Trang:Co xuy nguyen am.pdf/113

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 104 —

bảy, (câu trên sáu dưới tám như là câu truyện Kiều; sáu tám lại xen câu bảy như là truyện Chinh-phụ) khi hát thì ả-đào tùy điệu hát mà ngâm đọc thêm bớt, hay là bắt đi bắt lại cho hiệp cung bậc mà thôi.

Còn như cách hát mưỡu-nói, mưỡu-dựng, hát-thổng, nói-giở, các cung bậc ấy cũng gần giống như hát mưỡu, đặt câu trên sáu dưới tám, đại-khái cũng như các truyện quốc-âm, nhưng chỉ khác nhau tiếng hát hơi cao.

Đến như cách hát nói thì tiếng hát phân minh, kép hát thì gọi là Hà-nam, mà đào hát thì gọi là hát nói cung nam. Nay xin kể cách đặt câu hát nói như sau này:

Hát nói có mấy câu?

Hát nói mỗi bài thường đặt có 11 câu: Câu thứ 1, thứ 2 là tổng-não cả một bài; câu thứ 3, thứ 4 là thừa đề, câu thứ 5, thứ 6 thì dùng thơ ngũ-ngôn hay thất-ngôn cổ-thi, hay là thơ quốc-âm cũng được, để nói tóm nghĩa cả trong một bài; tới câu thứ 7, 8, 9, 10, là theo ý câu thứ 5, 6 mà diễn thêm nghĩa ra; câu thứ 11 thời tổng kết cả ý trong một bài ấy.

Cũng có bài đến đó lại thêm vài ba câu nữa, nhưng cũng phải theo ý trong bài ấy mà nói thêm ra; ca-công gọi là câu hát dối.

Lối đặt câu

Câu mở đầu hoặc đặt 4, 5 chữ, hay 6 chữ hay là hai câu 7 chữ giống nhau, cho tới 8 chữ mà thôi, chớ không nên dài quá. Trong câu 7, 8 chữ, hay 6 chữ phần nhiều đặt lẩy ba chữ ở trên đầu câu, gọi là câu đậu ba, để cho hiệp với dịp ba cung đờn. Tới đoạn giữa thì hoặc đặt xen hai câu thơ, hoặc đặt dồn câu 3 chữ một, hay là xen câu 7, 8 chữ, đại khái phải tùy liệu mà đặt cho hiệp khổ phách vào ba ra bảy. Tới hết bài thì hay buông thổng một câu 6 chữ, để tổng-kết lại, mà lại có dư-ý dư-hưởng về sau.