Trang:Co xuy nguyen am.pdf/116

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 107 —
5• Thương thay nhẽ, mảnh mành tơ đỏ,
6• Mười lăm năm, đôi ngả Sâm, Thương.[1]
7• Người ngẩn ngơ, nơi kim-mã ngọc-đường,
8• Kẻ ngao ngán, bước lầu-xanh, má-phấn.
9• Quân 君 hữu 有 hạp 匣 trung 中 kính 鏡,[2]
10• Thiếp 妾 hữu 有 cầm 琴 thượng 上 huyền 絃.[3]
11• Sầu pha phôi, khi ngọn nước sông Tiền,
12• Duyên nênh nổi, buổi ong già, hoa rụng.
13• Tơ nguyệt-lão xe nào có vụng?
14• Thử treo gương cho tài-tử giai-nhơn.
15• Sắc tài ai kẻ cầm cân?

Bài ca Kim, Kiều trên này đặt dài tới 15 câu, mà hai câu đầu, thì dẫn thơ thất-ngôn gióng nhau; tới câu thứ 9 thứ 10 lại dẫn hai câu thơ ngũ-ngôn, tuy rằng hơi khác hai bài trên, nhưng đại-khái những câu đặt đậu-ba, thì cũng từa tựa giống nhau cả.

Trên này là dẫn mấy bài để nói thí-dụ cho rõ lối hát nói đặt câu, hiệp-vần như vậy. Còn như đặt lời phải cho êm ái, lập ý phải cho cao xa, đã đặt theo ý nào, thì phải từ đầu tớ cuối nói cho chẩy chuốt, thì mới là hay.

Lối đặt câu mưỡu

Câu hát mưỡu đặt theo lối trên sáu dưới tám, cũng như câu trong truyện Kiều, cước-vận thì ở chữ thứ 6 câu trên, và chữ thứ 8 câu dưới; mà yêu-vận thì ở về chữ thứ 6 câu dưới; nhưng phải hiệp theo vần bằng cả, khi hát thì ả-đào thường đọc bắt đi bắt lại, thí-dụ như sau này:

Mưỡu

Con én đưa thoi,
Ngày xuân con én đưa thoi, (c)
Thiều-quang chín chục đã ngoài (y) sáu mươi. (c)


  1. Sâm, Thương là tên sao, hễ sao Sâm mọc thì sao Thương đã lặn rồi, không khi nào trông thấy nhau.
  2. Chàng có gương trong hộp, nghĩa bóng là người thông-minh biết người.
  3. Thiếp có dây trên đàn, nghĩa bóng là người tơ duyên vương nợ