Trang:Cong bao Chinh phu 285 286 nam 2019.pdf/27

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
28
CÔNG BÁO/Số 285 + 286/Ngày 10-3-2019


2. Phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa[1] bao gồm công trình và hành lang bảo vệ công trình, phần trên không, phần dưới mặt đất có liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Điều 15. Bảo vệ luồng

1. Phạm vi bảo vệ luồng bao gồm luồng, hành lang bảo vệ luồng và phần trên không, phần đất liên quan đến an toàn của luồng và an toàn giao thông vận tải đường thủy nội địa.

2. Mọi vật chướng ngại trong phạm vi bảo vệ luồng phải được thanh thải hoặc xử lý theo quy định tại Điều 16 và Điều 20 của Luật này.

3. Chủ đầu tư công trình hoặc tổ chức, cá nhân thi công công trình, khai thác khoáng sản trong phạm vi bảo vệ luồng phải tuân theo các quy định sau đây:

a) Khi lập dự án xây dựng công trình, khai thác khoáng sản phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa;

b) Khi xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình cầu đường bộ, cầu đường sắt hoặc công trình khác qua luồng phải bảo đảm chiều cao, chiều rộng khoang thông thuyền, độ sâu an toàn của đáy luồng theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật tuyến đường thủy nội địa được xác định trong quy hoạch đã công bố;

c) Trước khi thi công công trình hoặc khai thác khoáng sản phải có phương án bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa chấp thuận bằng văn bản;

d) Khi hoàn thành công trình hoặc kết thúc việc khai thác khoáng sản phải thanh thải vật chướng ngại do xây dựng công trình, khai thác khóang sản gây ra và được đơn vị quản lý đường thủy nội địa phụ trách khu vực xác nhận giao thông trên luồng được bảo đảm như trước khi thi công công trình, khai thác khoáng sản; bàn giao hồ sơ công trình liên quan đến phạm vi bảo vệ luồng cho đơn vị quản lý đường thủy nội địa;

đ) Bồi thường thiệt hại phát sinh liên quan đến phạm vi bảo vệ luồng do thi công công trình hoặc khai thác khoáng sản gây ra;

e)[2] Chủ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc đại diện chủ công trình thủy lợi, thủy điện khi vận hành công trình phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật.


  1. Cụm từ “kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa” được thay bằng cụm từ “kết cầu hạ tầng đường thủy nội địa” theo quy định tại khoản 7 Điều 4 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
  2. Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Luật số 48/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.