cũng được, là vì nếu võ-sĩ ngồi cạnh như thế, thì cái sự đen của Đại-tá phải sợ mà lảng đi chỗ khác. Ấy cái tâm-lý của phần nhiều con bạc vẫn ưa tin sằng, tin nhảm như thế đó! Sau đến nỗi võ-sĩ không thể từ-chối được, phải nổi giận nói rằng:
— Võ-sĩ chỉ thích đánh võ với hằu, chớ không thích đánh bạc nữa.
« Câu chuyện ấy chẳng mấy chốc mà đi khắp mồm thiên-hạ; họ lại còn đơm-đặt thêm lắm sự kỳ-lạ lắm nữa, chớ có thế mà thôi đâu! Song mà võ-sĩ dù thấy mình may-mắn lạ nhường, cũng nhất-quyết không để một ngón tay lên lá bài; thành ra không ai là không chịu, không phục, không khen, không chuộng cái tính kiên-cố của võ-sĩ.
« Cách đó chừng được một năm, võ-sĩ bỗng thấy món tiền cấp đồng-niên của mình bị ngắc lại, thành ra không có gì nuôi miệng, bất-đắc-dĩ phải đến nhà bạn thân, đem tình cảnh quẫn-bách ra dãi tỏ cùng bạn. Tức-thì bạn giúp cho ngay, nhưng đang lúc bấy giờ bạn coi võ-sĩ như một người kỳ-khôi, một người tự-nhiên ít có.
« Bạn nói: — Cái số-phận thường có một cái dấu đặc-biệt, nó chỉ cho ta biết con đường mà thoát-thân; nhưng ta thường quá khẳng-khái, bướng-bỉnh, thành ra không nhận thấy, cũng không hiểu được những cái dấu-hiệu ấy. Cái thần-lực quái-dị nó chuyển-vận tâm-thần chúng ta, há nó chẳng đã vào tai bác mà bảo bác rằng: Này người kia!