Bước tới nội dung

Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel chuyên trách Đông Á và Thái Bình Dương gặp gỡ bàn tròn với báo chí

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel chuyên trách Đông Á và Thái Bình Dương gặp gỡ bàn tròn với báo chí  (2014) 
của Daniel Russel, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Cuộc họp báo ngày 8 tháng 5 năm 2014.

Ông Cryder: Xin chào các bạn. Chào mừng bạn đến Trung tâm Hoa Kỳ mới. Tôi tên là Spencer Cryder. Tôi là người phát ngôn Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Hôm nay có mặt với chúng ta là Trợ lý Ngoại trưởng chuyến trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel. Ông sẽ bắt đầu cuộc gặp bàn tròn với báo chí bằng lời phát biểu ngắn gọn, sau đó chúng ta sẽ chuyển sang phần hỏi đáp. Câu hỏi cuối cùng sẽ là một câu hỏi được lấy từ Facebook.

Tôi xin cảm ơn nếu các bạn có thể cố gắng hỏi từng câu một. Xin vui lòng không đặt câu hỏi có bốn phần. Nếu bạn làm thế, chúng tôi sẽ trả lời một câu hỏi và sau đó chuyển sang người khác và trở về với câu hỏi của bạn ở cuối buổi nếu có thể.

Bây giờ, tôi xin nhường lời cho Trợ lý Ngoại trưởng Russel để ông phát biểu.

Trợ lý Ngoại trưởng Russel: Xin cảm ơn Spencer. Tôi rất vui khi trở lại Hà Nội. Tôi đã có mặt ở đây tháng 12 năm ngoái cùng Bộ trưởng Kerry và tôi cũng đã tham gia các cuộc gặp ở Washington khi Chủ tịch Sang đến thăm tháng 7 năm ngoái. Kể từ đó và kể từ khi thoả thuận về Quan hệ Đối tác Toàn diện đạt được và được Tổng thống và Chủ tịch công bố, đã có tiến bộ to lớn và một mối quan hệ đang đạt độ chín giữa hai nước chúng ta. Tôi có mặt ở đây tuần này để thúc đẩy mối quan hệ đối tác đó và để củng cố các cơ chế đối thoại và hợp tác của chúng ta.

Cụ thể là phần lớn ngày hôm qua tôi đã tham gia Đối thoại Hoa Kỳ-Việt Nam về châu Á-Thái Bình Dương với đối tác của tôi, Thứ trưởng Sơn. Đây là lần thứ hai của tôi và là lần thứ tư trong loạt các cuộc đối thoại về châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là một loạt các cuộc tham vấn bàn riêng về các vấn đề khu vực, và ngày hôm qua là một phiên thảo luận hiệu quả mà tôi nghĩ điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tôi cũng đã có cuộc gặp thực chất ngày hôm nay với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Minh và trong hai ngày tôi ở Hà Nội tôi cũng gặp các quan chức đảng, văn phòng Thủ tướng, và tôi đã có một phiên họp tốt đẹp với đại diện các hội nhóm dân sự Việt Nam.

Củng cố quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam là một phần quan trọng trong chính sách lớn hơn của Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á. Chúng tôi quan tâm rất nhiều đến châu Á-Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc Thái Bình Dương bởi vì nó gắn bó trực tiếp với các quyền lợi an ninh và kinh tế dài hạn của Hoa Kỳ. Đó là lý do chúng tôi đang làm việc để xây dựng quan hệ song phương chặt chẽ hơn. Đó là lý do mà chúng tôi đang tích cực tham gia vào các định chế quan trọng trong khu vực như ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, APEC, và các định chế khác.

Đó cũng là lý do mà chúng tôi đặt trọng tâm vào các mối quan hệ nhân dân và trao đổi văn hóa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mà đó là lý do tại sao tôi đã gặp một số cựu sinh viên của chương trình Fulbright Hoa Kỳ trong phần trước của ngày hôm nay.

Trong các cuộc gặp của tôi với các quan chức Việt Nam tôi đã không chỉ thông báo tóm tắt chính sách của Mỹ ở khu vực và trên bình diện rộng lớn hơn, mà còn trình bày các điểm chính về chuyến thăm gần đây của Tổng thống Obama tới Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Trên cơ sở đó chuyến đi tôi cho rằng tôi đã có thể tái khẳng định sự can dự liên tục và tập trung của Hoa Kỳ trên toàn khu vực cũng như với Việt Nam.

Như vậy các cuộc thảo luận của tôi ở đây tại Hà Nội tập trung vào khu vực Đông Nam Á, về châu Á trên bình diện rộng hơn, về cách Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục làm việc với nhau để thúc đẩy hòa bình và ổn định, tăng trưởng kinh tế, và hợp tác.

Không có gì ngạc nhiên là chúng tôi cũng đã thảo luận nhiều về tình hình ở Biển Đông. Chắc chắn là vấn đề này đã là mục chính trong đối thoại tham vấn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm qua khi tôi đã làm việc về chính sách châu Á.

Phía Việt Nam đã thông báo cho tôi về những diễn biến liên quan đến giàn khoan dầu của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa mà chính phủ cũng ngày hôm qua cũng đã hộp báo với cho bạn, các nhà báo. Và tôi đã giải thích quan điểm và góc nhìn của Hoa Kỳ về các vấn đề Biển Đông trên một bình diện rộng và về sự cố cụ thể liên quan đến giàn khoan dầu.

Tôi sẽ nói ngay với các bạn rằng người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày hôm qua đã đưa ra một tuyên bố chính thức về quan điểm của Mỹ và tôi sẽ rất khó có thể nói hay hơn tuyên bố đó. Như vậy, quan điểm của chúng tôi đã được nêu ra khá rõ ràng.

Những người đối thoại với tôi và tôi cũng đã thảo luận các vấn đề khác cùng quan tâm trong đó có Đồng bằng sông Mekong liên quan đến hệ sinh thái và môi trường cũng như thảo luận rộng hơn về các vấn đề biến đổi khí hậu và thích ứng với khí hậu.

Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của tiếp tục đạt tiến bộ và đàm phán về TPP, Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Và như tôi luôn luôn làm, như các quan chức Mỹ luôn luôn làm trong cuộc họp với các đối tác Việt Nam, tôi đã nêu ra mối quan ngại của Hoa Kỳ về nhân quyền vốn là một vấn đề mà chúng tôi thường xuyên thảo luận.

Có những vấn đề khu vực và song phương khác mà chúng tôi đã thảo luận. Dù gì đi nữa, đây là một cuộc đối thoại đang diễn ra giữa hai chính phủ và hai bộ ngoại giao. Tôi đã có một chuyến thăm rất hiệu quả cho đến lúc này và tôi rất vui khi trả lời các câu hỏi của các bạn.

Ông Cryder: Hãy luân phiên giữa các hãng Việt Nam và các hãng quốc tế. Tôi muốn đề nghị các bạn nêu tên của mình và tên hãng tin của bạn trước khi hỏi. Chúng ta bắt đầu với hãng tin địa phương. Ông Bằng, VTV1.

Báo chí: [Thông qua phiên dịch]. Tôi muốn nghe ông nói quan điểm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc đặt giàn khoan dầu của Trung Quốc số 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trả lời: Như tôi đã đề cập, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố chính thức và có thẩm quyền thể hiện quan điểm của chúng tôi. Tôi mời bạn tham khảo tuyên bố đó.

Tôi nghĩ điểm mà tôi nhấn mạnh cụ thể là trong các cuộc thảo luận với các nhà chức trách Việt Nam là Hoa Kỳ có quan điểm mạnh mẽ rằng các lời tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với nhau về các khu vực tranh chấp, bao gồm cả Hoàng Sa, phải được xử lý một cách hoà bình, phải được xử lý bằng ngoại giao, và phải được xử lý tuân thủ theo luật quốc tế. Và tôi nêu rõ cam kết của Mỹ với các nguyên tắc về tự do hàng hải, không cản trở các hoạt động thương mại hợp pháp, cũng như tầm quan trọng tuyệt đối đối với các nước tuyên bố chủ quyền phải kiềm chế.

Nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế khu vực rất quan trọng và rất mong manh tới mức không thể chấp nhận khả năng có một cuộc khủng hoảng mà có thể leo thang thành xung đột. Và vì vậy quan điểm của chúng tôi là tất cả các nước trong khu vực cần kiềm chế tránh các hành động đơn phương có thể phá hoại hoà bình và có thể làm tăng căng thẳng.

Ông Cryder: Marianne?

Báo chí: Tôi là Marianne Brown từ hãng thông tấn Đức GPA. Nếu Việt Nam dùng vũ lực chống lại Trung Quốc trong vụ giàn khoan này, liệu Hoa Kỳ sẽ ủng hộ Việt Nam?

Trợ lý Ngoại trưởng Russel: Trong ngoại giao, có truyền thống lâu đời và được coi trọng là buộc phải suy nghĩ kỹ trước khi trả lời câu hỏi bắt đầu bằng chữ “nếu”, vì đó là câu hỏi mang tính giả định. Tôi đã nói và sẽ lặp lại, quan điểm mạnh mẽ của chúng tôi là các bên liên quan trong khu vực và các bên tranh chấp có trách nhiệm phải kiềm chế và thận trọng, đồng thời tận dụng tất cả các kênh ngoại giao và chính trị để làm giảm căng thẳng, kiểm soát các tranh chấp và cuối cùng đi đến việc giải quyết vấn đề chủ quyền. Theo quan điểm lâu nay của Hoa Kỳ, nếu các kênh ngoại giao không mang lại kết quả, các nước có tranh chấp nên sử dụng quyền của mình tại các cơ chế luật pháp quốc tế. Đối với vấn đề này, liên quan đến sự cố này, thông điệp đơn giản của tôi là nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc kiềm chế và tầm quan trọng của đối thoại cũng như tuân theo luật pháp quốc tế.

Mr. Cryder: Ông Sơn, Báo Thanh Niên

Báo chí: [Thông qua phiên dịch]. Tôi là Sơn, từ báo Thanh Niên

Liên quan đến vụ việc khủng hoảng giàn khoan, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa ra các công bố nói rằng khủng hoảng này xảy ra trong khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, giàn khoan HD-981 được đặt rất sâu trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế công nhận là khu vực này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Việt Nam. Ông có nghĩ rằng Trung Quốc đã thành công trong việc làm cho cộng đồng quốc tế hiểu sai về sự việc này?

Trợ lý ngoại trưởng Russel: Hoa Kỳ không đứng về phe nào đối với các đòi hỏi chủ quyền tại biển Nam Trung Hoa. Có thể nói rằng cả Việt Nam và Trung Quốc đều đòi hỏi chủ quyền tại Hoàng Sa. Ở đây có sự tranh chấp. Hoa Kỳ không thể nói là lập trường của nước nào mạnh hơn, tuy nhiên Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế có quyền kêu gọi các bên giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Cryder: Chris?

Báo chí: Tôi là Chris Brummitt từ hãng AP. Nếu có thể thì Hoa Kỳ sẽ làm gì khác nhằm giải quyết hay giảm căng thẳng thay vì chỉ đưa ra các tuyên bố?

Trợ lý Ngoại trưởng Russel: Tổng thống Mỹ khi công du Đông Bắc Á và Đông Nam Á cách đây hai tuần đã tái khẳng định một cách rõ ràng cam kết chặt chẽ của Hoa Kỳ đối với an ninh, ổn định và sự phát triển kinh tế của khu vực. Sự hiện diện, cam kết đó của Hoa Kỳ hôm nay mang lại một sự ổn định rất có ý nghĩa như đã có trong nhiều thập kỷ qua.

Thứ hai, Hoa Kỳ có đối thoại tốt, thẳng thắn và có chiều sâu với tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền tại biển Nam Trung Hoa, và đối với vấn đề tranh chấp tại Biển Đông và chúng tôi sử dụng các kênh đối thoại ở mọi cấp độ nhằm thúc giục các bên liên quan dùng các biện pháp mang tính xây dựng và được luật pháp cho phép để giải quyết các bất đồng.

Thứ ba, Hoa Kỳ rất tích cực tham gia vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực châu Á Thái Bình Dương thông qua việc tham dự vào APEC, thông qua đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, thông qua các nổ lực song phương tích cực về thương mại, kinh tế và đầu tư.

Tôi tin rằng các mối quan hệ kinh tế đang phát triển giữa các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ là một liên kết mang tính xây dựng khuyến khích thiết lập quan hệ láng giềng tốt, khuyến khích các giải pháp hòa bình, đồng thời buộc cho các hành động khiếu khích mang tính đơn phương phải trả giá.

Ông Cryder: Chúng ta có câu hỏi nào không liên quan đến vấn đề biển Đông không?

Phóng viên: Xin chào, tôi là Linh đến từ hãng Reuters

Ngài có đề cập là đã gặp với phó Thủ Tướng và Văn phòng Thủ Tướng. Có phải Việt Nam trong trường hợp này là ở quá xa Mỹ? Có con tàu nào của Mỹ ở gần trong khu vực đó không? Hoa Kỳ có định di chuyển con tàu nào lại gần khu vực đó không? Xin cám ơn

Trợ lý Ngoại trưởng Russel: Các quan chức Việt Nam, những người mà tôi cùng thảo luận về vấn đề này công nhận cũng như chấp nhận lập trường của Hoa Kỳ là không đứng về bên nào trong các tranh chấp về chủ quyền. Trong các cuộc gặp, cả hai bên đều không có đề xuất gì liên quan đến vai trò của quân đội Hoa Kỳ và nếu có thì tôi cũng sẽ nhấn mạnh lại quan điểm mà phát ngôn viên của bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã nói, đó là các vấn đề này phải được giải quyết một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế.

Ông Cryder: Cô Việt Anh, xin mời báo VnExpress?

Báo chí: [Thông qua phiên dịch]. Trong quá khứ, Hoa Kỳ nói ủng hộ Philippines, nhưng trên thực tế Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm bãi đá ngầm Scarborough. Theo ông thì sự việc gì đang diễn ra? Có phải là việc Trung Quốc đang cố gắng lắp đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam là kết quả của hành động và lời nói không đủ mạnh từ Hoa Kỳ?

Trợ lý Ngoại trưởng Russel: Tôi phải nói rõ là ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ dành cho Philippines không có nghĩa là Hoa Kỳ ủng hộ các đòi hỏi chủ quyền của Philippines tại khu vực cụ thể nào đó tại biển Nam Trung Hoa. Chúng tôi bày tỏ lập trường ủng hộ vấn đề này nhưng không ủng hộ các vấn đề khác. Chúng tôi bày tỏ lập trường ủng hộ tầm quan trọng của việc tuân theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi bày tỏ lập trường ủng hộ tầm quan trọng của tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị cản trở. Chúng tôi bày tỏ lập trường về sự cam kết thiêng liêng dành cho Philippines như một đồng minh hiệp ước. Nhưng chúng tôi không bày tỏ lập trường để ủng hộ các tranh chấp của Philippines. Đó là sự khác biệt quan trọng mà tôi muốn nói rõ.

Tuyên bố do Washington đưa ra có nêu những điểm mà phóng viên có thể dễ dàng làm tư liệu, chỉ ra một loạt những bước và hành vi của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền. Các nước có quyền thúc đẩy lập trường và các đòi hỏi về chủ quyền. Tuy nhiên quan điểm nhất quán của Hoa Kỳ là việc thúc đẩy đó phải thông qua các kênh ngoại giao và các biện pháp thúc đẩy chủ quyền phải tuân theo luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển.

Báo chí: [Chris Brummitt từ hãng AP] Liệu ông có cho rằng việc đặt giàn khoan là một sự vi phạm các chuẩn mực đó, quan điểm của ông đối với vấn đề đó ra sao?

Trợ lý Ngoại trưởng Russel: Như tuyên bố mà Washington đã nói rõ, chúng tôi tin rằng Trung Quốc có trách nhiệm để xác định các đòi hỏi chủ quyền buộc phải tuân theo UNCLOS và đó sẽ là những thông tin cơ bản cho câu trả lời mà bạn hỏi.

Ông Cryder: Xin mời cô Thủy, báo Lao Động

Báo chí: Ông cho rằng các bên tranh chấp phải kìm chế sử dụng vũ lực. Tuy nhiên trong clip mà chúng tôi xem hôm qua lúc bộ Ngoại Giao Việt Nam chiếu tại buổi họp báo, thì tàu của quân đội Trung Quốc đã đâm vào tàu của VIệt Nam. Ông có thấy rằng hành động này cho thấy là Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chống lại Tàu của Việt Nam. Xin cám ơn

Trợ lý Ngoại trưởng Russel: Chúng tôi rất quan ngại về bất kỳ hành động gây nguy hiểm nào xảy ra trên biển và chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đe dọa do các tàu gây, cụ thể trong khu vực tranh chấp. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh thông điệp thông qua các kênh ngoại giao, các kênh chính trị và thông qua báo chí rằng các bên phải hành xử theo cách cách an toàn, có trách nhiệm và phù hợp. Các bên cần phải kiềm chế

Ông Cryder: Tôi đã hứa với các fan của Facebook Đại sứ quán, hiện đã có 52,000 fan, rằng tôi sẽ hỏi một câu từ các fan của Facebook. Câu hỏi từ ông Paul Pham Sy ở Hà Nội. Ông ấy hỏi rằng: “Gần đây, có một nhóm các blogger và facebooker sang Hoa kỳ tham dự vào một buổi điều trần về tự do báo chí. Hoa Kỳ sẽ làm gì để khuyến khích Việt Nam thả tất cả các tù nhân lương tâm và đảm bảo tự do báo chí?”

Trợ lý Ngoại trưởng Russel: Bước đầu tiên là tôi tổ chức họp báo hôm nay tại đây với các bạn ở Hà Nội.

Nhân quyền và tự do báo chí là một phần quan trọng của ngoại giao Hoa Kỳ trên toàn cầu. Nhân quyền và tự do báo chí vì thế chiếm rất nhiều trong các thảo luận song phương giữa Việt nam và Hoa Kỳ và cũng là một phần trong thỏa thuận Đối Tác Tòan Diện mà chủ tịch Sang và chủ tịch Obama đã hoàn tất vào năm ngoái. Đó là lý do tại sao đối thoại nhân quyền VIệt Nam và Hoa Kỳ giữa các quan chức từ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ được tổ chức vào đầu tuần tới tại Washingto. Đó là lý do tại sao tôi nêu vấn đề nhân quyền cũng như các quan ngại cụ thể về các cá nhân tại Việt Nam trong các cuộc họp của tôi tại Hà Nội. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng tự do tiếp cận thông tin, tự do phát biểu và tuân theo nhà nước pháp quyền đã luôn chứng tỏ là những thành tố quan trọng mở khóa năng lực con người và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chúng tôi nghĩ rằng khả năng đặt câu hỏi, thách thức lại các giả định, tự do suy nghĩ, nói và tường thuật gắn bó trực tiếp đến sự ổn định và thịnh vượng của một quốc gia. Cụ thể, từ kinh nghiệm bản thân, chúng tôi biết rằng tự do báo chí là động lực chính để loại bỏ tham nhũng và mang lại sự điều hành tốt và vì thế sẽ là yếu tố chính cho phát triển kinh tế. Ở mọi cấp độ, từ tổng thống Obama cho đến các viên chức của đại sứ quán, từ nhánh lập pháp thuộc Quốc Hội và các nơi khác, chúng tôi thúc đẩy cho một xã hội tự do và cởi mở tại Việt Nam. Chúng tôi thúc đẩy cho xã hội dân sự và cho các quyền lao động cơ bản.

Chúng tôi có những quan ngại nghiêm trọng về nhân quyền của Việt Nam bao gồm những hạn chế về tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp và các vấn khác. Nhưng cùng lúc, chúng tôi cũng rất quan tâm đến các bước đi quan trọng gần đây của Việt Nam. Các bước đó bao gồm việc ký kêt công ước chống tra tấn, bao gồm việc mời báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hợp quốc đến Việt Nam, bao gồm việc thả một số tù nhân lương tâm, việc gia tăng đăng ký nhà thờ và mở rộng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Hoa kỳ nói một cách thẳng thắn với tư cách là một người bạn của Việt Nam và không bao giờ bỏ lỡ cơ hội phát biểu và có ý kiến ủng hộ các nguyên tắc và các cá nhân đó.

Ông Cryder: Cám ơn các bạn rất nhiều. Nội dung đầy đủ của cuộc họp báo hôm nay sẽ được đưa lên website và trang facebook của đại sứ quán vào ngày mai. Cám ơn rất nhiều trợ lý ngoại trưởng Russel. (hết)

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: