Trang:Cong bao Chinh phu 1239 1240 nam 2015.pdf/61

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
62
CÔNG BÁO/Số 1239 + 1240/Ngày 28-12-2015


đ) Chủ tọa phiên họp tóm tắt ý kiến phát biểu tại phiên họp;

e) Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội biểu quyết về việc xem xét văn bản quy phạm pháp luật khi xét thấy cần thiết.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội kiến nghị cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, cá nhân phải xem xét, thực hiện và thông báo cho Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội biết.

Quá thời hạn này mà cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản không thực hiện kiến nghị hoặc thực hiện không đáp ứng với yêu cầu thì Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đình chỉ thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản đó theo thẩm quyền.

5. Kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật phải được báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trường hợp cần thiết, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 41. Giám sát chuyên đề của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

1. Căn cứ vào chương trình giám sát, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quyết định thành lập Đoàn giám sát chuyên đề theo đề nghị của Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội.

Quyết định thành lập Đoàn giám sát phải xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Đoàn giám sát do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội làm Trưởng đoàn, có ít nhất ba thành viên Hội đồng dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội tham gia, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương nơi Đoàn tiến hành giám sát. Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan có thể được mời tham gia hoạt động của Đoàn giám sát. Cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện cho người được mời tham gia hoạt động của Đoàn giám sát.

2. Đoàn giám sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng đề cương báo cáo để cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát báo cáo;

b) Thông báo nội dung, kế hoạch, đề cương báo cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội nơi tiến hành giám sát chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thành lập Đoàn giám sát; thông báo chương trình và thành phần Đoàn giám sát chậm nhất là 10 ngày trước ngày Đoàn bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát;