Trang:Cong bao Chinh phu 1061 1062 nam 2017.pdf/4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
5
CÔNG BÁO/Số 1061 + 1062/Ngày 29-12-2017


18. Cơ cấu lại nợ là việc thực hiện các nghiệp vụ nhằm thay đổi điều kiện của khoản nợ, cơ cấu lại một phần hoặc toàn bộ các khoản nợ trong danh mục nợ công, bao gồm chuyển nhượng, chuyển đổi sở hữu, khoanh nợ, xóa nợ, mua lại nợ, gia hạn nợ, hoán đổi nợ hoặc các nghiệp vụ cơ cấu nợ khác theo quy định của pháp luật.

19. Cho vay lại là việc Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vay lại nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

20. Bảo lãnh Chính phủ là cam kết của Chính phủ bằng văn bản bảo lãnh với bên cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ.

21. Hạn mức bảo lãnh Chính phủ là mức bảo lãnh tối đa của Chính phủ trong 01 năm hoặc 05 năm, được xác định bằng số tiền vay thực nhận trừ số trả nợ gốc.

22. Rủi ro đối với danh mục nợ công là khả năng xảy ra tổn thất hoặc làm gia tăng nợ công.

Điều 4. Phân loại nợ công

1. Nợ Chính phủ bao gồm:

a) Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ;

b) Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài;

c) Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

2. Nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm:

a) Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh;

b) Nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.

3. Nợ chính quyền địa phương bao gồm:

a) Nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương;

b) Nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;

c) Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.