Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ/Phần thứ nhất/VII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VII

Cái tính chất riêng của Hoa-kiều tính nhẫn-nại. — Cái tư-tưởng thôn-lạc. — Hoa Kiều ở đây, cuộc trị-an của ta có ngại gì không? — Mấy cái tội án của Hoa-Kiều: Thiên-địa-hội; buôn người; làm giấy bạc giả v... v...

Từ đầu đến đây, độc-giả đã biết đại-khái cái thế-lực của Hoa-Kiều trong Nam-kỳ to lớn vững vàng là thế nào rồi, nhưng nhờ về đâu mà họ gây được cái thế-lực to lớn vững vàng như thế? Tác-giả chỉ nói rằng: nhờ về cái tính nhẫn-nại của họ.

Tính nhẫn nại là tính chất riêng của người Tầu, người thế-giới đã đều chịu phục. Muốn làm công-việc gì mặc lòng, họ đều lấy nhẫn-nại làm bản-lĩnh, cho nên tổ-quốc họ chẳng hề có khuyến-khích cái chính-sách thực-dân, mà ngay họ cũng chẳng có cái tư tưởng thực-dân, thế mà miếng đất nào trong gầm giời này, họ cũng đặt chân vào mà sinh cơ lập nghiệp được, ấy là nhờ có tính quen nhẫn-nại đi rồi.

Tính nhẫn-nại của họ, có một từng cao hơn mọi người trong thế-giới, là có sức chống chọi lại được với khí giời: rét mướt như ở Tây Bá-Lợi-Á. (Sibérie), nóng chói như ở quần-đảo Nam-Dương, (xứ Nam-kỳ ta cũng thuộc về khí-hậu này) người Tầu cũng coi như là một nước thứ hai của mình. Một người Tầu là Trúc-khả-Trinh 竺 可 楨 nói rằng: « ...Những người ở nhiệt-đái, không thể nào chịu nổi được khí-hậu cuối mùa đông ở bên ôn-đái, như là người Phi-châu, không sao sinh trưởng được ở chỗ khí giời dưới 40 độ; lại người quen ở ôn-đái đi rồi thì không thể nào chịu nổi được khí giời ở hàn-đái và nhiệt-đái; như là người châu Âu, sang Ấn-Độ ở hai ba năm, tất phải về nước một lần; ở bờ bể phía tây châu Phi, đã có tên gọi là cái « mồ người da trắng », xem thế đủ biết cái sức để-kháng khí giời của loài người rất là hèn, nhưng người nước Tầu ta thì không thế, nội là những chỗ rét nhất nóng nhất ở trong thế-giới này. đều có vết chân người Tầu.... ».[1] Thật là nói không sai, mà người châu Âu nói là « Hoàng họa » (cái vạ da vàng, le péril jaune,) là cũng có ghê cái tính nhẫn-nại của người Tầu một đôi phần vậy.

Đến như trong các công-việc làm, cái tính nhẫn-nại của họ, ta lại cũng nên sợ lắm. Ở trong Nam kỳ, là chỗ tụ-họp rất đông những đám lao-công người Tầu, ta thấy họ thức khuya dậy sớm, giãi gió dầu mưa, làm lụng suốt ngày, hình như không biết mỏi, mệt, cho nên có nhiều đồn điền giồng giọt, các xưởng máy, các tầu chạy biển, đều dùng người Tầu nhiều, cho là có tính chịu khó, làm được nổi nhiều việc mà người ta không thể làm được. Tức như một việc đốt than ở dưới tầu biển, vì gần lò nên nóng nực quá, người châu Âu làm thì súc được vài sẻng than bỏ vào lò, lại ra ngồi hứng gió và hút thuốc lá, chớ người Tầu, cứ ngồi luôn ở trước lò, lại lựa từng cục than mới bỏ vào, chịu được cả nóng nhân thế người Tầu có tiếng là đốt than giỏi nhất. Xem thế thì tính nhẫn-nại của họ ghê quá, suy ra công-việc gì cũng làm được thành công to là thế vậy.

Người Hoa-Kiều yêu nước, mà còn yêu cả làng, tức Lương-Khải-Siêu 梁 啓 超, là bậc đại-văn-học ở nước Tầu hiện thời gọi là cái « tư-tưởng thôn-lạc 思 想 村 落. Ta thấy bọn Hoa-Kiều trong Nam-kỳ, bang Phúc-Kiến, bang Quảng-Đông lập trường riêng dạy bằng tiếng bang mình v... v... lại thường khi trong bang này bang khác, sinh sự xung đột với nhau, là vì cái tư-tưởng thôn-lạc này cả. Tiếng nói không được thống nhất, thì cảm tình dễ phải phân chia, cho nên mới có cái tư-tưởng ấy. Tư-tưởng ấy cũng có lợi, nhưng nếu quá độ, thì rất ngăn trở cho sự dân-tộc tiến-hóa, ta xem Hoa-Kiều sang ta, người mỗi tỉnh — tức là mỗi thứ thổ-ngữ — kết hợp thành một bang, chứng tỏ ra rằng: cái tư-tưởng thôn-lạc của họ quá độ vậy. Song lâu nay thì họ đã biết nghĩ đau về nỗi giống nòi bị người khinh rẻ, nên đã mộ cái tư-tưởng quốc-gia, mà cùng nhau mưu công an[đính chính 1] công ích lắm rồi, cho nên xem hiện trạng của Hoa-Kiều ở Nam-kỳ ngày nay, cái tư-tưởng kia, hầu như đã gần bỏ đi được hết.

Tuy vậy, ta cũng nên biết rằng: nhờ có cái tư-tưởng thôn-lạc như thế, mà họ sinh ra được một cái đặc-chất rất hay, là lòng bảo-thủ, chớ không chịu đồng-hóa với người ngoài. Trong Nam-kỳ nhiều người Tầu ở quá, nên ta trông thấy cái đặc-chất ấy của họ rõ ràng lắm: có phố khách, có làng khách, có đình chùa của khách, v.. v... ấy như bên nước họ, không thay đổi tí nào, nghĩa là họ đi đâu, thì đem cái văn-hóa của mình đi đấy, dầu cho có bị phong-trào sô đẩy, nhưng mà bản-sắc vẫn còn, chỗ này ta nên phục họ lắm vậy.

Mấy mươi vạn người Tầu sang kinh-doanh ở bên nước ta như thế, liệu cuộc trị-an của ta có ngại gì không? hay là quyền chính-trị của Pháp ở đây có bị nguy hiểm gì không? cái vấn-đề này, người Pháp lo hơn nhiều, nhưng tưởng ta cũng nên biết.

Nhiều người Pháp rất thạo về việc thuộc-địa, xét cái vấn-đề Hoa-Kiều, đều kêu lên rằng: xứ Đông-Pháp rồi đến mất; vì thấy từ khi — là lúc còn chính-thể quân-chủ, về đời Mãn-Thanh — nước Tầu bỏ khoa cử, cấm thuốc phiện, phái người đi du-học, luyện tập hải, lục-quân, v. v... rất gấp về việc văn-minh cải-cách; lại khi nổi cái phong-trào cách-mạnh, đạp đổ nhà Thanh, công phu chỉ có hơn một năm giời là thành được một nước dân-chủ, thật là quật-cường lắm, thì chắc thế nào họ cũng chiếm lại cái nước Việt-Nam này là đất nội-thuộc xưa kia của họ. Lúc bấy giờ người Pháp lo người Tầu hơn là người Nhật, vì sự xâm lược của người Nhật thì còn phải vượt qua đại-dương, mà người Tầu chỉ nhẩy qua chỗ biên-giới Bắc-kỳ là đến nơi. Quan nguyên Toàn-Quyền de Lanessan trước cũng nói rằng: Tầu chỉ đem 1 vạn lính cho giỏi là đủ làm cho người Pháp bỏ xứ Đông-Pháp mà thoái. Lo đến nỗi, người giỏi như ông Onésime Reclus cũng khuyên nước Pháp nên bỏ hẳn châu Á, vì ở không nổi, mà đem cả bao nhiêu cái sức thực-dân sang châu Phi là hơn.

Những cái lo ấy bây giờ không còn nữa, vì hiện-thế nước Tầu ngày nay, đang bè đảng rối loạn lung tung. lo thân chưa xong, làm gì còn có cái sa-vọng. nhưng cũng còn lo bọn Hoa-kiều ở đây, hoặc là làm thuê cho một nước nào đang thèm đất này, hoặc là xui người mình bạo động chăng? Hai cái lo ấy cũng đều là «giời ơi» cả. Hay là làm thuê cho Nhật? thì nước Tầu còn bị cái nhục 21 điều với Nhật kia. Hay là làm thuê cho Mỹ? thì đảng Hoa-kiều ở Mỹ mới bị Mỹ đuổi về kia. Mà nói rằng xui giục ta, thì cái truyện ấy cũng chẳng có. Xem như việc «thuốc độc» năm 1908, việc «Đề Thám». việc «xin thuế» năm Duy Tân tứ niên, việc «Phan xích Long ở Nam-kỳ, việc «Thái Nguyên » năm 1917, quả Nhà-nước không bắt được một người Hoa-kiều nào đồng mưu, đủ biết Hoa-kiều không xui Annam bạo-động gì được. Vả chăng, họ sang buôn bán bên này. vì lợi-quyền của họ to, khiến cho họ phải tôn trọng cái quyền-luật của Nhà-nước Đại-Pháp. nhất đán có việc gì, thì họ cũng phải táng thân bại sản. Vậy thì Hoa-kiều không đủ sức nào làm cho Nhà nước phải lo ngại đến việc chính-trị, mà ta cũng chẳng lo ngại gì, tất nhiên phải nhờ nước Pháp khai-hoá cho đến tận lúc ta trở nên một dân-tộc có đủ hoàn-toàn tư-cách. Cái ngày ấy chưa biết đến bao giờ.

Cái lo xa thì chưa thấy đâu, nhưng cái vạ ngay trước mắt mà Hoa-kiều gây lên làm hại ta, thì thật đã chán ra rồi Không kể chi nhiều, ta hãy nói những cái tội-án của họ, như là: Thiên địa-hội, buôn người và làm giấy bạc giả.

Người Tầu được có một cái tài, tội-ác gì làm cũng nổi, mà hay lập hội bí-mật thứ nhất, đã gọi là hội bí-mật, thì chỉ có một mục-đích, là làm cho thỏa lòng tư-dục của một số ít người, mà hại đến công-lý của cả xã-hội. Thiên-địa-hội 天 地 會 tức là một hội bí-mật của Hoa-Kiều trong Nam-kỳ vậy. Gốc tích hội này, chắc là từ đâu những đời mà bọn Dương-Ngạn-Địch và Mạc-Cửu là bọn cựu-thần nhà Minh, chạy sang Nam-kỳ ta mà lập nên, ấy là cốt để tụ-tập những người vong-mạnh, mưu việc khôi-phục lại nhà Minh; xem như tôn-chỉ hội nào cũng có bốn chữ « Phản Thanh Phục Minh » thì đủ lấy làm chứng cớ, chớ lịch-sử ta cũng chẳng thấy nói gì đến, duy có chép khi vua Gia-Long ta đang đánh nhau với Tây-sơn ở trong Gia-Định, thì có một người Tầu tên là Hà-Hỷ-văn 何 喜 文 thuộc về Thiên-địa-hội, tình-nguyện xin ra giúp, như thế thì biết hội ấy có đã lâu đời và mạnh thế lắm vậy.

Nếu cái tôn chỉ của họ quả như trên kia, thì chẳng phải là không chính-đáng, duy truyền mãi về đời sau, cái tôn-chỉ cứu nước mình, mới chuyển thành ra cái tôn-chỉ làm hại nước người ta, nghĩa là mưu những việc làm loạn và cướp của giết người cả. Hội này to lắm, đám hạ-lưu ở Nam-kỳ mình tòng-phục rất nhiều, nhưng mà họ giữ bí-mật đến nỗi người ngoài không biết ai là Thiên-địa-hội, vì họ có nhiều dấu hiệu riêng, không thể hiểu được, nhưng có một cái dấu hiệu này khiến mình đoán ra được, là lối thích chữ chàm vào cánh tay; chính mắt tác-giả đã trông thấy một vài người ở trong Nam-kỳ ta, cánh tay có thích chữ chàm, những là « Trượng-phu tung-hoành vũ-trụ » 丈 夫 縱 橫 宇 宙, những là « Quân tử xát thân dĩ thành nhân » 君 子 殺 身 以 成 仁 mà toàn thích bằng chữ Tầu cả, thì đồ chừng là người trong Thiên-địa-hội đấy. Hoa-Kiều gây ra cái hội này, đầu têu cho ta làm nhiều việc vô-nghĩa và tội-ác, tức như việc Phan-xích-Long xưng là hoàng-đế và việc phá khám năm trước, cũng là người trong Thiên-địa-hội ra, mà bây giờ trong Nam mình những hạng đánh cái áo bà-ba, đội cái mũ boy-scout, chẳng làm ăn gì, chỉ có việc cướp của giết người, chưa chắc đã không phải là chịu cái ảnh-hưởng ở trong Thiên-địa-hội. Chính-phủ đã ra sức trừng trị mãi, nhưng chắc hẳn cũng chưa tuyệt được nào, nghe nói về mạn Bắc-Liêu, Hà-Tiên v.....v..... còn nhiều lắm.

Cái thói buôn người của họ lại càng tệ nữa, làm lìa tan cha mẹ, chia rẽ vợ chồng, tan-nát gia-đình của người mình nhiều lắm. Cái vạ này, chẳng may trong Nam-kỳ ta chịu nặng hơn là ngoài Bắc, bởi tiện đường sang Xiêm, và sang Nam-Dương quần-đảo, là những mối hàng « mua con gái » rất tốt của họ. Không biết vì cái cớ gì mà họ rất thích buôn đàn bà con gái mình để bán, hoặc thổi bùa mê hoặc giả lấy làm vợ, rồi xuyên rừng vượt bể đem đi hàng tốp, thường bị bắt luôn, bị phạt nặng luôn, mà họ vẫn không chừa, vì cái nghề này họ đã lợi được nhục thể rồi, lại lợi cả tiền tài nữa.

Giấy bạc giả cũng là các chú làm đấy. Lâu nay, ta cứ nghiệm ra, hễ giấy bạc giả phát lộ ra, tất tại Nam-kỳ trước, mà đến khi bắt được tội nhân, tất là Hoa-Kiều, cái án giấy bạc giả từ bao giờ đến giờ đều như thế cả. Có khi họ làm từ bên Tầu đem sang, vì nhiều khi chuyến tầu ở Hương-Cảng sang, khám được như thế, có khi họ làm ngay bên này, như năm trước ở Saigon đã bắt được mấy đám, lại có khi họ gửi sang đặt nhà in bản đá ở tận bên Pháp in giấy bạc giả cho, tức như việc chú «Thiên triều» là A-Kan mới rồi. Họ cho cái nghề này nhàn hạ mà mau giầu, có phương hại đến cuộc trị an của ai mặc kệ. Việc giao-thông hối đoái của ta rất trở ngăn, mà thường bị liên-lụy nhiều nỗi lắm. Tuy Luật-pháp nhiều phen bắt được và trừng-trị rất nghiêm, nhưng dám chắc cái nghề làm giấy bạc giả của Hoa-kiều, chưa biết bao giờ đã tuyệt được.

Đại khái một vài cái tội án của một vài người Hoa-Kiều như thế, không đủ phạm đến cái tiếng tốt của phần đông người họ, nhưng đủ làm chứng rằng: tội ác gì ích mình hại người, Hoa-Kiều đều có tài làm, mà hễ đã có ích mình hại người được, ấy tức là một chỗ thế lực của họ.


  1. Thấy ở trong «Khoa-học tạp-chí. » 科 學 雜 誌 của Tầu
  1. Gốc: an công được sửa thành công an: chi tiết