Bước tới nội dung

Trang:Cong bao Chinh phu 1537 1538 nam 2024.pdf/32

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
33
CÔNG BÁO/Số 1537 + 1538/Ngày 30-12-2024


2. Trường hợp bị can đang bị tạm giam thì Chánh án, Phó Chánh án xem xét, quyết định việc tiếp tục tạm giam hoặc hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của Luật này và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn là cho đến khi Tòa án công bố quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

3. Quyết định mở phiên họp, thành phần phiên họp, thời gian mở phiên họp, hoãn phiên họp, biên bản phiên họp và việc yêu cầu bổ sung tài liệu được thực hiện theo quy định tương ứng tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 64, Điều 65, khoản 4, khoản 5 Điều 66 và Điều 67 của Luật này.

4. Trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp phải kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án yêu cầu tham dự phiên họp; nếu có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do và báo cáo Thẩm phán để xem xét tiếp tục tiến hành phiên họp hoặc hoãn phiên họp. Thủ tục phiên họp được tiến hành như sau:

a) Thẩm phán khai mạc phiên họp;

b) Đại diện cơ quan đề nghị trình bày nội dung đề nghị;

c) Người làm công tác xã hội trình bày kế hoạch xử lý chuyển hướng;

d) Người chưa thành niên là bị can, người đại diện, người bào chữa của họ trình bày ý kiến;

đ) Những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ các vấn đề có liên quan;

e) Thẩm phán hỏi đại diện cơ quan đề nghị, người chưa thành niên là bị can, người đại diện của họ và những người khác tham gia phiên họp để làm rõ các vấn đề có liên quan;

g) Người chưa thành niên là bị can, người đại diện, người bào chữa của họ tranh luận các vấn đề có liên quan. Việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của Thẩm phán. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Thẩm phán không được hạn chế thời gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho họ tranh luận, trình bày hết ý kiến; có quyền yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan và ý kiến lặp lại;

h) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến;

i) Thẩm phán quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng hoặc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng nếu xét thấy người chưa thành niên thuộc trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc tịch thu tài sản và công bố nội dung quyết định ngay tại phiên họp.