Trang:Cong bao Chinh phu 407 408 nam 2013.pdf/26

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
28
CÔNG BÁO/Số 407 + 408/Ngày 13-7-2013


d) Lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các cấp học;

đ) Tổ chức diễn đàn về phòng, chống thiên tai để tham vấn rộng rãi về chính sách, pháp luật, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai.

3. Trách nhiệm thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai được quy định như sau:

a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống phát thanh, truyền hình, truyền thông và hệ thống truyền tin khác để thu thập, truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai của tổ chức, cá nhân và cộng đồng; tổ chức thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai;

b) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai;

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn việc lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các cấp học;

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình, đề án về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng;

đ) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tham gia vào hoạt động thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai; trang bị thiết bị tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai.

Điều 22. Phương án ứng phó thiên tai

1. Phương án ứng phó thiên tai được xây dựng dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Các loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng xảy ra tại địa phương và lĩnh vực quản lý;

b) Năng lực ứng phó thiên tai của tổ chức, cá nhân;

c) Khả năng phối hợp và hỗ trợ của các lực lượng và chính quyền các cấp.

2. Phương án ứng phó thiên tai bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm;

b) Sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất;

c) Bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc;

d) Phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

đ) Nguồn nhân lực ứng phó thiên tai;

e) Dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm.

3. Phương án ứng phó thiên tai được xây dựng ở địa phương, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức khác; phương án ứng phó thiên tai được rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm.