Bước tới nội dung

Trang:Cong bao Chinh phu 345 346 nam 2016.pdf/2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
3
CÔNG BÁO/Số 345 + 346/Ngày 21-5-2016



QUỐC HỘI
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Luật số: 108/2016/QH13

LUẬT
ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật điều ước quốc tế.

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về việc ký kết, bảo lưu, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, lưu chiểu, lưu trữ, sao lục, đăng tải, đăng ký và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.

2. Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Bên ký kết nước ngoài là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác được công nhận là chủ thể của pháp luật quốc tế.

4. Tổ chức quốc tế là tổ chức liên chính phủ.

5. Ký kết là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.

6. là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện, bao gồm ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt và ký điều ước quốc tế phải phê chuẩn hoặc phê duyệt.