Trang:Cong bao Chinh phu 337 338 nam 2020.pdf/1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
2
CÔNG BÁO/Số 337 + 338/Ngày 02-4-2020


VĂN BẢN PHÁP LUẬT KHÁC

VĂN BẢN HỢP NHẤT - VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-VPQH ngày 16 tháng 12 năm 2019
hợp nhất Bộ Luật Tố tụng dân sự

(Tiếp theo Công báo số 335 + 336)

Phần thứ sáu
THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ

Chương XXIII
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ

Điều 361. Phạm vi áp dụng

Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự.

Điều 362. Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự

1. Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền quy định tại Mục 2 Chương III của Bộ luật này.

Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.