Trang:Cay dang mui doi 1.pdf/71

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 67 —

day lại mà nói rằng: « Thưa bà, vì tôi nuôi hai đứa nó đã ba bốn năm nay, mà tôi lại có công dạy dỗ chúng nó nhiều nên tôi triếu mến yêu thương, không đành giao chúng nó lại cho bà được. Tôi mà giành chúng nó đây, là vì tôi muốn dạy thêm chúng nó cho biết rõ thế thái nhơn tình, muốn cho chúng nó nếm đủ mùi đời mặn lạc mà thôi, chớ tôi chẳng có ý nào khác. Nhưng mà tôi nghĩ lại thằng Được nó là con trai, tôi nuôi nó đặng dạy dỗ nó thì phải rồi, chớ còn con Liên nó là con gái, tôi khó mà dạy dỗ nó theo như ý tôi muốn được. Vậy thôi để tôi cho bà con Liên cho bà nuôi đặng bà dạy dỗ giùm cho nó có nữ hạnh biết nữ công, còn thằng Được thì xin bà để cho nó theo tôi đặng tôi dạy nó biết nam nhi khí phách. »

Thầy Đàng nói dứt lời liền biểu thằng Được lấy hoa-li đưa cho thầy rồi thầy mở ra lựa quần áo của con Liên thầy bỏ ra ngoài và để lại cho nó một cây đờn tranh, còn bao nhiêu thì thầy gói lại rồi biểu thằng Được xách mà đi với thầy. Thằng Được thấy mình phải phân cách con Liên thì trong lòng chẳng vui mà chừng day qua thấy thằng Phong nằm khóc thì lại càng buồn hơn nữa, nên nước mắt tuôn dầm-dề. Bà Hội-đồng thấy vậy càng động lòng thương, song bà gượng gạo lấy ra 50 đồng bạc đưa cho thầy Đàng và xin thầy đem theo mà làm phí lộ. Thầy Đàng từ hoài không chịu lấy bạc ấy, thầy nói thầy để con Liên ở lại ấy là thầy cậy bà nuôi dưỡng, dạy dỗ giùm, chớ không phải thầy bán mà lấy bạc; huống chi thầy đã thọ của thầy thông Sự 10 đồng bạc là bạc của bà, thầy chưa có tiền mà trả lại, thầy đâu dám lấy thêm bạc của bà nữa.

Bà Hội-đồng theo nài nỉ hoài, nói rằng 50 đồng bạc nầy là bạc bà cho thằng Được chớ bà không dám cho thầy, nếu thầy không chịu lãnh thì bà ái ngại trong lòng, bà không dám lãnh con Liên mà nuôi dưỡng. Bà nói hết lời, thầy thấy vậy mới lấy 5 đồng cho bà hết hềm nghi mà thôi. Thầy Đàng đứng dậy từ bà Hội-đồng mà lên bờ và khuyên con Liên ở lại cho bà dạy dỗ, thì ba đứa nhỏ đều khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Bà Hội-đồng thấy tình cảnh như vậy giọt lụy cũng khó cầm, còn thầy Đàng tuy bề ngoài chẳng tỏ dấu buồn, song bề trong thầy cũng đau lòng xót dạ.