2. Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 của Luật này, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
3. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.
Điều 149. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
Hồ sơ đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
1. Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định.
2. Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng.
3. Bản gốc văn bằng bảo hộ đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.
4. Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung.
5. Chứng từ nộp phí, lệ phí.
6. Giấy ủy quyền nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện.
Điều 150. Xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
Trình tự, thủ tục tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp do Chính phủ quy định.
Chương XI
ĐẠI DIỆN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Điều 151. Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp
1. Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bao gồm:
a) Đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;
b) Tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp;
c) Các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp.