Trang:Co xuy nguyen am.pdf/13

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 10 —

Đó là tả cảnh già mà lập ý bài diễn ra như vậy, giá mà vịnh mùa xuân thì lại tả cảnh mát mẻ; vịnh mùa hè thì lại tả cảnh nòng nực; vịnh lúc vui thì tả tình phong nhã; vịnh lúc buồn thì tả tình rầu rĩ; đầu bài thế nào thì tùy ý mà thích thực, bàn luận ra thế ấy. Nhưng trước hết phải lập ý, rồi sau dàn ra mà làm, ý nào nên trước thì để trước, ý nào nên sau thì để sau, đại-khái xem như bài đã thí dụ ở trên.

Thí dụ luật trắc

Qua đèo Ngang tức cảnh

(Bà Thanh-quan)

Qua đỉnh đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom-khom dưới núi tiều và chú,
Lác-đác bên sông chợ mấy nhà.
Luyến chúa đau lòng con quốc-quốc,
Thương người[1] mỏi miệng cái gia-gia.[2]
Dừng chơn đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Bài thí dụ này là làm theo luật trắc, nên câu đầu: « Qua đỉnh (t) đèo Ngang (b) bóng (t) xế (t) tà (v). Đó là làm theo luật trắc nên câu thứ nhứt chữ thứ II (đỉnh) phải trắc. Còn chữ thứ I đầu câu đáng lẽ cứ theo chữ thứ II thì phải dùng tiếng trắc, nhưng bằng (qua) cũng được, xem như lối (nhứt bất luận) đã nói ở trên thì hiểu. Còn những chữ thứ III, IV, V, VI, VII, dùng tiếng bằng, tiếng trắc, đều phải theo luật cả như đã kể ở trên.


  1. Có bản là chữ nhà.
  2. Là con gà sọc ở rừng, thường gọi là con Đa-đa, hay kêu tiếng « Hành bất đắc giã kha kha ».