Trang:Cong bao Chinh phu 1261 1262 nam 2015.pdf/43

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
44
CÔNG BÁO/Số 1261 + 1262/Ngày 30-12-2015


gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân thuộc địa phương mình bên cạnh tên người đó cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Điều 30. Khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân

1. Việc xác định khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì việc xác định khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân do Ủy ban nhân dân huyện quyết định.

2. Mỗi khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân có từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Ở miền núi, vùng cao, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có đủ ba trăm cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

3. Các trường hợp có thể thành lập khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân riêng gồm:

a) Đơn vị vũ trang nhân dân;

b) Bệnh viện, nhà an dưỡng, nhà hộ sinh, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ năm mươi cử tri trở lên;

c) Cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại tạm giam.


Chương V
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ TRƯNG CẦU Ý DÂN

Điều 31. Mục đích, nguyên tắc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân

1. Việc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, đúng đắn về vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân để cử tri hiểu rõ ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân, nội dung trưng cầu ý dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân; động viên, khuyến khích cử tri tham gia tích cực vào việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

2. Việc thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, khoa học, đúng pháp luật, thuận lợi cho cử tri và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Điều 32. Nội dung thông tin, tuyên truyền về trưng cầu ý dân

1. Sự cần thiết của việc trưng cầu ý dân; mục đích, quan điểm trưng cầu ý dân.

2. Nội dung trưng cầu ý dân; các phương án, giải pháp để thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

3. Đối tượng, phạm vi tác động của vấn đề trưng cầu ý dân.

4. Thời gian tổ chức trưng cầu ý dân.

5. Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia trưng cầu ý dân.