Trang:Cong bao Chinh phu 345 346 nam 2016.pdf/11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
12
CÔNG BÁO/Số 345 + 346/Ngày 21-5-2016


trong thời hạn 60 ngày trong trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Nội dung thẩm định điều ước quốc tế bao gồm:

a) Tính hợp hiến;

b) Mức độ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế;

d) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.

3. Trong trường hợp điều ước quốc tế do Bộ Tư pháp đề xuất ký, điều ước quốc tế đề xuất ký còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc có nội dung quan trọng, phức tạp thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định điều ước quốc tế.

Thành phần của Hội đồng thẩm định điều ước quốc tế bao gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 21. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế

1. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế bao gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định điều ước quốc tế, trong đó có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này;

b) Dự thảo tờ trình Chính phủ về đề xuất ký điều ước quốc tế;

c) Báo cáo đánh giá sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam;

d) Ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức có liên quan;

đ) Văn bản điều ước quốc tế.

2. Số lượng hồ sơ gửi thẩm định là năm bộ.

Mục 3
ỦY QUYỀN ĐÀM PHÁN, KÝ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, ỦY NHIỆM THAM DỰ HỘI NGHỊ QUỐC TẾ

Điều 22. Ủy quyền, ủy nhiệm

1. Trưởng đoàn đàm phán, người ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước phải được Chủ tịch nước ủy quyền bằng văn bản.

2. Trưởng đoàn đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ phải được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền bằng văn bản. Người ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ phải được Chính phủ ủy quyền bằng văn bản.

3. Trưởng đoàn tham dự hội nghị quốc tế phải được Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm bằng văn bản.