Trang:Co xuy nguyen am.pdf/20

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 17 —

Ngẫu hứng (Yên-đổ)

Tháng ngày thấm-thoắt tựa chim bay,
Ông ngẫm mình ông, nghĩ cũng hay.
Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ,
Răng long ngày trước hãy còn đây.
Câu thơ được chửa, thưa rằng được,
Chén rượu say rồi, nói chửa say.
Kẻ ở trên đời lo lắng cả,
Nghĩ ra ông sợ cái ông này.

Câu luận dùng chữ trùng nhau. — Bài trên này câu thứ V hai chữ (được), câu thứ VI đối lại phải dùng hai chữ (say), trùng chữ như thế cũng được; nhưng không nên trùng với những chữ câu khác.

Cú điệu

Lại còn như điệu câu cũng phải hoán-điệu mà đặt cho khác nhau, xem như những câu thơ dẫn thí dụ ở trên mỗi câu một khác thì hiểu; chớ không nên điệu hai câu luận cũng giống như điệu hai câu thực, thì gọi là (điệp-điệu), thí dụ điệu hai câu thực đặt như thế này:

Gió quốn bụi hồng lầm mặt đất,
Mây trùm cây biếc ngất phương trời.

Mà điệu hai câu luận lại đặt như thế này:

Chim về dưới cỗi ngừng tin nhạn,
Trăng lẩn vườn hoa ngỡ bóng người.

Những chữ đầu hai câu trên: (Gió quốn) (mây trùm), toàn là những chữ tiếng nặng (gió mây), mà âm hưởng bằng phẳng, đặt ở đầu câu, đó là điệu bình-đầu; tới đầu hai câu dưới: (Chim về) (trăng lẩn), cũng là một điệu bình-đầu cả.

Còn như ba chữ sáp-cước ở dưới: (Lầm mặt đất) (ngất phương trời) (ngừng tin nhạn) (ngỡ bóng người) cùng theo một điệu bình-cước cả, nghĩa là những chữ cuối câu đều đặt tiếng nặng bằng phẳng giống nhau, đó là điệp-điệu, phải nên kiêng kỵ.

Xem thế thì biết lối thơ là khó, vì chỉ có 7 chữ hay 5 chữ, mà nói sao cho đủ ý, lại phải có cú-điệu, có luật-cách, có hiệp vần vân vân, phải biết đủ cả các lối thì mới làm hay được.