Theo tục ngữ phong dao, xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Theo tục ngữ phong dao, xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, các số 5 (30.5.1929); số 7 (13.6.1929); số 8 (20.6.1929); số 9 (27.6.1929); số 10 (4.7.1929); số 12 (18.7.1929); số 13 (25.7.1929); số 14 (1.8.1929); số 15 (8.8.1929); số 17 (22.8.1929); số 18 (29.8.1929)

Mới vài ba năm nay, trong xã hội ta, nhứt là trong làng ngôn luận, có nứt ra một danh từ mà nhiều người lấy làm chú ý, ấy là “vấn đề phụ nữ”.

Đại phàm các cái chế độ trong một xã hội, bất kỳ thuộc về mặt nào, hễ nó còn là thích hiệp với xã hội ấy thì nó không thành ra vấn đề. Mà khi nó đã thành ra vấn đề, ấy là khi nó không thích hiệp nữa, xã hội phải yêu cầu sửa sang nó lại hoặc thay đổi hẳn đi, để cho khỏi chống báng với sự sanh hoạt hiện thời.

Nước Nam ta trải mấy thế kỷ nay, đàn bà cứ thủ phận đàn bà : Nhỏ thì lo trao dồi nữ công nữ hạnh, có chồng thì lo “thờ” chồng nuôi con, việc đã thường mà lại cũ, có ai nói tới làm chi, cho nên nó không thành vấn đề. Đến ngày nay, nếu muốn trong nước cho tấn hóa ra, thì hầu như trăm sự đều phải đổi mới cả mới được. Đã muốn đổi mới cả trăm sự, mà một sự sanh hoạt của đàn bà còn cứ giữ y theo lối cũ, thì thiệt thòi cho họ đã đành, lại còn vì cớ dính dấp có thể làm trở ngại cho trăm sự kia nữa. Nói trắng ra mà nghe : Muốn ai nấy có quyền tự chủ về cá nhân thì phải bỏ cái kiểu gia đình lớn (grande famille) mà lập ra gia đình nhỏ (petite famille); nhưng đàn bà ta lâu nay đã quen cái thói chìu lòn[1] ở dưới quyền bà gia, em chồng,ông chú, mụ o rồi, nay bỗng chốc làm chủ trong một gia đình, chưa chắc là xong. Muốn cho mọi người trong nước đều được độc lập về đường kinh tế, thì phải mỗi người đều có công ăn việc làm, nhưng đàn bà ta thuở nay lẩn quẩn với ba ông táo quen rồi, bây giờ biểu họ ra mà xông pha sao được ? Còn chưa kể đến những chuyện viển vông như là nam nữ bình quyền, nữ tử tham chánh, chỉ nói sơ vài điều trên đó, đã thấy cái lề lối phụ nữ cũ không thích hiệp với thời nay lắm rồi, cho nên nó mới thành ra vấn đề.

Hễ đã thành ra vấn đề thì thế nào cũng phải giải quyết. Nghĩa là đã biết cái cách sanh hoạt cũ không thích hiệp rồi, bây giờ phải định theo cách nào cho thích hiệp. Ấy là sự rất khó, phải hiệp nhiều ý kiến và thăm tìm dò xét cho đến nơi, rồi mới quyết định được, không phải chuyện chơi.

Có một vài kẻ thấy nước người ta có nữ quyền rồi mình cũng lăm le xướng nữ quyền, thấy nước người ta kết hôn tự do rồi mình cũng đòi kết hôn tự do, như vậy là xốc nổi quá. Ý tôi thì khác. Tôi muốn rằng trước khi mình xướng những điều đó, mình phải xét lại coi nước mình đã cần dùng đến những của ấy chưa. Nhứt là mình phải xét lại coi những của ấy mình đã có chưa ; ngộ như nước mình đã có nữ quyền rồi, đã có tự do về hôn nhân rồi, chỉ vì nó ngấm ngầm không thấy được, làm cho mình tưởng là không có mà mua về, như vậy, không những xốc nổi thôi đâu, mà lại điên rồ nữa.

Cho nên, theo ý tôi, muốn giải quyết vấn đề phụ nữ phải làm hai từng công việc. Việc thứ nhứt là phải suy tìm cho biết cái tình trạng phụ nữ nước ta từ xưa đến nay ra làm sao ; việc thứ hai là phải định phương châm cho cách sanh hoạt mới của phụ nữ nên thế nào.

Tôi viết bài nầy, có ý góp một phần vào trong công việc thứ nhứt.

Muốn làm việc nầy thì sự cần nhứt là phải căn cứ vào lịch sử. Tôi nói lịch sử, không phải chuyên chỉ về một bộ sử Việt Nam mà thôi đâu. Phàm những sách vở của ta từ xưa để lại, có một lời nào chép về đàn bà con gái, đều là làm tài liệu cho chúng ta khảo cứu được cả.

Song ngặt thay ! Cái hạng sách vở ấy ở nước ta thật là ít có. Có chăng thì cũng chỉ chép sơ lược về sự tích của một vài người, không đủ cứ lấy mà xét được cái tình trạng chung của cả và[2] phụ nữ. Cho đến cả bộ sử Việt cũng vậy, ngoài những hạng nữ kiệt như bà Trưng, bà Triệu, tiết phụ như Nguyễn Thị Kim, sử không có chép nhiều về đám nữ lưu. Như vậy, cái phần hệ trọng nhứt trong việc nầy là lịch sử, thế mà chúng ta đã không trông cậy được rồi.

Túng lắm tôi phải nhờ đến tục ngữ và phong dao.

Cái nguồn nầy không phải là khô khan, mà thật là đầy đủ và dồi dào. Về một phương diện nào trong sự sanh hoạt của phụ nữ, cũng có ít nữa là một vài câu phong dao để làm biểu hiệu. Trong khi cực chẳng đã phải vớ lấy, mà té ra lại được thỏa thuê như vậy, thật là sự không ngờ !

Song có một điều tôi còn rất lấy làm chưa mãn nguyện, mà chắc độc giả cũng sẽ lấy làm không mãn nguyện như tôi, ấy là những phong dao của ta không có chỉ rõ câu nào phát sanh ra ở đời nào, làm cho nhà khảo cứu chẳng biết dò đâu mà tìm ra cái dấu vết thay đổi về các thời đại. Trong bài nầy của tôi, có một điều ấy là đáng tiếc !

Phỏng sử có đủ tang chứng về thời đại, chúng ta có thể nhơn đó tìm ra cái dấu chưn tấn hóa của cuộc sanh hoạt phụ nữ từ xưa đến giờ nó đi ra làm sao, nó hướng về phương nào, thì thật là có ích cho sự kinh nghiệm của chúng ta lắm vậy. Song vì thiếu một chút đó, thành ra bài nầy kém mất giá trị mà cũng giảm mất hiệu lực nữa.

Mười phần tài liệu trong bài nầy thì chỉ một phần cậy ở sức nhớ của tôi, còn hết chín phần nhờ ở hai cuốn sách Tục ngữ phong dao của ông Nguyễn Văn Ngọc. Tôi phải có mấy lời thanh minh ấy ở đây để cho ai nấy biết bộ sách của ông là có ích.

Đây dẫn lên như là lời giáo đầu ; trở xuống mới vào chánh văn bài khảo cứu của tôi.

I. Cái quan niệm chung của xã hội đối với phụ nữ

Theo các nhà xã hội học đã khảo cứu về cái trạng thái xã hội đời thượng cổ thì lúc bấy giờ cái quyền trong gia đình là thuộc về đàn bà, về người làm mẹ, gọi là “mẫu quyền gia đình”; trải qua một thời đại khá lâu, rồi cái quyền ấy mới thuộc về đàn ông, về người làm cha, gọi là “phụ quyền gia đình”[3], tức như lối gia đình hiện có ở nước ta.

Ngày nay các học giả nước Tàu đã lấy nhiều chứng cớ trong lịch sử nước mình làm chứng cho lời ấy là thật. Trong những chứng cớ ấy cớ điều nầy là mạnh hơn hết. Người đời thượng cổ đẻ ra chỉ biết có mẹ mà thôi, nên theo họ mẹ. Nghiệm như chữ Tánh ( ) là họ, thì ghép chữ Nữ ( ) với chữ Sanh ( ) nghĩa là Nữ sanh vi tánh ( ), thì đủ biết. Mà thật vậy, bao nhiêu những họ có tiếng đời thượng cổ thì cái chữ nó đều có chữ Nữ ( ) đứng một bên, như họ Dao ( ), họ Tỉ ( ), họ Cơ ( ), họ Khương ( ), họ Nuy ( ), họ Vân ( ), họ Cật ( ), vân vân.

Cái xã hội đời thượng cổ là xã hội thuộc về mẫu quyền, sự đó đã hiển nhiên rồi, không thể cãi chối được. Song tại làm sao mà về sau phụ quyền lại thay cho mẫu quyền, và sự trải qua trong cuộc thay đổi ấy thế nào, lịch sử không đủ tài liệu mà khảo cứu, nên các nhà xã hội học cũng đè chừng mà nói mỗi người một khác, phân vân không nhứt định.

Trên đó là cái công lệ cho sự phát triển[4] của một xã hội, đã do các nhà xã hội học tìm ra ; bất kỳ xã hội nào, dân tộc nào, không thể thoát khỏi cái công lệ ấy.

Nước ta, về đời thượng cổ, không có sách vở gì đủ làm chứng cứ ; song, theo cái công lệ trên đó thì chắc cũng đã trải qua một thời kỳ mẫu quyền dài bao nhiêu năm rồi mới đến cái chế độ phụ quyền.

Tôi suy nguyên ra như vậy để cho biết rằng những cái thuyết “nam tôn nữ ty”, cái thói “trọng nam khinh nữ” là do về sau đàn ông ỷ mạnh ăn hiếp đàn bà mà bày đặt ra, chớ vốn không phải là luật tự nhiên, và loài người lúc ban đầu cũng không hề như vậy đâu.

Sự khinh miệt đàn bà, bắt đầu có từ hồi phụ quyền thời đại, do những người đời xưa, mà ta kêu bằng thánh hiền đó bày ra. Thánh hiền càng đặt ra lễ giáo chừng nào thì đàn bà càng bị áp chế chừng nấy.

Những cái lễ giáo bất bình đẳng ấy không thể kể hết ra đây được ; ta chỉ xem cái thái độ của thánh hiền đối với đàn bà thì đủ biết. Khổng Tử nói rằng : “Chỉ có đàn bà con gái và kẻ tiểu nhân là khó nuôi : hễ gần chúng nó thì chúng nó vô lễ ; hễ xa chúng nó thì chúng nó oán”. Mạnh Tử cũng cho sự chìu lòn luồn cuối là “cái đạo của thiếp phụ”. Như vậy, đem đàn bà mà kể làm một loạt với tiểu nhân, cho cái phận đàn bà là phải chìu lòn luồn cúi thì thật là khinh miệt họ quá thể.

Tôi phải lấy làm lạ, sao thánh hiền đã dạy người ta ở có hiếu với mẹ, ở có nghĩa với vợ, mà lại đi khinh đàn bà ? Nhè những người mình vẫn khinh mà ở cho có nghĩa có hiếu thì ở làm sao được ?

Xã hội ta về đời cố hỉ, thôi thì đành không biết được ; chớ còn hơn ngàn năm nay, từ ngày học theo đạo Khổng, Mạnh, ở dưới lễ giáo thánh hiền, thì cái quan niệm chung của mọi người đối với đàn bà là vậy đó, rau nào sâu ấy, không cần phải nói.

Đẻ ra mà thấy là con gái một cái, thì đã khinh đứt đi rồi, cho nên :

Con gái trở vỏ lửa ra
Nữ sanh ngoại hướng

dầu là con thì cũng yêu cũng thương, song kể thì không kể, coi hẳn nó là ngoài vòng cốt nhục của mình, vậy nên lại có lời rằng :

Con gái là ngoại cần câu.

Đã là con gái thôi thì không được học, không được chịu một thứ giáo dục với con trai. Tuy đã biết rằng “Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư, dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư”, nhưng cách giáo nữ của người mình dễ dàng lắm, sơ sài lắm, dạy đến mực nầy là cùng :

Con ơi nghe mẹ lời nầy :
Học buôn học bán cho tày người ta
Con đừng học thói chua ngoa,
Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười
Dầu no dầu đói cho tươi
Khoan ăn bớt ngủ, liệu bài lo toan
Phòng khi đóng góp việc làng,
Đồng tiền bát gạo, lo toan cho chồng
Trước là đắc nghĩa cùng chồng,
Sau là họ mạc cũng không chê cười
Con ơi nghe mẹ lời nầy !

Đó, dạy con gái là dạy làm vậy đó. Dạy phải chìu họ mạc, phải làm đầy tớ cho chồng. Còn ngoài ra, tri thức của một con người nên mở mang đến đâu, nhân cách của một con người ở đời phải thế nào, thì không hề dạy đến. Vì cớ không dạy ấy làm cho đàn bà trở nên ngu dốt, rồi xã hội lại theo mà cười chê, theo mà biếm nhẽ :

- Đàn bà đái không khỏi ngọn cỏ

- Phụ nhân nan hóa

- Ai trông thấy ma, biết đàn bà ăn bớt

- Đàn bà rúc không khỏi ba ông táo

- Đàn bà yếu chân mềm tay,
Làm ăn chẳng đặng, lại hay nỏ mồm

Tuy vậy, có phải hết thảy đàn bà đều là ngu dốt đâu. Tựu trung có lắm người dầu không được học mặc lòng, cũng có tài có đức, chẳng kém gì đàn ông. Nhưng mà thảm thay ! Người ta không thèm đếm xỉa đến, dầu giỏi trổ trời[5] cũng trối kệ, bởi vì :

Khôn ngoan cũng thể đàn bà,
Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông

kia mà !

Đàn ông như nước, rửa ai nấy sạch

Đã là đàn ông thì như là có cái quyền vô thượng và có cả cái tài thần thông biến hóa nữa ! Rửa ai nấy sạch, chữ “ai” đó là chỉ đàn bà. Cho nên đàn bà không cần cho học cũng phải, vì nghĩ rằng nếu có bởi sự ngu dốt mà sanh ra điều dơ nhớp gì đi nữa, thì đã có đàn ông rửa cho.

Bởi vậy người ta đã định cho số phận của phụ nữ là phải chịu sút và không được tự chủ :

- Con gái thì ăn xó bếp, chết gầm chạn

- Con gái mười hai bến nước,
Bến trong thì nhờ bến dơ thì chịu

- Đàn bà như hột mưa sa
Hột vào gác tía, hột ra ngoài đồng.

Chính người đàn bà cũng tự nhận lấy cái số phận mình là thế, mà chỉ than van thôi, không dám trách móc ai :

Thân em như hột mưa rào,
Hột sa đáy giếng, hột vào vườn hoa.

Cho đến chia gia tài, theo thói thường, con gái cũng phải chịu phần ít, mà sự làm ăn lại là vất vả hơn con trai :

Sao ba đã đứng ngang đầu,
Em còn ở mãi làm giàu cho cha.
Giàu thì chia bảy chia ba,
Phận em là gái, được là bao nhiêu !

Đàn bà dầu có tài trí khôn ngoan mà muốn lo đến việc nước nữa cũng chẳng ai cho lo, muốn dự đến quốc sự nữa cũng chẳng ai cho dự :

Thành đổ đã có chúa xây ;
Can gì gái góa lo ngày lo đêm ?

Con mắt của mọi người xem đàn bà là như vậy, cho nên đàn bà đối với xã hội dường như không quan hệ gì lắm, có cũng được mà không cũng được, thậm chí chết đi bao nhiêu đàn bà cũng không tổn hại gì cho gia đình cho xã hội cả, người ta điềm nhiên như không mà nói rằng :

Bà chết thì khách đầy nhà ;
Ông chết thì cỏ gà đầy sân !

Nói tóm lại, cái quan niệm chung của xã hội ta đối với phụ nữ là như thế, là khinh dể đàn bà, coi đàn bà chẳng ra chi. Mà cái quan niệm ấy là do chế độ của xã hội, lễ giáo của thánh hiền mà ra vậy.

Ấy thế nhưng, theo sự thiệt, đàn bà có phải là đáng khinh đâu, có phải là đáng coi như không có đâu. Đọc mấy chương sau nầy, thì sẽ thấy cái nghĩa vụ của họ là nặng nề lắm, cái công lao của họ đối với xã hội là đáng khen ngợi lắm. Song, chế độ đã bày ra như vậy, lễ giáo đã buộc phải như vậy, thôi thì xã hội cứ hễ thấy đàn bà là khinh, không kể đến phần sự thiệt nữa.

Do cái quan niệm ấy, thành ra đàn bà dầu có công lao mấy đi nữa, có nghĩa vụ nặng nề mấy đi nữa, cũng không có quyền lợi bằng đàn ông ; mà có chăng, cũng không xứng đáng với nghĩa vụ.

II. Sự hôn nhơn của đàn bà con gái

Trai có vợ, gái có chồng, việc hôn nhân là việc chung cả hai bên. Nhưng so với bên đàn ông thì bên đàn bà con gái chỉ có việc hôn nhân là việc lớn nhứt trong cả đời người. Đàn ông còn có những việc công danh, những việc tang bồng hồ thỉ là việc lớn, cho nên họ đã khuyên nhau : “Lập chí cho bền, chớ lo muộn vợ, chớ phiền muộn con”. Còn đàn bà, còn có gì nữa ? Chỉ trông làm sao : “Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen”, ấy là là thỏa nguyện một đời.

Vì xã hội đã kể đàn bà như là vật phụ thuộc của đàn ông nên thế nào cũng phải có chồng mới được. Dầu đã biết rằng :

Chồng con là cái nợ nần
Thà rằng ở vậy, nuôi thân béo mầm

song người ta lại đã dạy cho rằng :

- Ghe bầu trở lái về đông,
Làm thân con gái thờ chồng nuôi con.

- Gái có chồng như rồng có mây
Gái không chồng như cối xay chết ngõng

- Ngồi trong cửa sổ chạm rồng
Chiếu hoa nệm gấm, không chồng cũng hư.

như vậy thì còn ai dám lộn vòng phu phụ cho cam ? Còn ai dám cởi bông đào cho khỏi giam vào giây thắm ?

Đã là việc lớn của cả đời người mà không có thể chạy chối đi đâu được, cho nên phải lo :

Buồn chẳng muốn nói
Gọi chẳng muốn trông
Tưởng sự có chồng
Tỉnh như con sáo !

Tỉnh như con sáo, nghĩa là lo mà đờ cả người ra, ngơ ngẩn ngẩn ngơ. Lo, vì không biết cái việc lớn của mình rồi sau này nó ra làm sao. Lo, vì không biết cái tấm chồng của mình sau này nó có đáng hay là không đáng, cái công trang điểm nó có bõ hay không bõ. Vì sự lo ấy cho nên có sự kén chồng.

Nhưng mà đàn bà con gái đã không có quyền tự chủ, vả lại cái duyên chỉ có một thời mà thôi, thì có lẽ ngồi đó mà kén hoài hay sao ? Rốt cuộc lại rồi sự hôn nhân phải đổ cho duyên nợ, có kén cũng chẳng được chi. Hãy nghe những lời người ta đứng một bên mà giục :

- Ai ơi trẻ mãi ru mà
Càng so sắn lắm, càng già mất duyên

- Còn duyên như tượng tô vàng
Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa

- Còn duyên đóng cửa kén chồng
Hết duyên, ngồi gốc cây hồng lượm hoa

- Còn duyên kén cá chọn canh
Hết duyên, củ ráy dưa hành cũng trôi

- Còn duyên kén những trai tơ
Hết duyên, ông lão cũng vơ làm chồng.

Nghe đến câu “vơ ông lão” thì còn ai mà dám kiên gan ? Thôi thì :

- Cành đào lá liễu phất phơ
Lấy ai thì lấy, đợi chờ làm chi ?

- Liệu cơm mà gắp mắm ra,
Liệu cửa liệu nhà mà lấy chồng đi
Nữa mai quá lứa lỡ thì
Cao thì chẳng tới, thấp thì chẳng thông !

Ấy đó, cái chỗ “cao chẳng tới, thấp chẳng thông” là cái chỗ lo thứ nhứt của người đàn bà đó. Bởi đó mà cha mẹ mượn cớ để ép duyên con. Nhiều người làm cha làm mẹ lo sợ đến nỗi nói : “Cầm con gái lớn lại, là cái họa ở trong nhà”, rồi chỉ trông cho có chỗ mà đừa đi[6]. Đã cố đừa đi cho khỏi họa thì rồi đâu nghĩ đến sự đẹp đôi xứng lứa ? Bởi vậy mới có những lời than van nầy :

Nước đục mà đựng chậu thau,
Cái mâm chữ triện đựng rau thài lài.
Tiếc thay con người da trắng tóc dài
Bác mẹ gả bán cho người đần ngu !
Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu bực mình !

Hễ cha mẹ đã có quyền ép được thì cứ việc ép, đặt đâu ngồi đó, nào có nghĩ gì đến cái ái tình của con cái. Thương nhau mấy mặc kệ, hễ cha mẹ không ưng thì thôi :

- Đôi ta như đũa nòng nòng,
Đẹp duyên mà chẳng đẹp lòng mẹ cha

- Đôi ta làm bạn thong dong,
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng
Bởi chưng thầy mẹ nói ngang,
Để cho đũa ngọc mâm vàng cách xa

Xét lại, cha mẹ mà sở dĩ hay ép con, là vì ham giàu. Cái bụng ham giàu đó cũng là bởi lòng thương con, không ngờ đâu lại thường thường trái với ý con, làm cho chúng nó ta thán :

- Đường đi những lách những lau,
Cha mẹ tham giàu, ép uổng duyên con

- Mẹ em tham thúng xôi dền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Tôi đã bảo mẹ rằng đừng ;
Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào
Bây giờ kẻ thấp người cao,
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng ?

Có nhiều câu phong dao làm chứng rằng cái tâm lý của những người con gái hay trái với cái tâm lý của cha mẹ, nghĩa là không ham giàu, mà lấy cái duyên với nhau làm trọng :

- Chẳng tham nhà ngói bức bàn
Trái duyên coi bẵng một gian chuồng gà
Ba gian nhà rạ bà xòa,
Phải duyên coi tựa chín tòa nhà lim.

- Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ
Chắc về đâu trong đục mà chờ ?
Hoa thơm mất tuyết biết nương nhờ vào đâu !
Số em giàu, lấy khó cũng giàu ;
Số em nghèo, chín đụn mười trâu cũng nghèo
Phải duyên phải kiếp thì theo,
Thân em có quản khó nghèo làm chi !
Chữ nhân duyên thiên tải nhứt thì,
Giàu ăn khó chịu, lo gì mà lo ?

Mới vừa bén duyên đã không thèm coi giàu ra chi như vậy, huống chi bén đến ái tình. Vào đến ái tình rồi, thôi không còn biết cái nghèo là cái chi chi :

Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người

Cái tâm lý ấy là trong sạch lắm chớ, là cao thượng lắm chớ. Tiếc thay vì cái chế độ gia đình ép buộc, làm cho nó không nẩy nở ra được mà lại tiêu mòn lần đi. Người con gái bi ép ấy về sau trở nên làm mẹ, thì cũng lại hùa theo chế độ ấy của đàn ông bày ra mà ép con mình nữa. Cái cuộc “trả thù xuống” ấy cứ nối nhau mãi đời nọ sang đời kia, không ngày nào dứt. Cũng vì đó mà xã hội càng ngày càng thấp hèn, càng ngày càng dơ đục, chỉ biết tiền bạc là quý, mà không kể chi duyên, chi ái tình !

Kể ra thì như nước ta ngày xưa, trong sự hôn nhân, người con gái cũng có quyền tự do lắm, cho nên mới dám vọt miệng nói câu nầy :

Trăm năm trăm tuổi trăm chồng
Đẹp duyên thì lấy, ông tơ hồng nào xe ?

Lại như đàn bà cũng có quyền tự do về sự ly hôn nữa, nên mới có những câu :

- Chín con chưa gọi rằng chồng;

- Cơm chẳng lành, canh chẳng ngon,
Dầu cho chín đụn mười con cũng lìa.

Thế nhưng cái lẽ của kẻ yếu ấy có bao giờ chống lại với lễ giáo với chế độ được ! Làm thân con gái phải nghe lời cha mẹ sở sanh sở định đành rồi ; lại còn phải nể cô bác, xóm làng, và còn phải e miệng thế gian nữa. Quanh đi quẩn lại rồi cũng chỉ chịu ép một bề. Cái sự ép mà rồi sau nên cửa nên nhà thì có ít ; sự ép mà làm cho nhân duyên chỉnh mảng thì nhiều, lắm người đã phải thương thân :

Cổ tay em vừa trắng vừa tròn,
Răng đen rưng rức, chồng con kém người.
Khốn nạn thay nhạn ở với ruồi,
Tiên ở với cú, người cười với ma !
Con công ăn lẫn với gà,
Rồng kia rắn nọ, coi đà sao nên ?

Theo luật thì đàn ông để vợ[7] là dễ, chớ đàn bà bỏ chồng có dễ chi. Người ta nói :

Trai chê vợ mất của tay không ;
Gái chê chồng một đồng mất thành bốn.

Luật đã vậy mà cái tay đàn ông lại chẳng vừa, muốn lộn mà ra cho khỏi tay họ thì cũng phải trầy vi tróc vẩy. Hãy nghe lời họ ngâm :

Không thương nhau nữa thì thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rời bậu ra.
Bậu ra cho khỏi tay qua,
Cái xương bậu nát, cái da bậu mòn !

Bởi vậy cho nên đàn bà mà gặp anh chồng không ra chi, cũng phải mang lấy cả đời như mang lấy nợ :

Chồng gì anh, vợ gì tôi ?
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây !
Mỗi người một nợ cầm tay,
Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng.

Mà toan bỏ đi cũng không được :

Chị em ơi, người ta trông thấy chồng thì mừng
Sao tôi trông thấy mặt chồng thì nó như gừng với vôi ?
Cũng tại lấy chồng trước chẳng kén đôi,
Từ ngày tôi lấy phải nó chẳng nguôi trong lòng
Ba bốn lần tôi trả của chẳng xong !

Ham giàu thì không ; nhưng lấy chồng ham gần, là cái thói thông thường của con gái nước ta. Có lẽ ngày nay đã bớt đi, chớ thủa xưa thì đâu đó đều như vậy cả, được gần là thích hơn hết :

- Muốn cho gần bến gần thuyền,
Gần cha gần mẹ, nhân duyên cũng gần

- Muốn cho gần mẹ gần cha,
Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền.

Cái sự lấy chồng xa là sự họ giãy đành đạch nhứt định không chịu, nên đã nói rằng :

- Ăn cam ngồi gốc cây cam,
Lấy anh thì lấy, về Nam không về.

- Ăn chanh ngồi gốc cây chanh,
Lấy anh thì lấy, về Thanh không về.

Đó mới là ở trong một đất Bắc Kỳ ngày xưa mà khác tỉnh với nhau còn như vậy, huống chi người Nam kẻ Bắc thì khó lòng biết chừng nào :

Nồi đồng thì úp vung đồng
Con gái xứ Bắc lấy chồng Đồng Nai
Dậm chân ba tiếng kêu trời :
Chồng tôi vô Quảng, biết đời nào ra !

Nếu phải lấy chồng xa thì trách đến cha mẹ :

Cha mẹ đòi ăn cá thu
Gả con xuống biển mù mù tăm tăm.

Bắt từ đầu chương nầy thuật đến đây, khiến tôi đối với sự hôn nhân của đàn bà sanh ra hai cái cảm tưởng : Một là thấy họ không có quyền tự chủ trong sự ấy ; hai là dầu gặp sự thất ý, họ cũng phải cắn răng mà chịu.

Nam nữ cũng đồng là người cả, cớ sao lại có một bên chịu thiệt thòi như thế ?

Cái nghề tức nước thì lở bờ. Đến ngày nay, có cái hạng “Gái đâu có gái lạ đời, chỉ còn thiếu một ông trời không chim !” hoặc cũng là do sự áp chế quá lắm ấy mà ra vậy.

III. Công khó của người đàn bà đối với gia đình

Người ở trong xã hội ngày nay, nhứt là xã hội Nam kỳ này, và nhứt là ở chốn thành thị lớn như Sài Gòn đây, thấy nhiều người đàn bà mất nết, không biết công ăn việc làm, không hiếu thuận với gia nương[8]; thậm chí sa mê chơi bời, không nghĩ đến chồng con nữa, rồi vơ đũa cả nắm, nói phụ nữ ngày nay đều đã đổ đốn như vậy cả, thì thật là nói không đúng.

Theo tôi thấy, ngày nay ở thành thị thật có hạng đàn bà như vậy, - cái đó cũng bởi hoàn cảnh mà ra, rồi tôi sẽ luận về sau. - Còn một số nhiều đàn bà ta ở miền thôn dã thì vẫn giữ được cái nề nếp cũ ; mà cái nề nếp ấy có đã lâu lắm, bền vững lắm, sau này xã hội ta được tấn bộ nhiều, cũng có một phần lớn nhờ ở đó.

Tôi chưa được đi ra ngoại quốc, chưa được quan sát về nữ giới nước người, song cứ trong sách mà so sánh, và theo như lời của người ngoại quốc cháu ngoại An Nam có học thức thì có thể nói được rằng đàn bà nước ta, cái công khó của họ đối với gia đình thật là hơn đàn bà nước nào hết.

Độc giả nếu không tin, hãy đi điều tra các nơi thành phố buôn bán lớn từ xưa, như Hội An, Hà Nội, Nam Định thì sẽ thấy có nhiều hiệu Khách nhờ một tay người đàn bà An Nam chủ trì cho mà trở nên phát đạt thạnh vượng đến bây giờ. Nên đã có mấy người Khách lai nói lọt vào tai tôi rằng : Cái “mẫu nghi” của đàn bà An Nam không đâu bằng, đàn bà Tàu cũng phải chịu thua nữa !

Làm sao tôi lại phải dẫn đến lời của những người Khách ấy vào đây ? Vì rằng, phàm ta có của gì quý mà lại có nhiều, thì coi thường đi mà không biết là quý nữa ; chỉ có người ngoài vì khao khát của ấy lắm thì mới biết. Cái công khó đàn bà ta ở chốn gia đình là của quý thật, chúng ta có thể đem mà khoe với thiên hạ thật, song lâu nay đã bị ông cha chúng ta cho đến chúng ta đây nữa cũng xem thường xem khinh !

Người con gái, hễ lấy chồng một cái thì đã thấy khổ rồi ; có con, lại càng khổ hơn. Hãy nghe những câu nầy :

- Có con phải khổ vì con
Có chồng phải gánh giang san cho chồng

- Có con phải khổ vì con
Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay

- Có chồng chẳng được đi đâu
Có con chẳng được đứng lâu nửa giờ
Cũng vì một chút con thơ
Cho nên giải chiếu dập dơ trăm đường.

Cái khổ ấy đều là vì lòng yêu chồng, kính chồng, thương con mà ra :

- Mẹ cha bú mớm nưng niu
Tội trời thì chịu, không yêu bằng chồng.

- Con ông Đô đốc, Quận công
Lấy chồng cũng phải kêu chồng bằng anh

Người đàn bà có chồng thì mong có con. Không có con thì lấy làm buồn rầu mà than van :

- Có chồng mà chẳng có con
Khác gì hoa nở trên non một mình.

- Có võng mà không có đòn
Có chồng mà chẳng có con mà bồng !

Do cái lòng mong mỏi đó, thành ra đến lúc có con, thôi thì vui lòng mà chịu khổ, chẳng còn quản đến cái thân mình là vất vả nữa.

Thật vậy, người đàn bà chịu trăm bề lao khổ, đầu tắt mặt tối, chỉ vì thương chồng thương con mà thôi. Song theo phong dao thì cái sự vì chồng hơn là cái sự vì con :

- Vì chàng thiếp phải bắt cua
Những như thân thiếp, thiếp mua ba đồng.

- Vì chàng nên phải mua mâm
Những như thân thiếp, bốc ngầm cũng xong.

- Vì chàng thiếp phải long đong
Những như thân thiếp cũng xong một bề.

Lúc có chồng rồi, mới thấy cái khổ là đáo để, bấy giờ nghĩ lại khi còn ở với cha mẹ, tuy là khổ mà còn sướng hơn :

Từ ngày tôi ở với cha
Cái nón chín rưỡi, thao ba mươi đồng
Đến khi tôi về cùng chồng
Cái nón sáu đồng mà buộc quai mo !

Cái đẹp của người đàn bà là cái họ hằng ngày chăm chút, cố mà giữ lấy, song vì xông pha lặn lội quá thì cũng không thể nào giữ được, hóa phải than rằng :

- Một ngày ba bận trèo non
Lấy gì mà đẹp mà giòn hỡi anh !

- Một ngày ba bận trèo đèo
Vì ai vú xếch lưng eo hỡi chàng !

Trên kia đã nói sự chịu khổ đó là vì yêu chồng. Quả thật như vậy. Chính người đàn bà cũng đã khai thật ra một câu, mà tôi lấy để làm câu kết cho một đoạn nầy từ đây trở lên :

Thương chồng nên phải gắng công
Nào ai xương sắt da đồng chi đây.

Lời tục ngữ có nói : “Đem đánh khen hay chịu đòn”. Người ta có phải đá sỏi đâu mà dùi mài mấy cũng chịu được ? Có điều chỉ vì một chút thương chồng, thành ra đòn đau mấy cũng ôm bụng chịu. Người đàn ông mở miệng khen một cái, cũng đã là cay độc lắm rồi, huống chi không khen mà lại còn hất hủi nữa thì rõ là vô nhân đạo quá.

Khúc trên đó là nói chung về cái cảnh cam go của người đàn bà, hễ ai đã có chồng có con thì phải đương lấy cái nghĩa vụ nặng nề trong gia đình như vậy. Lại còn có những người gặp phải cái cảnh ngộ riêng, mà họ đảm đương việc nhà lấy một tay, tiếng Bắc gọi là “đàn bà đảm”, những hạng đàn bà ấy ở xã hội ta không phải ít. Lẫy tiếng hơn hết, là hạng đàn bà nuôi chồng học và giữ nhà cho chồng đi lính.

Bây giờ cái thứ vợ nuôi chồng đi học tựa hồ như không có nữa, song thủa xưa thường có, mà nhiều nhứt là ở vùng Bắc kỳ. Vậy nên người ta đã truyền tụng những câu phong dao này :

- Em thời canh cửi trong nhà,
Nuôi anh đi học, đăng khoa bảng vàng,
Trước là vinh hiển tông đường,
Bõ công đèn sách, lưu phương đời đời.

- Trái cau nho nhỏ,
Cái vỏ vân vân,
Nay anh học gần,
Mai anh học xa,
Tiền gạo thì của mẹ cha,
Cái nghiên cái bút thật là của em.

- Đôi bên bác mẹ cùng già,
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông.
Mùa hè cho chí mùa đông,
Mùa nào thức ấy cho chồng ra đi
Hết gạo thiếp lại gánh đi,
Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao ?
Hỏi thăm đến ngõ thì vào,
Tay đặt gánh xuống miệng chào : Thưa anh.

Những người lo nghề canh cửi, sắm tiền sắm gạo gánh đi cho chồng, cái công tuy đáng khen mà cái cảnh không thảm mấy. Đến hạng bán rau để giúp chồng lo đèn sách thì thật đáng kính phục và đáng xót thương là dường nào !

Em là con gái Phụng Thiên,
Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng.
Nữa mai chồng chiếm bảng rồng,
Bõ công tắm tưới vun trồng cho rau !

Xưa kia đi lính không phải như đi lính tập bây giờ. Lính đời xưa là lính đánh giặc, đi lính là đi chết, nên người nào gặp phải chồng đi lính, là gặp phải cái cảnh sanh ly, mà tử biệt cũng chưa biết chừng. Bởi vậy, ít nữa phải có những lời than thở để tỏ nỗi sợ hãi và nhớ thương :

- Con chuột mắc bẫy
Bởi gốc tre già,
Đẽo ra đòn xóc[9]
Chồng đi lính
Vợ ở nhà khóc hi hi :
Trời ôi sanh giặc làm chi,
Cho chồng tôi phải ra đi chiến trường !

- Chàng ơi đi trẩy kẻo trưa,
Cửa nhà cậy mẹ, nắng mưa nhờ trời.
Em đi cầu khấn Phật trời,
Biết than cùng trời, biết thở cùng ai !

Sự than thở đó là cái tình thương của đàn bà, mà dầu cho đàn ông cũng vậy, không nên trách. Song le còn có hạng vợ lính khuyên giục cho chồng đi, ngửa tay hứng lấy cả trách nhiệm trong gia đình, từ việc thờ tổ tiên, nuôi con cái, cho đến việc sào đất tấc nương, quan tiền thúng gạo, thì mới là đáng quý. Không những thế, còn có hạng khuyên chồng làm cho tròn bổn phận lính, hay là đòi đi lính thế cho chồng, thì lại càng đáng quý là chừng nào ! Đọc những câu nầy rồi tưởng đến cái tinh thần thượng võ của giống Việt Nam ta ngày xưa đã ngấm ngầm vào đến óc đàn bà :

- Khen ai khéo tiện ngù cờ,
Khéo xây bàn án, khéo thờ tổ tiên.
Tổ tiên để lại em thờ,
Anh ra ngoài ải, cầm cờ theo vua.

- Chàng ơi trẩy sớm hay trưa ?
Để em gánh gạo tiễn đưa hành trình.
Thương nàng đã đến tháng sanh,
Ăn ở một mình, nương cậy vào ai ?
Rồi ra sanh gái sanh trai,
Sớm khuya mưa nắng lấy ai bạn cùng ?
Sanh gái thì em gả chồng,
Sanh trai lấy vợ, mặc lòng thiếp lo.

- Anh ôi phải lính thì đi
Cửa nhà đơn chiếc, đã thì có tôi.
Tháng chạp là tiết trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà,
Tháng ba cày bở ruộng ra,
Tháng tư gieo mẹ thuận hòa mọi nơi,
Tháng năm gặt hái vừa rồi,
Trời đổ mưa xuống nước trôi đầy đồng.
Anh ơi giữ lấy việc công,
Để em cày cấy mặc lòng em đây.

- Khuyên anh đi lính cho ngoan,
Cho dân được cậy, cho quan được nhờ.
Bao giờ nên đội nên cơ,
Thì em sẽ quyết đợi chờ cùng anh.

- Lính vua lính chúa lính làng,
Nhà vua bắt lính cho chàng phải ra.
Giá vua bắt lính đàn bà,
Để em đi đỡ anh và bốn năm.
Bởi vua bắt lính đàn ông,
Tiền lưng gạo bị, sắm trong nhà nầy.

Ngoài hai hạng vợ học trò và vợ lính, lại còn những người đàn bà vắng chồng, ở nhà một mình lo làm ăn, thay thế mọi việc cho chồng, sự đó là thường. Tuy cái tình chăn gối, cách biệt nhau đâu khỏi nhớ thương :

Anh đi đường ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
Nước non một gánh chung tình,
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng ?

Nhưng mà cái tình riêng ấy rồi cũng gác bỏ, lấy việc gia đình làm trọng :

Anh đi em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ.
Lầm than bao quản muối dưa,
Anh đi anh liệu chen đua với đời.

Người đàn bà ở nhà chịu cực trăm bề, song tự trách mình coi là bổn phận phải làm, không điều phiền trách, chỉ lo một nỗi cái anh đàn ông đi xa đó rồi có nhớ đến vợ đến nhà chăng, hay lại đã tí tởn cùng ai rồi ! Đến cái tâm sự này mới thiệt là đau đớn mà đáng thương xót cho họ :

Trời mưa lác đác ruộng dâu
Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay ;
Bước chân xuống hái dâu nầy,
Nuôi tằm cho lớn, mong ngày ươm tơ.
Thương em chút phận ngây thơ,
Lầm than đã trải, nắng mưa đã từng.
Xa xuôi ai có tỏ chừng ?
Gian nan tân khổ, ta đừng quên nhau !

Nhẫn lên là kể qua những công khó lớn lao của người đàn bà đối với gia đình. Còn những cách chiều chồng của họ, ta cũng chớ nên bỏ qua mà không nhắc đến :

Chồng giận thì vợ làm lành,
Miệng cười hớn hở hỏi : anh giận gì ?
Thưa anh : anh giận em chi ?
Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho.

Lấy vợ bé, là cái sở thích của anh đàn ông, người đàn bà khôn lanh, hay đem cái đó mà vuốt giận đức ông chồng. Nhưng đức ông chồng oai nghiêm mà lại hung bạo nữa, không làm lành cũng không được :

Chồng giận thì vợ bớt lời,
Chồng giận vợ giận thì dùi nó quăng.

Còn nói chi đến sự sắm ăn sắm uống cho chồng, cái đó là thường lắm :

Đốt than nướng cá cho vàng,
Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi,
Phòng khi có khách đến chơi,
Cơm ăn rượu uống cho vui lòng chàng.

Đàn ông rượu chè điếm đĩ cho mấy, đàn bà họ cũng không lấy làm lo sợ cho bằng ghiền á phiện. Thế mà đến lúc chìu chồng quá thì cũng không sợ nữa, miễn được lòng chồng mà thôi. Đã có người ước rằng :

Bao giờ cho được thảnh thơi
Tay tiêm thuốc cống, miệng mời lang quân !

Chìu mà đến như vậy thật là chìu hết nước.

Đó, cái công lao của đàn bà ta trong gia đình và cái ơn huệ họ ban cho chúng ta là vậy đó. Để rồi coi xã hội đối đãi họ cách nào, họ được những quyền lợi gì, và chồng con ở với họ ra làm sao ?

IV. Những sự thiệt thòi của người đàn bà đã chịu

Đã đành rằng đàn bà con gái là yếu đuối, theo phú bẩm tự nhiên, họ chỉ làm được công việc xứng đáng với thể cách họ, chớ không đương nổi các công việc lớn lao của đàn ông, thì phần quyền lợi của họ phải kém đàn ông. Song xét lại, công việc của họ tuy có dễ có nhẹ mặc lòng, mà không phải là không hệ trọng cho xã hội, thế mà xã hội đối đãi với họ bạc bẽo quá, nghĩa là những quyền lợi của người đàn bà không bù lại với công lao.

Mấy chương trước tôi đã nhiều lần nói đến cái chế độ gia đình và lễ giáo của thánh hiền đặt ra, hai điều ấy thật là cái điều ước bất bình đẳng của đàn ông đối với đàn bà. Do đó mà phụ nữ phải chịu thiệt thòi mười phần cả mười, như những sự ép duyên, sự chia gia tài, tôi đã kể qua mà chưa hết, phải kể riêng ra trong một chương nầy nữa.

Thứ nhứt là cái lối đại gia đình đã đầy đọa cái thân người đàn bà như một người nô lệ và cất mất cả nhân cách của họ đi. Theo lối tiểu gia đình của người Tây, cứ hễ con trai con gái có vợ có chồng thì ở riêng ra, được tự chủ lấy làm lấy mà ăn, khỏi lụy đến cha mẹ và cũng không ở dưới quyền cha mẹ nữa. Cái nhân quyền và dân quyền được phát đạt cũng nhờ đó. Còn ta, theo lối đại gia đình, đã có vợ có chồng đẻ năm ba mặt con rồi, cũng còn ở chung với cha mẹ, mọi sự đều không được tự chủ. Theo cái chế độ ấy người con trai cũng phải bị áp chế chớ chẳng không, song về phần phụ nữ lại còn bị áp chế nhiều hơn. Phải chia từng khoản ra mà kể như sau nầy.

1. Sự cách biệt nhau trong khi mới lấy chồng

Tôi tưởng ngay điều nầy vào thứ nhứt, chắc có nhiều ông nhà nho cho tôi là phàm tục, chỉ lấy điều nhục dục làm trọng mà dám đem mình để ra ngoài vòng đạo đức. Song tôi nghĩ, thà chịu cho các ông cười mà được nói thiệt theo như cái bổn tánh loài người, còn hơn là cũng lên mặt đạo đức như các ông mà phải nói dối, trái với lương tâm.

Theo kiểu đại gia đình, khi có vợ có chồng mà còn ở chung với cha mẹ, thật là rất ngặt cho con cái. Có cặp nào dạn dĩ cho mấy đi nữa, cũng không dám tự do mà đi lại cùng nhau, vì phải e nể kẻ lớn trong nhà. Đương cái tuổi vừa xoan, ôm cái tình nồng nàn, lại là trong cuộc giao tiếp chánh thức mà phải bị hạn chế như vậy, bảo cam lòng sao đang ? Ai chẳng biết nói ra thì xấu hổ, nhưng tức quá, phải kêu lên cho nó hả mà rằng :

Đêm qua anh nằm nhà ngoài,
Để em thở vắn than dài nhà trong.
Ước gì anh được vô phòng,
Loan ôm lấy phụng, phụng bồng lấy loan !

Không giận hờn gì nhau, cớ sao lại nằm nhà ngoài ? Phòng của mình, muốn vô khi nào thì vô, sao lai phải ước rằng “anh được ?”. Cho biết, vô phòng là sự thiên nan vạn nan, mà nằm nhà ngoài là sự cực chẳng đã !

Lấy chồng chẳng biết mặt chồng,
Đêm nằm mơ tưởng nghĩ ông láng giềng !

Câu nầy mới nghe, chắc không hiểu ý muốn nói gì. Số là, cặp vợ chồng mới nào ở với cha mẹ, phần thì mắc tịt[10], phần thì sợ la rầy, nên anh chồng khi muốn đến với vợ, phải đợi cho kẻ lớn ngủ rồi, đèn tắt hết cả, mới dám mò vào. Khi ấy thôi thì còn thấy gì nữa, cho nên chị vợ không biết mặt chồng là phải. Còn ban ngày, chồng ở nhà trên, vợ ở nhà dưới, có gặp nhau cũng tránh, thì thật có dịp nào biết mặt nhau.

Sao lại mơ tưởng mà nghĩ ông láng giềng ? Vì chồng thì không thấy mà ông láng giềng thì thấy thường, nên khi muốn tưởng tượng cho ra cái vẻ mặt chồng thì không tưởng tượng được, mà nó nhè trật qua ông láng giềng, là người thấy thường hơn.

Mô phật ! Tôi nói toang mấy câu trên nầy ra, là có ý nói sơ những cái xiềng xích trong vòng tình ái của người đời một chút, nhưng đành phải đắc tội cùng danh giáo, cùng các ông đạo đức !

2. Sự cách biệt nhau trong khi chồng đi xa

Phàm người dân trong nước nào đã tấn hóa, đã theo cái chế độ tiểu gia đình rồi, thì chồng đâu vợ đó, đi đến đâu, lập ngay gia đình ở đó. Song nước ta không như vậy được, người đàn ông đi ra làm ăn, vợ phải ở nhà, hầu hạ cha mẹ, hoặc lo ngày đơm ngày quải[11], hoặc lo đóng góp việc họ việc làng. Điều này trong chương thứ ba đã nói đến. Đây kể thêm vài câu phong dao cho biết sự ly biệt ấy là khổ cho đàn bà lắm, người nào gặp phải cái cảnh ấy thì họ cũng muốn bỏ nhà mà theo chồng cả, chỉ vì cái chế độ nó cấm ngăn đó thôi. Ấy là những câu :

- Đi đâu có anh có tôi,
Người ta mới biết là đôi vợ chồng.

- Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam !

3. Sự mẹ chồng hành hạ

Tôi không hiểu làm sao trong luân lý gia đình ta lại có cái sự bạo ngược vô đạo thứ nhứt, là sự bà gia ngược đãi nàng dâu ! Mà sự ấy có phải là họa mới có đâu, nhiều lắm ; có phải là biến đâu, thường lắm. Có thể nói được rằng bao nhiêu mẹ chồng, tức là bấy nhiêu người đại thù với nàng dâu. Nếu chẳng vậy thì sao họ đeo lấy mà trả thù nhau đời nọ qua đời kia ? Có bao nhiêu câu phong dao nói về mẹ chồng nàng dâu, đều tỏ ra cái ý xấu hết ; chẳng hề có một câu nào có ý trung bình, chớ đừng nói tốt nữa. Như là :

- Muốn nói không, làm mẹ chồng mà nói.

- Mẹ chồng nàng dâu,
Chủ nhà người ở, khen nhau bao giờ ?

- Bố chồng như lồng chim phượng,
Mẹ chồng như tượng mới tô,
Nàng dâu là bồ chịu chửi

- Chê mẹ chồng trước đánh đau,
Gặp mẹ chồng sau mau đánh.

Hành hạ chưởi bới đã là quá rồi, bà gia mà đến đánh nàng dâu thì thật là vô lý quá. Bởi vậy, nàng dâu đối với bà gia ngoài mặt tuy làm bộ mẹ mẹ con con, chớ trong lòng căm hờn không còn chỗ nói, đến nỗi thốt ra rằng :

- Đói thì ăn khế ăn sung,
Trông thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng trôi.

- Thương chồng phải khóc mụ gia
Gẫm tôi với mụ có bà con chi !

Mẹ chồng đối với nàng dâu, xưa nay đã mang tiếng là ác nghiệt như vậy rồi, cho nên dầu có mẹ chồng nào ở lành với nàng dâu cũng mang tiếng lây, người ta chẳng kể mà cứ đánh xô bồ rằng :

Thật thà cũng thể lái trâu
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

Mà nghĩ không biết bà gia ở ác nghiệt với nàng dâu để làm gì ? Mình nhè vợ của con trai mình mà hành hạ, thì hại cho chúng nó đã đành, mà cho mình cũng chẳng lợi chi. Mình không lợi mà con dâu bị hành hạ đó nó cũng chẳng thèm sợ nữa. Thiên hạ nói rằng :

- Chồng ghét thì ra, bà gia ghét thì vào.

- Mẹ chồng dữ mẹ chồng chết
Nàng dâu có nết nàng dâu chừa.

Chính nàng dâu cũng ra ý không cần, nói rằng :

- Chồng dữ thì em mới lo
Mẹ chồng mà dữ mổ bò ăn khao !

- Chồng dữ thì em mới sầu,
Mẹ chồng mà dữ giết trâu ăn mừng.

Tuy vậy, những lời đó chẳng vì ở trong cái cảnh khốn nạn quá rồi nói phách cho nó dạn người ra một chút đó thôi chứ thật sự ra thì những nàng dâu bị mẹ chồng hành hạ mà khốn khổ rất nhiều. Đừng nói ông già bà cả làm chi, ai sống chừng chỗ[12] bốn năm mươi tuổi, thì ít nữa trong con mắt cũng đã từng thấy một vài người dâu bị mẹ chồng đầy đọa mà phải chia vợ rẽ chồng, hoặc đến nỗi phải bỏ mạng !

4. Sự bà con bên chồng dằn thúc

Người đàn bà lấy chồng bị chồng cai trị lại ở dưới quyền ông gia bà gia, cái đó chẳng nói làm chi. Đến như bà con họ mạc bên chồng cũng theo người dâu mà bắt tròn bắt méo, thì còn ai mà chịu nổi ?

Trong bọn ấy, có tiếng nhứt là ông chú mụ o[13]. Mà ông chú còn dễ chịu một chút, đến cái mụ o mới thật là khả ố. Quái cho cái tụi ! không biết, cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, can chi mà họ lại xét nét đến việc gia đình người ta ? Vậy có câu rằng :

- Làm dâu vụng nấu vụng kho,
Chồng không bắt bẻ mụ o nhún trề.

- Một trăm ông chú không lo,
Lo về một nỗi mụ o nỏ mồm.

Lại còn cái nạn em chồng nữa ! Bên dưới cha mẹ chồng người làm dâu còn phải kiêng dè một hạng người rất quan hệ nữa là em chồng. Vì em chồng đối với cha mẹ là thân hơn nàng dâu, có việc gì thì chúng nó đem mà mách thót với cha mẹ, lại mủi nhọt vào, ít xít ra nhiều, làm cho chị dâu bị rầy chưởi để cười chơi cho khoái. Cho nên em chồng tức là cái vây cánh nanh vút của mẹ chồng mà là người cừu địch với nàng dâu. Sự đó người ta không giấu giếm chi cả, nói toang ra rằng :

Em chồng ở với chị dâu
Coi chừng kẻo nó giết nhau có ngày !

À ! Té ra cái luân lý gia đình của ta là vậy đó ! Cái quốc túy của ta là vậy đó ! Bề ngoài trông ra dáng lắm, những cái tên “từ, ái, hiếu, mục” nghe sang trọng như trời, mà ở trong toàn là xiềng xích gươm đao để trói buộc đâm chém nhau ! Gia đình luân lý ! Lần này phải có tôi là kẻ nhẫn tâm nầy để xỉ tướng ngài ra !

Vậy nên cái đời người đàn bà là cái đời nhẫn nhục. Cứ nhịn ! Ai giỏi nhịn ấy là người vợ hiền, dâu thảo, mà có khi được làm cả mẹ lành nữa. Đố ai nghe câu phong dao một chữ một giọt nước mắt dưới nầy mà chẳng cảm động cho đành :

Từ khi em về làm dâu,
Anh thì dặn trước bảo sau mọi lời :
Mẹ già dữ lắm em ơi !
Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha.
Nhịn cho nên cửa nên nhà,
Nên kèo nên cột, nên xà tầm vông.
Nhịn cho nên vợ nên chồng,
Thì em coi sóc lấy trong cửa nhà.
Đi chợ thì chớ ăn quà,
Đi chợ thì chớ dần dà ở trưa.
Dầu ai bảo đợi bảo chờ,
Thi em nói dối con thơ, em về.

Trong câu nầy thấy thêm một cái quái tượng trong gia đình nữa. Thế gian chỉ có hùm beo ma quỷ mới là dữ, chớ mẹ già đối với con dâu sao lại gọi là dữ ? Chẳng qua sự mẹ già dữ là sự thường, cho nên người ta nói ra mà chẳng sợ ác lỗ miệng !

5. Sự chồng phụ

Người đàn bà phải nhẫn nhục mà chịu những điều cay đắng trên kia, là còn trông cậy có chút chồng ! Đến chồng cũng phụ nữa, ấy là hết chuyện ! Ai có đời :

Còn duyên anh cưới ba heo,
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi !

thì thật coi người đàn bà chẳng khác chi con đòi đứa ở !

Người đàn ông rẫy vợ, thường là bởi sự ham mê nhan sắc, có mới nới cũ :

Nói thương mà ở có thương,
Đi đâu mà bỏ buồng hương lạnh lùng.
Đêm qua khi lạnh khi nồng,
Khi đắp áo ngắn, khi chung áo dài,
Bây giờ chàng đã nghe ai
áo ngắn chẳng đắp, áo dài không chung !

Chẳng những “sang đổi vợ” mà thôi, hết đau đến mạnh, người ta cũng đổi vợ nữa. Người đàn bà nào gặp phải cảnh nầy tức bằng chết :

Nào khi ảnh bủng anh beo
Tay bưng chén thuốc, tay đèo núi chanh
Bây giờ anh mạnh anh lành
Anh mê nhan sắc anh đành phụ tôi
Thà tôi xuống giếng cho rồi !

Nhẫn lên là những điều thiệt thòi mà người đàn bà đã chịu trong gia đình. Lại còn vì cái chế độ xã hội mà làm họ điêu đứng nhiều cách khác nữa.

6. Cái khổ làm vợ bé

Tại xã hội cho phép đàn ông lấy nhiều vợ, nên đàn bà phải có người làm lẽ. Ta nghe người làm lẽ họ kể thân phận của họ mà thương hại thay :

- Lấy chồng lấy lẽ khó thay,
Đi cấy đi cày, chị chẳng kể công ;
Đến tối chị giữ lấy chồng,
Chị cho manh chiếu nằm không nhà ngoài
Đêm đêm gọi những : “Bớ hai,
Trở dậy nấu cám, thái khoai, đâm bèo !”

- Thân em làm lẽ chưa hề
Có như chánh thất mà lê giữa giường !
Tối lại chị giữ mất buồng
Cho em manh chiếu nằm suông chuồng bò
Mong chồng chồng chẳng xuống cho
Đến cơn chồng xuống, gà o gáy dồn
Cha mẹ con gà kia sao mầy vội gáy dồn ?
Mầy làm cho ta mất vía kinh hồn về nỗi chồng con !

Tuy làm lẽ không phải là khổ hết thảy :

Cũng thì làm lẽ, người ăn bát mẻ, nằm chiếu manh
Người ăn bát Đại Thanh, nằm chiếu miến.

và cũng có người vì cớ riêng mà ưng làm lẽ :

- Tốt số lấy được chồng chung
Lương vua khỏi đóng, áo chồng khỏi may

- Thà rằng làm lẽ thứ mười,
Còn hơn chánh thất những người đần ngu

Song cái phần đông là ưng lấy một vợ một chồng. Những người ấy họ bảo nhau rằng :

- Đói no một vợ một chồng
Một niêu cơm tấm, dầu lòng ăn chơi

- Đói thì ăn mắm lá sung
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng

Huống chi, sự lấy chồng chung là sự làm cho cái nhân cách của đàn bà trở nên đê tiện. Vì :

Chồng chung chồng chạ,
Ai hay hầu hạ thì đặng chồng riêng.

cho nên một bầy vợ tranh nhau mà thù phụng một anh chồng cũng như một bầy tôi tranh nhau mà nịnh hót một ông vua. Thần với thiếp cũng một loài. Kẻ nhân thần mất nhân cách đi thể nào, thì bọn thê thiếp cũng mất nhân cách đi thể ấy.

7. Cái khổ bị vua quan bắt hiếp

Tại xã hội bày ra cái chế độ quân chủ và cái chế độ đa thê mà đàn bà con gái vô phước thường phải lâm vào tay những kẻ cường bạo. Người ta đã công nhận rằng :

Cực chẳng đã mới gả cho vua
Gả cho vua thì thua nhiều nỗi

Lại rằng :

Đưa con vô nội
Liều như bán con cho mọi

Vậy thì đủ biết cái oán khí trong chốn dịch đình[14] nó đã kết lại và trào lên đến tận mấy từng trời ! Ấy mới là kể cái tình u uất của một đám phụ nữ bị nhốt trong cung nhà vua đó thôi, còn chưa nói đến sự tàn hủy thân thể họ mà ông vua bạo ngược như ông vua kia đã làm nữa là khác.

Vua đã có quyền muốn bắt con gái nhà ai thì bắt, rồi đến quan cũng vậy. Ta hãy kể lấy hai ông, là quan Chánh và quan Nghè :

Mẹ ơi quan Chánh đòi hầu,
Mua chanh mà gội cái đầu cho trơn

Đòi hầu sao lại nhè gái đã có con ? Nhưng mà các quan có kể chi ! Quan Chánh làm ngang, quan Nghè cũng có phép làm ngang. Hãy nghe lời một cô hàng rượu cung khai :

Tôi là con gái đồng trinh
Tôi đi bán rượu qua dinh ông Nghè
Ông Nghè sai lính ra ve
- Bẩm lạy ông Nghè : Tôi đã có con
- Có con thì mặc có con
Thắt lưng cho giòn, theo võng cho mau !

Các quan đời xưa cũng vậy mà đời giờ cũng vậy, cũng đều là người ho ra khói, nạt ra lửa, tài chi họ chẳng nuốt sống khách thuyền quyên !

8. Cái khổ góa bụa

Lấy theo cái ái tình cao thượng mà nói, thì vợ chồng đã ở cùng nhau, coi nhau như một thể, vả lại có con có cái rồi, mà một người chết đi, người còn sống đi lấy người khác, thì thật khí nhẫn tâm. Song theo thế thường có nhiều cái cảnh ngộ không thể ở vậy được, thế nào cũng phải chắp nối.

Ngặt một điều là, đã cho phép chắp nối thì định cho đàn bà đàn ông chung một kỳ hạn mới phải, cớ sao đàn ông một năm mãn khó được tục huyền, mà đàn bà phải thủ tiết đến ba năm ? Ức như vậy bảo sao đừng than :

Linh đinh chiếc bách giữa dòng
Thương thân góa bụa, phòng không lỡ thì
Gió đưa cây trúc ngã quỳ
Ba năm trực tiết, còn gì là xuân !

9. Cái khổ lấy chồng nhỏ

Ở Trung, Nam kỳ không có, chớ ngoài Bắc còn có cái tục lấy vợ sớm cho con để nhờ công nàng dâu thay vì đầy tớ gái, cho nên thường thường là vợ lớn chồng nhỏ, có khi tuổi vợ gần gấp đôi tuổi chồng. Sự đó cũng là do một cái thói tục xấu mà làm hại người đàn bà. Câu phong dao dưới đây là tả cái nỗi thống khổ của người mắc vào vòng ấy, lời tuy có hơi suồng sã mà thật là chí tình :

Tham giàu em lấy thằng bé tỉ tì ti
Làng trên xã dưới thiếu gì trai tơ
Em đem thân cho thằng bé nó giày vò
Mùa đông tháng giá, nó nằm co trong lòng
Cũng đa mang là gái có chồng
Chín đêm trực tiết nằm không cả mười
Nói ra sợ chị em cười,
Má hồng bỏ quá, thiệt đời xuân xanh
Em cũng liều mình vì thằng bé trẻ ranh,
Đêm nằm sờ mó quẩn quanh cho đỡ buồn
Buồn mình em lại bế thằng bé nó lên
Có còn bé mọn, đã nên cơm cháo gì !
Nó ngủ nó ngáy khì khì
Một giấc đến sáng, còn gì là xuân ?
Chị em ơi hoa nở mấy lần !

Đôi khi thằng bé ấy nó cũng làm ra mặt già giặn mà nói cưỡng rằng :

Em chớ thấy anh bé mà sầu !
Con ong kia nó bao lớn mà nó chích trái bầu trái bầu eo ?

Nhưng mà có ăn thua chi. Dư luận đã công nhận cho cái lối hôn nhơn ấy là không chánh đáng :

Chồng lớn vợ bé thì xinh
Chồng bé vợ lớn ra hình chị em.

Cho nên cái tục nầy ở Bắc kỳ tuy chưa dứt hẳn đi, nhưng cũng đã mỗi ngày một ít.

10. Cái khổ lấy chồng già

Vì đàn ông có rộng quyền, nên những người già cả mà giàu sang có quyền thế mới tha hồ lấy hầu non. Họ nói rằng thế là lấy thiếu âm bổ lão dương. Những con gái nhà nghèo hay là yếu thế tất nhiên phải vớ gặp chồng già. Có đôi người cùng rồi nói làm mê, nói rằng :

Có duyên lấy được ông già
Ăn xôi bỏ cháy ăn gà bỏ xương

Nhưng đó là câu nói không thiệt tình. Hãy nghe câu nầy mới biết cái khổ của kẻ lấy chồng già :

Vô duyên vô phúc, múc phải anh chồng già
Ra đường người hỏi rằng : cha hay chồng ?
Nói ra đau đớn trong lòng
Ấy cái nợ truyền kiếp, có phải chồng em đâu !

Tôi viết chương nầy đã dài, và đến đây, kể những sự thiệt thòi của phụ nữ chừng cũng đã hết. Vậy xin tạm nghỉ. Kỳ sau sẽ nói đến cái biến thái của đàn bà con gái là thế nào.

V. Các cái biến thái của phụ nữ

Từ ngày tôi viết bài khảo cứu nầy lần lượt đăng lên P.N.T.V. đến nay, thấy có một vài vị độc giả nói với tôi rằng : “Anh binh vực đàn bà quá, ròng những kể công và nói tốt cho họ, hèn chi bữa trước ông Thế Phụng nói trong báo Công luận rằng anh có chứng “nịnh đầm”, là phải”.

Rõ oan cho tôi !

Không phải vì mấy lời trách móc đó mà hôm nay tôi phải tiếp thêm chương nầy. Song, theo lối khảo cứu, hễ có làm sao, mình phải nói làm vậy. Cái tốt của đàn bà, mình phải kể ra ; mà cái xấu của họ mình cũng không nên lấp đi. Hôm nay sẽ nói đến các cái biến thái của phụ nữ ta ra thế nào.

Sao gọi là “biến thái” ?

“Thái” là cái thái độ, cái nết ; mà “biến” là đối với thường. Cứ theo như tục ngữ phong dao mà xét, thì cái tốt của đàn bà là phần nhiều, có thể cho là thường, còn cái xấu của họ là phần ít, có thể cho là biến, nên gọi là biến thái.

Trước hết kể những cái hư của người con gái, người ta liệt ra bảy điều :

Chê la chê lẩy
Con gái bẩy nghề :
Ngồi lê là một
Dựa cột là hai
Dỡn trai là ba
Ăn quà là bốn
Trốn việc là năm
Hay nằm là sáu
Cắn cháu là bảy

Trong bảy điều ấy, phạm một vài điều còn khá ; chớ phạm hết thảy, tất chí phải ế chồng. Nhứt là phạm điều thứ ba dỡn trai, người ta cho là con gái mất nết.

Nhưng những người đã mất nết, còn có sợ chi ế chồng. Họ dám nói rằng :

Chơi cho thủng trống long bồng
Rồi ra ta sẽ lấy chồng lập nghiêm
Chơi cho thủng trống long chiêng
Rồi ra ta sẽ lập nghiêm lấy chồng

Đã chơi cho mắc tang án vào mình rồi lại kiếm lời để chữa thẹn :

Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường

Họ đã quen tánh chơi bời rồi thì đến có chồng họ cũng vẫn không chừa. Chính họ đã thú nhận với chồng mình rằng :

- Anh đánh thì tôi chịu đòn
Tánh tôi hoa nguyệt mười con chẳng chừa

- Đánh tôi thì tôi chịu đau
Tánh tôi hoa nguyệt chẳng chừa được đâu
Tánh quen chừa chẳng được đâu
Lệ làng, làng bắt bấy mấy trâu mặc làng

Họ lại cho có chồng là lợi cho sự chơi :

Có chồng càng dễ chơi ngang
Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai ?

Cái tâm lý của những người ấy hiện ra trong mấy lời nầy :

Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai
Nằm đêm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều

Những người ấy họ không còn kể chữ “Trinh” là chi nữa. Họ khai thiệt rằng :

Chữ “Trinh” đáng giá ngàn vàng
Từ anh chồng cũ đến chàng là năm
Còn như yêu vụng dấu thầm
Họp chợ trên bụng đến trăm con người

Họ không lấy sự chính chuyên làm quý :

- Lẳng lơ chết cũng ra ma
Chính chuyên chết cũng chôn ra đầy đồng

- Chính chuyên lấy được chín chồng
Vo viên bỏ lọ, gánh gồng đi chơi
Không ngờ, quang đứt, lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng

- Chính chuyên lấy được chín chồng
Ba chồng thành Lạng, ba chồng thành Cao
Ba chồng để ngọn sông Đào
Trở về đóng cửa làm cao chưa chồng

Hoặc giả cũng có người vì sanh kế khốn nạn quá mà phải đi chơi bậy, tức như người ta thường nói : bán trôn nuôi miệng. Sự nầy có quan hệ với nền kinh tế trong xã hội, sẽ bàn ở nơi khác ; đây chỉ dẫn lấy một câu :

Có chồng thì mặc có chồng
Còn đi chơi trộm kiếm đồng mua rau

Lại một câu nữa :

Có ăn thiếp ở cùng chàng
Không ăn thiếp tếch, cơ hàn thiếp lui

Coi đó thì vì sự sanh kế cùng khuẫn, không những làm cho người đàn bà phải đưa mình vào đường sanh nhai không chánh đáng, mà lại có khi phải bỏ chồng nữa.

Vì nghèo, không có ăn mà lộn chồng, cái đó tuy đáng trách mà còn có chỗ dung thứ được ; đến như kẻ vì ham nhan sắc mà lộn chồng thì mới thật đáng trách. Có người đã vì bấy nhiêu đó mà không kể chi thân danh :

Sáng ngày ra đứng cửa đông,
Xem một quẻ bói lộn chồng được chăng ?
Ông thầy gieo quẻ, nói rằng :
Lộn thì lộn được, nhưng năng phải đòn.
Mồ cha đứa có sợ đòn,
Miễn rằng lấy được chồng giòn thì thôi !

Cũng vì sự sanh kế áp bách nói trên kia mà trong đám phụ nữ ta lại có một cái biến thái khác nữa, ấy là sự lấy Khách. Lấy Tây cũng vậy mà lấy Khách cũng vậy, tôi không phải cho sự hôn nhân đó là bất chánh. Song hôn nhân mà bất bình đẳng thì thật là không nên. Đàn bà An Nam mình lấy Khách chẳng thiếu chi, thế mà thấy có một vài người mình lấy đàn bà Tàu thì người Khách ở đây họ coi là một việc sỉ nhục lắm. Đã đành rằng vì mình yếu hèn hơn nên họ khinh. Song đã vậy thì dân tộc mình cũng nên giữ cái vẻ tự trọng một chút mà đừng thông hôn với họ mới phải. Nhưng giữ không được là trước hết bởi những con gái nhà nghèo. Đến nỗi có người đã trằn trọc nói với mẹ rằng :

Mẹ ơi ! Con chẳng lấy dân,
Dầu xa dầu gần, lấy khách mà thôi.
Lấy Khách được mặc áo đôi,
Được đi giày đỏ, được ngồi chiếu cao.

Những người lấy Khách cũng có người làm ăn nên nổi mà sung sướng thiệt, nhưng chẳng thiếu chi người vì cớ “chú nó” về Tàu rồi mà hóa ra điêu đứng bơ vơ. Có câu nầy tả người vợ Khách trông chồng thật là hay :

Chúa Tàu mở hội bên Ngô,
Cớ sao báo phướn sang chùa An Nam ?
Thà rằng chẳng biết cho cam,
Biết ra, kẻ Bắc người Nam thêm sầu.
Cột buồm mà nghĩ cây cau,
Thấy thuyền thúng nát, nghĩ tàu thằng Ngô.
Còn tàu, tàu bán vải xô,
Tàu về mới biết xi xô bạc tình !

Lại câu nầy nữa, tả cái cảnh người vợ Khách đốt vàng cho chồng :

Ba mươi tết, tết lại ba mươi,
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú Khách
Một tay cầm cái dù rách, một tay xách cái chăn bông
Em đứng bờ sông em trông sang bên nước người :
Hỡi chú Chệt ơi là chú Chệt ơi !
Một tay em cầm quan tiền,
Một tay em xách thằng bồ nhìn em ném xuống sông.
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm,
Bồ nhìn nhẹ thì bồ nhìn nổi.
Ai ơi của nặng hơn người !

Ta thử ngẫm bốn chữ “của nặng hơn người” thì đủ biết cái tâm lý của những người lấy Khách chỉ là vì ham của đó thôi. Cho nên lại có câu rằng :

Tham vàng lấy phải thằng Ngô,
Đêm nằm hú hí như vồ đập bông.

Vì vậy trong xã hội ta cũng phản đối sự lấy Khách. Nhiều lời ca dao công kích và nhạo báng :

- Thà rằng ăn cá diếc, trôi,
Chẳng thà lấy Khách, mọc đuôi trên đầu.

- Trèo lên trái núi mà coi,
Kìa kìa Ngô Khách mọc đuôi đằng đầu.
Em ơi, anh dạy tiếng Tàu :
Tiếu nạ má nị, đâm đầu lấy Ngô !

Lại có hạng đàn bà chỉ biết đồng tiền mà thôi, không kể tình nghĩa ra chi, lấy ai cũng được :

Trăm năm trăm tuổi trăm chồng,
Hễ ai có bạc thì bồng lên trên.

Bởi vậy cho nên mới có kẻ :

Chồng chết chưa héo ngọn cỏ, đã bỏ đi lấy chồng.

Đời xưa bên Tàu có người đã bảy con rồi mà chồng chết còn đi lấy chồng, thiên hạ lấy làm phi nghị lắm. Ở ta đây hạng người ấy cũng chẳng phải ít. Họ nói với bầy con họ rằng :

Hỡi thằng cu bé ! Hỡi thằng cu lớn ! Cu ti, cu tị, cu tì ơi !
Con dậy con ăn, con ở với ông,
Để mẹ đi lấy chồng kiếm lấy em con.
Hỡi thằng cu lớn ! Hỡi thằng cu bé ! Cu ti, cu tị, cu tí, cu tì ơi !
Con dậy con ăn, con ở với bà,
Để mẹ đi kiếm một và con thêm,
Cha con chết đi trong bụng mẹ nó hãy còn thèm,
Mẹ xem quẻ bói, vẫn còn đàn em trong bụng nầy.
Con ra gọi chú vào đây,
Để mẹ giao trả cái cơ nghiệp nầy mẹ bước đi.

Ấy là kể những điều đại khái, còn những cái nết xấu nho nhỏ, như là :

Đi chợ ăn quà, về nhà đánh con.

lại với :

Những người béo trục béo tròn,
Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày.

thì ta không hơi đâu mà kể cho hết.

Còn cái tánh ghen :

Ớt nào là ớt chẳng cay,
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.
Vôi nào là vôi chẳng nồng,
Gái nào là gái có chồng chẳng ghen.

Thì lại là cái tánh thông thường của phụ nữ, ta nghĩ không nên trách họ làm chi.

VI. Sự đẹp và cách trang sức của phụ nữ

Trong đời đàn bà, cái đẹp không phải là không quan trọng. Cái đẹp tuy bởi tự nhiên, nhưng mà cũng có nhờ trang sức.Vậy chương nầy xét về sự đẹp và cách trang sức của phụ nữ ra thế nào.

Ngày nay cái quan niệm của người ta đối với sự đẹp của đàn bà tuy hoặc có thay đổi ít nhiều, nhưng về khuôn mặt, nước da là phần chính, thì vẫn chuộng theo cái quan niệm ngày xưa. Còn như về cách trang sức thì ngày nay có lẽ phiền phức hơn ngày xưa nhiều lắm. Các thứ phấn cùng các thứ nước hoa mà các bà các cô dùng ngày nay, ngày xưa làm gì đã có. Đây nói trang sức là cách trang sức của phụ nữ ba mươi năm về trước.

Đọc chương nầy sẽ thấy có hai điều nên chú ý : một là cái quan niệm về sự đẹp của người mình rất đơn giản ; hai là cách trang sức của phụ nữ ngày xưa còn chất phác, không có phiền hoa như bây giờ.

Người đàn bà thế nào thì gọi là đẹp ? Cái đó tuy tùy theo sự vừa mắt của mỗi người, song cũng không thoát ra khỏi những điều kiện của một cái quan niệm chung đã buộc. Vậy cứ theo phong dao thì những điều kiện ấy có như sau nầy :

1. Da trắng tóc dài :

Tiếc thay con người da trắng tóc dài,
Bác mẹ gả bán cho người đần ngu !

Bởi chuộng da trắng nên chê người da đen :

Cô kia đen thũi đen thùi,
Phấn đánh vô hồi, đen cũng hoàn đen.

Bởi chuộng tóc dài nên chê tóc quăn :

Tóc quăn chải lược đồi mồi,
Chải đứng chải ngồi, quăn vẫn hoàn quăn.

Tóc quăn không những là không đẹp mà lại là người xấu tánh nữa :

Tôi đà biết vợ anh rồi,
Quăn quăn tóc trán là người hay ghen.

2. Mặt chữ điền :

Má miếng bầu coi lâu muốn chưởi,
Mặt chữ điền tiền rưỡi muốn mua.

Mặt mo thì ai cũng phải ghét :

Những người phinh phính mặt mo,
Chân đi chữ bát, thì cho chẳng màng.

3. Mắt sắc và lông mày cũng sắc :

Cổ tay em trắng như ngà,
Con mắt em liếc như là dao cau ;
Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

Con mắt sắc như dao cau đã đành ; người ta cũng hình trạng cái lông mày đẹp nó sắc như dao có thể giết được cả :

Nhà anh chín đụn, mười trâu,
Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân.
Cầu nầy là cầu ái ân,
Một trăm con gái rửa chân cầu nầy.
Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh !

4. Má núng đồng tiền :

Vào vườn trảy trái cau non,
Anh thấy em giòn, anh kết nhân duyên.
Hai má có hai đồng tiền,
Càng nom càng đẹp càng nhìn càng ưa.

5. Vú nhỏ :

Trên đầu em đội khăn vuông,
Trông xuống dưới ngực, cau buồng còn non.
Cổ tay em vừa trắng vừa tròn,
Mặt mũi vuông vắn, chồng con thế nào ?

Cau buồng còn non, là nói cái vú nhỏ. Người mình lấy vú nhỏ làm đẹp. Ở Trung, Bắc kỳ vẫn có tục nịt vú cho nhỏ lại. Tục nầy chừng như Nam kỳ không có. Bên Tàu cũng có, người ta cho rằng hại vệ sanh lắm, nên mới rồi có cuộc cổ động cho đàn bà không nịt vú nữa, kêu rằng : “nữ tử hung bộ chi giải phóng”, nghĩa là sự giải phóng cho cái ngực của đàn bà. Họ vận động cuộc giải phóng nầy cũng có công lắm, như là sự vận động cấm bó chân ngày trước.

6. Cổ tay trắng mà tròn.

(Đã thấy trong câu trên)

7. Răng đen hoặc răng vàng.

Đàn bà Nam kỳ từ lâu không nhuộm răng ; còn Trung, Bắc kỳ từ nay mới bắt đầu có người không nhuộm răng, song ngày xưa thì hết thảy đều nhuộm cả, hễ răng trắng thì cho là xấu cho nên có câu phong dao tỏ sự bất bình của người đàn bà mà rằng :

Những người má đỏ hồng hồng,
Răng đen rưng rức thì chồng chẳng yêu !
Những người mặt lọ như niêu,
Hàm răng trắng ởn, chồng yêu cởn cờ !

Ở Bắc kỳ ngày xưa đàn bà nhuộm răng có hai cách, nhuộm vàng rồi nhuộm đen. Nhuộm vàng thì nhuộm bằng cánh kiến rồi nhuộm đen sau. Có người không nhuộm đen nữa chỉ để màu vàng, nên gọi là răng vàng. Trong phong dao có nhiều câu tỏ ra răng vàng là đẹp :

- Thấy em đẹp nói đẹp cười,
Đẹp quần đẹp áo, lại tươi răng vàng.
Chân em đi giép quai ngang,
Mặt vuông chữ điền, liền vành cá chôi (?)
Ta thương mình lắm mình ôi,
Cá chết vì mồi, khốn nạn đôi ta.

- Tuổi cô mình còn chừng độ đôi ba,
Em bận cái quần trứng sáo, cái áo the hoa phất phơ nhuộm màu
Em đã xinh, em lại có nhiễu đội đầu,
Em đội cái nón xứ Nghệ ra màu điểm trang.
Em đã xinh em lại nhuộm cái bộ răng vàng,
Mảnh gương tư mã, thiếp với chàng soi chung.

- Anh là con trai út ở nhà,
Anh đi kén vợ đường xa quê người.
Thấy em đẹp nói đẹp cười,
Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng.
Vậy nên anh gởi thơ sang,
Tình cờ anh quyết lấy nàng mà thôi.

Rồi đến răng đen :

- Tấm áo nâu sồng xếp nếp em để trong nhà,
Ba vuông khăn tím phất phơ đội đầu.
Tấm yếm đào sao em khéo giữ màu,
Răng đen rưng rức, mái tóc dầu em hãy còn xanh.

- Mình về có nhớ ta chăng ?
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Năm quan mua lấy miệng cười,
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.
Cái răng đen ai khéo nhuộm cho mình,
Để duyên mình đẹp, để tình anh yêu ?

8. Lưng ong :

Những người lưng ong, chẳng những là đẹp, mà theo tướng, lại là người đàn bà có hiền đức nữa, người ta nói rằng :

Những người thắt đáy lưng ong,
Vừa khéo chìu chồng, vừa khéo nuôi con.

Ấy là kể những điều kiện mà người mình buộc đàn bà đẹp phải có là như thế. Coi đó thì thấy quan trường chấm cuộc thi đẹp của ta không nghiêm nhặt mấy mà lại sơ sót là khác nữa. Cái lỗ mũi ở giữa mặt người đàn bà, quan trọng là dường nào, thế nhưng ta không chú ý đến ; cặp tai cũng vậy ; cho nên không có câu nào nói đến mũi và tai.

Về cách trang sức thì chừng như đàn bà An Nam ta ngày xưa chú ý thứ nhứt là cái yếm. Ở Nam kỳ ngày nay, đi khắp cả xứ, có lẽ kiếm không ra lấy một cái yếm ; nhưng cái yếm ngày xưa là vật trau dồi nhứt trong mọi đồ y phục của đàn bà. Có nhiều câu phong dao nói về cái yếm hơn hết :

- Yếm thắm mà nhuộm hoa nương,
Cái răng hột đậu làm tương anh đồ ;
Yếm thắm mà vã nước hồ,
Vã đi vã lại anh đồ yêu đương.

- Hỡi cô yếm trắng lòa lòa,
Yếm nhiễu yếm vóc hay là trúc bâu ?
Hay là lụa bạch bên Tàu ?
Người cắt cũng khéo người khâu cũng tài.
Một đàng anh thêu nên nhạn,
Hai đàng anh mạng nên hoa,
Yếm em nay để trong nhà,
Khen thay thầy mẹ mở khóa đưa ra cho nàng.

Con gái có chồng, mẹ cũng sắm cái yếm :

Lạy cha ba lạy một quỳ,
Lạy mẹ bốn lạy, con đi lấy chồng.
Mẹ sắm cho con cái yếm nhứt phẩm hồng.
Trước là đắc nghĩa cùng chồng,
Sau là họ mạc cũng không chê cười.

Cái yếm đến nỗi làm cho thầy tu phải mê :

Ba cô gánh gạo lên chùa,
Một cô yếm đỏ bỏ bùa cho sư ;
Sư về sư ốm tương tư,
ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.

Ngoài cái yếm ra rồi đến cái áo, cái quần, cái khăn, cái nón, cái gương, cái lược, ấy là kể hết đồ trang sức của phụ nữ. Những hoa tai, vòng vàng, kiềng, xuyến, người ta ít nói đến ; đến như ngọc bích, hột xoàn[15] thì thôi không có. Sự ăn mặc của phụ nữ ngày xưa có thể gồm trong mấy câu nầy :

Con gái đương thời đã nên con gái.
Cái áo em mặc chải chải hoa hồng.
Trong yếm đại hồng, chuỗi xe con toán.
Cái quai dâu chạm em đội trên đầu.
Cái nhôi dâu gấp quấn vào đỏ chói.
Lỗ miệng em nói có hai đồng tiền,
Như cánh hoa sen giữa ngày mới nở
Khi em đi chợ có kẻ gánh gồng
Anh đứng anh trông má hồng đỏ thắm,
Anh đứng anh ngắm đẹp đẽ làm sao !...

Hãy nghe lời một người đàn ông sắm đồ phục sức cho đàn bà mình :

Lấy anh, anh sắm sửa cho,
Sắm ăn, sắm mặc, sắm cho chơi bời.
Khuyên em có bấy nhiêu lời,
Thủy chung như nhứt, là người, phải nghe.
Mùa đông lụa lụa the the,
Mùa hè bán bạc hoa xòe sắm khăn ;
Sắm gối thì phải sắm chăn,
Sắm gương sắm lược, sắm khăn đựng trầu ;
Sắm cho em đôi lược chải đầu,
Cái ống đựng sáp vuốt đầu cho xinh.

Người ta vẫn chịu rằng đàn bà đep là nhờ cái tư sắc tự nhiên rồi ăn mặc vào nó mới đội lên, còn người vốn xấu mà trang sức vào thì cũng chẳng vớt lại được chút nào hết. Vậy có câu rằng :

Cô kia má phấn môi son
Nắng dầu mưa dãi càng giòn càng ưa
Cô kia mặt trẽn mày trơ,
Vàng đeo bạc quấn cũng dơ dáng đời.

Tuy vậy, theo cái lòng chuộng đức hạnh của xã hội ta thì đàn bà đẹp không bằng đàn bà có nết, người ta nói rằng :

Cái nết đánh chết cái đẹp

Lại rằng :

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.

Lại có hạng đàn bà không đẹp mà cũng không có nết song được chồng yêu thì cũng ở đời với chồng, và những cái xấu lại trở nên cái tốt. Cái đó chừng như người ngoài không có thể hiểu được, duy có người làm chồng hiểu lấy mà thôi. Vậy như :

Lỗ mũi em thì tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho.
Đêm nằm thì ngáy kho kho,
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm giắt đầu.

VII. Nghề nghiệp của phụ nữ

Chương thứ III trên kia nói về công khó của người đàn bà đối với gia đình. Ở trỏng cũng đã có phô bày ra những công việc làm ăn của họ nhưng mà chưa hết, phải có một chương nầy kể về nghề nghiệp của phụ nữ.

Từ mấy năm nay cho đến hiện bây giờ, có nhiều người chú ý đến vấn đề chức nghiệp của phụ nữ, nghĩa là bàn tính cách dạy dỗ làm sao cho đàn bà có chức nghiệp, có công việc làm để mà tự lập lấy thân. Nếu vậy thì từ xưa đến nay, đàn bà ta không có chức nghiệp hay sao ? Chẳng vậy thì sao ngày nay mới bắt đầu bày ra dạy dỗ ?

Không, đàn bà ta từ xưa, mà cho đến nay cũng vậy, vẫn có chức nghiệp lắm chớ. Song ngày nay lại còn bày ra dạy dỗ là vì có hai cớ.

Một là bởi cái hiện tượng ở thành phố. Đàn bà ở thành phố, nhứt là Sài Gòn đây, phần nhiều là ăn không ngồi rồi, không có công việc. Những nhà sang trọng, ngồi đó mà ăn chơi, chẳng nói làm chi, chí như nhà bực trung, chồng đi làm một tháng năm bảy chục, một vài trăm, vợ ở nhà chẳng làm gì hết, đến hột cơm cũng không muốn nấu, mà thường ngày dắt nhau đi ăn cơm tiệm. Điều đó[16] do cái biến thái của phụ nữ mà ra, lại cũng bởi cái hoàn cảnh của xã hội nữa. Người ta thấy vậy, cho đàn bà là vô nghiệp, nên mới muốn dạy dỗ cho có chức nghiệp.

Hai là bởi sự áp bức của tư bổn và cơ khí. Những nghề nghiệp đàn bà ở nhà quê quen làm thuở nay thì lâu nay đã bị tư bổn và cơ khí cướp đi hết. Nghề kéo sợi dệt vải, thì bị những nhà máy sợi máy dệt cướp đi mất ; nghề may vá thì bị những máy may choán đi ; nghề đặt rượu nuôi heo thì bị mấy công ty rượu chặn rồi. Cho nên đàn bà nhà quê, là hạng chăm làm ăn hơn hết, mà ngày nay cũng hóa ra thất nghiệp. Vì đó người ta muốn dạy dỗ cho họ về các chức nghiệp khác.

Ở đây không cốt bàn về sự dạy dỗ ấy, chỉ muốn nói cho rõ ra rằng đàn bà ta không phải là không có nghề làm ăn đâu, mà xưa nay trong trường sanh hoạt của xã hội ta, họ vẫn gánh một phần việc lớn lao chẳng kém gì đàn ông vậy.

Dân tộc ta là một dân tộc chuyên nghề nông. Trong nghề ấy, chẳng những đàn ông mạnh chưn khỏe tay mới làm được mà thôi, đàn bà cũng làm. Mà đàn bà chẳng làm được việc nặng, cũng làm được việc nhẹ.

Việc nhẹ hơn hết, là đem cơm ra đồng :

Trời mưa cho lúa chín vàng,
Cho anh đi gặt cho nàng đem cơm.
Đem thì bát sứ mâm son,
Chớ đem mâm gỗ anh hờn không ăn.

Rồi đến làm cỏ và cắt cỏ cho trâu :

- Bao giờ cho đến tháng hai,
Con gái làm cỏ, con trai be bờ.

- Cô kia cắt cỏ một mình,
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi ?
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.

Rồi đến đi cấy :

- Em thì đi cấy lấy công,
Để anh nhổ mạ, tiền chung một lời,
Đem về cho bác mẹ coi,
Làm con phải thế, em ơi !

- Em thì đi cấy ruộng bông,
Anh đi cắt lúa, để chung một nhà,
Đem về phụng dưỡng mẹ cha,
Muôn đời tiếng hiếu, người ta còn truyền.

Mà sự đi cấy là sự vất vả lắm, không phải vừa. Có khi người ta làm việc ấy trong ban đêm, mệt nhọc là dường nào. Hãy nghe những con cấy nói với nhau :

Nhác trông sao Đẩu về đông,
Chị em ra sức cho xong ruộng nầy.
Lấm lem tay cắm chưn dày,
Hay trồng cây ngọc, có ngày hữu thu !

Đàn bà con gái cũng đánh trâu đi cày được như người trai lực điền. Bởi vậy có cậu con trai đã hát ve cô nọ mà rằng :

Cô ấy mà lấy anh nầy,
Chẳng phải đi cấy đi cày nữa đâu.
Ngồi trong cửa sổ trên lầu,
Có hai con bé đứng hầu hai bên.

Đại để việc làm nông của ta là việc chung trong một gia đình, cả vợ lẫn chồng. Có người đã bỏ công danh mà theo nghề nông cũng vì cái thú vui ấy :

Công danh theo đuổi mà chi,
Sao bằng chăm chỉ giữ nghề canh nông ?
Sớm khuya có vợ có chồng,
Cày sâu bừa kỹ mà mong được mùa !

Ngoài nghề làm ruộng thì có nghề canh cửi, dệt vải, dệt lụa. Tội nghiệp có cô con gái đã van với mẹ mình rằng :

Mẹ ơi đừng đánh con đau,
Để con quay tơ đánh ống làm giàu mẹ coi !

Có chồng rồi, giúp chồng trong việc sanh nhai cũng lấy nghề canh cửi :

- Uốn tay cho mềm, dệt cửi cho ngoan ;
Lấy tiền ta đóng việc quan cho chồng.

- Canh một dọn cửa dọn nhà,
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm,
Canh tư bước sang canh năm,
Trình anh dậy học chớ nằm làm chi !

Đàn bà ngày xưa họ hay tự mình lo lấy việc làm ăn ; hầu cho chồng có thì giờ mà lo việc học. Vậy nghề làm ruộng và nghề dệt là gốc của họ :

Xin chàng kinh sử học hành,
Để em cày cấy, cửi canh kịp người.
Mai sau xiêm áo thảnh thơi,
Ơn trời lộc nước đời đời hiển vinh.

Hái dâu nuôi tằm, cũng lại là một cái nghề của đàn bà nữa :

Trời mưa lác đác ruộng dâu,
Cái nón đội đầu, cái thúng cắp tay ;
Bước chưn xuống hái dâu nầy,
Nuôi tằm cho lớn, mong ngày ươm tơ.

Còn nói chi nghề may, là riêng về nữ công đã đành rồi, bởi vì :

Đường kim mối chỉ là phương đàn bà

và người ta cũng thường nói rằng :

Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.

Việc buôn bán ở nước ta ngày xưa ở trong tay đàn bà hết, gần như đàn ông không biết tới. Từ việc buôn rong bán gánh, cho đến buôn trăm bán ngàn, đều là việc của đàn bà. Có anh đàn ông đã thừa cái cơ hội ấy mà cất thân ra làm kẻ thâu thuế để có thường gặp người yêu của mình :

Em rằng em muốn đi buôn,
Anh về kiếm chốn nha môn ngồi tuần.
Dầu em buôn bán xa gần,
Làm sao tránh khỏi cửa tuần anh đây ?

Nghe mấy câu dưới nầy đủ biết đàn bà ngày xưa giữ việc bán cà bán rau ngoài chợ đành rồi, mà có khi đi buôn bè buôn gỗ cũng được, gặp chi làm nấy :

- Anh về hái đậu hái cà,
Để em đi chợ, kẻ mà lỡ phiên.
Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của,
Miệng tiếng người cười rủa sao nên ?
Lấy chồng phải gánh giang sơn,
Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì ?

- Kỳ nầy em sắp buôn bè,
Thấy anh rách áo trở về buôn bông.

Buôn bán phải tiện tặn, không thì lỗ vốn mà chết. Hãy nghe chị hàng[17] than rằng :

Bán hàng ăn những chũm cau,
Chồng ơi có thấu cơ mầu này chăng !

Tục ta quen rồi, hễ đàn bà có cửa nhà thì nuôi heo, hầu cho khỏi bỏ phí nước cơm hằng bữa và những rau chuối trong vườn. Đàn bà không nuôi heo, ấy là đàn bà hư, làm biếng.

- Đàn bà thì phải nuôi heo,
Thời vận đương nghèo nuôi chẳng đặng trâu.

- Ai về chợ Vạn thì về,
Chợ Vạn có nghề đặt rượu nuôi heo.

Lúc trước, công ty người Pháp chưa chiếm lấy độc quyền nấu rượu, dân ta được tự do nấu lấy mà nộp thuế cho vua, thì đàn bà vừa nấu rượu, vừa lấy hèm (bã rượu) nuôi heo, cũng là một nghề có lợi to, cho nên mới nói như vậy. Ngày nay dân không có phép nấu rượu, không còn ai nuôi heo bằng hèm nữa.

Nói tóm lại, đàn bà con gái ta thật không phải là ăn dưng ở nể[18] chi đâu, người nào cũng phải có công việc làm. Hãy nghe mấy lời dạy con gái :

Nào nghề bánh trái những là...
Đến khi kỵ lạp trong nhà càng hay.
Bán buôn canh cửi kia thay,
Sanh nhai phải giữ trong tay một nghề.
Bây giờ chẳng liệu thì quê,
Mai sau cùng túng khôn bề làm ăn.

Lại nghe lời người đàn bà kể công việc mình làm trong một năm dưới nầy, thì biết được công phu của họ chẳng những xứng đáng với sự của mình mà lại giúp đỡ cho sự sống của cả xã hội nữa :

Một năm chia mười hai kỳ,
Thiếp ngồi thiếp tính khó gì chẳng ra ?
Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm.
Tháng ba đi bán vải thâm,
Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về.
Tháng sáu em đi buôn bè,
Tháng bảy tháng tám trở về đong ngô.
Chín, mười cắt rạ đồng mùa,
Một, chạp vớ được anh đồ dài lưng !
Anh ăn rồi anh lại nằm
Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền.

Nhẫn lên là kể những nghề nghiệp chính. Còn những người nào không chuyên làm một nghề gì, mà làm nội việc vặt trong nhà cũng đã đủ mệt rồi. Nào là xay lúa, giã gạo, nấu ăn, rửa chén, rau heo, cháo chó, cũng đủ làm cho người đàn bà phải quay như chong chóng. Vậy mà đi đánh tứ sắc sao được ? đi “câu cá, câu tôm” sao được ?

Giã ơn cái cối cái chày,
Nửa đêm gà gáy có mày có tao
Giã ơn cái cọc bờ ao
Nửa đêm gà gáy có tao có mày !

Đã gọi là việc nhà thì thôi, không trừ cho bà nào hết :

Ra đường bà nọ bà kia,
Về nhà không khỏi cái nia cái sàng.

Ấy rồi mới đến hạng đàn bà nghèo nàn, nhà cửa đơn sơ, chẳng có công việc chi, chỉ đi bắt ốc, hái rau, đốn củi, đốt than mà độ nhựt, thì lại càng vất vả hơn nữa :

- Rủ nhau lên núi đốt than,
Anh đi Tam Điệp, em mang nón trình.
Củi than lem luốc với tình,
Ghi lời vàng đá, xin mình chớ quên !

- Rủ nhau xuống biển mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi ! chua ngọt đã từng,
Non xanh nước bạc, ta đừng quên nhau !

Ở trong cái cảnh ấy, tuy lem luốc chua cay mặc lòng, mà “ghi lời vàng đá”, “non xanh nước bạc chẳng quên nhau”, thì lại vui lòng gấp mấy những người giàu sang sung sướng mà bạc tình phụ nghĩa. Cho nên nói rằng : Phước thay cho kẻ nghèo !

Kết luận

Bài khảo cứu đến đây cũng đã dài rồi, những tục ngữ phong dao nói về đàn bà cũng đã hết, xin có mấy lời kết luận :

Nhớ lại trong lời giáo đầu bài này, tôi có nói : Muốn giải quyết vấn đề phụ nữ phải làm hai từng công việc. Việc thứ nhứt là phải suy tìm cho biết cái tình trạng phụ nữ nước ta từ xưa đến nay ra làm sao, việc thứ hai là phải định phương châm cho cách sanh hoạt mới của phụ nữ nên thế nào. Mà tôi viết bài nầy là có ý góp một phần vào trong công việc thứ nhứt.

Vậy đọc từ đầu bài đến đây, độc giả cũng đã thấy cái tình trạng phụ nữ nước ta từ xưa đến nay ra làm sao rồi. Lời kết luận nầy chẳng qua tóm tắt lại cho dễ nhớ mà thôi.

Trước hết, nước ta do theo lễ giáo phong tục, mà coi đàn bà con gái không ra chi. Đối với đàn ông, đàn bà phải chịu nhiều cái điều ước bất bình đẳng. Đàn bà đối với xã hội, có nghĩa vụ không kém gì đàn ông, nhưng quyền lợi không bằng đàn ông.

Từ đôi ba mươi năm nay, nhơn cái phong trào của thế giới mà cái hoàn cảnh của xã hội ta cũng thay đổi. Do cái hoàn cảnh ấy và do cái chế độ cũ của ta đã sa sút đi, mà không có cái chế độ khác chánh đáng hơn thay vào, thành ra trong phụ nữ giới có nhiều cái biến thái.

Song chúng ta phải xét cho kỹ, cái biến thái ấy chỉ phần nhiều sanh ra ở chốn thành thị mà thôi, chớ các nơi nhà quê, phụ nữ ta vẫn chưa mất cái nền nếp xưa.

Đó, đại lược cái tình trạng của phụ nữ ta tóm lại trong mấy lời ấy.

Tôi có đọc mấy bài ý kiến của các ông trả lời cho Phụ nữ tân văn[19], như bài ông Nguyễn Văn Vĩnh, bài ông Nguyễn Phan Long, ông thì nói đàn bà ta ngày nay muốn làm ra đầm, ông thì nói đàn bà ta không được việc chi hết. Tôi cho nói như vậy là vì cái thiên kiến. Các ổng chỉ ngó vào các bà các cô ở Hà Nội, Sài Gòn mà nói, chớ không kể đến đàn bà ở nhà quê. Thưa các ông, hạng thắt lưng buộc bụng ở nhà quê cũng là đàn bà vậy chớ, mà hạng nầy lại nhiều hơn nữa.

Cái công việc thứ hai, tôi không đủ sức làm. Tôi không có đủ tài vẽ ra một con đường mới cho phụ nữ ta rày về sau noi đó mà đi. Nhưng sau khi viết bài khảo cứu nầy, tôi cũng có được một cái ý kiến tầm thường, thử nói sơ ra đây.

Ước gì xã hội ta nhắc cái địa vị của phụ nữ cho cao lên một chút. Cái nghĩa vụ của họ xưa nay thế nào vẫn buộc phải như thế, mà thêm cái quyền lợi của họ lên. Cùng trong một lúc ấy, lại kiếm cách đem phụ nữ ở thành thị cho vào khuôn vào phép, mà cởi bớt trói buộc cho phụ nữ ở thôn quê ra.

Hiện ngày nay ở nước ta, mọi việc đã mất cả thăng bằng, mà trong đám phụ nữ cũng vậy, người sướng, sướng quá, kẻ khổ, khổ quá. Nếu cứ để yên cái hiện trạng ngày nay thì không mấy lâu nữa mà đàn bà con gái nhà quê kẻ trốn cha mẹ, bỏ chồng con, tìm đến thành thị mà ở hết, vì ở đó sướng hơn.

Song le, cái ý kiến của tôi đó cũng lại là một cái ý kiến bông lông. Tôi nói “Ước gì xã hội ta”, – thế là trông mong vào ai ? Tôi nói “kiếm cách”, – là cách nào ?

Tôi quyết rằng mình không có quyền chánh trị và quyền giáo dục trong tay thì có ý kiến chi cũng là vô dụng cả. Nói ra mà nghe chơi thì được, chớ chẳng có thể nào thiệt hành nổi.

Trong bài trả lời của ông Diệp Văn Kỳ, cũng không khỏi cái bịnh bông lông, nhưng có một câu đáng chú ý nhứt, là ông nói : Cái vấn đề phụ nữ thì phải chính phụ nữ tự giải quyết lấy.

Phải lắm. Ngày nay ở nước ta kẻ có phương thế giải quyết cái vấn đề ấy thì lại không cần giải quyết mà làm chi ; còn kẻ muốn giải quyết thì lại không có phương thế. Như vậy, nếu phụ nữ chẳng tự mình giải quyết lấy thì ai ? Mà phụ nữ muốn giải quyết cái vấn đề ấy, chẳng chi bằng cậy ở tấm lòng giác ngộ của mình.

Giác ngộ đối với hôn mê. Khi còn ở trong giấc ngủ, thì hôn mê không biết chi ; khi đã thức dậy, đã tỉnh biết, thì làm theo sự tỉnh biết của mình. Lúc nào phụ nữ ta đã có một phần đông thức dậy và tỉnh biết, lúc ấy họ sẽ lấy tấm lòng giác ngộ của mình mà giải quyết vấn đề ấy.

Vì nghĩ như vậy, tôi bỏ không làm tiếp công việc thứ hai, mà định rằng trong một số tới, chưa biết số nào, sẽ có một bài bàn về sự giác ngộ của phụ nữ ta từ rày về sau nên làm sao.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Chìu lòn: hạ mình, theo ý người khác (theo H.T. Paulus Của)
  2. Cả và : tất cả
  3. Chú ý : đây là cách xử lý chung của giới viết văn viết báo nửa đầu thế kỷ XX : giữ nguyên trật tự các từ tổ hợp gốc Hán (định ngữ đứng trước danh từ), vì vậy “mẫu quyền gia đình” ở đây vẫn có nghĩa là : Kiểu gia đình theo mẫu quyền
  4. Bản gốc là phát triết, có thể do in sai, ở đây sửa lại
  5. Trổ trời : thấu trời ; nghĩa bóng : rất, quá (theo H.T. Paulus Của)
  6. Đừa đi : xô đẩy nhẹ, đưa đi (theo H. T. Paulus Của)
  7. Để vợ : bỏ vợ
  8. Gia nương : mẹ (theo H. T. Paulus Của)
  9. Câu phong dao nầy thấy trong sách Thanh Hóa quan phong của Vương Duy Trinh. Mấy lời mở đầu không hiểu nghĩa ra sao (Nguyên chú của Phan Khôi)
  10. Mắc tịt : thẹn, xấu hổ (theo H. T. Paulus Của)
  11. Đơm quải : cúng cơm cho vong hồn cha mẹ (theo H. T. Paulus Của); bản gốc in là quảy, chắc in sai, ở đây sửa lại. [quảy, nghĩa đen là “lấy vai chịu có một đầu gánh” hoặc “treo cột vật chi vào một đầu cây, gác trên vai mà đi” (H. T. Paulus Của), nói đơn giản, quảy là một nửa gánh, là gánh một bên; quảy đó không liên quan gì đến đơm cả]
  12. Chừng chỗ : không rõ nghĩa; phải chăng là chừng độ ? Bản gốc in lầm ?
  13. Ông chú, mụ o : ông chú, bà cô
  14. Dịch đình : nhà ở cạnh cung vua ; dịch đình ở đây trỏ trong cung cấm (khác dịch đình (cùng âm, khác chữ) trỏ nhà trạm dịch trên đường tin tức, thư tín) (theo Đào Duy Anh)
  15. Bản gốc là: bích ngọc, hột xoàng; ở đây sửa lại
  16. Bản gốc là: Điều có, có lẽ in sai; ở đây sửa lại
  17. Có lẽ chỗ này bản gốc in sót 1 từ, phải chăng là “chị hàng cau”?
  18. Ở nể : ở không (theo H. T. Paulus Của
  19. Phụ nữ tân văn ngay từ các số đầu đã mở cuộc trưng cầu ý kiến về vấn đề phụ nữ. Dưới đề mục Các danh nhân trong nước đối với vấn đề phụ nữ, từ số 1 (2.5.1929) đến số 14 (1.8.1929), báo lần lượt đăng ý kiến của: Trần Trọng Kim, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Vĩnh, Đạm Phương nữ sĩ, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Nguyễn Phan Long, Cao Văn Chánh, Diệp Văn Kỳ.