Bước tới nội dung

Theo thuyết chánh danh, soát lại mấy cái danh từ người mình thường dùng

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Theo thuyết chánh danh, soát lại mấy cái danh từ người mình thường dùng  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 69 (11.9.1930)

Phụ nữ tân văn số 58 và 59, tôi có bài Theo thuyết chánh danh, đính chánh lại cách xưng tên của người Việt Nam. Trong đó tôi có nói rằng bất kỳ một cái tên chung (nom commun) hay là một cái tên riêng (nom propre), trong khi dùng nó cũng phải xem xét suy nghĩ cho kỹ cang, chớ không được cẩu thả chút nào hết. Tuy vậy, trong bài đó, tôi chỉ mới nói về sự xưng tên riêng mà thôi ; hôm nay, bài này, tôi phải nói về sự dùng tên chung.

Bài nầy, tôi đặt đầu đề là Theo thuyết chánh danh soát lại mấy cái danh từ người mình thường dùng. Vì tôi thấy những danh từ người mình thường dùng có nhiều cái sai lầm lắm, tức như đáng kêu “chiếu bóng” mà kêu “hát bóng”, đáng kêu “chụp bóng” mà kêu “chụp hình”, là hai cái lệ tôi đã cử ra trong một bài trước. Những danh từ ấy còn nhiều nữa, muốn soát lại thì làm sao soát cho hết được ? Bởi vậy trong cái đầu đề trên đây, tôi dùng chữ “mấy”, nghĩa là tôi chỉ soát lại một phần ít trong những danh từ ấy thôi.

Trong bài nầy có hai cái ý cốt : Một là cắt nghĩa về cái nguyên tắc của sự đặt danh từ là thế nào ; hai là chỉ rõ ra cái hại của sự dùng danh từ không chánh đáng là thế nào. Tôi nêu ra hai cái ý cốt ấy, là muốn cho độc giả sau khi hiểu thấu hai điều đó rồi, tự nhiên biết cách và lấy làm cần mà tự kiểm điểm lấy những danh từ của mình dùng, không để cho sai.

Lại trong đầu đề nầy tôi nói, “theo thuyết chánh danh” ấy là nói đại ý ; kể thiệt ra thì tức là theo luận lý học. Mà cái thuyết chánh danh với luận lý học quan hệ nhau thế nào, tôi đã cắt nghĩa nhiều lần trong mấy bài trước.

Đây nói ngay về cái ý cốt thứ nhứt : cái nguyên tắc của sự đặt danh từ là thế nào.

Trước hết phải hiểu rằng trong luận lý học kêu bằng danh từ (terme) thì khác với danh từ (nom) trong văn pháp (grammaire). Theo văn pháp, một cái tên là một danh từ, như ghế, là một danh từ ; học trò lại là một danh từ. Song theo luận lý học thì một cái tên vẫn là một danh từ ; mà có khi nhiều cái tên hiệp lại thành một khái niệm (concept) thì cũng kể là một danh từ, như : ghế của học trò ngồi, thì chỉ kể là một danh từ mà thôi, vì nó chỉ là một khái niệm.

Một cái khái niệm mà thành lập được là nhờ nó không lộn với cái khái niệm khác. Mà sở dĩ không lộn được, lại là nhờ mỗi một sự vật đều có cái đặc tánh của nó, bất luận sự vật ấy là cụ thể (concret) hay trừu tượng (abstrait).

Theo luận lý học, mọi sự vật đều có cái công tánh (caractère commun), là tánh chung với sự vật khác ; lại đều có cái đặc tánh (caractère particulier), là tánh riêng của mỗi một sự vật. Ví dụ con lạc đà, bốn cẳng và có móng, ấy là cái công tánh của nó, vì loài thú khác cũng có bốn cẳng và móng như nó. Song le đến sự nó có u trên lưng và hay nhịn đói hàng tuần lễ đặng đi qua sa mạc, thì là cái đặc tánh của con lạc đà, vì chỉ mình nó có vậy mà thôi.

Lạc đà là một cái danh từ cụ thể, dễ thấy hơn, đến như cái danh từ trừu tượng thì khó thấy sự khác nhau đó một chút ; song thấy được cũng chỉ nhờ ở cái đặc tánh. Vậy như luận lý học và tâm lý học đồng là cái danh từ trừu tượng. Luận lý học là một khoa học dạy người ta nghiên cứu về sự tác dụng của tư tưởng ; đó là cái công tánh mà giống với tâm lý học, vì trong tâm lý học cũng có một phần dạy nghiên cứu về sự ấy. Song hai cái khác nhau bởi một chút đặc tánh : sự nghiên cứu của tâm lý học, cái kết quả nó chỉ là có thế nào nói thế ấy mà thôi, nên kêu bằng thuyết minh khoa học (science explicative) ; còn sự nghiên cứu của luận lý học, cái kết quả là dạy người ta cái phép tắc thế nào cho chánh đáng, nên kêu bằng quy phạm khoa học (science normative).

Bởi mỗi một vật đều có cái đặc tánh để cho khỏi lộn với sự vật khác như vậy, cho nên khi mình muốn lập cho sự vật nào một cái giới thuyết thì cần nhứt là phải xách cái đặc tánh của nó ra, chớ không được lấy nội cái công tánh của nó. Ví như lập cho danh từ lạc đà một cái giới thuyết thì phải nói rằng : Lạc đà là loài thú có u trên lưng và hay nhịn đói đi qua sa mạc ; chớ không được nói rằng : Lạc đà là loài bốn chưn có móng. Vì nếu nói vậy thì con lạc đà chẳng khác gì con trâu con ngựa, mà cũng chẳng khác gì con chó nữa !

Nãy giờ tôi nói ra lan man như vậy chẳng phải là vô ích đâu. Có nói những lẽ đó thì mới rõ ra cái nguyên tắc đặt danh từ, vì sự đặt danh từ cũng đồng một lẽ với sự lập giới thuyết.

Mỗi một sự vật tại làm sao mà có tên ? Có tên là để cho nó khỏi lộn với sự vật khác. Mà sự vật nầy khỏi lộn với sự vật kia, ấy là nhờ mỗi một sự vật đều có cái đặc tánh của nó ; cho nên muốn đặt tên cho sự vật nào, cũng phải làm sao cho cái đặc tánh của nó nẩy ra trong cái tên.

Nhẫn lên đó, tôi đã cắt nghĩa xong về cái nguyên tắc của sự đặt danh từ. Cái nguyên tắc ấy, tôi lặp lại lần nữa, nó buộc chúng ta kêu sự vật gì phải nẩy ra cái đặc tánh của sự vật ấy, hầu cho khỏi lộn với sự vật khác.

Đã biết cái nguyên tắc ấy rồi, chúng ta lại phải biết trong những danh từ chung mà ta thường dùng, có chia ra hai thứ : là thứ danh từ nguyên hữu, và thứ danh từ duyên khởi. Danh từ nguyên hữu thì không cần chỉ ra cái đặc tánh của sự vật, duy tại từ xưa đến nay dùng quen đi, rồi hễ khi kêu đến cái tên sự vật nào thì nhớ đến cái thiệt của sự vật ấy. Như cái đặc tánh của con chó là hay giữ nhà, của con trâu là hay cày ruộng, song trong cái danh từ “chó” và “trâu” chưa hề có hàm cái đặc tánh ấy đâu. Đến danh từ duyên khởi thì mỗi một danh từ đều phải tỏ ra cái đặc tánh của nó. Vậy khi ta kêu “con bướm máng nón”, thì trong đó đã tỏ ra cái đặc tánh của nó rồi, vì nó là một khí vật, hình như con bướm, dùng để máng nón[1].

Coi đó thì biết những danh từ duyên khởi là do danh từ nguyên hữu ghép lại mà thành ra. Nói cho rõ hơn, khi trong xã hội có những sự vật mới phát hiện ra, người ta phải đặt cho nó những tên mới, mà thường thường những tên mới nầy là hiệp từ hai cái tên cũ trở lên mà đặt. Vì sự dùng tên cũ đó thì sợ nó lộn với những sự vật khác đã có rồi, cho nên khi đặt một cái danh từ mới, cốt nhứt là phải làm cho cái đặc tánh của sự vật nẩy ra trong danh từ ấy.

Tôi đã cắt nghĩa về cái nguyên tắc của sự đặt danh từ rồi, tôi lại còn nói thêm một đoạn về danh từ duyên khởi nầy nữa, là để cho độc giả hiểu rằng nay chúng ta muốn soát lại, cũng chỉ soát lại nội những danh từ duyên khởi, tức là danh từ về sau đặt thêm đó mà thôi ; còn danh từ nguyên hữu thì đã nhứt định, ở ngoài cái phạm vi bài nầy.

Xin độc giả suy nghĩ, nếu cái nguyên tắc tôi lập ra trên đây mà hiệp với lẽ phải, thành lập được, thì tôi sẽ căn cứ vào đó mà kiểm điểm lại một vài danh từ của ta thường dùng, và lời tôi nói dưới nầy cũng sẽ không sai.

Như cái xe của Tây bày ra, kêu là bicyclette, mà ta kêu bằng “xe máy”, thì thật không đúng với cách đặt danh từ chút nào hết. Tôi thấy có nơi kêu bằng “xe đạp”, thì nghe phải hơn. Bởi vì các thứ xe ngày nay, hầu hết thứ nào cũng có máy, mà máy lại còn rộn hơn của thứ bicyclette nữa ; vậy thì máy là cái công tánh của nhiều thứ xe, không đem mà chỉ riêng một mình cái bicyclette được. Bicyclette cũng có máy như các thứ khác, song phần riêng nó, phải có đạp mới chạy, ấy là chỗ nó nhờ mà không lộn với nhiều thứ xe khác, cho nên kêu bằng “xe đạp” phải hơn. Trong danh từ “xe đạp”, nẩy ra được cái đặc tánh của cái bicyclette.

Tôi chỉ soát lại nội vài danh từ thường dùng mà sai lầm đó ; cốt là tôi đã lập ra cái nguyên tắc, nếu nó là phải, thì ai cũng có thể cứ theo đó mà soát lại như tôi. Có làm như vậy rồi dùng danh từ mới được đúng, và tiếng Việt Nam ta sau nầy mới mong trở nên một thứ tiếng hoàn thiện. Huống chi, theo cái thuyết chánh danh của Khổng Tử, thì những danh từ sai lầm ấy thế nào cũng phải đính chánh, vì sự kêu tên không trúng là có hại.

Đây nên tiếp theo mà nói về ý cốt thứ hai : Cái hại của sự dùng danh từ không chánh đáng là thế nào.

Đã nhiều lần tôi nhắc lời thánh nhân rằng : “Danh chẳng chánh thì lời nói chẳng thuận ; lời nói chẳng thuận thì việc làm chẳng nên ; việc làm chẳng nên thì lễ nhạc chẳng dấy ; lễ nhạc chẳng dấy thì hình phạt chẳng nhằm ; hình phạt chẳng nhằm thì dân không chỗ đặt tay chưn”. Chắc có kẻ đọc qua đoạn sách đó mà lấy làm lạ, cái gì thứ kêu tên không trúng mà đến nỗi gây ra họa loạn như vậy lận ?

Đừng dể ngươi, ngài nói vậy mà thật đa ! Tôi không có thể dẫn chứng cho từng câu ngài nói đó ; song cái sự vì không chánh danh mà sanh loạn thì là một việc thiệt mới xảy ra mười lăm năm nay.

Hồi nước Tàu lập nên nước dân chủ, đặt tên là Trung Hoa dân quốc, song trong bổn lâm thời ước pháp (convention provisoire) thì lại có một điều nói rằng nhứt định quốc thể là “cọng hòa”. Bấy giờ người Tàu coi hai chữ “cọng hòa” cũng như hai chữ “dân chủ”, cho nên trong bổn ước pháp mới nói như vậy ; không ngờ bởi cái tên bất chánh ấy mà sanh giặc về sau.

Nguyên chữ “cọng hòa” là chữ cũ của Tàu. Theo lịch sử Trung Quốc, năm 842 trước Tây lịch, vua Lệ Vương nhà Châu bị đày, bấy giờ con trai vua là Tuyên Vương còn nhỏ, hai vị đại thần là Châu công và Thiệu công bèn cầm lấy chánh quyền, qua năm sau, 841, xưng là Cọng hòa nguyên niên. Được 14 năm như vậy, rồi đến năm 827 thì vua Tuyên Vương được lập lên, mà hiệu Cọng hòa bị bãi bỏ. Đó, gốc tích chữ “cọng hòa” là vậy đó, cả danh và thiệt cũng đều khác với dân chủ. Vậy mà trong bổn ước pháp lại dùng nó, chẳng qua là tại hồi đó người Tàu đều hiểu nó như là dân chủ mà thôi.

Dân quốc năm thứ 4, ngày 12, tháng 12, Viên Thế Khải hạ lịnh xưng mình là hoàng đế ; mà trước đó chừng chín mười tháng, nghĩa là tháng 2 tháng 3 gì trong năm ấy, đã có một bọn thủ hạ vận động cho Viên rồi. Họ vận động biết mấy cách, song hai chữ “cọng hòa” trong ước pháp chính là một điều sắm sẵn để họ mượn mà nói cho mạnh.

Bấy giờ có Lao Nãi Tuyên, một người trong đám vận động đế chế cho Viên Thế Khải, bắt đầu làm bài luận bác cái chánh thể hiện thời. Theo sự thiệt của lịch sử như đã dẫn trên kia, Lao nói rằng cọng hòa là chánh thể quân chủ, chớ không phải chánh thể dân chủ. Trong bài của va có hàm đến cái ý rằng đời xưa, sau khi cọng hòa rồi hoàn chánh lại cho vua, thì đời nay sau khi cọng hòa cũng có thể lập vua. Ai ai cũng biết họ Lao nói vậy để làm cái đất sẵn cho họ Viên ; song vì một đằng sự thiệt đành rành trên lịch sử, một đằng tự tích đành rành trên ước pháp, khó mà cãi cho lại miệng.

Cái thuyết đế chế ở nước Tàu hồi đó bắt đầu từ Lão Nãi Tuyên phát giác hai chữ “cọng hòa” mà lan rộng ra, không đầy một năm thì thành ra sự thiệt. Vẫn biết không có sự phát giác nầy rồi trước sau họ Viên cũng xưng đế ; nhưng nghĩ cho kỹ, ai cũng phải chịu rằng nếu trong ước pháp đừng có hai chữ ấy, thì cũng khỏi được một mối cho bọn kia lợi dụng mà làm càn.

Dùng danh từ không chánh đáng, có hại là thế đó. Tuy vậy, chữ “cọng hòa” trong ước pháp Trung Hoa làm cớ lót miệng cho cuộc vận động đế chế của Viên Thế Khải đó, cái hại còn là dễ thấy ; lại có cái hại khó thấy nữa kia, vì nó không xảy ra việc gì trực tiếp, mà cứ ngấm ngầm làm hại hoài. Thử cử ra một cái danh từ của xứ ta hay dùng mà tôi từng để ý đến.

Người Nam kỳ mình từ trước đến giờ hay xưng cái cơ quan đại biểu cho nước Pháp ở đây là “tân trào”. Cái danh từ nầy cũng là không chánh đáng.

“Trào” nghĩa là “trào đình”, duy nước nào có vua thì mới xưng là “trào” được. Nước Pháp là nước dân chủ, mà xưng “trào”, thế là danh bất chánh.

Ừ mà dầu cho nước Pháp là nước quân chủ, có vua đi nữa, cái trào đình của hoàng đế nước Pháp cũng chỉ ở tại bên Paris mà thôi ; còn miếng thuộc địa bên nầy, sai một vài ông đại thần qua cai trị, có dời cả trào đình qua đây đâu mà ta gọi là “trào” được ? Hoặc giả muốn cắt nghĩa chữ “trào” đó là nghĩa trừu tượng (abstrait) ; song le, dầu thế nào cũng không trôi.

Hai chữ “tân trào” chẳng biết bày đầu ra từ ai. Chỉ biết rằng người bày ra đó có cái quan niệm không chơn xác (exact). Bấy giờ họ thấy nước Pháp tới chinh phục xứ nầy, nhân dân xứ nầy không phục tùng trào Nguyễn nữa mà theo quyền nước Pháp, thì họ tưởng rằng cũng như trước đó Nam kỳ từng ở trong tay trào Nguyễn rồi, lại thuộc về trong tay trào Tây Sơn thế thôi, hay là cũng như trào Nguyễn đã thay cho trào Lê, trào Lê đã thay cho trào Trần… thế thôi ; một cái cơ quan chánh trị mới nổi lên, thay cho cái cũ, thì họ kêu đại đi là “tân trào”, không suy nghĩ gì cả, không biết rằng theo quốc thể nước Pháp, và theo địa vị xứ thuộc địa, không có thể xưng là “trào” được.

Ban đầu do một người vì cái quan niệm không chơn xác mà bày ra hai chữ “tân trào”, lần lần hai chữ ấy lan khắp kẻ chợ nhà quê, thấm vào trong óc mọi người làm cho cái quan niệm của mọi người cũng không chơn xác. Sự hại bởi đó mà ra, mà cái hại ngầm ngấm khó thấy.

Mọi người đã nhận trong trí mình rằng nước Pháp là một “trào đình”, thì cũng nhận luôn rằng cái chánh thể nước Pháp chẳng khác nào cái chánh thể chuyên chế của trào đình An Nam ngày xưa. Do đó người ta cũng coi các quan lại là cha mẹ dân, mà chẳng hề biết tới cái nghĩa “dân chi công bộc[2]” theo như ở dưới chế độ dân chủ ; người ta cũng coi sự đóng thuế là cái phận làm tôi con đối với trào đình phải vậy, chớ không nghĩ sự đó là nghĩa vụ của công dân.

Cho đến ở xứ Nam kỳ nầy, chánh phủ Pháp đã thiệt hành sự phân quyền (séparation de pouvoirs) lâu nay, các quan cai trị không coi luôn việc hình phạt, nghĩa là các ông chủ tỉnh không có phép bắt giam hay là làm án ai, như trào đình An Nam hồi trước, vậy mà phần đông dân chúng cũng không hiểu lẽ ấy. Tôi xin bày ra đây một cái chứng.

Trong báo Echo Annamite, ngày 27 Mars 1930, có một cái thời sự như vầy :

“Ông Bang biện Mỗ lạm quyền, kiếm nhiều cách để ăn hối lộ. Ông bắt ông Hương thân H. và Hương bộ D. đi với ông tới soát nhà tôi (người viết bài tự xưng), lấy cớ rằng tôi oa trữ bò gian. Ông giải tôi tới nhà Hương cả 9 mà giam tôi lại đó vì cớ ăn trộm. Ông lại còn dọa bỏ tù tôi và biểu cho tôi hay rằng nếu tôi muốn khỏi tù thì chịu cho ông mười đồng bạc. Bấy giờ tôi sợ quá, đưa trên tay ông mười đồng, có mặt vợ Hương cả 9 làm chứng… – ký tên : Thạch Ni”.[3][4]

Đó, một viên bang biện mà lạm quyền đến như vậy, dọa bỏ tù mà đến nỗi lòi tiền ra như vậy, sự ấy họa có ở dưới chánh thể chuyên chế của trào đình An Nam ngày xưa thì mới xảy ra được ; thế mà đã xảy ra được ở đất nầy là đất ở dưới quyền chánh thể dân chủ, thì há chẳng đáng cho ta lấy làm lạ mà phải dò tìm cho ra các duyên cớ nó, hay sao ?

Tôi chẳng đến nỗi võ đoán mà nói rằng sự đã xảy ra đó là do hai chữ “tân trào” trên kia đâu. Song tôi quyết rằng ít nữa cũng có bởi người ta hiểu lầm vì hai chữ ấy, cho nên mới chịu lún một bề mà để cho việc ấy xảy ra được. Nói cho rõ hơn nữa, người bị dọa đó, hoặc chưa hề biết đến chữ “tân trào” nữa, song vì sự di truyền hay truyền nhiễm cái quan niệm về hai chữ ấy đã in sẵn trong đầu người ấy rồi. Người ấy vẫn tưởng rằng viên bang biện đó cũng có quyền vừa bắt ăn trộm vừa làm án bỏ tù như ông Bố chánh Gia Định Bạch Xuân Nguyên hồi đời Minh Mạng, hễ mình không tuân lời thì chắc chết, cho nên mới lòi mười đồng bạc ra mà chuộc tội !

Đến đây mới nghiệm lời Khổng thánh, thật ngài nói như đinh đóng : “Danh chẳng chánh thì lời nói chẳng thuận, lời nói chẳng chánh thuận thì… hình phạt chẳng nhằm, dân không chỗ đặt tay chưn !”

Nước Pháp là nước dân chủ, từ năm 1871, Napoléon đệ tam đổ, nước Pháp đã không có vua nữa rồi, sao lại còn xưng được là “tân trào” ? . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Rốt bài, tôi có lời xin đồng bào ta rày về sau nên thận trọng trong sự dùng danh từ, chẳng những vì muốn làm cho hoàn thiện tiếng Việt Nam, mà cũng vì sự lợi ích trên đường chánh trị nữa.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Máng : treo, vắt, móc (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ) ; “con bướm máng nón” đây có lẽ trỏ cái mắc áo (dùng để treo áo quần, mũ nón) được làm bằng song hoặc mây, uốn cách điệu theo hình con bướm
  2. "Dân chi công bộc" : [quan lại là] công bộc của dân
  3. Nguyên văn bằng chữ Pháp: Le Bang-biện X, abuse de ses pouvoirs et cherche différents moyens pour concussionner. Il s’est accompagner du Hương-thân H. et du Hương-bộ D. pour venir perquisitionner chez moi, prétextant que je recelais des boeufs volés. II m’a conduit de Hương-cả 9, pour me condamner pour vol. Il m’a menacé, en outre, de me mettre en prison et m’a fait comprendre que si je voulais éviter l’emprisonnement, it me fallait lui remettre dix piastres. J’avais peur et j’ai versé entre ses mains dix piastres, en présence de la femme Hương-cả 9 . . . (nguyên chú của Phan Khôi)
  4. Tư liệu này đã từng được đề cập trong bài “Vấn đề hối lộ giữa quan trường” ký T.L. (Trung lập, 29.8.1930)