khi cần đến sở bưu-chính. Thuyền bè của họ cũng không ít: nội là những thuyền bè cùng sà lan, chở lúa ở Lục-tỉnh về nhà máy Chợ Lớn, rồi chở gạo ở các nhà máy Chợ Lớn ra bến tầu Sàigon, cuộc vận-tải này thật là hoạt-động luôn luôn, toàn là người họ chủ-trương lấy cả, ngoài ra còn chở củi, chở than, chở gạch ngói v... v... cũng là thuyền bè của các chú làm, thành thế ra số dân họ ở dưới nước, và sinh-nhai về nghề thủy-vận này, mới đến hơn một vạn người. Nghề ấy của họ phát đạt như thế, mà nào có thấy ai tranh dành được, trước đã nghe ông Bạch-Thái-Bưởi định đóng ít nhiều tầu, để vào chạy trong Nam-kỳ, nhưng mãi không thấy gì, hay là tin ấy không thực, hay là ông tự liệu sức mình chưa đủ mở mang ra trong ấy được?

Đến như gọi là các nhà công-nghề chế-tạo của họ, ở Saïgon, trừ mấy nhà đóng đồ gỗ gụ ra. thì không có công nghệ gì đáng kể, nhưng mà Chợ-Lớn đã gọi là kinh-đô buôn bán của Hoa-kiều rồi, giá có gọi là nơi trung-tâm công-nghệ của họ nữa cũng được. Không kể những nhà máy gạo, những xưởng đóng tầu, là công-nghệ to tát, và đã nói ở trên kia ra rồi, thì Chợ-Lớn còn có nhiều công-nghệ nữa, ta nên biết lắm.

Thứ nhất là nghề làm chum, vại. thạp, liễn v...v... bằng sành; những đồ này trong Nam-kỳ không thấy có nhà nào không dùng. mà tuyệt nhiên không thấy một người mình nào làm cả, chỉ toàn là Khách-trú thôi. Họ có đến mấy lò nung những thứ này, mà nhất là cái lò ở đường Cây-Mai, chế những đồ sành vẽ hoa, và bôi thuốc rất khéo đã có tiếng lắm, người Âu-châu nào đến Nam-kỳ, tất là vào đấy xem, cho là một nghề mỹ-thuật của người Tầu vậy. Họ có cả nhà máy nung gạch ngói v...v... chở đi bán khắp cả Lục-tỉnh; nhà máy cưa, xưởng làm các đồ bằng thủy-tinh; mấy nhà thuộc da theo lối Tầu: nhiều nhà dệt vải: nhiều nhà chế sà-phòng. v...v... Nếu biên hết được cả những công-nghệ của họ trong Chợ-Lớn, thì tất phải cuốn sổ dài, đây là chỉ kể những nghề to tát mà thôi.

Còn như ở Lục-tỉnh, thì có khi tỉnh nào họ cũng có công-nghệ, và cả canh-nông nữa, đại-khái công-nghệ to tát mà họ ở các tỉnh như sau này:

Bắc-Liêu: dệt chiếu, đánh cá ở miền Cà-mâu; làm muối

Bà-Rịa: giồng bông, làm muối. Tỉnh Bà-Rịa này, hải-phận nhiều, cho nên có đến 800 mẫu ở quanh vùng mấy làng Long-Thành, Long-Điền, là ruộng làm muối, mỗi mẫu mỗi năm được đến 6000 cân tây muối, cái quyền này lâu nay vào tay Hoa-Kiều mãi.

Biên-Hòa: tỉnh này giồng nhiều chè (tức là chè Huế,) Hoa-Kiều mua rồi chế-hóa thế nào, làm thành như chè của Tầu, mà lại bán cho ta.

Gai-Định: làm nghề đánh cá ở cửa Cần-giờ rất nhiều.

Hà-Tiên: toàn khách Hải-Nam ở, giồng hồ-tiêu và đánh cá rất thịnh.

Rạch-Giá: nhiều nhà dệt chiếu hoa rất tốt.

Sa-Đéc: cũng nhiều xưởng dệt chiếu trơn.

Thủ-dầu-Một: lò làm đồ sứ.

Trong tất cả các công-nghệ của Hoa-kiều ở Nam-Kỳ, ta nhận kỹ thì thấy có mấy nghề này thua người bản-xứ. Một là nghề nhuộm thâm. Ở Cao-Lãnh họ cũng có một vài lò nhuộm nhưng kém cái nghề nhuộm ở mấy làng Gò-vấp, Phú-nhuận, Hốc-môn và Thủ-đức (thuộc tỉnh Gia-định) xa, chính những nhà buôn tơ lụa của Hoa-Kiều ở Chợ-Lớn, cũng phải thuê những làng này nhuộm ta thấy những the Saigon, xuyến Saigon, lĩnh Saigon, hàng thì hàng Tầu, nhưng toàn là ta nhuộm, trông mỡ màng bóng bẩy, khéo và đẹp biết bao nhiêu. Hai là nghề làm đồ vàng bạc. Đồ này thì người bản-xứ làm tinh-tế và mỹ-xảo hơn nhiều, ta thấy lá vàng rõ mỏng tanh, mà chạm trổ được rất khéo, đáng gọi là mỹ-thuật của Nam-kỳ lắm. Ba là đến đồ sứ. Đồ sứ ở bên Tầu chế làm sao mà đẹp thế thì không biết, chớ đồ sứ của Hoa-Kiều chế ở đây men đục dáng thô, trông rất là xấu, còn thua đồ sứ của ông Nguyễn v-Tấn ở Haiphoug, và công-ty Hợp-lợi nhiều lắm. Ngoài ra, nghề gì ta cũng chẳng bằng họ, mà nghề gì cũng nằm vào trong tay họ hết.

Nói tóm lại ngay những vật-liệu ta thường dùug, trong 100 phần phải ngưỡug-cấp ở Hoa-kiều đến 80 phần, chưa kể đến những nguyên-liệu của ta mà họ lợi-dụng để chế ra các vật-sản đem ra bán ở ngoại-quốc nữa, thì đủ biết nghề-nghiệp của họ phát-đạt là thế nào? Vả lại, họ làm nghề gì cũng kiếm ra nhiều tiền cả, nếu không thế thì lấy đâu mà ăn uống tiêu pha, vợ con nhà cửa, lấy đâu mà mỗi năm bao nhiêu là thuế, lại lấy đâu mà khuân của về Tầu.

Nghề nghiệp của họ đã thịnh, cho nên họ nuôi được một đảng nhân-công khá lớn, từ đàn bà trẻ con, cùng là kẻ già yếu tàn tật, chạy giặc chạy đói ở bên Tầu sang, vô số nghề nghiệp làm ăn, không lo chết đói. Họ đã sẵn có bụng đùm bọc lẫn nhau, cho nên đồng-bào họ đã đem thân — có khi cả gia quyến — vào đất Nam-kỳ, dễ thường không ai là kẻ vô dụng mà đến nỗi thừa. Trong các nhà buôn bán, từ anh thư-ký cho đến thằng bồi nấu ăn, họ dùng toàn người họ chớ không dùng đến người mình. Trong các xưởng đóng tầu, các nhà máy gạo, các xưởng dệt, các xưởng máy, các nơi giồng giọt, cho chí thợ mộc, thợ may, thợ giặt, vót đũa, đan rổ, bán thịt, gánh nước v... v... toàn thị là nhân-công họ làm cả, ở những nơi đô hội như Saïgon và Chợ Lớn, muốn chữa cái cánh cửa, cũng phải thợ các chú, muốn giặt quần áo, thì cứ hào tư một bộ, cũng phải đưa cho thợ các chú, mà ở trong chợ búa, những món ăn cần dùng cũng là các chú bán cả; đại khái như thế, muốn dùng gì tất phải cần đến họ, người bản-xứ tuy cũng có làm những nghề ấy, song có thấm thía vào đâu! Phần nhiều những tiện-nghệ, ví bằng dùng nhân-công mình thì có phần rẻ hơn nhiều, song đắt hơn đôi chút, mà họ cứ dùng người họ, tấm lòng bao dung đồng loại như thế, cho nên đám khổ-công bên Tầu, là một thứ nhập-cảng lớn ở Nam-kỳ vậy.

Họ cũng có đi làm việc Tây, nghĩa là làm trong các sở Nhà-nước và thứ nhất trong các hãng buôn. Trong Nam-kỳ, công-sở nào cũng có người Tầu làm vì có nhiều việc phải cần dùng giao-thiệp với họ. Trong các hãng buôn, thí dụ như nhà ngân-hàng, cùng là các công-ty xuất, nhập cảng của người Âu Mỹ, đều phải dùng người Tầu làm Compradore (Mại bản), mà không dùng người mình, bởi cho người mình chưa đủ tư cách đứng vào cái địa-vị ấy.

Nói tóm lại, Hoa Kiều ở trong Nam-kỳ, chỉ trừ có cái nghề kéo xe tay, là cái nghề mà bọn họ ở bên Nam-dương quần-đảo (Singapour, Java, Malaisie v... v...) làm nhiều, mà ở đây không làm, vì là còn giữ cái thể-diện « thượng quốc » đôi tí, còn thì nghề nghiệp gì, cũng là ở tay họ làm hết, những sự nhu-dụng của ta, phần nhiều là họ cấp cho cả. Có người Nam-kỳ nói hách dịch rằng: « Mình sẵn tiền của, để Chệt nó làm đày tớ cho, chẳng xướng lắm ư! ». Câu nói ấy hách-dịch lắm, nhưng nghe có phải hay không?



  1. — Lại bị ngờ là[đính chính 1] một người lãnh-tụ trong đảng cộng-sản Pháp, cho nên khi sang đây, bị trông nom riết lắm.
  2. là một thứ như cháo để ăn sáng, của các chú bán.
  1. Gốc: được sửa thành bị ngờ là: chi tiết