Trang:Cong bao Chinh phu 333 334 nam 2020.pdf/60

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
62
CÔNG BÁO/Số 333 + 334/Ngày 02-4-2020


Điều 83. Thủ tục từ chối giám định, phiên dịch hoặc đề nghị thay đổi người giám định, người phiên dịch

1. Việc từ chối giám định, phiên dịch hoặc đề nghị thay đổi người giám định, người phiên dịch trước khi mở phiên tòa, phiên họp phải được lập thành văn bản nêu rõ lý do của việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi.

2. Việc từ chối giám định, phiên dịch hoặc đề nghị thay đổi người giám định, người phiên dịch tại phiên tòa, phiên họp phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp.

Điều 84. Quyết định việc thay đổi người giám định, người phiên dịch

1. Trước khi mở phiên tòa, phiên họp, việc thay đổi người giám định, người phiên dịch do Chánh án Tòa án quyết định.

2. Tại phiên tòa, phiên họp, việc thay đổi người giám định, người phiên dịch do Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số.

Trường hợp phải thay đổi người giám định, người phiên dịch thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự ra quyết định hoãn phiên tòa, phiên họp. Việc trưng cầu người giám định khác hoặc thay người phiên dịch khác được thực hiện theo quy định tại Điều 79 và Điều 81 của Bộ luật này.

Điều 85. Người đại diện

1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.

3. Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.