Bước tới nội dung

Trang:Cong bao Chinh phu 1519 1520 nam 2024.pdf/50

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
51
CÔNG BÁO/Số 1519 + 1520/Ngày 29-12-2024


Điều 17. Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê và ghi danh

1. Di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh vào Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể và các danh sách của UNESCO phải có biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị sau ghi danh và thực hiện việc báo cáo theo quy định của pháp luật và quy định, hướng dẫn của UNESCO.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh trên địa bàn sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đối với di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã trình hồ sơ khoa học ghi danh, ghi danh bổ sung di sản văn hóa phi vật thể chủ trì xây dựng, lấy ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại trước khi phê duyệt hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từng địa phương xây dựng, phê duyệt đề án riêng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh; hướng dẫn báo cáo; xây dựng và gửi các báo cáo quốc gia theo yêu cầu của UNESCO.

5. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 18. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền

1. Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền được xác định theo một trong các tiêu chí sau đây:

a) Khả năng tồn tại, thực hành và trao truyền trong cộng đồng chủ thể đang bị ngăn cản hoặc đe dọa, khó có khả năng phục hồi và có thể bị biến mất;

b) Số lượng nghệ nhân giảm mạnh, suy giảm người thực hành và thế hệ kế cận;

c) Suy giảm, biến đổi điều kiện và hình thức thực hành;

d) Không gian văn hóa liên quan, môi trường thực hành di sản văn hóa phi vật thể bị thu hẹp hoặc biến mất.