Trang:Co xuy nguyen am.pdf/17

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 14 —

Ý chỉnh đối. — Trong bài thơ có ý chính là chủ thì lại đối với chủ; ý bàng-thấn[1] là khách thì lại đối với khách, chớ không nên chủ đối với khách; thí dụ như tả cảnh Hà-nội, thì lại lấy cảnh núi sông Hà-nội, núi Nùng đối với sông Nhị, thế là chủ đối với chủ. Nếu đang nói cảnh núi Nùng Hà-nội, mà lại bàng-thấn đối với non Tản Sơn-tây, thế là chủ đối với khách, không được.

Hay là vịnh Tây-hồ thì dẫn tích: « Vực Trâu Vàng, »[2] đối với « non Phụng Đất, »[3] thế là chủ đối với chủ; nếu câu trên đang tả cảnh non Phụng-Đất ở Tây-hồ, mà câu dưới lại bàng-thấn đối với vũng Rùa-Vàng là tích hồ Hoàn-kiếm, thế cũng là chủ đối với khách, không được.

Chữ chỉnh đối. — Còn như chữ thì phải cân nhắc tiếng nặng đối với tiếng nặng; tiếng nhẹ lại đối với tiếng nhẹ, đại khái như « xanh om » đối với « trắng xóa », « hồng » đối với « lục », « ngàn thông » đối với « dặm liễu » vân vân, thí dụ như sau này:

Cảnh chiều
(Bà Thanh-quan)

Mặt trời xê xế buổi hoàng-hôn,
Tiếng ốc xa đưa tiếng trống đồn.
Gác mái, ngư-ông về viễn-phố,[4]
Gõ sừng, mục-tử lại cô-thôn.[5]
Ngàn thông xào-xạc chim bay mỏi,
Dặm liễu cheo-leo khách bước giồn.
Nọ kẻ đường dài, người lữ-thứ,
Với ai mà giãi nỗi hàn, ôn?


  1. Là dẫn dụ cho rộng thêm ý ra.
  2. Truyền rằng có con trâu vàng tự bên Tàu chạy sang, lặn xuống Tây-hồ.
  3. Đất Tây-hồ có cách phụng hoàng ẩm thủy.
  4. Là ông lão đánh cá bơi thuyền về bến xa.
  5. Là thằng bé chăn trâu cưỡi trâu về xóm hẻo lánh.