Bước tới nội dung

Trang:Cong bao Chinh phu 1183 1184 nam 2020.pdf/40

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
41
CÔNG BÁO/Số 1183 + 1184/Ngày 24-12-2020


Mục 4
HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG SAU KHI VỀ NƯỚC

Điều 60. Hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạo việc làm và khởi nghiệp; kết nối Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với Cơ sở dữ liệu thị trường lao động để người sử dụng lao động, người lao động tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin và tìm kiếm việc làm phù hợp.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ người lao động của địa phương; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để người lao động có thể sử dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ nghề nghiệp.

3. Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động để người lao động lựa chọn việc làm phù hợp với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ nghề nghiệp được tích lũy sau quá trình làm việc ở nước ngoài.

4. Doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.

Điều 61. Hỗ trợ hòa nhập xã hội

Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ người lao động sau khi về nước tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện nhằm hòa nhập xã hội.


Chương IV
BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG NGHỀ, NGOẠI NGỮ, GIÁO DỤC ĐỊNH HƯỚNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 62. Mục đích bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng

Bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài để có kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cơ bản về pháp luật và kiến thức cần thiết khác phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước.