Trang:Co xuy nguyen am.pdf/12

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 9 —

Nhứt, tam bất luận

Bài thí dụ trên này làm theo luật bằng, nên câu thứ nhứt: « Nhớ từ (b) năm trước (t) hãy (t) thơ (b) ngây (v). Đó là làm theo luật bằng nên câu thứ nhứt chữ thứ II (từ) phải bằng. Còn chữ thứ I đầu câu đáng lẽ cứ theo chữ thứ II thì phải dùng tiếng bằng, nhưng trắc (nhớ) cũng được; chữ thứ III đáng lẽ cứ theo chữ thứ IV thì phải dùng tiếng trắc, nhưng bằng (năm) cũng được; đó là (nhứt tam bất luận,) nghĩa là trong 8 câu thơ về những chữ thứ I, thứ III không cần đúng hẳn bằng trắc như luật; còn thì phải theo như luật cả vân vân.

Khổ-độc. — Song le theo lối thơ thường làm tuy rằng (tam bất luận,) nghĩa là chữ thứ III đáng trắc trắc mà dùng bằng trắc cũng được; chớ như đáng bằng bằng mà dùng trắc bằng, thì khó đọc mà không có âm hưởng, vậy nên gọi là khổ-độc, cũng không được.

Làm thơ trước phải lập ý, cùng những câu nên đối, câu không nên đối

Làm thơ trước hết phải lập ý, thí dụ như bài thơ trên này là vịnh cảnh già, thứ I là câu phá-đề, nên mới nói lại từ thủa trẻ, để lung động ý đề lên trước; tới câu thứ II là câu nhập-đề, mới chuyển tới cảnh già, hai câu đó không phải đối cũng được.

Câu thứ III, thứ IV thì lấy mái tóc lốm đốm đối với hàm răng lung lay, là thực tả cảnh già, hai câu đó phải đối với nhau.

Thứ V, thứ VI thì nói tới già phải đeo kính đối với già phải chống gậy, là bàn rộng thêm ra cho rõ ý cảnh già, hai câu đó cũng đối với nhau.

Thứ VII, thứ VIII là tổng kết ý bài, mà nói đến già phải giã giầu, thì thực là chán cảnh già lắm, nhưng lại có ý bóng rằng chán những sự nói chầy, nói cối, hai câu đó thì không phải đối.