Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Phần thứ nhất/VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VI

Việc giáo-dục. — Việc truyền-bá tư-tưởng. — Việc từ-thiện. — Việc Y-tế.

Hoa-Kiều đến ở một chỗ nào, chẳng những đã không muốn đồng-hóa với chỗ ấy, mà lại muốn lập chỗ ấy thành nơi «đệ nhị cố-hương» 第 二 故 鄉, quê quán thứ hai) của mình, cho nên mọi công-cuộc có quan-hệ đến đoàn-thể, đến thế-lực, đến tương-lai của họ, như những việc giáo-dục, việc từ-thiện, việc y-tế, cho đến việc truyền-bá tư tưởng bằng báo và sách, họ đều gây dựng lên và đâu có trật tự ra đấy cả.

Họ vào ở đất Nam-kỳ ta cũng vậy, trong khi đã làm vững chãi được cái thế-lực của họ trong trường kinh-tế rồi, thì họ chăm lo xếp đặt ngay các việc kia, biết rằng có quan-hệ đến vòng sinh-hoạt của họ ở đây, và cuộc tương-lai của họ về sau nữa.

Về việc giáo-dục, họ càng lưu tâm, nhân vì họ sang doanh-nghiệp bên này, có kẻ đem cả vợ con sang, có kẻ lấy người mình sinh ra con cái, muốn cho những đàn con ấy, biết đến tổ-quốc, và không quên được cái bản sắc của mình, nghĩa là không muốn để cho con cái mình đồng hóa với người bản-xứ, cho nên việc giáo-dục thì họ tự biện lấy, theo cái mực thước của mình, các nhà hào thương, bỏ tiền ra quyên vào việc giáo-dục nhiều lắm, ấy cũng nhờ thế mà có trường tư-lập và công-lập rất nhiều, con cháu của họ không có cái lo nhà trường chật bàn ghế, ta đừng có tưởng người Tầu sang đây, không trọng học thuật mà nhầm.

Kể các trường tư của họ lập ra ở hai thành-phố Saigon và Chợ-Lớn cùng là ở Lục tỉnh, để dạy hoặc Hán-văn hoặc Pháp-văn, thì nhan nhản không biết đâu mà đếm. Còn như các nhà trường công-lập, nghĩa là những nhà trường mà Hoa-Kiều bỏ tiền ra lập chung với nhau, thì một góc thành-phố Chợ Lớn, trường tiểu-học đã thấy có nhiều, mà có hai trường này là to nhất: một là trường «Huệ thành trung-học » 𥛸 城 中 學. học sinh phỏng 200 người, toàn là 17, 18 tuổi trở xuống; trông cách thức xếp đặt thì biết rằng kinh-phí cũng nhiều, vì nhà trường to tát lắm, có nhà ngủ, phòng học, phòng tắm, sân chơi, lại có sân tập thể-thao nữa, do một tay chuyên-môn của họ dạy, học sinh thì quần áo mũ giầy, ăn mặc phải cùng theo một lối, chương-trình học cũng rộng, các khoa toàn là Hán-văn, ngoài kiêm cả đến ngoại-quốc-văn, như là chữ Anh, chữ Nhật, chữ Pháp v..v.. trong bọn học-sinh, những kẻ thông minh cường-tráng rất nhiều, mỗi khi có lễ gì, ta thấy bọn học sinh ấy, ăn mặc một sắc, đánh trống thổi kèn, vác lá cờ năm sắc cộng-hòa đi hàng đôi ở ngoài đường, thì trông cũng có vẻ mạnh mẽ lắm. Hai là trường «Khôn-đức nữ-học» 坤 德 女 學, để dạy con gái, học trò cũng đông, mà cho đàn bà quản-đốc, chương-trình thì chỉ dạy qua loa những điều thường-thức về các khoa học v..v... còn thì toàn là dạy nghề may vá, cách nấu ăn, là môn học thiết thực cho đàn bà, đàn bà của họ học như thế, chớ không học phiếm như các cô nữ-học-sinh nước mình, đỗ đến bằng thành chung (Diplôme d'Etude complémentaire) mà về nhà nướng miếng thịt cháy khô, thổi nồi cơm không chín, như là cô Nguyễn-thị-Nhung đã phàn nàn ở trong báo Echo Annamite mới rồi (số báo ra ngày 7 Juillet 1924)

Cao hơn một bậc nữa, thì họ có trường « Trung Pháp học hiệu» 中 法 學 校 (Lycée Franco-chinoise), cũng ở Chợ-Lớn; giáo-viên phần đông là người Pháp, mà học-khoa thì trọng thương-mại hơn là các khoa học khác. học sinh được độ 100 người; các nhà văn-hào chí-sĩ của họ, như hạng Uông-tinh-Vệ, 汪 精 衛, Sái-nguyên-Bồi 蔡 元 培, đi qua lại Nam-kỳ, thường diễn-thuyết trong trường này luôn.

Trường nào cũng vậy, họ dùng nhiều cách cổ-lệ học trò, cốt nhất là rộng kiến-văn và trí phán-đoán, như mỗi khi có việc gì mới lạ xẩy ra ở nước họ, hay là ở Âu-châu, thì trong trường yết bảng ra cho học trò xem rõ đầu đuôi việc ấy rồi, đấy tức là cái đầu bài, hỏi ý-kiến từng người, xem phỏng mình gặp việc như thế, thì đối phó ra làm sao, ấy là cách luyện-tập trí suy-nghĩ nhanh nhẹn cho bọn thanh-niên họ vậy. Ngoài ra họ cũng dùng cách dạy học truyền-khẩu, để dạy đám lao-động, năm ba ngày lại họp một lần ở nhà công-quán, mở cuộc nói truyện nói về lịch-sử, địa-dư, công nghệ, thương mại, v... v... đám lao-công nhân đó mà không đến nỗi u-mê về mấy điều thường-thức.

Việc học họ đã làm phổ-cấp như vậy rồi, lại còn mở ra nhiều nhà in và báo chương để làm cơ-quan giúp ở ngoài nữa.

Cái nghề nhà in và nghề làm báo của bọn Hoa-Kiều trong Nam-kỳ cũng phát đạt lắm. Ở Saigon và Chợ-Lớn, họ có 3 cái nhà in to, sinh-kế nghe chừng có vẻ khá, vì cứ in những giấy má buôn bán của họ cũng đã đủ nhiều công-việc rồi. Thợ làm toàn là người họ cả. Báo giới thì họ có báo « Nam-kỳ Hoa-Kiều nhật-báo » 南 圻 華 僑 日 報 do người Quảng-Đông tổ-chức lên, xuất-bản hàng ngày, ở giữa phố Thủy-binh (rue des Marins) là phố buôn bán to nhất trong Chợ-Lớn, nhưng đã mấy lần chết đi sống lại, xem chừng không được phát đạt, vì dân-đảng Quảng-Đông là dân đảng của Tôn-Văn, thì hình như các dân-đảng kia không hoan-nghinh mấy.

Khi mới đầu, quyền biên-tập báo ấy do ở tay một cụ Tú cỏ nào ở đời Mãn Thanh đứng chủ-trương, tư-tưởng cũng quá nệ như mấy ông đồ già của mình, nên xem buồn lắm. Về sau, sửa sang mãi, thì mới thành một tờ báo đứng đắn, nhưng tôn-chỉ cũng chỉ hạn ở chỗ này, là khuếch-trương việc buôn bán. Vả chăng, không có ai nói, nhưng ta đồ chừng cũng biết rằng: họ lập báo trong đất nước mình, thì cũng chẳng có quyền nói tự-do nào, nghĩa là phải theo cái chương-trình đã hạn-định, vì Nhà-nước sợ hoặc họ có làm phương-ngại đến việc chính-trị, và phiến-động dân mình chăng? Bởi vậy cho nên, cách thể-tài của tờ báo ấy, trừ đăng những tin tức lặt vặt ở bên nước họ và bên ta ra, thì cũng chuyên-trọng về mặt buôn bán, có thể gọi là tờ nhật-kê của phòng Thương-mại cũng được.

Trừ cái[đính chính 1] cơ-quan ấy ra, thì người Hoa-Kiều không có một thứ sách vở nào xuất bản trong Nam-kỳ, nhưng mà họ có nhiều cửa hàng sách; những cửa hàng sách bán đủ các môn loại, mấy hiệu sách Tầu ở ngoài ta chưa thấm vào đâu, người mình vào mua, trừ mấy quyển tiểu-thuyết nhảm ra, còn những pho nào có giá-trị lớn, tư-tưởng hay, thì hình như họ không muốn bán cho Ấy cũng là một điều lạ. Thư-viện của họ, lớn nhỏ rất nhiều, trong nhà công-quán của mỗi bang, đều có nhà xem sách, đủ cả sách, Hoa, Anh, Pháp, Nhật v..v.. nhưng cũng là sách về các khoa học phần nhiều, thứ mới đến tiểu-thuyết.

Than ôi! Đảng dân Hoa-Kiều ở ta thật là được yên thân yên phận làm ăn, đói rét không đến nơi, súng đạn không nghe tiếng, bao nhiêu cái quang-cảnh loạn-li khổ sở ở bên họ bây giờ, họ tránh xa được cả, thì chỉ có việc buôn bán làm giầu, ngoài việc buôn bán làm giầu, thì chỉ có việc mở mang giáo-dục học-thuật, phương chi họ súc-cảm về cuộc chính-trị ở trong, đau đớn về việc áp-chế ở ngoài, thân tuy ăn ở đất người, lòng hằng quyến luyến nước tổ, vậy thì về mặt mở rộng trí-thức, bồi bổ tinh-thần cho nhau, là việc phận-sự của họ phải làm, ta không lấy gì làm lạ vậy.

Đến như việc từ-thiện, việc y-tế, họ lại càng lưu ý lắm, vì những việc kia quan-hệ đến tinh-thần, thì những việc này quan-hệ đến sinh-mệnh. Ta nên biết rằng: Hoa-Kiều rất nặng về tấm lòng hương-quốc, thì cũng nặng về khối tình đồng-bào, cho nên đối với công-việc từ-thiện và y tế, họ coi là cần dùng lắm, mà cần dùng thật. Việc từ-thiện thì họ có đủ cả. nhà bảo-cô, xe chữa cháy, sở nuôi những kẻ tàn tật, khoản tiền cấp cho kẻ nghèo nàn v...v... ấy là việc từ-thiện chung của đoàn-thể đối với cá-nhân, đến như cá-nhân đối với cá-nhân, thì việc ấy họ lại nhận là nghĩa vụ nữa. Ta thường thấy nhiều người Hoa-kiều vợ con đề huề, không may gặp phải cảnh thất cơ lỡ vận, thì anh em rước cả về nhà nuôi, nhường cơm cho ăn, sẻ áo cho mặc, đưa tiền cho tiêu, lại tìm việc cho làm, cái lòng yêu nhau thật là đến nơi đến chốn lắm, một năm như một ngày, tuyệt chẳng có ý nào lận-tích với nhau cả, vì cái tiếng hào-hiệp họ vẫn có xưa nay. Nhân thế mỗi khi có việc gì làm phúc, thì họ sợ sau tranh trước, quyên giúp rất nhiều, chẳng thế mà khi Tôn-Văn làm cách-mạnh, tiền dùng để vận-động hàng vạn hàng triệu đều nhờ bọn Hoa-Kiều, nghe nói những ngày ấy, Hoa-Kiều ở Nam-kỳ quyên cho Tôn đến hàng mấy triệu, như thế thì họ hiểu đại-thế nhiều lắm.

Việc y-tế thì họ có lập ra ở Chợ-Lớn một nhà thương to và riêng cho người họ nằm dưỡng bệnh, thể-thức y như các nhà thương lớn mà Nhà-nước lập ra ở đây, cũng do người Pháp trông nom, cũng chia ra chỗ phát thuốc, phòng thăm bệnh, nơi làm phúc, nơi mất tiền, mà tiền phí tổn thuốc men v.. v... toàn là ở sổ chi-thu chung của họ xuất ra cả. Ngoài ra những thày thuốc người họ, lập ra bệnh-viên riêng cũng nhiều lắm, ta đi quanh ở Saigon, Chợ-Lớn và ngay ở Lục-tỉnh cũng vậy, thấy ngoài cửa có biển đề « Y-học bác-sĩ Mỗ Mỗ ngụ » cùng là « Tân-pháp nữ-hộ-sản Mỗ Mỗ ngụ » thật nhiều, đếm không thể hết được. Người Tầu chuyên môn nghề chữa mắt chữa răng theo lối Âu-châu có 5, 7 nhà, tiệm bán thuốc tây một vài nhà, còn đến như những tiệm bào-chế lớn nhỏ nhiều quá, lớn như những hiệu Nhị-Thiên-Đường 二 天 堂, Quảng-Tín-Ký 廣 信 記, dám đăng cáo bạch mỗi tháng một trăm đồng, mà thuốc hoàn-tán của họ mỗi năm bán cho ta không biết bao nhiêu vậy không nên khinh rằng cái nghề « bàn tán, dao cầu » của họ, là nghề không phát đạt.

Xem thế, thì họ sang doanh-nghiệp ở ta, cốt mưu gây dựng lên cái cơ-sở lâu dài, cho nên mọi việc đều mở mang hoàn-thiện như thế, nghĩa là họ muốn lấy đất Nam-kỳ làm nước Trung-hoa thứ hai vậy. Ai tưởng rằng: Hoa-Kiều đến đây, ai cũng chân ướt chân ráo, hễ đẫy túi là về; nếu nghĩ kỹ mới biết mình nghĩ thế là nhầm, chưa suốt được cái tâm-lý cao xa của họ, là muốn tàm-thực ta, mà người trước cốt gây dựng lên, để dìu dắt bảo hộ cho người đến sau vậy.



  1. Gốc: hai được sửa thành cái: chi tiết