Trước Thâu, Ninh, Tạo 28 năm, có một người "bãi thực"
Các bạn xem mục Thời sự kỳ rồi thấy sự làm reo nhịn đói của ba ông Thâu, Ninh, Tạo ở Sài Gòn đã có kết quả tốt: cả ba đều được thả ra khỏi khám lớn, cho tại ngoại hậu tra.
Nếu chúng ta thấy vậy mà khen ba ông ấy đã kiên gan và đắc thắng thì thà khen nhà cầm quyền còn có lòng nhân đạo!...
Có đem so sánh với một việc, đồng một tính chất ấy, đã xảy ra trước đây 28 năm mới biết...
Năm 1908, trong vụ án "xin xâu" ở Quảng Nam, có một người bị bắt rồi nhịn đói đến 18 ngày mà còn bị đem đi đày nữa mới được... chết.
Ấy là ông Châu Thượng Văn, biệt hiệu Thơ Đồng, ở Hội An, 60 tuổi, can vào tội giao thông với loạn đảng ở ngoại quốc.
Bấy giờ hình như người ta có bắt được quả tang thơ từ của các ông Cường Để, Phan Bội Châu ở bên Nhật Bản gởi về đều do ông Thơ Đồng cả, cho nên bị bắt một cái là ông ta khẳng khái nhận việc mình làm và liều chết, xỉ mạ lung tung.
Bước chân vào lao Quảng Nam, ông Châu Thượng Văn liền nhịn đói, bắt đầu từ ngày mồng hai tháng ba ta năm ấy.
Mấy hôm đầu, các quan còn đến dỗ ông ta ăn. Sau thấy ông kiên quyết lắm, họ không nói đến nữa, cứ để mặc. Ông được biệt đãi: khỏi gông, cùm và được nằm riêng một cái buồng vừa để lọt cái chõng, là nơi sắm cho tù đàn bà ở, mà lúc đó trong lao không có người nữ phạm nào.
Ông nằm luôn cả ngày, cũng không thèm nói nữa, thỉnh thoảng uống đôi ngụm nước, như thế đến 18 ngày mà không chết.
Trong bao nhiêu ngày đó, không hề có ông thầy thuốc nào đến khám cả; cũng chẳng có ai xin cho ông "tại ngoại" hay đánh điện tín xin quan trên "can thiệp".
Chắc hẳn người ta sợ ông chết gấp đi mà án làm chưa thành thì uổng quá, cho nên cả đám bị bắt hơn bốn trăm mà chỉ một án Châu Thượng Văn làm xong trước. Ngày thứ 18 sau khi ông nhịn đói thì người ta lăn ông vào võng mà đày đi Lao Bảo, ông chỉ còn ít hơi chỗ cổ pheo pheo.
Đi chưa đến Lao Bảo thì Châu Thượng Văn chết rồi.
Thấy vậy nên người ta ở đây họ nói với nhau rằng: "Khi nào có định nhịn đói mà chơi cho biết thì hãy vào Sài Gòn mà ở đã rồi hãy nhịn đói...".
T. V.[1]
Chú thích
- ▲ Bài này ký T.V., có lẽ là gợi nhớ đến bút danh Tân Việt mà Phan Khôi đã ký trong mục “Câu chuyện hàng ngày” trên Đông Pháp thời báo và Thần chung những năm 1928-30; hoặc gợi nhắc đến bút danh Tú Vườn mà ông sẽ dùng trong hồi ức (có ít nhiều hư cấu) về chuyện Đi học đi thi ngay trên Sông Hương, 1937. Xét về nội dung và giọng văn, chắc chắn bài này là do Phan Khôi viết (trong bài viết về Thái Phiên và Trần Cao Vân, ông đã từng viết những chi tiết tương tự những điều viết ở đây về nhân vật Châu Thượng Văn này).